Nói về chuyện dạy và học chữ tiếng Việt, có nhiều ý kiến cho rằng: "Tiếng Việt hiện nay đã đẹp và chuẩn rồi, tại sao lại phải cải cách? Xưa giờ ông bà mình cũng học như thế có sao đâu. Nếu có cải cách, tại sao không bắt chước theo nước ngoài, mà lại phải tự nghiên cứu để làm gì?"
Hoàng đế Khải Định, người ký lệnh bỏ khoa thi Hán học để Nam triều dùng quốc ngữ (Ảnh: Getty Images)
Trước hết tôi xin phép thêm dấu chấm hỏi vào cuối câu, và xem đó là loại câu nghi vấn cần được giải đáp, chứ không phải là câu hỏi tu từ. Để trả lời cho vấn đề này một cách thấu đáo, có lẽ phải viết ra tới vài ba cuốn sách mới trình bày cho hết được. Mà khả năng và kiến thức của tôi thì có hạn, cho nên tôi chỉ cố gắng trả lời một cách "ngắn gọn" trong khuôn khổ một bài post trên spiderum thôi.
Có thể bạn đã biết, chữ quốc mà chúng ta đang sử dụng hiện nay là phát minh của nhà truyền giáo người Pháp có tên Alexandre de Rhodes (Thực ra đó là thành tựu của cha Francisco de Pina, mà Alexander Rhodes đã may mắn kế thừa và đại diện đứng tên "sở hữu trí tuệ". Đương nhiên là không có vụ tranh chấp nào xảy ra, vì cha Pina đã về với "nước Trời" trước đó). Cũng may là thời đó chưa có mạng xã hội, chứ không chắc ông cũng đã bị dư luận "ném đá" tới chết vì không chịu sử dụng chữ viết có sẵn. Lý do là vì thời đó ông bà mình vẫn đang dùng chữ Hán và chữ Nôm (chứ không học chữ quốc ngữ như một số bạn nghĩ đâu) - đều là loại chữ tượng hình, không tiện cho việc phiên âm tên riêng, và diễn giải những điển tích trong Kinh Thánh - như "ông Adam" và "bà Eva" chẳng hạn (hoặc cũng có thể ông Rhodes theo chủ nghĩa "bài Tàu" và ghét chữ tượng hình giống nhiều bạn trẻ bây giờ). Bởi vì mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ là để "phổ cập" Kinh Thánh, chứ không phải là để "lẩy Kiều", cho nên chỉ có những linh mục và giáo dân mới được học. Nhưng dần dà người ta thấy nó có những ưu điểm dễ học và dễ nhớ, cho nên ngày càng được sử dụng rộng rãi - mà đỉnh cao là đã được dùng làm chữ viết chính thức để "dịch sử Đảng" (Có lẽ "bàn đá chông chênh" không tiện cho việc đặt bút và nghiêng mực Tàu chăng).
Kể ra thì nó dài dòng, chứ thực ra chữ quốc ngữ mới chỉ được sử dụng có hơn 100 năm nay (chính thức từ ngày 22 tháng 2 năm 1869) - không thấm vào đâu so với các loại chữ viết thuộc ngữ hệ Latin (chữ quốc ngữ mặc dù sử dụng bảng chữ cái Latin nhưng không thuộc hệ ngôn ngữ này). Không giống với những loại phát minh khác (như bóng đèn, hay mạng xã hội), chữ viết là một loại sản phẩm có tính "địa phương" rất cao. Cho dù Alexandre de Rhodes có bằng Doctor ngôn ngữ học cấp quốc tế đi chăng nữa (mà rất tiếc là ông chỉ nghiên cứu thần học ở Roma, chứ không phải là ngôn ngữ học ở Harvard), thì cũng không thể am hiểu tiếng Việt đủ để mà phát minh ra một hệ thống chữ viết đạt chuẩn "hàng Việt Nam chất lượng cao" được. Vì thế mà sau một thời gian "public" không có bảo hành, chữ quốc ngữ gặp rất nhiều vấn đề với "trải nghiệm người dùng" khi ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Chính vì điều này mà chữ quốc ngữ đã "open source" - mở "mã nguồn" cho nhiều cá nhân và tổ chức cùng tham gia phát triển và chỉnh sửa. Nếu như bạn tìm đọc bản in chữ quốc ngữ đầu tiên của Alexandre de Rhodes, có lẽ cũng gặp không ít "cụk cặk" như đọc "tiếq Việt" của ông Bùi Hiền vậy. Qua nhiều lần nhào nặn và cải cách, của nhiều con người, và nhiều thế hệ, tiếng Việt và chữ viết mới trở thành một sản phẩm "quốc dân" như bây giờ (nhân tiện tôi muốn gửi lời tri ân tới những người đã phát minh ra teencode - một "thành tựu" ngôn ngữ của thế kỷ 21). Và chắc chắn là hành trình của chữ quốc ngữ sẽ không chỉ dừng lại ở đây; vì chữ viết chỉ là phương tiện để diễn đạt ngôn ngữ, mà ngôn ngữ thì luôn có sự biến đổi - có "sinh", có "diệt" (bởi vậy người ta mới gọi là "sinh ngữ"). Chữ viết chỉ thực sự "kế hoạch hoá" khi nền văn minh ở đó lụi tàn (như Ai Cập cổ đại), hay khi không còn được người ta sử dụng đến nữa (chữ Nôm là một ví dụ). Vì thế nếu ai nói chữ quốc ngữ đã "chuẩn không cần chỉnh" gì nữa, là đang tự tay "thiến" chính chữ viết của dân tộc mình (trong tư tưởng thôi, chứ có muốn cũng không được).
Trang đầu sách Phép giảng tám ngày song ngữ bằng tiếng Latinh và tiếng Việt với chữ Quốc ngữ (Ảnh: Wikipedia)
Tôi nói những điều này không nhằm ủng hộ hay cổ vũ gì cho phương pháp "vuông, tròn, tam giác" gì đó gần đây, hay trước đó là "tiếq Việt kải kák" của ông Bùi Hiền; bởi vì trình độ của tôi không cho phép làm chuyện đó. Đó là việc của những người làm khoa học, của các nhà ngôn ngữ học, những người có đủ hiểu biết và thẩm quyền... Nếu như bạn cho rằng những giáo sư tiến sĩ dành nhiều năm cho việc học hành và nghiên cứu vẫn không đủ năng lực, thì cớ gì những người chỉ biết cắm mặt trên Facebook và nghiền ngẫm YouTube như tôi và các bạn lại có thể?
Cho dù là ông Đại với ông Hiền, hay ông Hại với ông Điện, hay hai mươi ông cùng với bốn trăm công trình nào khác, thì trước hết đó đều là những đóng góp cần được chúng ta ghi nhận trên tinh thần "dân chủ, tự do, bác ái". Còn việc chúng có hữu ích, và được xã hội công nhận hay không, hãy để câu trả lời cho thời gian...
P/S: À quên, hãy để cho "lịch sử" trả lời, vì "thời gian" chắc là các bạn có thừa mới đọc hết bài này 😜