"Bọn NERDY ở lớp học ngày xưa"
Mỗi tập thể lớp đều có vài đứa mà đại đa số các bạn học còn lại cho là “nerdy”, “dị dị”, “kỳ cục”,...
Mỗi lớp học đều có vài đứa mà đại đa số các bạn học còn lại cho là “nerdy”, “dị dị”, “kỳ cục”,... Tất nhiên đó là những đứa không có ai hoặc rất ít người chơi chung. Chúng luôn tự cô lập khỏi các hoạt động tập thể hoặc đã cố tham gia nhưng khó cách nào hoà nhập được. Những đứa trẻ bị cho là “khác biệt” ấy có thế giới riêng với những mối quan tâm không-giống-ai. Thay vì nỗ lực để trở nên giống-mọi-người, chúng lựa chọn thu về chiếc tổ kén với niềm vui thú bất khả xâm phạm.
Tôi quen biết và gần gũi với rất nhiều người bạn đã từng là những đứa trẻ “dị biệt” trong một tập thể. Bản thân tôi cũng có khoảng thời gian cảm thấy tách biệt so với đám đông đồng trang lứa. Sự khó hoà nhập đó bắt nguồn từ những sở thích, thú vui, nhu cầu, mong muốn “khác lạ”. “Embrace the diversity” - đây là cụm từ tôi khá thích và thường xuyên sử dụng. Đành rằng việc tôn trọng những bản dạng, màu sắc cá tính khác nhau là điều được rao giảng hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, nhưng ít ai thực sự làm được điều đó. Phần trăm sự khác biệt quyết định thái độ, hành vi ứng xử giữa tập thể với cá nhân và giữa các cá nhân với nhau.
Chúng tôi là fandom BTS và chúng tôi tôn trọng niềm yêu thích đặc biệt của bạn với Black Pink. Tuy nhiên, nếu bạn không bao giờ nghe K-Pop thì dù không cố ý nhưng chúng ta khó tìm được chủ đề chung để nói chuyện. Đây chính là hoàn cảnh trớ trêu của tôi vài năm phổ thông. Tôi không cực đoan đến nỗi tẩy chay văn hoá Hàn Quốc. Tôi vẫn đều đặn tiêu thụ phim ảnh và đôi khi là cả âm nhạc của xứ sở kim chi. Chỉ có điều tôi không thực sự ưa thích văn hoá thần tượng. Trong Tiếng Anh, tôi có thể diễn tả sự “không thích” của bản thân đơn giản là: “It’s not my cup of tea”. Nhưng đối với thế hệ chúng tôi, văn hoá thần tượng Hàn Quốc phổ biến đến nỗi trở thành sợi dây vô hình kết nối vô số tập thể. Tôi thích nhạc Âu Mỹ, cụ thể là nhạc đồng quê của Carrie Underwood, Luke Bryan,... - thứ âm nhạc chỉ phù hợp để đeo tai nghe một mình. Dù nhiều lần cố gắng để trở thành một phần của cộng đồng lớn lao trong mắt một đứa trẻ 12-13 tuổi, tôi vẫn thấy lạc lõng và xa lạ khi nghe bạn bè xung quanh nói về Album, Fandom, Lightstick,... Đó không phải thế giới của tôi và cảm giác không thuộc về là tất yếu. Nỗ lực phủ nhận chưa bao giờ xoá đi một sự thật: Tôi đã có lúc là một đứa trẻ “kỳ lạ” trong mắt một tập thể.
Đến bây giờ, tôi lại nhìn thấy một viễn cảnh tương tự xảy ra với em gái mình. Phần trăm khác biệt của cô bé lớn hơn tôi. Và vì thế, dù chưa một lần nghe kể chi tiết, tôi vẫn có thể hình dung được cuộc sống học đường nhiều khó khăn của một đứa trẻ “khác biệt”. Sống dưới cùng một mái nhà, tôi dễ dàng nhận ra được những vấn đề mà em gái quan tâm. Đó là thiên văn học, là những sự thật trong tự nhiên được lý giải dưới góc nhìn khoa học, là dự đoán về tương lai của nhân loại,... Toàn những chủ đề đao to búa lớn mà tôi đoán rằng ít người bạn đồng trang lứa nào của cô bé thực sự quan tâm. Nhiều lần đi đón em thấy cô bé đứng một mình, tôi phần nào có thể cảm nhận được sự cô độc của một đứa trẻ chỉ có cộng đồng duy nhất là lớp học. Danh hiệu “nerdy” đang được trao cho cô bé một cách vô thức hoặc có ý thức bởi tập thể mà em không thực sự là một phần tử.
Tuy nhiên, sống trong một xã hội Châu Á có tính chất “đồng phục hoá” cao, việc đánh giá và cô lập một cá nhân khác biệt rất khó tránh khỏi. Bản thân tôi hay bạn cũng có thể vừa là nạn nhân vừa là người đốt lửa châm ngòi cho hiện thực này. Phải thừa nhận rằng nếu là một người bạn cùng lớp của em gái mình, tôi sẽ là một trong những đứa đầu tiên dành cho cô bé ánh mắt khác lạ. Sự khó hiểu ngây thơ của những người xung quanh có thể lập tức đẩy một cá nhân chui sâu vào chiếc vỏ ốc giả lập kín đáo. Khi nhận biết sự khác biệt giữa đám đông, tập tính bầy đàn của con người sẽ lập tức chiếm quyền kiểm soát não bộ, kích thích những phản ứng cố gắng loại trừ cá thể khác lạ ra khỏi tập thể đồng nhất.
Có một người đặc biệt đã nói với tôi thế này: “Khi em lớn, mọi thứ sẽ dễ thở hơn. Cuộc sống rộng mở hơn với nhiều tập thể, nhiều cộng đồng hơn trước. Lúc đó, em sẽ hiểu tầm quan trọng của việc được chọn một nhóm mà bản thân thuộc về”. Thế giới của người lớn không còn chỉ bó gọn trong một lớp học, một câu lạc bộ hay một gia đình. Thậm chí nếu bạn không thể tìm thấy những cá thể tương đồng ở hiện tại cũng không có nghĩa là chưa từng và sẽ không có người trở thành đồng đội của bạn. Chúng ta không có quyền chọn lựa môi trường trưởng thành nhưng được phép xây dựng cộng đồng nơi mình già đi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất