Những ngày vừa qua trên các trang Mạng xã hội khá lùm xùm về bức anh cô Văn Thùy Dương - Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh - Hà Nội tại buổi lễ Khai giảng không bóng học sinh do giãn cách xã hội. Bức ảnh vốn dĩ rất đẹp và ý nghĩa, cho đến khi mọi người để ý đến hình xăm trên gáy cô Dương với rất nhiều ý kiến trái chiều.
Cũng chẳng phải là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, nhưng về chuyện này, tôi khá có lấn cấn với cô Dương.

HÌNH XĂM CÓ XẤU HAY KHÔNG? NHÀ GIÁO CÓ NÊN CÓ HÌNH XĂM HAY KHÔNG?

Quan điểm của tôi rất rõ ràng, hình xăm chưa bao giờ là xấu cả, thậm chí là còn tốt nữa! Đã qua rất lâu rồi cái thời mà "ai xăm là xấu, là hư hỏng". Tôi là người cởi mở với văn hóa và tôn trọng tự do cá nhân, trong đó có quyền làm đẹp, quyền thể hiện cá tính.
Vậy nên, tôi ủng hộ việc xăm, vì với tôi hình xăm là một điều tốt. Đó là sự khẳng định cá tính của mỗi người, là sự ghi dấu ấn một chuyện gì đó, hay là điều tốt đẹp, là niềm tin, là sự bảo vệ mà người xăm mình mong muốn có được. Giáo viên cũng là con người, tuy đặc thù nghề nghiệp của họ là thuộc về giáo dục, đặc biệt là giáo viên khối Mầm non đến Trung học phổ thông, với đối tượng giảng dạy là người dưới 19 tuổi, thế nhưng họ vẫn được quyền theo đuổi những gì họ tin tưởng và cá tính của họ. Dẫu sau, trong môi trường hiện tại, thì chỉ cần không phải xăm quá lộ và quá lố là được.
Trường hợp hình xăm của cô Dương là sau gáy, thật sự không phải quá lố, tôi thấy ổn (chưa tính các hình xăm khác của cô ấy nhé, nhưng chủ yếu cũng là ở các vị trí che được).
Mặc dù vậy, cái lấn cấn của tôi không phải nằm ở việc cô Dương có hình xăm, mà là về ý nghĩa gây tranh cãi của hình xăm đó.

GIẢI THÍCH CỦA CÔ DƯƠNG VỀ HÌNH XĂM SAU GÁY

Hình xăm trên gáy của cô Dương là hình Ngôi sao sáu cánh, bên trong lồng chữ Vạn của đạo Phật.
Theo giải thích của cô Dương thì:
- Ngôi sao 6 cánh tượng trưng cho sức mạnh. Nôm na là khi có nó sẽ có thêm sức mạnh về tinh thần để vượt qua hết mọi khó khăn, mọi thế lực đen tối để thành công, hướng tới sự trong lành để có sự cân bằng trong cuộc sống và nhẹ nhàng trong tâm hồn. - Hình ảnh ở giữa ngôi sao là chữ Vạn trong Phật giáo, có ý nghĩa giác ngộ vẹn toàn, tượng trưng cho lý Trung Đạo, vượt ngoài đối đãi.
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào quan điểm và mong muốn nói trên của cô Dương trước khi xăm hình này, bởi tôi tin cô Dương là người tốt. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ cô Dương không tìm hiểu kỹ hơn về nó trước khi xăm.

Ý NGHĨA GÂY TRANH CÃI VỀ HÌNH XĂM NÀY

Đây là một hình xăm có 2 hướng biểu tượng hoàn toàn đối nghịch nhau và rất nhạy cảm.
Cách thứ nhất là như cô Dương có chia sẻ. Điều này đúng.
Còn cách thứ hai, cũng đúng, nhưng theo biện chứng lịch sử và hiện tại.
1. Ngôi sao 6 cánh
Còn được gọi là "Ngôi sao David" (Star of David) - Biểu tượng vô cùng nổi tiếng của người Do Thái. Ngôi sao David là một biểu tượng cổ xưa của người Do Thái, với hình ngôi sao 6 cánh do 2 hình tam giác lồng vào nhau. Nó được đặt tên theo vua David, vị vua thứ hai của người Isarel. Biểu tượng này được dùng để chỉ về người Do Thái và tín ngưỡng của người Do Thái.
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Phát xít Đức đã sử dụng biểu tượng này in lên các vòng tay để đánh dấu ai là người Do Thái trong các vùng họ chiếm giữ, qua đó thanh lọc và tạo nên những cuộc thảm sát diệt chủng kinh khủng nhất lịch sử nhân loại (còn được gọi là Holocaust) - Việc này tôi cũng có phân tích trong bài Review về bộ phim The Pianist (Nghệ sĩ Dương Cầm).
Khoảng thời gian này, người Do Thái sống trong địa ngục, bị thảm sát hàng loạt bởi Phát xít Đức trong khi nhiều nơi trên Thế giới lại quay lưng với họ. Luật di dân của Mỹ đã ngăn cản họ vào nước Mỹ, còn đất tổ Palestine, từ năm 1938, đã ban bố “sách trắng” đóng cửa với người Do Thái.
Vòng tay với biểu tượng ngôi sao David trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhân loại trong thời kỳ đen tối đó.
Vòng tay với biểu tượng ngôi sao David trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhân loại trong thời kỳ đen tối đó.
2. Chữ Vạn
Có nhiều cuộc tranh cãi bất tận trong việc phân biệt chữ Vạn của Phật giáo với dấu Thập ngoặc của Phát Xít Đức.
Về cơ bản thì chữ Vạn không phải là chữ mà là một ký hiệu, được viết vuông góc, hướng quay theo chiều kim đồng hồ; còn dấu Thập ngoặc thì đặt lệch 45 độ so với chiều thẳng đứng. Phát Xít Đức sử dụng ký hiệu này bởi niềm tin của Hitler rằng nó biểu hiện cho chủng tộc Assyrian "thượng đẳng", dẫn đến cuộc thảm sát Holocaust nói trên.
Xét cho cùng thì chữ Vạn và dấu Thập ngoặc cũng không quá khó để phân biệt, thế nhưng khi lồng ghép 2 biểu tượng này với Ngôi sao David, nó lại mang ý nghĩa khác hẳn.
3. Sự lồng ghép với Ngôi sao David
Sự lồng ghép này được coi là biểu tượng cho sự bài trừ của chủ nghĩa Phát xít mới với những người Do Thái hiện nay. Ngoài ra nó còn biểu tượng cho sự thù địch của người Isarel và Palestine, kéo theo đó là rất nhiều cuộc biểu tình, phản đối lúc này.
Mới đây thôi, ngày 14/8/2021 tại thị trấn Beita, Nablus, Palestine người biểu tình đã giận dữ đốt cháy hình ảnh dấu Thập ngoặc lồng trong ngôi sao David để phản đối việc xây dựng tiền đồn bất hợp pháp Evyatar của Israel tại Bờ Tây, sau khi 7 người Palestine bị Israel giết hại.
Đây cũng chính là những lý do khiến cho ý nghĩa của những biểu tượng này được hiểu theo cách đối lập.

THAY CHO LỜI KẾT

Như vậy, với tôi, việc xăm mình là hoàn toàn không có vấn đề xấu gì cả, kể cả người xăm là giáo viên, miễn sao không quá lố. Tuy nhiên, cũng vì là một nhà giáo, nên nhận định và sự quan tâm của xã hội với cô Dương có phần hơi khắc nghiệt hơn.
Mặc dù tôi tin rằng tâm ý cô Dương là thiện lành khi xăm hình này, nhưng cô chưa thực sự tìm hiểu sâu về nó và vô tình xăm phải một hình xăm mang tính phản biện cực kỳ nhạy cảm. Đó là một sự tiếc của tôi đối với một Nhà giáo nổi tiếng như cô Dương, bởi hình ảnh của cô không chỉ được nhìn bởi những người Việt Nam mà còn thấy bởi các bạn bè, đối tác nước ngoài nữa. Họ sẽ có thể không tránh khỏi những trăn trở giống như tôi.
Hình xăm sẽ đẹp nhất nếu có ý nghĩa của cá nhân, và không quá gây phản cảm với người khác. Tôi nghĩ rằng mỗi người trước khi xăm, nên và phải tìm hiểu thật kỹ trước khi có quyết định một cách đúng đắn với hoàn cảnh và môi trường của mình.