Lâu rồi tôi chả viết một cái gì liên quan đến lịch sử do lịch học và bài làm dày đến điên cuồng, chẳng có chút thời gian để thư thả đi đọc hay tìm hiểu gì. Tuy nhiên vào mỗi tối thì cũng có Youtube để làm bạn cho căn phòng vào những ngày cuối đông ở Melbourne có gì đó bớt cô đơn. Và bỗng dưng có 2,3 video liên quan đến lịch sử, đến chiến tranh và đến cả mùa đông: The Winter War- Chiến tranh Mùa đông- cuộc chiến có thể phần nào đó được xem như một Thermopylae thời hiện đại giữa quân đội Phần Lan và Liên Xô và trở thành một trong những chiến thắng... cay đắng nhất của quân đội Liên Xô có liên quan đến Đệ nhị Thế chiến.

*Đây là một bài viết cực kỳ sơ lược và có thể sẽ có thiếu sót, thế nên rất mong những sự bổ sung của các bạn ở phần comment cho mọi thứ rõ ràng hơn*
Tóm tắt nhẹ nhàng bối cảnh lịch sử khi ấy: Đức Quốc Xã đã tấn công Ba Lan, khai màu Thế chiến một lần nữa. Khi đó thì Đức Quốc Xã và Liên Xô thật ra có một... hoà ước ngầm là sẽ không đụng chạm gì nhau, tuy nhiên Liên Xô nói chung và Stalin nói riêng lại chẳng lấy gì là... tin tưởng lắm đối với một đội quân hùng mạnh vừa cày xới cả Châu Âu. Stalin lúc đó tin rằng có thể quân Đức sẽ tìm cách mà tấn công vào biên giới Liên Xô- đặc biệt và tấn công vào Leningrad ở rất gần biên giới Phần Lan thông qua chính Phần Lan- mặc dù lúc đó thật sự mà nói Phần Lan đã trung lập hoàn toàn mà tập trung phát triển đất nước. Thế nên, để phòng ngự từ xa, Liên Xô đã đề nghị, thật ra có ý ép buộc thì đúng hơn, Phần Lan hãy “lùi” biên giới của họ lại khoảng 20 dặm ở Tây Karelia (Vốn là do Nga Hoàng ban cho Phần Lan) để cho Liên Xô có thể phòng ngự Leningrad tốt hơn, và Phần Lan sẽ có phần đất khác để “bù lại”. Dĩ nhiên, Phần Lan đáp “mơ đi cưng”.
Đến đây thì cũng phải nói thêm quan hệ giữa Phần Lan và Liên Xô thật ra đã có ít nhiều căng thẳng. Cuộc nội chiến giữa phe Bạch Vệ và Đảng Nhân dân xã hội Phần Lan kết thúc với việc phe Bạch Vệ (do Đức hậu thuẫn) đã chiến thắng và khiến cho rất nhiều người Phần Lan theo chủ nghĩa Xô Viết phải tháo chạy đến Moscow. Thậm chí, kế hoạch Đại Phần Lan vào năm 1920- giữa lúc Liên Xô mới thành lập còn khó khăn, đã nhiều lần khiến Phần Lan và Nga đối đầu nhau tại vùng Đông Karelia. Thế nên xét về một mặt nào đó, việc Phần Lan từ chối Nga đã kích hoạt một mối hận thù kéo dài. Cộng thêm việc phe Bạch Vệ vốn có quan hệ với Đức ngày trước, Stalin “lo xa” âu cũng hợp lý.
Tiếp theo cũng phải nên nhìn theo tình cảnh của cả hai nước lúc bấy giờ. Liên Xô giờ đây là một trong những thế lực lớn, nếu không muốn nói là thế lực lớn bậc nhất thế giới cả về chính trị, quân sự lẫn phát triển công nghiệp hàng đầu. Họ dĩ nhiên sẽ rất kiêu ngạo và nghĩ rằng sẽ đánh bại Phần Lan một cách dễ dàng nếu như mọi chuyện không suôn sẻ; trong khi Phần Lan có thể nói còn không có cả một đội quân chính quy thực sự hậu nội chiến và khi tuyên bố trung lập. Thế nên mặc cho những kế hoạch ban đầu phải đánh chiếm Phần Lan bằng những chiến thuật có phần... hợp lý, Liên Xô kiểu “mình thích thì mình đập thôi” và tạo cớ để tấn công Phần Lan vào ngày 30 tháng 11 năm 1939.
Liên Xô cho rằng mình hoàn toàn có thể “lấy thịt đè người” trong chỉ khoảng 2 tuần. Và đó chính là lúc Liên Xô chẳng thể nào ngờ rằng quân đội “thô sơ” của Phần Lan có thể làm khó họ đến gần 3 tháng- cũng như cái cách Xerxes chẳng thể ngờ rằng 300 quân Sparta cùng với chừng chục ngàn quân liên minh Hy Lạp có thể cầm cự đội quân lên đến triệu người (thật ra là vào khoảng 300-400 ngàn) của mình trong 3 ngày. Dùng từ “làm khó” là còn nhẹ nhàng, Liên Xô đã nhận kha khá thất bại ê chề ở Phần Lan mà cho đến ngày nay đã trở thành một trò đùa về lịch sử.

Hãy nghĩ thế này, Liên Xô đã cho rằng mình cũng có thể hùng dũng dùng xe tăng tấn công vào Phần Lan như cái cách xe tăng đã tràn vào Ba Lan vậy, nhưng họ không tính đến cái gọi là địa hình. Ở những khu vực mà chiến tranh mùa đông diễn ra, đa số đều là rừng rậm, đầm lầy và cả là những dốc núi. Xe tăng chỉ có thể di chuyển theo một trục đường chính và quân đội Liên Xô thì di chuyển theo trục dọc trước và sau các xe tăng. Đã vậy, trong mùa đông với tuyết trắng phủ kín mà quân Liên Xô lại mặc đồ màu nâu sẫm cực kỳ nổi bật và dĩ nhiên họ trở thành miếng mồi ngon cho quân Phần Lan- mặc đồ trắng để nguỵ trang- đánh du kích. Chưa nói đến mấy việc kế hoạch quân sự hay gì đi, nội vụ thời trang thế này đã thấy quân Liên Xô cũng hơi không biết “nghiên cứu thị trường” rồi. Đây âu cũng là hậu quả cho việc hấp tấp của Liên Xô muốn đánh nhanh thắng nhanh. Xem ra họ quên không xem lịch sử Việt Nam 3 lần đả bại quân Mông Nguyên rồi.
Chưa hết, quân Phần Lan dẫu cho có quân nhu thô sơ lẫn số lượng hạn chế chỉ có thể đủ sử dụng trong xấp xỉ một tháng, họ lại có sự chuẩn bị kỹ càng hơn với các hào chiến sự lẫn súng máy được lắp đặt ở các địa thế cực kỳ thuận lợi nhờ việc mình “đá sân nhà”. Đã vậy, quân Liên Xô giới hạn tiếp tế của quân mình như đã nói chỉ trong có 2 tuần, thế nên “vô tình lượm được bí kíp” mà quân Phần Lan lại có lượng tiếp tế... nhỉnh hơn so với Liên Xô. Đã vậy, những chiến thắng của họ lại còn giúp cho họ cướp được khá nhiều đạn dược từ quân Liên Xô đã chết hoặc rút lui, thế nên họ lại còn có thêm nguồn cung về mặt quân nhu nữa chứ. Quân Phần Lan thậm chí còn chiếm lấy khá nhiều xe tăng của quân Liên Xô để khiến cho việc phòng ngự của mình hiệu quả hơn hẳn. Hệ thống phòng không lẫn các phi đội của Phần Lan dù lạc hậu hơn nhưng lại cũng cực kỳ hiệu quả giúp cho họ tiêu diệt khá nhiều máy bay Liên Xô. Tất nhiên, rất nhiều làng mạc hay thành phố của Phần Lan đã bị oanh tạc và thiệt hại nặng nề.

Sức mạnh cũng như chiến trường chính mà quân Phần Lan tham gia hiệu quả nhất là ở trên bộ. Chiến thuật của quân Phần Lan thoạt nghe có vẻ buồn cười, nhưng nó lại hiệu quả một cách chết người theo nghĩa đen. Đa số lính Phần Lan đều biết trượt truyết, thế nên ngoại trừ việc các súng máy bố trí ở chỗ hiểm lẫn quân nguỵ trang bắn tỉa, quân Phần Lan sử dụng kỹ năng trên để tạo ra những pha bắn rồi chạy/ hit and run vào cái hàng quân đang phơi mình ra cho họ bắn. Không những vậy, chiến thuật này còn giúp họ hạ được các xe tăng nữa. Một trong những vũ khí mà quân Phần Lan đã sử dụng để đánh bại những chiếc xe tăng của Liên Xô chính là những cái chai bom xăng khét tiếng mang cái tên Molotov Cocktail- và mỉa mai thay nó được đặt tên dựa trên chính Ngoại trưởng của Liên Xô Vyacheslav Mikhailovich Molotov, người đã huỷ bỏ những hoà ước bất khả xâm phạm nhau giữa chính Phần Lan và Liên Xô ký năm 1932. (Karma is a b...) Quân Phần Lan sử dụng các thân cây chắn đường xe tăng hoặc nhét vào giữa các bánh tăng và xích khiến chúng đứng lại, rồi thay nhau “oanh tạc” Molotov vào những chỗ hở của các xe tăng hạng nhẹ T-26 hoặc đặt mìn gây nổ. Có đôi khi, họ biết đâu là mặt nước đóng băng, họ chờ cho quân Liên Xô đặt chân lên đó mà bắn xung quanh cho vỡ băng ra và “chủm”, quét sạch một đội quân nhỏ Liên Xô. 

Các tay bắn tỉa có thể nói chính là cơn ác mộng khủng khiếp nhất của quân Liên Xô. Khét tiếng nhất trong số đó có lẽ chính là Simo Hayha- người được quân Liên Xô đặt cho biệt danh "Cái Chết Trắng" khi ông trong vòng 3 tháng trên đã bắn hạ được hơn 250 lính Liên Xô chỉ với một khẩu súng được cải biến lại từ súng Mosin Nagant. Thậm chí có nhiều văn bản (có tính tuyên truyền) cho rằng ông bắn hạ được đến hơn 500 người cơ, nhưng khoảng 259 là con số thống kê chính thức được quân đội Phần Lan đưa ra. Có những câu chuyện kể về việc ông bắn tỉa chính xác đến kinh hoàng mà chẳng cần cả ống ngắm mà chỉ dùng đầu ruồi, và một mình ông bắn hạ cả một tiểu đội Hồng Quân. Những “truyền thuyết” ấy vẫn còn được ca ngợi cho đến ngày nay.
Simo Hayha- Cái Chết Trắng 
Mùa đông năm ấy xuống đến gần -50 độ C cũng là một yếu tố khiến cho quân Liên Xô gặp cực kỳ nhiều khó khăn do hậu cần thiếu thốn, bão tuyết lẫn số người chết vì rét lạnh- thậm chí theo thống kê có lẽ số người chết rét còn cao hơn cả số người thật sự tử trận ngoài sa trường. Điều này làm cho tinh thần quân Liên Xô xuống một cách trầm trọng. Có câu chuyện kể về việc một đoàn quân Liên Xô trong mùa đông lạnh giá phát hiện ra một trại nhỏ với những vụn thức ăn còn thừa lại của quân Phần Lan, họ đã cảm thấy mình thiếu thốn và đói khát hơn hẳn mà quyết định dừng lại dựng trại chỉ để nghỉ ngơi chứ không muốn hành quân tiếp nữa trong hôm đó.
Đúng nghĩa đen là đông đá mà chết
Dĩ nhiên Stalin không hề hài lòng với việc này. Nói chung là về nửa sau cuộc chiến, Stalin đã huy động lực lượng viện binh hùng hậu hơn nữa và áp dụng những chiến thuật cũng như sử dụng các bài đánh bom oanh tạc khiến cho quân Phần Lan sau khi cầm cự hơn 100 ngày, vì sự an toàn của người dân cũng như biết rằng có chống cự thêm cũng vô ích, họ đã đầu hàng vào tháng 2 năm 1942. Phần Lan sau đó mất đi 11% diện tích lãnh thổ về tay Liên Xô. Số thương vong của Liên Xô lên đến hàng trăm ngàn người và hàng ngàn xe tăng lẫn máy bay, trong khi tổng thiệt hại của Phần Lan là khoảng 1/5 số đó. Việc này dạy cho chúng ta điều gì nào? Đôi khi không phải bạn cứ ở kèo trên là bạn có thể chiến thắng dễ dàng, và một quân đội thô sơ nhỏ bé vẫn có thể đánh một ông lớn một trận ra trò chỉ vì cái tội ngang nhiên muốn "cướp đất" của người khác.


Và rồi bạn biết hệ quả buồn cười nhất của việc này là gì không? Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Chiến dịch Barborassa của Hitler đã đánh thẳng vào phía Tây Liên Xô với xuất phát điểm là ở... Ba Lan. Kết quả, tháng 9 năm 1941 thì Leningrad, biểu tượng của Cách mạng tháng 10 Nga cũng như của chủ nghĩa Xô Viết, bị phong toả đến hơn 800 ngày, mãi đến năm 1944 khi Hồng Quân phản công trên đà chiến thắng Stalingrad thì Leningrad mới được giải phóng. Thế nên, Chiến tranh Mùa đông với sự lo xa của Stalin cùng với những tổn thất nặng nề không đáng có là hoàn toàn vô nghĩa tính về mặt chiến thuật.
Nói đi cũng phải nói lại, thật ra thì chính Chiến tranh Mùa đông đã gián tiếp, theo một mức độ nhất định nào đó, tạo ra những diễn biến trong những năm tiếp theo của Thế Chiến II như Đức tấn công Liên Xô (do cuộc chiến này mà sức mạnh lẫn vị thế của Liên Xô bị coi nhẹ) và giúp cho Liên Xô có kinh nghiệm trong việc chiến đấu trong cái lạnh giá của mùa đông khắc nghiệt tốt hơn lẫn vài kỹ thuật chiến đấu mới (dù nó không thật sự hiệu quả với xe tăng hạng nặng của Đức). Nhưng nhìn chung, đây vẫn là một chiến thắng với hệ quả của một thất bại trong lịch sử quân sự của Liên Xô.
Nếu bạn muốn có một cái nhìn có phần lãng mạn hóa về cuộc chiến này, bạn có thể xem thử phim Talvisota được làm ra vào năm 1989. Cũng khá là hay đấy :D 

Chính video này của KnowledgeHub đã tạo nguồn cảm hứng để viết bài và đi tìm hiểu, all the credits to you.