Câu chuyện phi thường đằng sau bức tượng nổi tiếng bậc nhất nước Mỹ
Sau quá trình vượt nhiều chông gai, Tượng Nữ Thần Tự Do đã được ra đời và tạo nên một cuộc cách mạng lịch sử trong cách xây dựng các tòa nhà chọc trời.
Nặng 225 tấn. Cao 92 mét. Có trung bình hơn 3 triệu du khách mỗi năm. Đó là những con số choáng ngợp về Tượng Nữ Thần Tự Do, một kiệt tác nghệ thuật và biểu tượng kiến trúc vĩ đại của thế kỷ 19. Đằng sau bức tượng này còn là câu chuyện phi thường về một nghệ sĩ vô danh và hành trình đầy thử thách để biến ước mơ thành hiện thực.
Cùng với những cộng sự tài ba, ông đã tạo nên một thiết kế và cấu trúc không tưởng cho Tượng Nữ Thần Tự Do. Từ đây, một cuộc cách mạng lịch sử đã ra đời, qua đó thay đổi hoàn toàn quá trình xây dựng những công trình đồ sộ trên toàn thế giới.
Liệu nguồn cảm hứng nào đã thôi thúc người nghệ sĩ này sáng tạo nên Tượng Nữ Thần Tự Do? Quá trình thi công từng gặp phải những khó khăn gì? Và bí mật nào ẩn chứa bên trong cấu trúc độc đáo của bức tượng?
Trong bài viết này, hãy cùng nhau khám phá hành trình ra đời đặc biệt của Tượng Nữ Thần Tự Do nhé.
Ý tưởng hình thành và sự từ chối ở Ai Cập
Trước hết, dù là biểu tượng lịch sử của người Mỹ nhưng thực tế, Tượng Nữ Thần Tự Do đã được ra đời ở nơi cách Hoa Kỳ đến gần 6,000 km. Tại Pháp vào đầu những năm 1870, một ý tưởng táo bạo được hình thành. Theo đó, chính phủ Pháp quyết định sẽ tặng một bức tượng cho nước Mỹ như minh chứng về tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Món quà này đồng thời cũng để kỷ niệm 100 năm thành lập Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, người được chọn để thực hiện dự án này lại là một nghệ sĩ chẳng mấy nổi bật tên Frederic Auguste Bartholdi. Đây sẽ là nhân vật chính của toàn bộ câu chuyện về Tượng Nữ Thần Tự Do.
Nhưng bấy giờ, khi đã ngoài 30 tuổi, Bartholdi vẫn chưa có bất kỳ tác phẩm nào thực sự vươn tầm. Có chăng, điểm đặc biệt nhất ở người đàn ông này là niềm đam mê mãnh liệt với những công trình có kích thước không tưởng.
Năm 1855, nhờ mối quan hệ của gia đình, Bartholdi đã có cơ hội thực hiện tác phẩm điêu khắc cho một triển lãm chính phủ. Bức tượng sẽ mô tả về một vị anh hùng chiến tranh từ thời Napoleon. Bartholdi dồn mọi tâm huyết và miệt mài sáng tạo ngày đêm. Cuối cùng, tác phẩm cũng được hoàn thành, nhưng nó lại vô tình có kích thước quá khổ vượt xa so với dự tính ban đầu. Vì không có chỗ đủ lớn trong phòng trưng bày, ban tổ chức buộc phải đặt bức tượng tại cổng chào của triển lãm. Điều này vô tình biến nó thành tâm điểm chú ý và thu hút sự tò mò của đông đảo du khách.
Bartholdi sau sự tình cờ này đã nhận ra: chỉ cần xây được một thứ gì đó lớn hơn bình thường, thành quả của bạn sẽ được người khác quan tâm. Từ đó trở đi, ông ấp ủ giấc mơ về việc tạo ra một tác phẩm thật sự to lớn và vĩ đại.
Cơ hội đầu tiên để hiện thực hóa ý tưởng này không xuất phát ở Mỹ, mà nó đến từ Ai Cập. Đây là kênh đào Suez, dự án quan trọng hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn bản đồ giao thương thế giới lúc bấy giờ. Bartholdi tin rằng một bức tượng hoành tráng tại cổng chào sẽ là biểu tượng xứng tầm cho công trình vĩ đại này. Bản vẽ của ông mô tả bức tượng về người phụ nữ nô lệ cổ đại giơ cao ngọn đuốc, tượng trưng cho tinh thần đổi mới và tự do của Ai Cập.
Nhưng đó chỉ là ý tưởng riêng của Bartholdi. Còn người quản lý dự án kênh đào Suez, ông Ferdinand de Lessep lại không nghĩ như vậy. De Lessep cho rằng việc xây dựng thêm một bức tượng là tốn kém và không cần thiết , đặc biệt khi dự án kênh đào đã tiêu tốn quá nhiều kinh phí. Sự từ chối này là một thất vọng lớn đối với Bartholdi. Nhưng nó cũng khơi dậy trong ông sự quyết tâm để chứng tỏ bản thân mình.
Và cơ hội thứ 2 đã đến từ dự án ở nước Mỹ xa xôi, nơi mà Bartholdi còn chưa từng đặt chân đến. Năm 1871, Bartholdi lần đầu tới Hoa Kỳ với hành trang duy nhất là lá thư giới thiệu của một chính trị gia người Pháp. Không kinh nghiệm, không tiền bạc, không lịch trình, Bartholdi vẫn có niềm tin mãnh liệt vào dự án với bức tượng khổng lồ. Ấy vậy mà sau nhiều buổi gặp gỡ với những nhân vật quan trọng, bao gồm cả Tổng thống Ulysses S. Grant, Bartholdi thực sự đã có được cái gật đầu của Hoa Kỳ. Theo đó, người Pháp sẽ tài trợ tiền để xây dựng bức tượng, còn địa điểm và kinh phí để xây bệ đỡ sẽ do người Mỹ đảm đương.
Thiết kế và cấu trúc ban đầu
Trở về Pháp sau khi dự án chính thức được phê duyệt, Bartholdi mang nguyên ý tưởng dang dở ở Ai Cập để làm hình mẫu cho bức tượng mới sắp triển khai. Hình ảnh người phụ nữ với áo choàng và ngọn đuốc vẫn còn đó. Nhưng giờ đây, những chi tiết sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của xứ sở cờ hoa.
Ông bổ sung 7 tia sáng trên vương miện tượng trưng cho vầng hào quang mặt trời. Bức tượng theo đó cũng được đặt tên chính thức là "Nữ Thần Tự Do Soi Sáng Thế Giới. Chỉ từ sau năm 1924, cái tên mới là “Tượng Nữ Thần Tự Do” mới được sử dụng cho đến tận ngày nay.
Bên cạnh đó, Bartholdi cũng lược bỏ chi tiết sợi dây xích bị đứt bên tay trái. Đây vốn là hình ảnh tượng trưng cho việc bãi bỏ chế độ nô lệ tại Mỹ. Tuy nhiên, Bartholdi nhận ra rằng chi tiết này có thể gợi nhắc đến sự chia rẽ và xung đột của cuộc Nội chiến. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ông quyết định để Nữ Thần Tự Do cầm tấm đá phiến khắc ghi ngày Độc lập của Hoa Kỳ, một biểu tượng trưng cho sự khởi đầu mới tươi sáng và tốt đẹp hơn. Sợi dây xích bị đứt vẫn được giữ lại, nhưng nó trở thành tiểu tiết được giấu kín dưới chân bức tượng và chỉ còn nhìn thấy nếu quan sát từ trên cao.
Khuôn mặt Nữ Thần Tự Do cũng là điểm nhấn mang đến nhiều tranh luận. Liệu đây là khuôn mặt của đàn ông hay phụ nữ? Ai là người đã truyền cảm hứng cho Bartholdi tạo nên khuôn mặt này? Bartholdi chưa bao giờ tiết lộ câu trả lời chính xác cho công chúng.
Điều này dẫn đến hai luồng ý kiến trái ngược cho đến tận ngày nay. Một bên cho rằng Bartholdi lấy cảm hứng từ mẹ ông để tạc nên khuôn mặt của Nữ Thần Tự Do. Giả thuyết còn lại tập trung đến một thành viên khác trong gia đình. Theo đó, họ tin chính người anh trai tên Charles mà Bartholdi thường thăm nom trong trại tâm thần mới là nguyên tác thực sự.
Sau khi hoàn thành bản phác thảo, Bartholdi cần sự hỗ trợ của một kiến trúc sư tài ba để biến thiết kế của mình thành hiện thực. Không ai phù hợp hơn Eugene Viollet-le-Duc, người thầy đã dạy dỗ và đào tạo chính Bartholdi. Viollet-le-Duc được biết đến với kinh nghiệm phục chế các tòa nhà nổi tiếng thời Trung cổ của Pháp, trong đó có Nhà thờ Đức Bà Paris.
Giải pháp mà ông đề xuất là xây một cột trụ bằng gạch ở bên trong, sau đó đó bọc lớp vỏ ngoài bằng đồng, thứ kim loại phổ biến và nhẹ nhất thời bấy giờ. Vậy nên Tượng Nữ Thần Tự Do ban đầu sở hữu vẻ ngoài với màu đỏ nâu. Chỉ sau quá trình oxy hóa tự nhiên trong vài chục năm, bức tượng mới chuyển qua màu xanh ngọc bích đặc trưng như hiện nay.
Những tấm đồng ban đầu sẽ được tạo hình bằng một kỹ thuật truyền thống đòi hỏi sự khéo léo và độ tinh tế cao có tên "repoussé". Kỹ thuật repoussé bao gồm việc làm nóng tấm đồng, sau đó đặt lên khuôn gỗ và đập bằng búa để tạo hình ra các đường nét theo khuôn. Nhờ áp dụng kỹ thuật này, những tấm đồng dày được ép mỏng xuống chỉ còn 2,4 mm, qua đó góp phần giảm tải trọng cho bức tượng khổng lồ.
Sự hiện diện của Gustave Eiffel - Kiến trúc đột phá ra đời
Những tưởng giải pháp của Viollet-le-Duc sẽ được áp dụng nhưng một biến cố bất ngờ đã xảy ra. Tháng 9 năm 1879, Viollet-le-Duc đột ngột qua đời ở tuổi 65 khiến dự án buộc phải dừng lại trong nhiều tháng. Mất đi người đồng hành quan trọng, Bartholdi giờ đây phải nhờ cậy đến một vị cứu tinh khác.
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, người đàn ông này cuối cùng đã xuất hiện. Tên ông ấy là Alexandre Gustave Eiffel. Hầu hết chúng ta biết đến vị kiến trúc sư này thông qua địa điểm cùng tên nổi tiếng, tòa tháp Eiffel ở Paris, Pháp. Nhưng thực tế, phải đến năm 1887, tháp Eiffel mới thực sự được khởi công xây dựng. Còn vào thập kỷ trước đó, Gustave Eiffel được biết đến với việc xây những cây cầu hiện đại và tốt nhất châu Âu.
Tuy vậy, ông cũng chưa từng có kinh nghiệm với một công trình khổng lồ và đặc biệt như Tượng Nữ Thần Tự Do. Cấu trúc trước đó của Viollet-le-Duc vẫn đang vấp phải nhiều nghi ngờ về tính hiệu quả và độ bền vững. Với chiều cao vượt trội và hình dáng đặc biệt, Tượng Nữ Thần Tự Do có rất nhiều nguy cơ bị gãy đổ nếu không được xây dựng thật sự kiên cố. Vậy nên, Gustave Eiffel cần phải có phương án mới để đảm bảo chắc chắn rằng thảm họa sẽ không bao giờ xảy ra. Ông cuối cùng đã đề xuất một ý tưởng vô cùng táo bạo.
Vốn nổi danh nhờ những cây cầu giàn sắt, Gustave Eiffel rất hiểu đặc tính của những công trình mà ông tạo ra. Những cây cầu này có khả năng chịu tải vô cùng lớn. Xe cộ tấp nập đi qua hằng ngày nhưng chúng vẫn chẳng hề hấn gì. Và nếu thử lấy một cây cầu rồi dựng thẳng lên, nó ngay lập tức sẽ trở thành một bộ khung sắt cực kỳ chắc chắn cho bức tượng.
Vậy là Gustave Eiffel quyết định thiết kế nên một trụ sắt trung tâm cao đến 28 mét. Để dễ hình dung, nó đóng vai trò như cột sống của Tượng Nữ Thần Tự Do. Không phải bề mặt bên ngoài mà chính dàn khung sắt chắc chắn bên trong sẽ là cấu trúc chịu tải chính.
Từ cột tháp trung tâm, các dầm đỡ nhỏ hơn được phân nhánh và tạo thành mạng lưới hỗ trợ dày đặc. Mạng lưới này giúp phân tán trọng lượng của bức tượng đồng khổng lồ, qua đó tạo ra được sự ổn định và an toàn cần thiết. Cụ thể, Tượng Nữ Thần Tự Do có thể lắc lư nhẹ nhàng trong gió, tối đa lên đến 12 cm ở phần chóp. Đồng thời, hệ thống khung sắt cũng tạo ra khoảng trống giữa lớp vỏ đồng và phần lõi bên trong. Từ đấy giúp bức tượng thông gió tốt hơn cũng như hạn chế được sự ăn mòn và các tác động từ thời tiết.
Giải pháp mới này của Gustave Eiffel là bước ngoặt cho dự án Tượng Nữ Thần Tự Do. Giờ đây, bản thiết kế độc đáo của Bartholdi đã có cơ sở hoàn hảo và chắc chắn để được hoàn thành trong thực tế. Không chỉ vậy, có lẽ chính Gustave Eiffel lúc bấy giờ cũng không hình dung được rằng, phát kiến của ông sẽ làm thay đổi toàn bộ thế giới trong tương lai. Một cuộc cách mạng trong ngành kiến trúc sẽ được tạo ra. Kéo theo là sự ra đời của một loại hình công trình hoàn toàn mới: Các tòa nhà chọc trời.
Dựa trên nguyên tắc khung chịu lực với hệ thống giàn giáo sắt kiên cố do chính Eiffel khởi xướng, trong thập kỷ tiếp theo, lần đầu tiên xuất hiện những tòa nhà cao từ 10 tầng trở lên. Và kể từ đó, kỷ nguyên của những tòa nhà chọc trời được mở ra và tiếp tục phát triển cho đến tận ngày nay.
Chính phương pháp này cũng đã tạo nên công trình biểu tượng của nước Pháp - Tháp Eiffel với chiều cao nguyên bản lên đến 300 mét. Hãy nhìn vào bức vẽ này.
Quả thật bên trong Tượng Nữ thần Tự do trông không khác gì một tòa Tháp Eiffel thu nhỏ.
Khó khăn cuối cùng và kết quả
Sau khi hoàn thành quá trình xây dựng vào năm 1884, Tượng Nữ thần Tự do đã được tháo rời thành 350 mảnh khác nhau. Mỗi miếng có trọng lượng dao động từ 68kg đến 4 tấn. Tất cả được đóng gói cẩn thận trong hơn 200 thùng gỗ và vận chuyển đến Hoa Kỳ bằng hải trình vượt Đại Tây Dương.
Nhưng lại có thêm một khó khăn khác phát sinh khi tàu đã cập bến. Lần này liên quan đến quá trình thi công bệ đỡ cho bức tượng.
Ý tưởng ban đầu là sẽ xây bệ đỡ hoàn toàn bằng đá granite. Tuy nhiên, do những eo hẹp về mặt tài chính, người ta đã buộc phải chuyển sang phương án sử dụng bê tông. Qua đó, biến phần bệ đỡ này trở thành công trình sử dụng bê tông nhiều nhất thời bấy giờ. Thiết kế cuối cùng sẽ bao gồm các bức tường bê tông dày khoảng 6.1m và chỉ được trang trí bằng đá granite trên bề mặt. Những thanh sắt và phần dầm gia cố cũng được bổ sung để đảm bảo độ an toàn và khả năng chịu lực.
Kế hoạch là vậy nhưng thực tế, quá trình xây bệ đỡ của người Mỹ đã không ít lần bị đình trệ và phải dừng lại do thiếu vốn. Rất may khi một vị cứu tinh khác đã xuất hiện. Ông là Joseph Pulitzer, chủ tòa soạn báo New York World và cũng là người sáng lập ra giải thưởng Pulitzer danh giá sau này.
Với uy tín và sức ảnh hưởng trong giới truyền thông, Pulitzer đã đứng ra phát động một chiến dịch gây quỹ để xây bệ đỡ cho Tượng Nữ Thần Tự Do.
Tất cả mọi người đóng góp bất kể số tiền là bao nhiêu đều sẽ được in tên để vinh danh trên báo. Chiến dịch thành công mỹ mãn với hơn 100.000 đô la thu được ở thời điểm bấy giờ, tương đương với gần 3 triệu đô la ngày nay. Đáng chú ý, 80% số tiền được nhận được đến từ các khoản quyên góp có giá trị ít hơn một đô la.
Sau khi giải quyết được vướng bận về mặt tài chính, người Mỹ huy động nhân công ngày đêm để hoàn thành bệ đỡ. Tuy nhiên, tốc độ thi công vẫn không kịp khi hơn 200 thùng mảnh ghép đã được bàn giao. Tất cả đều chưa được lắp ráp ngay và bị xếp vào một góc. Sau thời gian dài tiếp xúc với mưa nắng, các mảnh ghép dần bị biến dạng và cong vênh.
Chưa kể đến, bản hướng dẫn lắp ráp lại chỉ có bằng tiếng Pháp và chứa nhiều phần mô tả khó hiểu. Trục trặc này dẫn đến việc một vài tấm bị lắp ghép xót hoặc không hoàn toàn chính xác.
Hậu quả là cánh tay phải cầm đuốc ngay từ đầu đã có những trục trặc, dẫn đến nguy cơ mất an toàn và có thể đổ sụp. Cộng thêm vụ nổ ở cảng New York vào năm 1916 mà chính phủ Mỹ đã quyết định không mở cửa cho người dân tham quan ngọn đuốc. Quy định cấm này vẫn còn được giữ cho đến ngày nay.
Bất chấp nhiều khó khăn, Tượng Nữ Thần Tự Do cuối cùng cũng được hoàn thiện và chính thức khánh thành vào cuối tháng 10 năm 1886. Sự kiện này thu hút đông đảo sự chú ý của của người dân Mỹ, trở thành lễ hội lớn nhất mà thành phố New York từng chứng kiến. Một cuộc diễu hành hoành tráng được diễn ra với vô số ban nhạc, đoàn người và dòng xe cộ tấp nập. Những chuyến phà cũng nô nức đưa du khách từ khắp nơi đến chiêm ngưỡng bức tượng mới được khánh thành.
Bartholdi sẽ không bao giờ tạo ra thêm một tác phẩm nào có quy mô và tầm vóc sánh ngang với Tượng Nữ Thần Tự Do. Nhưng những gì đã làm là quá đủ để tên ông được khắc ghi vào lịch sử. Có lẽ ngay chính Bartholdi cũng không thể dự đoán được tầm ảnh hưởng to lớn mà bức tượng sẽ đem lại cho nước Mỹ.
Trong nhiều thập kỷ, Tượng Nữ Thần Tự Do đã trở thành biểu tượng cho niềm hy vọng của hàng triệu người dân nhập cư. Đứng hiên ngang tại cửa ngõ của New York, bức tượng vĩ đại này là hình ảnh đầu tiên chào đón họ sau hải trình chông gai đến Mỹ. Từ khoảnh khắc ấy, giấc mơ Mỹ cho một tương lai tươi sáng hơn cũng chính thức được bắt đầu.
Sức ảnh hưởng và độ nổi tiếng của tượng Nữ Thần Tự Do còn được phổ biến trên toàn thế giới. Từ bức tượng gốc, đã có nhiều phiên bản mới được hình thành. Ở Tây Ban Nha, Đan Mạch hay tại Trung Quốc, Nhật bản hoặc Brazil, mỗi địa điểm đều dựng lên một phiên bản Tượng Nữ Thần Tự Do cho riêng mình. Ngay tại Việt Nam vào thời kỳ Pháp thuộc, cũng đã có 2 phiên bản Tượng Nữ Thần Tự Do được xuất hiện ở Hà Nội và Long An.
Lời kết
Và đó là hành trình đầy gian nan và thử thách để tạo nên kiệt tác Tượng Nữ Thần Tự Do. Từ một ý tưởng táo bạo và tưởng chừng bất khả thi, Frederic Auguste Bartholdi cùng các cộng sự đã vượt qua vô số trở ngại để hiện thực hóa được giấc mơ của mình. Không chỉ là hiện thân của một trong những công trình kiến trúc nổi bật nhất thế kỷ 19, Tượng Nữ Thần Tự Do còn là minh chứng cho sức mạnh không giới hạn của sự kiên trì, óc sáng tạo và tinh thần hợp tác.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất