Có lần tôi ngồi trước Nhà hát lớn Thành phố, đối diện cái lô cốt bao quanh tuyến đường sắt metro đang xây dựng, và tự hỏi rằng: những người kỹ sư của công trình này, sau khi hoàn thành dự án, sáng hôm sau họ sẽ cảm thấy gì và sẽ làm gì?
Liệu họ có hụt hẫng không khi cái công trình đã hơn chục năm gắn bó này không còn nữa? Cái gì sẽ tiếp tục điều hướng cuộc đời họ khi cái mục tiêu sâu sắc của cả chục năm nay, thứ mà theo họ từ lúc mở mắt thức dậy đến lúc nhắm mắt đi ngủ, đã không còn? Họ sẽ cảm thấy gì và sẽ làm gì tiếp theo, khi một phần quan trọng trong cuộc đời của họ không còn nữa.
Nếu là tôi thì có lẽ tôi chẳng biết phải làm gì vào sáng hôm sau, thậm chí nguyên một tuần sau đó, có khi lại cả tháng, thậm chí suốt phần đời còn lại nếu tôi là một người kỹ sư già về hưu ngay sau dự án. Cái hệ thống điều hướng cuộc đời của tôi nhiều năm nay đã không còn ở đó để nói cho tôi rằng tôi nên suy nghĩ về điều gì, có cảm xúc về thứ gì, và hành động cái gì. Nếu là tay kỹ sư già về hưu ngay sau dự án, có lẽ tôi sẽ dành cả ngày để hồi tưởng lại về tuyến metro và những dự án khác trong quá khứ, có lẽ tôi sẽ kiếm một người bạn để chia sẻ về những thứ làm tôi tự hào này, có lẽ tôi sẽ làm một số thứ khác nữa, cũng liên quan đến những mảnh ký ức xưa cũ, bởi bây giờ tôi đâu còn biết làm gì nữa.
Nhưng mà có lẽ không cần là một người kỹ sư già, cũng không cần tham gia vào dự án metro, thì cái cảm giác trống trải không biết làm gì với cuộc đời cũng thường trực bên cạnh tôi. Có lẽ xuất phát từ cái quan điểm tương đối và hoài nghi mà tôi luôn bị gắn chặt với nó - nếu không có cái gì là đúng và cái gì là sai, nếu hành động của tôi không mang lại giá trị thực tế nào, thì tại sao tôi phải hành động? Tại sao tôi phải suy nghĩ? Và tại sao tôi phải cảm nhận?
***
Cuộc đời của con người vốn chẳng có ý nghĩa gì, ai cũng biết điều này. Nhưng cái sự biết này không phải vấn đề. Vấn đề là chỉ khi con người không biết phải làm gì với cái cuộc sống vô nghĩa đó, con người mới gặp vấn đề.
Theo một nghiên cứu, nữ giới có mức độ "dễ chịu" (agreeableness) cao hơn nam giới (Feingold, 1994; Costa et al., 2001). Mức độ dễ chịu trên thang đo Big 5 được định nghĩa là tin tưởng, vị tha, tuân thủ, khiêm tốn và dễ mến (Matsumoto & Juang, 2012) - nói chung là sống vì người khác. Kết luận này có thể diễn giải rằng: con gái dễ dàng chấp nhận những chuẩn mực của xã hội và sống yên ổn với chúng hơn con trai. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao chỉ toàn lũ con trai mới than thở về ý nghĩa của cuộc sống và giá trị của cuộc đời, bởi chúng đâu có chấp nhận cái hệ thống giá trị của xã hội áp đặt cho bọn chúng. Tốt, tốt lắm! Nếu không chấp nhận thì cố mà tự tạo ra cái hệ thống giá trị, hệ thống định hướng, mục tiêu dấn thân, lý tưởng sống... hay bất kỳ cái gì đó tương tự đi nào.
Nhưng cái hệ thống định hướng đâu có phải một thứ gì đó được hình thành bởi suy nghĩ, nó chỉ được hình thành bởi thói quen cảm xúc, bởi niềm tin sâu sắc, bởi vô thức - hay bất kỳ cái gì đó mà con người không thể kiểm soát được. Bởi một khi kiểm soát được, con người sẽ còn nghi ngờ, và khi nghi ngờ thì cái hệ thống định hướng đó chẳng thể bền vững.
***
Con người có cái xu hướng kỳ lạ là luôn muốn tuân phục dưới một hệ thống luật lệ nào đó cao hơn mình, để giúp điều hướng cho chính mình trong cuộc sống. Đấy có thể là một câu trả lời cho ý nghĩa phổ quát về sự tồn tại của loài người, hay những giá trị vĩnh hằng không thể thay đổi nào đó, như những niềm tin tôn giáo hoặc một tư tưởng hệ.
Chúng đóng vai trò như một hệ thống định hướng, giúp con người hình thành mọi thái độ trong cuộc sống. Nó giúp con người phân biệt được cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì là tốt, cái gì là xấu, nhờ đó mà mới đưa ra được quyết định hành động, hơn cả thế là giúp họ biện minh cho chính mình rằng những nỗ lực, những đau khổ ở hiện tại là đáng để chịu đựng, để hướng đến một cái gì đó ở tương lai phía trước. Nói chung, giúp họ có một cuộc sống "tỉnh táo", "lành mạnh", và "như một con người văn minh", chứ không phải tận hưởng những đợt sóng dopamine mà không cần biết đến ngày mai - cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút chích - hoặc tự kết liễu chính mình.
Tuy nhiên, không hẳn con người cần một cái ý nghĩa phổ quát hay một giá trị vĩnh hằng nào, cái con người cần chỉ là một hệ thống định hướng. Nếu một hệ thống định hướng được xây trên niềm tin sâu sắc với một tôn giáo hay một tư tưởng hệ, thì thực sự tuyệt vời, vì nó khó có thể mà lung lay được. Hàng ngày, niềm tin của họ sẽ được truyền thông hoặc hàng triệu các tín đồ khác củng cố "giùm".
Nhưng không cần thiết phải thế, con người sẽ vẫn ổn với sự thật rằng sự tồn tại của mình thực sự chẳng có "ý nghĩa cao hơn" gì sất, cho đến chừng nào họ vẫn biết mình đang hướng tới đâu trong cái cuộc sống cá nhân của riêng họ. Hệ thống định hướng có thể đơn giản đến từ những ưu tiên của cá nhân. Những ưu tiên của cá nhân này đến từ thói quen cảm xúc, thứ được hình thành một phần từ bản năng, một phần từ môi trường xung quanh mà cá nhân trải nghiệm từ nhỏ đến lớn, mà bây giờ đã bám rễ vào họ.
Những cảm xúc khi trở thành thói quen có uy quyền thôi thúc cá nhân hành động chẳng kém gì những lời răn dạy của một đấng tối cao nào đó. Những thôi thúc này, con người không có khả năng kiểm soát. Ảnh hưởng của nó diễn ra một cách tự động và vô thức. Con người có thể ý thức được về chúng chứ, nhưng nếu ảnh hưởng của chúng không thôi thúc một cách tự động và vô thức, thì hệ thống định hướng đó cũng chẳng thể lâu bền.
Nói cách khác, thay vì tuân phục một ý nghĩa phổ quát hay giá trị vĩnh hằng nào đó, thì con người cũng tuân phục vô thức và cảm xúc của chính mình để định hướng cho mình trong cuộc sống - phân biệt tốt-xấu, đúng-sai, thích-ghét, có cái đích để hướng tới, và biện minh cho những khó khăn và nhàm chán hiện tại.
Có những định hướng rất cụ thể và cũng có những định hướng rất chung. Những định hướng cụ thể nhất - thích sô cô la, ghét bạc hà - được xếp ở phía dưới cùng. Nhiều định hướng cụ thể này hợp lại, tạo thành những định hướng bao quát hơn một chút - thích công bằng, ghét giả dối. Nhiều định hướng bao quát hơn này lại hình thành nên một định hướng bao quát hơn nữa - chăm chỉ và hy vọng hái quả ngọt. Cứ như vậy, những định hướng, từ cụ thể nhất đến bao quát, xếp lại, tạo thành một kim tự tháp, mà phía trên cùng là một định hướng bao quát nhất - kim chỉ nam/mục tiêu dấn thân cho cả cuộc đời, thứ mà con người cho là ý nghĩa cuộc sống của họ.
Cả kim tự tháp này đóng vai trò như một hệ thống điều hướng cho con người trong cuộc sống. Và con người xây dựng nên cái ý nghĩa chủ quan của mình trong một thế giới thiếu vắng ý nghĩa khách quan theo một cách như vậy. Chỉ đến khi gặp vấn đề với cái hệ thống định hướng này, con người mới gặp vấn đề với ý nghĩ của cuộc đời.
Đó có lẽ là khi 18 tuổi, ta đắn đo không biết nên chọn ngành gì. Có lẽ là khi 22 tuổi, ta không biết nên theo đuổi con đường sự nghiệp gì. Có lẽ là khi 25 tuổi, ta không biết phải làm gì tiếp theo. Có thể là khi 30 tuổi, ta biết rằng mọi khả năng trong cuộc sống đang đóng lại trước mặt mình. Cũng có thể là khi 45 tuổi, khi mọi thứ trong đời ổn định đến mức ta không biết còn gì để làm nữa.
Mọi người gọi những quãng thời gian này là 'khủng hoảng hiện sinh', rằng con người nhận ra cuộc đời này vốn đìu hiu và hạn chế làm sao. Nhưng khủng hoảng không phải là do con người nhận ra cuộc sống vô nghĩa. Vốn dĩ ai cũng biết nó vô nghĩa rồi; chỉ đến khi họ không biết phải làm gì với cuộc sống vô nghĩa này, họ mới khủng hoảng; khi cảm thấy cái cuộc sống vô nghĩa này không còn đáng nữa, sự tuyệt vọng xuất hiện. Lúc này, hệ thống định hướng bị sụp đổ; những cảm xúc đã từng thôi thúc con người sống một cách tràn đầy năng lượng, giờ thậm chí không còn khả năng lôi họ ra khỏi giường.
Con người khao khát một hệ thống định hướng theo một cơ chế như vậy.
***
Đã qua rồi cái thời Đạo Khổng bao trùm cả nền văn hoá, với những giá trị của nó mặc định là những giá trị vĩnh hằng cho mọi cá nhân. Làm quan, tiến chức, báo hiếu, sống một cuộc đời đạo mạo v.v.. một thời chúng là kim chỉ nam mạnh mẽ đến nỗi sẽ không một ai với đầu óc bình thường mảy may đặt câu hỏi cho những giá trị này. Con người cứ thế mà bận rộn với những mục tiêu đã được quy định sẵn, việc định hướng cho cuộc sống thật dễ dàng. Họ có thể thất vọng vì không đạt được mục tiêu, hay đau khổ vì những khó khăn trong cuộc sống, nhưng họ luôn biết mình muốn gì.
Giới trẻ thường nhìn về thời ông bà và tỏ lòng thương hại rằng họ sống một cuộc đời thật nhạt nhẽo, như người tối cổ trong những nhà tù của họ. Ông bà mà có sống lại chắc cũng nhìn về bọn cháu chắt với lòng thương xót, rằng "ít nhất điều đó làm bọn tao thoả mãn." Còn bọn cháu chắt như chúng ta, tất nhiên, còn chẳng biết điều gì làm mình vui.
Nghịch lý thay, con người khao khát một hệ thống định hướng; nhưng hệ thống định hướng càng mạnh mẽ bao nhiêu, càng mang lại cho ta cảm giác có ý nghĩa như thế nào, càng thúc đẩy ta mãnh liệt ra sao, thì khi nó không còn, nó càng làm ta suy sụp bấy nhiêu.
Sự không còn của một hệ thống định hướng có thể do nguyên nhân rất tươi đẹp như khi đã đạt được thành tựu cuối cùng nào đó, nhưng cũng có thể là hệ thống này bị kéo sụp bởi những tác nhân không mấy tươi đẹp.
Một người càng hạnh phúc với hôn nhân của mình bao nhiêu, thì ngày mà người đó phát hiện ra người bạn đời của mình vốn lừa dối mình bấy lâu, sẽ càng tồi tệ bấy nhiêu.
Trong cuộc sống của một người, có lẽ không thể tránh khỏi những ngày mà hệ thống định hướng của họ bị sụp đổ, từ ở cấp độ vi mô nhất (ngày nhận ra rằng bạc-hà-trong-tô-canh-chua khác với bạc-hà-trong-ly-trà-đào), đến cấp độ vĩ mô nhất (ngày nhận ra không có gì lớn lao đang đợi mình ở cuối con đường). Sau khi vượt qua sự đau khổ, thì sự trống trải và hụt hẫng sẽ tràn ngập. Hệ thống định hướng cũ đã không còn, hệ thống định hướng mới chưa kịp định hình, cá nhân rơi xuống vực thẳm của sự hư vô.
Và trong hư vô, con người bối rối trong sự tồn tại của chính mình.
Tương tự, quãng thời gian mà một xã hội nằm giữa cuộc giằng xéo giữa hai hệ tư tưởng là quãng thời gian mà xã hội bất ổn nhất - khi một hệ tư tưởng cũ với những giá trị cũ sụp đổ, bỏ lại một khoảng chân không khổng lồ, mà hệ tư tưởng mới với những giá trị mới chưa đủ mạnh mẽ để lấp đầy. Bài siêu hay về chủ đề này: Hỗn loạn giá trị (vnexpress).
***
Xã hội ngày nay đề cao chủ nghĩa cá nhân, rằng mỗi cá nhân có quyền và cũng có nghĩa vụ sáng tạo một hệ giá trị riêng của riêng mình. Và chỉ có như thế thì mới thực sự sống một cuộc đời trọn vẹn, "là chính mình".
"Chúng ta sinh là một nguyên bản, đừng chết như những bản sao." - câu khẩu hiệu huyền thoại của thế hệ này.
Cũng tốt thôi. Nhưng vấn đề là càng suy nghĩ xem mình nên làm gì, ta càng nhận ra mình không biết phải nên làm gì. Càng muốn độc đáo ta càng nhận ra mình chẳng độc đáo đến vậy. Càng muốn để lại dấu ấn của bản thân ta lại càng thấy mình chẳng có gì để mà để lại.
Khi càng suy nghĩa về việc phải định hướng mình như thế nào trong cuộc sống, ta nhận ra rằng mình phải phủ nhận một số phần trong con người của mình.
Một cậu thiếu niên tràn đầy tiềm năng mới bước vào đời. Mọi người và cả anh ta đều tin rằng: cả một thế giới rộng mở đang ở ngay trước mắt anh ta. Rồi đến một ngày, anh ta nhận ra mình không thể có cả thế giới, ngay cả một cuộc sống bình thường nhất thì chật vật lắm anh ta mới có thể duy trì được. Và giờ đây không còn nhiều thứ mở ra trước mắt anh ta nữa. Để sống một cuộc đời bình thường, anh ta phải từ bỏ hầu hết tiềm năng và mơ ước của mình, gò một cá thể luôn muốn tự do như mình vào những khuôn mẫu được xã hội chấp nhận - từ lối sống cho đến quan điểm và suy nghĩ, cảm xúc. Anh ta phải giới hạn những thứ tự nhiên, tự phát, và bồng bột nhất của mình. Không còn là con nít nữa, anh ta phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình.
Liệu anh ta có hụt hẫng không? Đối mặt với sự hụt hẫng này, anh ta phải làm gì tiếp theo trong quãng đời trưởng thành của mình? Tự do làm những thứ mình thích á? - Rồi kết thúc cuộc đời như một kẻ vô dụng, không lo được cho chính bản thân mình và những người thân, à mà chưa chắc những người thân đã chấp nhận anh nếu anh không suy nghĩ hợp khung với họ. Vậy thì anh ta sẽ phải đi theo đường mòn của xã hội ư? - Liệu có đáng không cho một cuộc đời như vậy? Anh ta có vui không?
Sống sao để vừa thoả mãn được những đòi hỏi của xã hội lẫn những đòi hỏi của riêng mình? Nghịch lý thay, những thứ xã hội đòi hỏi rất mâu thuẫn với những thứ anh ta đòi hỏi. Sự mâu thuẫn khiến anh ta chẳng còn biết mình nên đòi hỏi gì từ bản thân mình nữa. Xa hơn, anh ta còn chẳng biết nên nghĩ gì và có cảm xúc ra sao trước những sự việc và hiện tượng. Anh ta nghi ngờ chính mình trong sự tồn tại của mình.
***
Sự thiếu vắng một hệ thống định hướng thể hiện ở góc nhìn tương đối ta áp dụng khi nhìn cuộc đời. Một người với một hệ giá trị lỏng lẻo, có lẽ anh ta sẽ không mấy khó chịu đâu, khi gặp phải một người có quan điểm trái ngược mình. À mà thật ra không thể gọi là quan điểm trái ngược được, nếu anh chàng này còn không có quan điểm ngay từ đầu.
Những người như này thường là những dễ mến nhất ta gặp được trong cuộc sống. Những người xung quanh cảm thấy không bị phán xét mỗi khi giao tiếp với họ, dù quan điểm có độc hại hay trái luân lý đến đâu thì người kia cũng sẵn sàng chấp nhận.
Một con người thế này nghe có vẻ hoàn hảo, nhưng những trạng thái con người như vầy có lẽ chỉ nên tồn tại ngắn hạn trong phòng tham vấn tâm lý, nơi mà nếu thân chủ có thú nhận đã từng giết và chặt xác người yêu nhiều năm về trước, thì tham vấn viên cũng không đi báo công an. Hay khi một bà mẹ chăm sóc cho đứa con mới sinh của mình.
Không một ai có thể sống một cuộc sống quan tâm tích cực vô điều kiện, một cách trọn vẹn theo đúng định nghĩa của nó được - tôi cho rằng nó là cái phong cách sống tự phủ định chính mình. Muốn phản chiếu trọn vẹn người đối diện, chỉ có một cách, đó là chính bản thân ta phải trong suốt. Nhưng mà nếu trong suốt thì liệu ta có phải là đang tồn tại?
Khi hai con người khi tương tác với nhau, ai cũng muốn người kia chấp nhận bản thân mình vô điều kiện - việc này làm họ cảm thấy như mình đang được công nhận như một thực thể độc lập, với những giá trị riêng biệt, được thể hiện ra và ảnh hưởng lên thế giới xung quanh. Nhưng người kia, để chấp nhận trọn vẹn và vô điều kiện người này, phải không được thể hiện giá trị của mình và ảnh hưởng ngược lại lên người kia - tức phủ nhận chính mình.
Chấp nhận vô điều kiện trong tương giao giữa hai người vốn là một nghịch lý, người này được nghĩa là người kia không được.
Nhưng nếu không phủ nhận bản thân, mà hành động mạnh mẽ theo cái hệ thống định hướng của mình, thì một người lại rơi vào cực ngược lại - cứng nhắc, bảo thủ, gia trưởng, không biết cảm thông cho ai. Những người có những giá trị rõ ràng nhất, có hệ thống định hướng mạnh mẽ nhất, đôi khi là những con người độc hại nhất.
Nghịch lý thay, hệ thống định hướng mạnh mẽ tỷ lệ nghịch với sự cảm thông trong cuộc sống. Vậy ta phải chọn cái gì?
***
Rất nghịch lý, nhưng cuộc sống vốn toàn là những nghịch lý, được này sẽ mất kia. Và ai đó, bằng một cách nào đó, giải quyết được một nghịch lý trong cuộc đời, sẽ trở nên trọn vẹn hơn một chút.
Sự đau khổ liên quan đến hệ thống định hướng có lẽ là không thể tránh khỏi.
Có những người tưởng chừng như có một hệ thống định hướng mạnh mẽ lắm, có những giá trị mạnh mẽ lắm. Có thể là những người đề cao trách nhiệm như một người trưởng thành, có thể là những người chọn một lối sống tự phát của trẻ thơ, cũng có thể là những người tự tin như thể cân bằng được cả hai. Nhưng đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, hệ thống định hướng của họ cũng sụp đổ hết một lượt. Rồi họ cũng phải sống tiếp. Lúc đó họ cũng phải loay hoay sắp xếp lại từng mảnh vụn của hệ thống định hướng cũ. Họ cũng lại tự hỏi: Tôi nên nghĩ gì, cảm thấy gì, mong đợi gì, và hành động gì cho quãng đời sắp tới? Liệu mọi thứ có đáng nữa không?
Có những người theo đuổi một lý tưởng gì đó cả đời. Họ theo đuổi những giá trị riêng biệt, họ muốn thay đổi thứ gì đó hay để lại những giá trị gì đó cho cuộc đời. Những thứ này khiến họ cảm thấy rằng mình đang sống một cuộc đời có ý nghĩa, và để lại dấu vết của mình trên trái đất. Nhưng trong những ngày âm u nhất, những đêm tĩnh mịch nhất, họ có tự đặt câu hỏi cho những thứ mà họ đang theo đuổi không? Liệu họ có thực sự tin vào hay thấy thoả mãn về những điều đang làm không? Tuy nhiên có lẽ cũng không quan trọng lắm đâu, vì ít nhất vào ngày mai, khi thức dậy họ biết mình sẽ làm gì, và biết mình đang chiến đấu cho điều gì. Ít nhất họ có một hệ thống định hướng cho bản thân, cứ sống như vậy là được.
Nhưng... lỡ như, nếu một ngày họ phát hiện ra những thứ mình đã làm, những thứ mình đang theo đuổi hại nhiều hơn lợi, họ sẽ cảm thấy thế nào? Như một người bán ống hút giấy cho rằng mình đang góp một phần công sức nhỏ nhoi để bảo vệ đất mẹ, nhưng sự thật lại cho thấy khí metan từ việc khai thác cây và việc ống hút giấy không thể tái chế, thực chất đang làm hại môi trường hơn. Họ sẽ để cho hệ thống định hướng trong mình vỡ vụn đi và rơi vào hư vô, hay sẽ lơ đi sự thật vừa mới phát hiện được và vui vẻ tiếp tục với công việc như chưa có sự thật nào vừa được phơi bày?
***
Hoa diên vĩ; Vincent van Gogh, 1889
Có những nghịch lý. Nhưng dù sao thì, ai cũng phải đi trên con đường ấy, để một lúc nào đó, hoặc không bao giờ, xây dựng cho mình được một hệ thống định hướng vững chãi - một cách sống mà họ thấy thoải mái trong cuộc đời này.
Một lần nữa, rất nghịch lý, nhưng cuộc sống vốn toàn là những nghịch lý, được này sẽ mất kia. Và ai đó, bằng một cách nào đó, giải quyết được một nghịch lý trong cuộc đời, sẽ trở nên trọn vẹn hơn một chút. Có lẽ vậy.
----Surphi10, 07/12/2020