Đại chiến thế giới, Đệ Nhất Thế Chiến, “Cuộc chiến để kết thúc mọi cuộc chiến”, rất nhiều cái tên lẫn ý nghĩa đã được đặt cho cuộc xung đột lớn nhất đầu tiên trong lịch sử loài người, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất diễn ra từ năm 1914-1918. Về phương diện lịch sử, đây có thể nói là cuộc chiến đã khởi đầu cho tất cả những sự thay đổi cực lớn của thế giới sau này: Sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc, sự hình thành của Liên Xô, sự vươn lên của chủ nghĩa Phát Xít và dĩ nhiên là Đệ Nhị Thế Chiến vào năm 1939-1945, mà đó thậm chí còn chưa phải là tất cả vì những ảnh hưởng của nó còn rất nhiều trong cả công nghệ quân sự, những cuộc chiến tiếp theo như Chiến tranh lạnh, hay nói chung là tình hình thế giới ngày nay.

Một bộ phim ra mắt năm ngoái- một bộ phim siêu anh hùng- là Wonder Woman cũng đã cho chúng ta một cái nhìn tuy khác nhưng cũng lột tả được sự kinh khủng của cuộc chiến này. Cùng với đó là những câu hỏi như: Tại sao lại như vậy? Vì Ares chăng? Hay chỉ vì đó là bản chất của con người? Con người thật sự ham muốn chiến tranh với nhau vậy sao? Có lẽ đó là điều chúng ta sẽ rút ra cả từ phim lẫn vì những gì “cơ bản” mà chúng ta đã biết về Thế Chiến I: Cái chết của một vị đại công tước, Áo-Hung muốn khai chiến với Serbia nên đã tìm cớ để xâm chiếm với sự hậu thuẫn của Đức, Pháp ngăn chặn và Đức muốn dùng Bỉ để đánh úp Paris trong Kế hoạch Schlieffen nhưng đã hứng chịu cơn thịnh nộ của Đế Quốc Anh, Nga cũng tham chiến ngay khi Áo tuyên chiến với Serbia để rồi mọi thứ ngày càng lan rộng ra khắp thế giới chứ không chỉ Châu Âu.
 Thế nhưng thật ra con người đã làm rất rất nhiều, rất rất nhiều để có thể ngăn chặn toàn bộ những điều này có thể xảy ra. Thế nhưng, cứ như đã được bề trên sắp đặt, không có một sự kiện nào xảy ra mà không có một sự nuối tiếc hùi hụi mà thốt lên một chữ “giá như nó đừng xảy ra” trong suốt khoảng 1 tháng trước khi chiến tranh nổ ra... Cứ như đây là một vở chính kịch cực kỳ bi đát mà bạn được xem ở trên truyền hình vậy. 
Xin cảm ơn channel Extra Credit với chương trình Extra History đã làm nguồn cảm hứng và góp sức cho tôi thêm tư liệu để tìm hiểu những thông tin xung quanh việc Đệ Nhất Thế Chiến bắt đầu thế nào. Extra Credit đã đưa ra một câu nói mô tả những sự kiện mà tôi sẽ diễn dịch- tìm hiểu mà đưa ra sau đây thế này: “Lịch sử loài người mang đầy những câu chuyện về sự anh hùng, sự bi kịch và cả sự hiểu lầm. Nhưng hiếm có sự kiện nào có cùng cả 3 yếu tố trên như là Thế Chiến I”, và đó là một nhận định hoàn toàn chính xác.
*Dĩ nhiên đây chỉ là một bài tổng hợp vắn tắt nên rất nhiều thứ sẽ xin không đi vào chi tiết, rất mong sự bổ sung của các Nhện*

Đầu tiên, hãy nhìn tình cảnh Châu Âu bấy giờ. Sau chiến tranh Pháp-Phổ, Đế Quốc Đức sau khi được thống nhất dưới tay của Von Bismarck và sự lên ngôi của Wilhelm I đã trở thành một thế lực mới trên chính trường Châu Âu. Tuy nhiên, Đức vẫn quá non trẻ so với những “thế lực già” như Pháp- bại quân của họ, Đế Quốc Anh- đế chế lớn nhất thế giới thời điểm đó, thậm chí là cả Nga dù Nga vừa thua trận trong cuộc chiến với Nhật không lâu trước đó, thêm sự lạc hậu với mặt bằng chung mà Nga gặp nhiều khủng hoảng khiến vị thế của họ có phần suy sụp- Đã vậy, thời điểm đó thì Sa Hoàng Nicholas II còn dính tai tiếng liên quan đến những cuộc đàn áp đẫm máu.
 Nhưng nói chung, cũng giống với nhiệt huyết của một thanh niên mới lớn, tham vọng của Đức là cực kì cao. Đức cảm thấy mình quá thua thiệt về mặt các thuộc địa so với các cường quốc khác, tất cả âu cũng chỉ do họ mới vừa thành lập không lâu. Nói cho vui thì giống như kiểu Đức mới “năm nhất” mà đòi quyền lợi như sinh viên năm tư ấy, mặc cho anh Đức tài giỏi đẹp đẽ mạnh mẽ và đóng góp nhiều về đối ngoại. Khi Wilhelm II lên ngôi thì tư tưởng muốn đánh chiếm lãnh thổ còn cao hơn, mặc cho sự áp đặt của Thủ tướng Von Bismarck về việc đối ngoại- cuối cùng dẫn đến việc ông “bị ép” phải từ chức. Không còn chướng ngại, Wilhelm II tha hồ mà nghĩ đến việc bành trướng và “phá nát” những gì Von Bismarck đã làm để giữ cho một nền hoà bình vốn dĩ đã rất gần với sự sụp đổ trong 40 năm qua.
 Và cũng phải nói thêm, hai đế quốc Áo-Hung và Ottoman vẫn còn vị thế gọi là lớn mặc cho họ đã suy yếu nhiều, và tham vọng vươn lên đỉnh cao lần nữa của họ cũng chẳng kém. Thật ra những tham vọng này có thể nói đến từ nỗi sợ hãi nhiều hơn. Trong vòng khoảng 100 năm, Ottoman liên tục bị mất đi lãnh thổ và bị gọi vui là "Bệnh nhân già của Châu Âu", và Áo-Hung cũng chẳng hề muốn chuyện đó xảy ra với mình nặng nề như vậy. Đã vậy, Nhóm hoà hợp quyền lực Châu Âu khi đó (The Concert of Europe) thường có những quyết định mang tính bất lợi cho Áo- Hung lại càng khiến cho họ căm ghét các đế quốc già hơn. Đây chính là điểm chung giữa họ và Đức- muốn đánh chiếm lấy những vùng đất thuộc về các thế lực kia để bành trướng. Đó chính là phe Trung Tâm.
Tất cả những gì cần thiết là một mồi lửa để châm vào những thùng thuốc súng kia. Và mỉa mai thay, điều đó đã diễn ra vào ngày 28-6-1914 bởi 2 phát súng vào 2 con người.
Đại công tước Franz Ferdinand và công nương Sophie
Ngày 28-6 3 là một ngày quan trọng với người dân Serbia, vì đó chính là dấu mốc về Trận chiến Kosovo huyền thoại trong thế kỷ 14- Trận chiến về sự kháng cự ách xâm lược của đế chế Ottoman, là niềm tự hào trong lòng người dân Serbia. Cũng phải nói thêm, sau chiến tranh Balkan lần 2, Serbia ngày càng gay gắt hơn trong việc muốn Bosnia và Herzegovina độc lập khỏi đế quốc Áo-Hung (vốn là chuyện đã căng thẳng từ năm 1908). Trong một ngày lễ quốc gia, ở thời điểm dầu sôi lửa bỏng, mà gã Đại Công Tước/ Thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand cùng vợ lại đến Sarajevo ở Bosnia thì đúng là một sự sỉ nhục lẫn một cơ hội quá lý tưởng để “chết” trong con mắt của tổ chức chủ nghĩa dân tộc Bàn Tay Đen. Tựu chung lại, Thái tử Ferdinand hồi đó cưới mà không coi ngày...
Thế là một kế hoạch ám sát đã được lập ra. Ngày 28-6-1914, Đại công tước Franz Ferdinand và vợ Sophie ăn mặc đẹp đẽ, ngồi trên một con xe mui trần đi dọc các con phố để đến với Dinh tỉnh trưởng. Điều đáng nói, dù mang danh là thanh tra quân đội trong chuyến đi này nhưng thật ra là để đi kỷ niệm ngày cưới lẫn... khoe vợ để “tát vào mặt” vương triều Áo do họ không đồng ý việc ông cưới bà Sophie là người không môn đăng hộ đối. Nghĩ lại thì, sao JFK chả học được bài học của Franz Ferdinand nhỉ, vẫn biết rằng đi xe mui trần là để gần gũi với dân chúng, nhưng như vậy cũng là quá... “gần gũi” với bọn ám sát rồi.
Đáng nói là kế hoạch ám sát ban đầu đã thất bại. Quả lựu đạn được tên Nedeljko Čabrinović ném vào xe đã không giết được Franz Ferdinand và vợ do nó bay qua và nổ ở phía sau xe, làm khoảng hơn 10 người xung quanh bị thương, trong đó có vài sĩ quan hộ tống đoàn xe. Để tránh bị bắt, tên thủ phạm kia đã nuốt cyanide để tự sát nhưng hắn... mua lộn “thuốc Tung” hết hạn nên chỉ ngộ độc thường nôn ọe tẹo thôi chứ không kịp... chết, cùng lúc hắn cũng nhảy xuống sông Miljacka vốn để “chết 2 lần vào một chỗ” nhưng sông đó chỉ sâu có độ 4 inch nên hắn rớt xuống còn bị què nữa. Một tên trốn thoát, Gavrilo Princip đã chán nản mà đi đến quán Moritz Schiller mà ăn uống cho khuây khoả.
Sau khi đến dinh và làm lễ xong xuôi, Franz Ferdinand và vợ lại muốn đi thăm những người đã bị nạn ở bệnh viện, mặc cho nhiều lời can ngăn. Ông bảo, “Bộ anh tưởng ở Sarajevo đầy là sát thủ sao?” (Urm....) Thế là cả hai lại cùng đi đến bệnh viện Sarajevo, nhưng tài xế của Ferdinand lại không được thông báo lộ trình mới là phải đi dọc theo Appel Quay mà đã rẽ nhầm đường- do trung tâm thành phố Sarajevo đang bị khoá chặt để kiểm soát. Con đường đó lại có tên là Franz Josef- theo chính tên chú của Franz Ferdinand (Franz Joseph I). Tài xế riêng của Ferdinand, Lojka, dù gì cũng là người Áo nên cũng chẳng biết đường ở Sarajevo mà cứ đi theo lộ trình cũ mình biết, dĩ nhiên cộng thêm việc không được thông báo kỹ, mới xảy ra cớ sự này. Biết rằng mình đi sai đường, tài xế cho thắng xe để quay lại một cách chậm chạp, và trời kêu ai nấy dạ, chiếc xe dừng ngay một góc đường chính ngay ở gần quán Moritz Schiller. Princip biết rằng đây là một thời cơ ngàn năm có một, lao đến một khoảng cách chỉ có hơn 1 mét, bắn hai phát vào đôi vợ chồng trên xe. Những lời cuối cùng của Ferdinand là: “Sopherl, Sopherl, đừng chết, hãy sống vì con của chúng ta”... và ngài liệm đi. 11 giờ trưa hôm đó, cả hai đều qua đời.
Bức họa miêu tả vụ ám sát
Princip bị bắt ngay sau đó
Chỉ một cú rẽ sai đường, chỉ vì một lời thông báo không được truyền đến tài xế, mà mạng sống của 2 người quan trọng bậc nhất Châu Âu đã mất. Tệ hơn, chính vì điều này mà đã tạo cớ cho Áo- Hung có ý khai chiến với Serbia, dẫn đến Đại chiến. Nói cho vui, nếu ngày đó có Uber hay thông báo giao thông ở radio bây giờ thì chiến tranh đã không xảy ra rồi. Còn thực tế, đây là một việc hoàn toàn có thể tránh được nhưng như số trời đã định, nó phải xảy ra, và nó đã xảy ra.
(Bonus: Sau khi nghiên cứu việc này mới thấy wiki Tiếng Việt sai thấy sợ luôn ấy)
Chuyện xảy ra tiếp theo có lẽ cũng không khó đoán, đế quốc Áo-Hung nổi điên lên và một tuần sau đó ngày 5-7-1914, một chuỗi sự kiện gọi là "Cuộc khủng hoảng tháng 7" bắt đầu. Và đây mới chính là nỗi tiếc nuối lớn nhất tiền Thế Chiến khi chúng ta nhìn lại khi mọi thứ đã rồi.
Áo-Hung đến bảo với đồng minh Đức rằng họ muốn chiến tranh với Serbia, rằng họ không thể để cho sự việc này yên được. Và nước Đức đã đồng ý sẽ hỗ trợ tốt nhất có thể nếu Áo-Hung hành động nhanh. Trong thời điểm đó, dư luận trong nước lẫn nước ngoài vẫn còn đang bị chấn động bởi vụ ám sát của ngài Thái tử, Đức cho rằng nếu Áo-Hung tranh thủ tình huống càng nhanh càng tốt vì không ai sẽ bảo vệ Serbia, kể cả đồng minh Nga của họ có muốn nhảy vào bảo vệ mà Áo-Hung đã kịp di chuyển quân vào thì Nga cũng sẽ trở tay không kịp, thế là vừa mở rộng lãnh thổ lại không có xung đột lớn đáng kể. Tuy nhiên, nội tình lại khác biệt khi mà Hungary trong Áo-Hung lại chỉ muốn chiến tranh chứ không sáp nhập Serbia khi mà mọi thứ đã an bài, nếu không họ sẽ không tham gia. Đây là một chi tiết cực kỳ quan trọng. 
Lẽ ra Hung đã không đồng ý chiến tranh chút nào, vì họ rất tôn trong ý định ban đầu của một người Áo ôn hòa nhất, chính là Franz Ferdinand quá cố trong việc gìn giữ hòa bình ở Balkan. Nhưng rồi thì bên Áo cũng dùng chính cái chết của Ferdinand mà làm cho Hung phải chiều lòng. Mục tiêu chung đã quyết, tất cả họ cần thêm chỉ là một cái cớ “lớn hơn”, và một tối hậu thư cho Serbia đã được soạn và bàn bạc trong thời gian đó.
Trong khi mọi thứ rối tung lên như thế, thì vẫn có 2 con người nhìn ra được hệ quả nghiêm trọng của cuộc chiến này nếu nó xảy ra, đó là đại sứ của Áo- Baron von Giesl và đại sứ của Nga- Nicholas Hartwig ở Serbia. Họ tuy là ở hai phe đối địch nhưng vẫn muốn dẹp bỏ hiềm khích mà hướng đến hòa bình. Bọn họ đã gặp nhau ngay tại Belgrade để bàn về việc lập kế hoạch kiến nghị hòa bình. Đáng tiếc thay khi trong buổi tiệc, Hartwig đã dính một con đau tim và chết ngay sau đó. Thế nên chẳng có kiến nghị hòa bình gì cả. Tệ hơn, hãy nghĩ xem người dân Serbia nghĩ gì khi cái chết của một đại sứ Nga- đồng minh của họ- diễn ra ngay tại nhà của một gã đại sứ người Áo- lũ mà họ ghét nhất? Căng thẳng lại tiếp tục leo thang.
Hai trang của tối hậu thư
Vào ngày 23-7-1914, Áo-Hung đã gửi một tối hậu thư với 10 điều khoản mong muốn Serbia hợp tác và yêu cầu Serbia trả lời trong 48 tiếng. Người chuyển tối hậu thư đó cho chính quyền Serbia mỉa mai thay chính là von Giesl. Có lẽ bạn sẽ bắt đầu tự hỏi tại sao tối hậu thư lại đến trễ như vậy, gần 1 tháng sau cái chết của Franz Ferdinand mà không nhanh hơn? Tất cả là vì Tổng thống Pháp đã đến viếng thăm Sa Hoàng Nga trong thời gian đó, Áo sợ rằng nếu họ biết tin về tối hậu thư khi hai lãnh đạo lớn nhất của hai kẻ đối địch lớn nhất ở gần nhau thì Áo-Hung chẳng thể nào đỡ nội cơn thịnh nộ đó. Quay lại tối hậu thư, chủ yếu là có một điều kiện rằng cảnh sát và cảnh vệ Áo sẽ có toàn quyền ở đất Serbia để tiến hành cuộc điều tra về cái chết của Franz Ferdinand. Nói cho dễ nghe là bạn cho thằng mình ghét nhất muốn làm gì thì làm trong nhà của mình. Dĩ nhiên Serbia không hề đồng ý. Và đúng thật lá Áo cũng chỉ cần có vậy.
Quay trở lại Nga, ngoại trưởng Nga khi đó là Sergey Sazonov sau khi biết tin về tối hậu thư đã thét lên một câu nói nổi tiếng: "Đây là một cuộc chiến toàn Châu Âu!" (It's a European war). Ngày 24-7 năm đó, Sazonov đã làm mọi cách để giúp Serbia có thêm thời hạn trả lời, tìm kiếm sự ủng hộ của Pháp và Anh (Anh không hẳn là từ chối nhưng không muốn nhúng vào). Cũng cần nói thêm là trong hôm đó thì Bỉ cũng tuyên bố trung lập- điều mà sau này trở thành ngòi nổ khiến Anh nhập cuộc.

Tối hôm đó ở St. Petersburg, Sazonov bàn bạc cực kỳ khẩn cấp, nếu không muốn nói là tranh cãi gay gắt với đại sứ Đức Friedrich Pourtales về việc điều động chỉ một phần quân đội bảo vệ Serbia. Pourtales cho rằng việc Nga điều động quân đội mới chính là yếu tố lớn nhất châm ngòi cho chiến tranh, và rằng chỉ cần nó xảy ra thôi thì toàn bộ di sản của chủ nghĩa đế quốc sẽ sụp đổ (Bạn biết gì không, ông ta nói đúng, chỉ không tới 3 năm sau vào tháng 3 năm 1917 thì có một đế quốc sụp đổ, và đó chính là Nga). Sazonov thì lại lo sợ nhiều đến việc Áo-Hung sẽ thâu tóm toàn bộ Serbia, và còn khích tướng bảo rằng "Nếu Áo- Hung nuốt chửng lấy Serbia, thì chúng tôi sẽ chiến tranh với họ."
Bạn còn nhớ tôi nói ở trên rằng chi tiết "không chiếm lấy Serbia" quan trọng cỡ nào không? Áo-Hung đã đồng thuận sẽ không chiếm lấy Serbia, nhưng bên Đức không hề biết về việc này nên Pourtales cũng chẳng thể nào bảo Sazonov rằng "Đừng có lo, đập nhau thôi không ai chiếm ai hết", còn Sazonov thì cứ đinh ninh chuyện đó sẽ xảy ra nên càng gay gắt hơn để chặn đứng việc này, dù là bằng biện pháp quân sự. Một sự hiểu lầm tai hại đến từ việc thiếu "nhiều chuyện", ý tôi là thiếu thông tin
Trước khi thời hạn kết thúc, Serbia đã gửi lại cho Áo-Hung câu trả lời. Dễ đoán, họ đồng ý với toàn bộ các điều kiện trên, trừ việc cho chính quyền Áo có quyền điều tra trên đất Serbia. Serbia lại còn "chêm" thêm một câu là nếu Áo-Hung cảm thấy không hài lòng, thì cứ đi kiện Serbia đi hầu. Đây là một cái tát vào mặt Áo-Hung, do như đã nói từ trước đến nay Áo-Hung hay bị chèn ép bởi nhóm hòa hợp quyền lực Châu Âu, còn Serbia giờ đây có vẻ lại là phe "có lí hơn" cũng như sự nổi giận của dư luận đến họ cũng giảm dần qua thời gian. Nhìn lại xem, họ chấp nhận gần hết cả đống điều khoản có tính xâm phạm cao, lại còn muốn kêu gọi cả Châu Âu giúp họ phán quyết để cho Áo-Hung có đủ lí do, còn đòi hỏi gì nữa? (Dù dĩ nhiên Serbia cũng "cáo già".)
 Công tước Berchtold, thủ tướng của Áo-Hung lại tiếp tục tìm đến Hoàng đế Wilhelm II để tham kiến nhưng ông ta đã... đi nghỉ mát, còn những người đứng đầu còn lại ở Đức, như Bethmann Hollweg và Tham mưu trưởng Helmuth von Moltke thì lại còn hiếu chiến hơn và mắng mỏ Áo-Hung đã không khai chiến sớm như dự định. Cả Tham mưu trưởng quân đội Áo-Hung van Hotzendorf cũng bị bất ngờ và giận dữ về việc không tuyên chiến sớm, và bây giờ để điều động binh lính thì phải tốn rất nhiều thời gian, chưa tính việc Nga đang có ý điều động quân làm mọi thứ khó khăn hơn. Tuy nhiên, việc gì xảy ra cũng phải xảy ra. Ngày 28-7-1914, Berchtold thuyết phục Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph tuyên chiến với Serbia- dù trên thực tế, quân đội của họ chưa sẵn sàng, và (có vẻ) đây là động thái khiến cho Serbia cũng như các nước khác tiếp tục suy xét việc "đồng ý cho rồi" để khỏi có chiến tranh gì cả. 
Wilhelm II trở lại, và sau khi xem những gì đã diễn ra, Wilhelm II cùng với Anh muốn mở ra cả một hội đồng suy xét để tìm kiếm giải pháp hòa bình hơn là "ủng hộ Áo-Hung" như đã hứa, tuy nhiên chuyện đã đến nước không thể nào hòa giải. Wilhelm II sau đó lại đề nghị lính Áo chỉ cần đóng quân ở Belgrade thôi, để cho thấy "thiện chí" là Áo không muốn chiếm đất ai cả. Lệnh này được truyền cho chính Bethmann Hollweg, và ông ta tuy đã có động thái vào ngày 29-7 là sẽ trì hoãn bằng cách chờ xác nhận từ các bên về việc "đừng manh động, nếu không Đức sẽ manh động lại"... Nhưng Hollweg lại cảm thấy kế hoạch này có gì đó không ổn, nên đã chỉ gửi đi theo kiểu "Cứ đưa kiểu kiến nghị thôi chứ đừng ép buộc bọn Áo phải làm theo"... Dù đó là lệnh từ chính Wilhelm II. Bây giờ bạn mới thấy quý sóng điện thoại tốt và cả là facetime để liên lạc phải không?
Trong khi đó ở Nga, Sazonov sau khi hay tin này đã lên cơn thịnh nộ và muốn điều động tòan bộ quân đội Nga đến Serbia- dù ông là người không hề muốn điều này diễn ra. Tất cả chỉ còn chờ lệnh của Sa Hoàng Nicholas II. Nhưng trước khi có phán quyết cuối cùng, Nicholas trong đêm rạng sáng ngày 29-7 đã gửi một bức điện tín đến cho Wilhelm II- người anh em họ của mình.

"Tôi vui vì anh đã trở lại sau kỳ nghỉ. Trong thời khắc quan trọng này, tôi khẩn cầu sự giúp đỡ của anh. Một cuộc chiến vô nghĩa sẽ xảy ra với một đất nước yếu thế nhỏ bé. Sự phẫn nộ của toàn dân Nga cũng như của tôi là rất lớn. Tôi đã thấy trước rằng rồi sớm thôi tôi sẽ gặp rất nhiều áp lực để mà sụp đổ, dẫn đến những hành động cực đoan mà gây ra chiến tranh. Để tránh đi những mất mát đau thương mà một cuộc chiến toàn Châu Âu có thể gây ra, tôi xin anh hãy nhân danh tình bạn lâu năm của chúng ta mà ngăn chặn đồng minh của anh lại bằng mọi cách. 
Nicky"
Cùng lúc đó, Wilhelm II cũng gửi cho Nicholas II một bức điện tín
"... Tôi hiểu rõ anh gặp khó khăn lớn đến cỡ nào khi phải đối mặt với dư luận nội bộ. Vì vậy, vì sự quan tâm hết mực với tình bạn chân thành đã gắn kết chúng ta từ trước đến nay, tôi sẽ dùng hết toàn bộ sự ảnh hưởng của mình với Áo để giải quyết mọi thứ để giúp anh có thể đạt được nguyện vọng. Tôi mong rằng anh sẽ tiếp tục sát cánh cùng tôi để đối mặt với những khó khăn sẽ còn xảy ra sắp tới.
Người bạn chân thành và người anh em thương mến của anh.
Willy"
Nicholas II và Wilhelm II đã hồi đáp nhau suốt đêm đó, và cả những ngày sau cho đến 1-8-1914. Họ không xưng danh với nhau là Sa Hoàng (Tsar/Czar) và Hoàng đế (Kaiser), mà là Willy và Nicky. Sự tiềm tàng của cuộc chiến này đã lên cao trào đến mức mà hai người bạn, người anh em phải chung tay nhau hợp sức vì đại cuộc của cả thế giới chứ không chỉ là Châu Âu nếu chúng ta nhìn xa hơn. Mặc cho những sai lầm trong quá khứ, hai lãnh đạo này đang có những bước đi rất tốt như những quân vương thật sự.
Nicholas II đã đúng về phần mình, ngài đã sụp đổ. Mặc cho tối 29 ngài đã ra lệnh cho việc điều động quân không được diễn ra, chỉ một cơn tự ái đã phá nát tất cả những điều đó. Khi lại bị ép buộc phải hội họp đưa phán quyết cuối cùng vào ngày 30-7, Sa Hoàng đã đứng trước một sức ép cực lớn là phải hành động kỹ càng vì chiến tranh sẽ diễn ra, hay thậm chí đã diễn ra rồi.
*Bổ sung sửa chữa* Nicholas II đã rất lưỡng lự mà nói rằng:
“Hãy nghĩ đến trách nhiệm mà các khanh đang bắt ta phải gánh vác đi! Nên nhớ, đây là một việc làm sẽ đưa hàng ngàn con người đi đến chỗ chết đấy!”
Một câu nói bỗng vang lên từ tướng Tatistchev- người vốn đã im lặng suốt buổi họp, “Vâng, rất khó để đưa quyết định”... BÙM! Quả bom trong đầu Sa Hoàng đã nổ, ngài nói “Ta sẽ quyết định”, và ngài đã duyệt lệnh điều động quân. Sazonov gọi cho Tham mưu trưởng Yanushkevich để thông báo phán quyết đó, và bảo rằng có khi hãy đập luôn điện thoại đề phòng trường hợp Nicholas II lại đổi ý.
Bạn muốn biết tại sao Nicholas II phản ứng nhanh vậy không? Vì Nicholas II vốn mang tiếng là một ông hoàng bị giật dây bởi một gã “pháp sư”/ thầy tu có cái tên Rasputin- điều này khiến cho cả triều đình lẫn dân chúng Nga oán hận Nicholas II rất nhiều. Ở thời điểm này thì thật ra Rasputin cũng đã tác động Nicholas II hãy tránh xa chiến tranh, nhưng lão đang bệnh nên ảnh hưởng của lão không cao lắm, còn Nicholas II thì căm ghét người ta nói mình “Không thể đưa ra quyết định”, thế nên ông ta đã làm đúng theo ý Sazonov và tham mưu trưởng của Nga.

Bàn cờ domino xem như đã đổ. Như đã nói về kế hoạch của Wilhelm II, chỉ để quân đội Áo đóng quân ở Belgrade là tối đa, Anh cũng đồng ý với cách này để mọi thứ có thêm thời gian cho nhiều giải pháp hoà bình, nhưng Bethmann Hollweg của Đức và cả Berchtold của Áo không thể nào chấp nhận được việc Nga không đứng trung lập. Vì Nga mà điều động quân đội, nếu như chậm trễ mà để quân Nga đến Serbia trước thì quân Áo chắc chắn sẽ mất lợi thế, mà nếu vậy thì quân Đức cũng phải động binh... Mà nếu Đức động binh thì Pháp cũng không thể nào đứng yên do lời hứa sẽ hỗ trợ Nga. Thế là xem như tàn cuộc, chiến tranh sẽ bùng nổ chỉ trong tích tắc, mặc cho các giải pháp hoà bình.
(Willy và Nicky lại một lần nữa điện đàm với nhau lần cuối vào ngày 1-8-1914, Nicky thì bảo việc điều động quân là không có ý gây chiến, Willy thì bảo Nicky mới là người phải làm phần việc còn lại là đáp ứng yêu cầu của Đức và không được có động thái vượt biên giới nào)
Động thái cuối cùng của tận cùng vào một đêm đầu tháng 8 để ngăn chặn tất cả vào thời khắc quyết định nhất. Pourtales, Đại sứ Đức lại đến gặp Sazonov một lần cuối cùng, nhưng là mục đích chuyến đi là để đưa cho ông ta thông cáo chiến tranh vì Nga đã không trả lời tối hậu thư của Đức vào ngày 31-7. Tuy nhiên, Pourtales đã không đưa thông cáo ngay khi gặp Sazonov, mà ông cầu xin Sazonov hãy dừng tất cả lại ngay trước khi quá muộn. 
“Hãy đồng ý bãi binh! Hãy đồng ý bãi binh đi! Hãy đồng ý bãi binh đi!”
Sau đó, Pourtales lại tiếp tục nài nỉ Nga hãy hồi đáp và chấp thuận yêu cầu trong tối hậu thư của Đức, và thậm chí nếu không trả lời thì đó vẫn là một hành động gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chắc bạn cũng đoán được câu trả lời của Sazonov. 
Thật ra thì Sazonov đã đưa lí do cho việc từ chối, một là lệnh không thể nào rút mà có hiệu lực ngay được, hai là điều động binh không có nghĩa là họ muốn chiến tranh, vì như đã nói ông ta chỉ muốn “hù” ngăn chặn Áo vào đến Serbia thế thôi. Nhưng ở những lúc then chốt và căng thẳng như vậy thì ai mà suy xét cho nổi. Thế mới thấy, sự thiếu thông tin về việc Áo không sáp nhập Serbia có mức ảnh hưởng toàn cục lớn đến cỡ nào.
Thế là Pourtales, không còn cách nào khác, rút từ túi ra một tờ giấy và rồi run rẩy đưa cho Sazonov (Thật ra Pourtales run sợ đến nỗi đưa Sazonov đến tận hai bản)
Đó chính là thông cáo tuyên chiến của Đức giành cho Nga.
“Tôi không biết làm cách nào tôi có thể sắp xếp đồ đạc để về nước nữa.” Pourtales tội nghiệp khóc lóc bảo. Pourtales cũng đã là người bảo rằng Nga có động binh thì cũng không động thủ, nhưng không ai ở Đức tin cả.
Sazonov nói sẽ cho người giúp vị đại sứ, rồi cả hai ôm nhau một lần cuối cùng. Cái ôm đó dù chân thành và thấy hiểu nhau mấy thì cũng không thể nào lấy lại được sinh mạng của hàng chục triệu người về sau.
Vài giờ sau khi biết tin Đức tuyên chiến với Nga và Pháp cũng vào cuộc, Vua George của Anh cũng đã gửi điện cho các phe để kêu gọi hoà hoãn, không bên nào đáp lại. Thậm chí, Wilhelm II còn nổi giận với một điện tín từ Anh về những việc liên quan đến  việc Pháp không dấy binh và cho quân ngay đêm đó đánh chiếm Luxembourg.

- Giá như Lojka không quẹo sai đường.
- Giá như Sazonov biết về việc Áo-Hung ngầm thừa nhận không thâu tóm Serbia, hay giá như Pourtales biết điều đó mà nói cho Sazonov.
- Giá như Áo-Hung không tuyên chiến mặc cho việc quân đội không sẵn sàng.
- Giá như Nicholas II cứng rắn hơn tròn việc không quyết định động binh.
- Giá như các bên đủ bình tĩnh nhường nhịn nhau.
- Giá như, tình huống tệ nhất, Áo-Hung hành động nhanh như kế hoạch ban đầu cho không ai trở tay kịp để thiệt hại là tối thiểu.
Quá nhiều “giá như”, nhưng không một lời giải đáp. “Cuộc chiến để kết thúc mọi cuộc chiến” đã diễn ra và thay đổi toàn cục vận mệnh của cả thế giới. Vở bi kịch hạ màn, những gì xảy ra tiếp theo đã thuộc về lịch sử.