1. Những quan niệm sáo rỗng về "CáiTôi"
Trong một buổi hẹn cà phê, A và B bàn về vấn đề con người cần tìm kiếm cái gì để tồn tại ngoài xã hội
A hỏi: "Theo mày nghĩ, con người cần nhất là cái gì để tiếp tục tồn tại ngoài kia?"
B: "Thì con người cần tiền để sống chứ cần cái gì khác ?"
A: "Ừ thì tiền là điều cần thiết cho cuộc sống, nhưng trong một số trường hợp, nhiều đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có lại không hạnh phúc vì tiền. Chúng bị những áp lực vô hình khác như thành tích học tập tốt, sự nghiệp phải hơn người, cũng như không thể nào chạy theo những nghề nghiệp tầm thường mà chúng đam mê. Nhiều trong số đó đã tự vẫn vì những áp lực vô hình này" - A tiếp tục:"Cho nên, con người trong thời đại này đang đi tìm cái "tôi" mày ạ. Bây giờ ai ai cũng thao thao bất tuyệt là con người phải có cái tôi cá nhân, con người phải tự biết mình là ai trong xã hội này..."
B cắt ngang và cười nhạt: "A..Haha...Cái tôi là gì !?"
"À...ừ thì... cái tôi là... chính chúng ta đó, là con người phải sống theo bản tính tự nhiên của mình. Thành thật với cảm xúc của mình. Tự do thể hiện cá tính của bản thân. Là địa vị danh vọng mà bao nhiêu năm ta nỗ lực có được." - A do dự đáp.
B: "Tao hỏi lại mày, thế nào là bản tính tự nhiên ? Có phải bản tính tự nhiên là sống theo bản năng như loài chó hay không ?"
A gắt giọng: "Ơ cái thằng này, con người phải có cái "tôi" hướng thượng chứ, làm sao con người thua một con chó được ?"
B: "Nếu sống theo bản tính tự nhiên, thể hiện cá tính, cảm xúc như bản thân đã muốn. Thì tại sao một người tự nhận bản thân có bản tính nóng nảy, lại cắn răng chịu đựng trước mặt ông giám đốc đang khiển trách anh ta ? Hay là một người có nhu cầu cao trong chuyện giường chiếu, thì đương nhiên, anh ta có có quyền tự do làm điều mình thích, cởi trần truồng chạy long nhong ngoài đường, rồi hãm hiếp bất cứ thứ gì có thể di chuyển được chứ ? Nếu nói như mày thì chó mèo mới làm đúng theo những gì mày mô tả, ghét ai là dí cắn cho bằng được, ưng ý với một bạn tình nào là làm tình ngay ngoài đường...!!!"
A vội vàng cắt lời: "Thôi thôi tao lạy mày, nhiều người đang ở quanh đây. Làm ơn bé bé cái mồm"
B nói với thái độ móc mỉa A: "Hề hề..Cái tôi là chính chúng ta đó, là con người phải sống theo bản tính tự nhiên của mình. Thành thật với cảm xúc của mình. Không phải vậy sao ?"
Qua câu chuyện trên, tôi muốn đặt ra câu hỏi: "Tôi" thực sự là gì ? Khi một ai đó khẳng định rằng "chúng ta phải tự biết mình, hãy là chính mình, chúng ta phải trở thành phiên bản tốt hơn của ngày hôm qua..." Vậy thì tại sao bạn cứ mãi đi tìm nó rồi không thể tự định nghĩa được "tôi là ai" ? Nếu từ bỏ tất cả vật chất, những cái nhãn định danh con người bạn, thì bạn chỉ là một cái gì đó vô nghĩa.
Quay lại vấn đề chính.
2. Định Nghĩa "Tôi"
Cái tôi mà chúng ta thường nghĩ đến là những giá trị tích lũy được sau vô số những trải nghiệm trong quá khứ, tạo nên sự khác biệt của "tôi" ở bên trong lẫn bên ngoài như: Tiền tài, danh vọng, sự nghiệp; Kĩ năng, tư duy, kinh nghiệm, thế giới quan...Hoặc là những khả năng bẩm sinh, cá tính, tính cách làm cho "tôi" khác biệt với cá thể khác.
Nhưng, đó chỉ là những nhận định chung chung về "tôi" của đại chúng.
a. Cái tôi KHÔNG thường hằng, bất biến.
Tôi muốn đặt ra giả định, nếu chúng ta định nghĩa được "tôi", thì nó là một biểu tượng cố định không bao giờ thay đổi. Nếu theo quy luật đó, thì chúng ta sẽ trở nên cố chấp, không thay đổi, không thể nào phát triển bản thân. Chúng ta chỉ là bầy thú đội lốt con người sống theo bản năng tự nhiên vốn có.
Nhưng trong thực tế, con người thường nhận định sai hoàn toàn về bản thân do phụ thuộc vào cảm xúc cá nhân. Lúc cảm xúc ở trạng thái tiêu cực, bi quan, họ tự cho bản thân là kẻ bất tài vô dụng, hướng nội. Lúc đạt được thành tựu nào đó, "tôi" là người hướng ngoại, hoạt bát, năng động, thích hòa đồng với mọi người.
Thậm chí chúng ta tự quên đi chính bản thân mình trong một đám đông cuồng nộ - Theo quan điểm của Gustave Le Bon (Nhà tâm lý học xã hội người nổi tiếng người Pháp vào thế kỉ 19)
"Thành viên của một đám đông sẽ tự mất đi cá tính có ý thức, cá tính vô thức chiếm thế thượng phong, suy nghĩ và tính cảm bị hướng về một hướng bởi kích hoạt và lây nhiễm, có xu hướng nhất quyết biến những ý tưởng bị kích hoạt thành hành động. Các thành viên lúc này không còn là chính họ nữa, tất cả đã trở thành người máy và không còn làm chủ được những hành động của mình. Chỉ riêng sự là một thành viên của đám đông, con người đã tụt xuống nhiều nấc thang văn hóa. Là người độc lập, có thể anh ta là một kẻ có học; trong đám đông anh ta là một sinh vật hoạt động theo bản năng, có nghĩa là một kẻ mọi rợ"
b. Người không có sự quan tâm đến bạn, thường không có sự đánh giá chính xác về bạn.
Nếu đánh giá lại bộ phim KungFu Panda 1 theo đúng thực tế của đời người, tôi chỉ thấy đây là bộ phim bắt con người ta tin vào số phận nhảm nhí, và cái "tôi" sai lạc.
Ở cuối bộ phim, khi Poo và TaiLung nhìn vào Dragon Scroll - một tấm gương vàng, trống rỗng cho thấy sức mạnh thực sự của Thần Long Đại Hiệp là tin vào chính mình.
Đối với Poo, chúng ta phải biết điểm yếu điểm mạnh của bản thân và phát huy điểm mạnh đó, thay vì chạy theo số đông. Trong khi TaiLung lại thấy rằng tấm gương vàng đó phản ảnh sự nỗ lực của anh ta là "nothing !?" chỉ vì chạy theo kì vọng của Sifu, chứ không phải vì bản thân. Thử hỏi, nếu đã phát huy hết khả năng thiên phú võ thuật của bản thân khi nhờ vào định hướng của Sifu, TaiLung luôn hăng hái thích thú với những quả đạt được, thì điều đó đã đủ chứng tỏ rằng anh ta đã tự "biết bản thân" của mình ngay từ khi còn bé, đúng chứ ? Thêm một yếu tố vô lí nữa, chúng ta có thể thừa nhận rằng, TaiLung là thiên tài võ thuật bẩm sinh, cho nên anh ta khác biệt với số đông. TaiLung ngay từ ban đầu không đại diện cho cái ác, chỉ có sự vô tâm của Oogway là cái ác tột đỉnh cho một đứa trẻ tài năng.
Oogway mang hình tượng nhân hóa từ con rùa. Rùa trong hóa đại chúng là sinh vật có tính kiên nhẫn, khôn ngoan, dễ tính. Khả năng đặc biệt của Oogway là nhìn thấy rõ được số phận của bất cứ ai. Nhưng con rùa này không có có những bản tính tốt đẹp như trên. Ông ta mặc kệ quá trình phát triển của hai thầy trò Sifu và TaiLung, nói chuyện mông lung ẩn ý sau những lần Sifu nếm mùi thất bại cay đắng.
Cả đời Sifu sống trong khổ sở, vừa vật lộn quằng quại để hiểu ý thầy mình, vừa lao tâm khổ tứ, tìm hiểu và nuôi dạy đám đệ tử. Nếu Oogway là một người già thông thái, biết được đệ tử mình là ai, thì phải chỉ rõ ràng rằng: TaiLung là một đứa trẻ hiếu động, bản tính ưa bạo lực. Ông phải quan tâm, chăm sóc, giải thích, uốn nắn làm sao cho nó hiểu về đạo đức làm người. Cũng như nói cho Sifu biết rằng không nên chiều chộng TaiLung quá đà. Thực chất, Oogway không cho TaiLung cơ hội và buộc TaiLung tin rằng: "Không đạt được danh hiệu Thần Long Đại Hiệp là số phận đã định đoạt, mày không còn một cơ hội nào để mà ngóc khỏi vũng bùn của số phận"
Ta có thể thấy, Ooway trong Kungfu Panda là một thiền - võ sư giống như Miyamoto Musashi, nhưng tôi không hiểu tại sao giữa họ lại có quan điểm trái ngược nhau về cách nuôi dạy đệ tử.
Theo quan điểm của Miyamoto Musashi (Phong chi quyển - Ngũ Luân Thư) cho ta thấy rằng, Ooway là người thầy vô tâm với môn đồ.
"Khi truyền thụ đạo binh pháp, thoạt tiên ta luyện cho môn đồ những chiêu thức dễ học nhất, những đạo lý dễ hiểu nhất. Nhiên hậu mới nghĩ đến việc dẫn giải các nguyên lý thâm sâu, các điểm khó lĩnh hội hơn, tùy theo nhịp tiến của môn sinh. Với bất kỳ biến cố nào, do Đạo chỉ có thể thu nhận được qua thể nghiệm bản thân, ta không thể lý hội tới “nội, ngoại”"
"Do vậy, ta không màng khép Đạo của ta vào trong những môn quy và pháp giới. Cảm nhận được tâm địa và tài trí của môn sinh, ta trực truyền cho chúng binh pháp của ta, gột rửa những dấu ấn tác hại của các môn phái khác nơi chúng và từng bước dẫn dắt chúng trên con đường chân võ đạo"
Kết quả, TaiLung "tự biết mình" thấu triệt về tài năng, sở thích ngay từ khi còn bé. Lại "tự biến chất" chính mình thành kẻ ác độc, nguyên nhân chính là do đánh giá sai lệch từ người thân vô tâm. (Tôi nói như vậy không phải quy chụp phụ huynh của bất cứ ai, vì cha mẹ của chúng ta không phải là chuyên gia tâm lý, hay là nhà thông thái nhìn rõ cái "tôi" của con cháu mình như Oogway)
Trái lại, người có thể trạng không thể nào phù hợp với võ thuật như Poo - nhân vật chính với sức mạnh khải ngộ "tin vào chính mình". Anh ta chỉ cần khổ luyện võ thuật sơ sài chẳng tới đâu cũng đạt được Thần Long Đại Hiệp trong thời gian ngắn ngủi, điều đó là bất hợp lý đối với quá trình phát triển của một con người.
Để bác bỏ luận điệu bảo vệ cho nhân vật Poo: "những người nặng cân như Sumo cũng là những võ sư". Tôi cho rằng, luận điệu như vậy là chưa chính xác hoàn toàn về Sumo. Thực chất, Sumo - những võ sĩ được tuyển mộ và đào tạo từ khi còn trẻ, cả cuộc đời họ phấn đấu hết mình với chế độ tập luyện kỷ luật, cùng với chế độ ăn giàu dinh dưỡng, nhiều rau củ, cung cấp cho họ từ 7.000 - 10.000 calo mỗi ngày. Bề ngoài của Sumo là những tên béo phì ngoại cỡ, nhưng thực chất phía sau lớp mỡ ấy là những khối cơ mạnh mẽ, gánh chịu quả tạ mỡ khổng lồ. Họ là những võ sư kỷ luật, béo "tích cực". Hơn là những người béo "tiêu cực" vì sự tham ăn mất kiểm soát, lười vận động.
Suy cho cùng
Bạn không thể biết "Tôi" của mình là gì, đôi khi những đánh giá không chính xác của người ngoài còn làm sai lệch đi cái nhìn của bạn về bản thân bạn
3. Bản chất của "TÔI" là "KHÔNG CÓ TÔI"
Nishida Kitaro (西田 幾多郎, Nishida Kitarō, sinh 19/05/1870 - mất 07/06/1945) - là triết gia đạo đức người Nhật, triết gia toán học và khoa học, và học giả tôn giáo. Ông là người sáng lập ra trường phái triết học Kyoto. Là người dung hội được triết học Đông - Tây, mọi suy ngẫm triết học của ông đã tạo nên sự đối đầu triệt để với triết học phương Tây.
Theo như quan điểm của nhà Phật.
"Cái tôi", thường gọi là "ngã", là "cái tôi" được thiết thuyết với một thể tính trường tồn, không bị ảnh hưởng của tụ tán, sinh tử. Đạo Phật, đặc biệt là truyền thống nguyên thủy (Nam Tông, Tiểu thừa), không công nhận sự hiện diện "sự có mặt" của một "ngã" như tâm lý học. Cái mà người ta hiểu lầm là cái tôi thì nó được cấu thành từ Sắc (phần thân thể) và Danh (phần tâm thức) biến đổi không ngừng trong từng sát na (đơn vị nhỏ nhất của thời gian). Danh gồm 4 phần Thọ (cảm giác), Tưởng (tư tưởng, hồi tưởng), Hành (các hoạt động tâm có tác ý), Thức (đồng sanh và đồng diệt với Thọ Tưởng Hành).
Theo như Phật Thích Ca thuyết (trong Kinh Vô Ngã Tướng) thì Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là vô thường; cái gì vô thường thì mang bản tính hoại diệt nên khổ; cái gì là khổ, sinh lên tùy nhân duyên thì là vô ngã (không có cái tôi, không có cốt lõi vững bền).
Để tóm lược một cách dễ hiểu hơn, Nishida cho rằng:
Người vô ngã là người có trải nghiệm Kinh nghiệm thuần túy (Tỉnh thức, Thiền).
Theo tác phẩm Cái Thiện - Hành trình tìm kiếm tự ngã chân chính của Nishida Kitaro (Chương 1: Kinh Nghiệm Thuần Túy - Tr.17).
"Kinh nghiệm là sự hiểu biết thông qua sự thật thực tế. Sự hiểu biết đó hoàn toàn không có sự thêm thắt suy nghĩ của bản thân, chỉ dựa theo sự thật khách quan. Trên thực tế, kinh nghiệm thông thường luôn có sự pha tạp của nhiều tư tưởng khác nhau, do đó, thuần túy chính là trạng thái kinh nghiệm chân thực đơn thuần nhất, không thêm bất cứ tư duy biện biệt nào [...] Do đó, kinh nghiệm thuần túy đồng nhất với kinh nghiệm trực tiếp. Khi mọi người trực tiếp được trạng thái ý thức của bản thân, còn chưa chia ra đâu là chủ quan đâu là khách quan, thì tri thức hoàn toàn đồng nhất với đối tượng của nó. Đó chính là kinh nghiệm thuần túy nhất."
Có nghĩa, thay vì thông qua sự cảm nhận trực tiếp về thế giới. Con người thường phân biệt giữa chủ thể (ta) và khách thể (không phải ta). Cho nên con người mới sinh ra khổ ( KHỔ ở đây được hiểu ở đây là BẤT NHƯ Ý). Ví như trong tình yêu giữa bạn với một cô gái xinh đẹp, bạn thường vẽ ra hình ảnh không có thật về đối phương. Vì bạn lầm tưởng người đẹp thường đi đôi với sự hoàn hảo trong nhân cách và trí tuệ. Sau một thời gian tiếp xúc tìm hiểu, cô ấy lộ ra bản chất trái ngược với vọng tưởng của bạn. Từ đây, những vọng tưởng và hình ảnh thực tại về cô gái kia là bất đồng. Cho nên bạn sinh đau khổ, thậm chí bạn gán cho cô gái vô tội ấy cái nhãn xấu xa hư ảo.
Như vậy, để không sinh ra khổ, con người phải đi tìm Tự Ngã Chân Chính và tự ngã đó chính là Vô Ngã.
Đừng hiểu lầm rằng, người vô ngã là người có tư duy theo kiểu trung tính, mặc kệ đời trôi nổi ra sao, hay là sống theo kiểu "hư vô". Không có đấu tranh gì trong tâm khảm, cũng như không có đấu tranh với những gì bên ngoài "ta". Người như thế cũng chỉ là người sống theo dục vọng mà thôi.
4. KẾT.
Tóm lại, "Tôi" mà ta hay tìm chính là vô ngã, nó tồn tại ở đó, nhưng trước đây ta không thấy, không tự định nghĩa được. Dưới đây là một số trải nghiệm về Kinh nghiệm thuần túy mà tôi tin rằng bạn đã từng trải qua.
1. Sống trong thực tại chân chính. Không vọng tưởng về quá khứ và cho rằng quá khứ quyết định con người thực tại, cũng không vẽ vời màu hồng sai lệch đến tương lai.
2. Làm những điều thực tế với tâm khảm cũng như thực dụng bên ngoài bản thân.
3. Đối với tình yêu và tri thức, tình yêu và tri thức mang tính chất đồng nhất về tác động tinh thần. Khi tìm tòi tri thức, chúng ta và các nhà khoa học đều có tình cảm nhất định với tri thức, ta và họ rời bỏ những vọng tưởng chủ quan, dựa vào những quy luật tự nhiên khách quan để tìm ra chân tướng của sự vật hiện tượng. Càng khách quan thì con người càng tiến gần đến sự thật của sự vật, hiện tượng; Khi ta sống trong tình yêu nói chung, giữa ta và người phải có sự đồng điệu (ta trải qua cảm giác của đối phương), càng dẹp bỏ được tự ngã trở nên thuần khách quan, tức là vô tư, không vụ lợi, thì tình yêu đó càng lớn lao.
4. Đối với hành vi thiện, con người khi hành thiện phải hài hòa giữa vị kỷ (vì mình) và vị tha (vì người) với cái tâm chân thành, thay vì tâm thỏa mãn.
5. Đối với những người đi theo tôn giáo hữu thần. Một người có đức tin chân chính, là người KHÔNG tôn thờ "thần" như những thực thể bên ngoài có khả năng quyết định số phận con người. Số phận là do ta định đoạt.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất