PARADOX OF CHOICE: NGHỊCH LÝ CỦA SỰ LỰA CHỌN
Lựa chọn thì nhiều nhưng quyết định chỉ có một. Bài viết dành cho những bạn nhìn vào tủ đồ mà không biết mặc gì. Hầy, chuyện xảy...
Lựa chọn thì nhiều nhưng quyết định chỉ có một.
Bài viết dành cho những bạn nhìn vào tủ đồ mà không biết mặc gì.
Hầy, chuyện xảy ra vào một ngày không đẹp trời, người viết dậy muộn do trước đó thức khuya để cày mấy trận liên quân.
Ngày thường thì người viết tự chuẩn bị bữa sáng bằng một phần yến mạch và protein. Nhưng đồng hồ đã gần điểm 8 giờ. Người viết chỉ kịp khoác bộ suit và phóng con mẹc để đến chỗ làm (đùa đó).
Người viết định bụng là sẽ mua gì đó dọc đường để đem đến công ty, và những gì xảy ra sau đây là một câu chuyện buồn.
Dọc con đường Điện Biên Phủ có rất nhiều quán ăn ngon, nên là cứ mỗi lần chọn được một quán thì y như rằng người viết lại thấy quán khác ngon hơn nằm phía trước, rồi tới quán đó thì lại thấy quán khác ngon hơn ở phía trên nữa.
Cứ như nhìn vào menu mà chẳng biết chọn gì, người viết cứ đi mãi, đi mãi, cho đến khi kịp nhận ra thì đã tới bãi đậu xe công ty mất rồi. Vì cái sự lưỡng lự của mình mà người viết đã phải húp xì xụp tô mì gói 12 ngàn trong nước mắt hụ hụ.
Ngày xưa, việc chọn ăn gì có phần dễ thở hơn, vì lúc đó chỉ có le que vài quán. Việc có ít lựa chọn khiến mọi người đỡ phải lăn tăn khi ra quyết định.
Liên hệ tới hiện tại, người viết nhận ra rằng khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng, thì sự gia tăng về lựa chọn là một hệ quả tất yếu.
Nhiều lựa chọn sẽ mang lại cho bạn cảm giác tự do nhưng đây cũng là lúc nghịch lý của sự lựa chọn xảy ra. Khi có quá nhiều tự do, bạn chẳng còn biết phải làm gì nữa.
“Nghịch lý của sự lựa chọn” là gì?
Các nhà nghiên cứu đã nhìn ra vấn đề này. Họ thực hiện một thử nghiệm, mà ở đó có 2 hũ mứt ngọt, một hũ có 24 loại khác nhau và một hũ có 6 loại khác nhau.
Họ thấy rằng hũ mứt có đa dạng mẫu mã hơn sẽ thu hút mọi người đến xem nhiều hơn. Nhưng khi khảo sát số lượng người quyết định mua thì ở hũ đa dạng mẫu mã chỉ có 3% lượng người ghé qua mua, còn hũ ít lựa chọn hơn thì có đến 30% lượng tiêu thụ.
Hiện tượng này đã được giáo sư Barry Schwartz nghiên cứu và đặt tên là paradox of choice (nghịch lý của sự lựa chọn). Theo ông, việc có quá nhiều lựa chọn thực sự ảnh hưởng đến chất lượng của một cuộc sống hạnh phúc trong thời hiện đại.
Bạn thuộc nhóm dễ tánh hay cầu toàn?
1. Những người bạn cầu toàn
Có phải bạn đã từng đứng rất lâu trước tủ quần áo chỉ để suy nghĩ xem cách phối đồ nào là đẹp nhất, hay là đứng hình trong vài phút khi nhìn một thực đơn có quá nhiều món.
Hầu hết mọi người sẽ rơi vào nhóm cầu toàn, cả người viết cũng không ngoại lệ, ta luôn bị kiệt sức khi phải đưa ra quyết định hoàn hảo nhất.
Điều này dẫn đến việc ta sẽ luôn cảm thấy bất mãn. Bản năng con người sẽ dễ hối hận với lựa chọn hiện tại khi có bắt gặp một lựa chọn khác tốt hơn.
Nhiều lựa chọn sẽ tạo ra căn bệnh so sánh xã hội, thứ độc dược đang giết chết mỗi người ngoài kia trong thời đại 4.0 (đứa kia có cái áo đẹp hơn mình, nhỏ kia có cái lắc tay đẹp hơn cái mình, tức quá, sao bồ mình không bằng bồ nó,…).
2. Những người bạn dễ tánh
Và bây giờ, chúng ta sẽ đến với nhóm dễ tánh. Họ là những người có các tiêu chuẩn đơn giản, chỉ cần lựa chọn đó đáp ứng đủ tiêu chí được đưa ra là họ sẽ duyệt ngay.
Những người này thường dễ thở hơn những người cầu toàn. Họ cảm thấy thoải mái với cuộc sống, và có nhiều thời gian để tận hưởng sự hạnh phúc hơn, thay vì phải tranh đua.
Người viết có tình cờ quen một anh bạn thuộc nhóm này. Anh bạn rất thích ăn đồ cay, lúc nào đi ăn chung anh ấy cũng chọn món rất nhanh. Khi người viết hỏi thì anh ấy bảo là: “Tao chỉ cần món nào cay là tao gọi, món nào đập vô mắt đầu tiên thì kêu món ấy”.
3. Muốn dễ thở hơn? Hãy là cả 2
Tới đây bạn hẳn sẽ nghĩ, ủa vậy bắt chước ông bạn trên đi cho nhẹ đầu, cầu toàn chi cho khổ. Nhưng góc nhìn của người viết là bạn nên là cả 2 vào tùy trường hợp
Nếu dễ tánh quá, thì có khả năng đôi khi bạn sẽ đưa ra những quyết định sai lầm, sự thoải mái không phải lúc nào cũng tốt, đôi khi có những quyết định quan trọng trong đời cần phải dành thời gian cân nhắc.
Giống như khi phát triển những kỹ năng cá nhân, người viết luôn dành thời gian để suy nghĩ rất kỹ về những gì mình sẽ học, tham khảo, đánh giá chi tiết và lựa chọn những phương pháp có tính ứng dụng cao nhất.
TIP: Hãy tạo ra một tiêu chí cho một lựa chọn
Đối với người viết, khi nghĩ đến quyết định phải ăn gì, mặc gì, những nhu cầu cơ bản, thì người viết thường tập ra quyết định bằng cách chọn một tiêu chí cho lựa chọn đó. Chỉ cần lựa chọn đó đáp ứng được tiêu chí thì người viết sẽ chọn ngay mà không cần xem xét.
Ví dụ: người viết thích uống trà nên khi đến quán nước, chỉ cần đáp ứng tiêu chí là trà thì người viết sẽ chọn ngẫu nhiên ngay một món mà không cần suy nghĩ (học hỏi từ anh bạn trên, ha ha).
Tất nhiên để trung hòa 2 nhóm tính cách không phải chuyện đơn giản. Cá nhân người viết luôn phải luyện tập bằng cách nhắc nhở bản thân điều gì quan trọng và điều gì không quan trọng. Điều gì cần thời gian cân nhắc và điều gì cần đơn giản hơn.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất