Cái Chết Đen: Đại dịch lớn nhất mà lịch sử từng ghi lại
Một nhà khoa học tên là Ole J. Benedictow đã tính toán và đưa ra kết luận rằng bệnh dịch hạch đã giết 60% dân số Châu Âu thế kỉ 14,...
Một nhà khoa học tên là Ole J. Benedictow đã tính toán và đưa ra kết luận rằng bệnh dịch hạch đã giết 60% dân số Châu Âu thế kỉ 14, tức là hơn 50 triệu người.
Bài gốc được đăng trên tạp chí HistoryToday:
---
Tất cả mọi người chỉ làm duy nhất một việc: mang xác những người chết đi chôn [...] Tại nhà thờ, họ đào những cái hố sâu, những con người tội nghiệp đã chết trong đêm được nhanh chóng ném xuống hố. Vào buổi sáng khi hố đầy, họ lấy một ít đất phủ lên, sau đó lại tiếp tục những lớp người khác và lớp đất khác. Tất cả trông như một cái bánh làm bằng nhiều lớp nước sốt và phô mai vậy.
Những tài liệu khác cũng ghi chép những điều tương tự. Nhà chép sử Agnolo di Tura ghi lại cảnh tưởng vùng Tuscan quê nhà của ông:
Ở Siena những cái hố được đào vội và lấp đầy nhanh chóng bởi xác chết. Và ở đây người ta phủ đất mỏng đến nỗi những con chó hoang kéo xác ra và ngấu nghiến nhiều xác chết trong thành phố.
Thảm kịch này chưa từng có tiền lệ. Chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, 60 phần trăm dân số Florence đã chết, và những con số thống kê ở Siena cũng không khá hơn. Cùng với những con số thống kê vô cảm, chúng ta cũng được biết đến thảm kịch qua những ghi chép cá nhân: Petrarch mất đi Laura, người mà ông đã viết tặng bài thơ tình nổi tiếng. Còn Di Tura, nhà chép sử đến từ Siena, đã kể lại cho chúng ta việc ông đã tự tay chôn năm đứa con của mình như nào.
Cái Chết Đen là tên chung mô tả bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Loại vi khuẩn ký sinh trong bọ chét và thường thấy ở các loài gặm nhấm hoang dã, nơi chúng sống với số lượng và mật độ lớn. Những khu vực như vậy được gọi là một ổ dịch hay một vùng mầm bệnh. Dịch bệnh lây cho con người khi những loài gặm nhấm trong môi trường sống của con người, thường là chuột đen, bị nhiễm bệnh. Loài chuột đen này, thường được gọi là chuột nhà, sống rất gần với con người. Đây là điều kiện lý tưởng cho sự truyền nhiễm (ngược lại, chuột nâu hay chuột đồng thường giữ khoảng cách với con người). Thông thường, phải mất 10-14 ngày trước khi bệnh dịch giết chết hầu hết đàn chuột bị nhiễm. Bọ chét tập trung ở những con chuột sắp chết còn lại, sau ba ngày nhịn ăn, chúng tấn công con người. Từ vị trí vết cắn, bệnh lây lan đến một hạch bạch huyết, sưng lên tạo thành bọt khí đau đớn, thường gặp nhất ở háng, trên đùi, ở nách hoặc trên cổ. Do đó có tên là bệnh dịch hạch. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài 3 đến 5 ngày, và 80% người bệnh sẽ chết sau đó 3 đến 5 ngày nữa. Con số thống kê cho thấy rằng mất trung bình 23 ngày kể từ lúc dịch bệnh phát tán ở những con chuột đầu tiên cho đến người đầu tiên trong cộng đồng thiệt mạng.
Để dịch bệnh có thể lây lan trên quy mô lớn, các con chuột chứa những con bọ chét nhiễm bệnh phải truyền bệnh sang đàn chuột địa phương và những con chuột này sẽ truyền bệnh sang con người theo cách tương tự. Phải mất một thời gian để mọi người nhận thấy dịch bệnh khủng khiếp đang diễn ra. Các nhà sử học có thể ghi nhận được điều này qua những con số. Thời gian để cộng đồng nhận biết dịch bệnh như sau: ở nông thôn mất khoảng 40 ngày để nhận ra; ở thị trấn với vài nghìn dân là 6-7 tuần; tại các thành phố hơn 10.000 cư dân là khoảng 7 tuần và trong một vài đô thị với hơn 100.000 dân thì nhiều nhất là 8 tuần.
Vi khuẩn bệnh dịch hạch có thể thoát ra khỏi bọt khí hoặc theo máu đến phổi và gây ra một biến thể của bệnh dịch hạch (bệnh dịch hạch viêm phổi). Bệnh viêm phổi do dịch hạch có thể lây lan từ người qua người khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Mặc dù vi khuẩn Yersinia pestis được tìm thấy trong máu những người bị nhiễm bệnh, nhưng số lượng vi khuẩn trong máu người bệnh quá ít để trở thành vật lây nhiễm lý tưởng. Theo tính toán số lượng vi khuẩn Yersinia trong máu những con chuột nhiễm bệnh cao gấp 500 đến 1000 lần so với những người nhiễm bệnh. Vì thế có thể kết luận đây không phải hình thức lây bệnh chính yếu. Các nhà khoa học kết luận rằng một số lượng lớn các ca lây nhiễm là do vết cắn từ những con bọ chét. Những con chuột làm vật chủ trung gian sẽ chết, nhưng bọ chét của chúng thường sống sót lâu hơn và có thể dễ dàng tìm thấy những con chuột mới. Một nhân tố khác là những con bọ chét với cấu trúc cơ thể đặc biệt, có thể dễ dàng di chuyển từ dụng cụ hay quần áo người nhiễm bệnh sang người lành. Điều này tạo nên sức tàn phá nhanh chóng và khủng khiếp của dịch bệnh. Cũng vì dịch bệnh được lây truyền qua những con bọ chét với vật trung gian là chuột nên dịch bệnh sẽ phát triển mạnh mẽ ở những vùng có khí hậu nóng ẩm. Vào mùa đông hay những nơi có nhiệt độ thấp, dịch bệnh biến mất hoặc mất đi phần lớn sức mạnh của nó. Tính chất theo mùa của dịch bệnh cũng được ghi chép cẩn thận. Từ năm 1348 đến năm 1654 tại Na Uy có tổng cộng hơn 30 đợt dịch được ghi nhận lại, và trong số đó không hề có đợt dịch nào bùng phát vào mùa đông. Chính điều này đã làm bệnh dịch hạch khác biệt với các bệnh dịch truyền nhiễm qua đường không khí khác; khi mà tác nhân truyền bệnh chủ yếu là khi người bệnh ho hay hắt hơi, và điều này thường xảy ra ở những nơi có khí hậu lạnh khô.
Những số liệu trên khẳng định rằng Cái Chết Đen là một bệnh dịch có liên quan đến vi khuẩn. Nhà sử học John Hatcher đến từ Cambridge chỉ ra một sự thay đổi lớn trong số người chết theo mùa tại nước Anh sau năm 1348. Nếu trước đó số người chết nhiều nhất được ghi nhận vào các tháng mùa đông thì giờ đây là khoảng thời điểm từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9. Ông tin rằng Cái Chết Đen là một nguyên nhân quan trọng trong sự thay đổi này.
***
Một đặc điểm đặc trưng khác của Cái chết đen và bệnh dịch hạch nói chung, cả các đợt dịch diễn ra trong quá khứ và trong những đợt bùng phát lại vào đầu thế kỷ XX, đó là tỷ lệ dân cư mắc bệnh dịch hạch và chết vì bệnh này ở vùng nông thôn cao hơn các vùng trung tâm đô thị. Trong lịch sử bệnh dịch hạch diễn ra ở Anh, đặc điểm này đã được nhà sử học Oxford Paul Slack nhấn mạnh. Khi mà có khoảng 90% dân số sống ở vùng nông thôn, nơi có điều kiện vệ sinh kém, chỉ có Cái Chết Đen mới gây ra mức độ chết chóc khủng khiếp như vậy. Ngược lại so với khu vực thành thị, những bệnh lây từ người qua người, vốn dễ dàng lây lan ở những cộng đồng dân cư có mật độ cao, mới là thủ phạm giết chóc nhiều người nhất ở đây.
Người ta từng nghĩ rằng Cái Chết Đen bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng những nghiên cứu mới cho thấy nó bắt đầu vào mùa xuân năm 1346 ở vùng nội địa, ở vị trí mà ngày nay là phía tây bắc của Biển Caspi tới miền nam nước Nga. Ngày nay mọi người nơi đây vẫn thỉnh thoảng mắc bệnh dịch hạch. Hai nhà sử học cho rằng khu vực hạ lưu sông Don, nơi con sông chảy vào Biển Azov là khu vực bùng phát dịch đầu tiên. Tuy nhiên đây chỉ là những phỏng đoán. Có thể Cái Chết Đen bắt đầu từ nơi khác, có lẽ là khu vực hạ lưu sông Volga đổ ra biển Caspi. Vào thời điểm đó, khu vực này nằm dưới sự cai trị của người Mông Cổ. Vài thập kỷ trước, người Mông Cổ ở đây đã cải đạo sang đạo Hồi và vì thế chấm dứt các hoạt động buôn bán với giới Kitô giáo Châu Âu. Con đường tơ lụa đi qua ngả này bị chấm dứt. Có lẽ đây là lí do vì sao Cái chết đen không lan từ phía đông qua Nga sang phía tây châu Âu, mà đột ngột dừng lại ở biên giới nước Nga. Nga đã có thể trở thành nạn nhân đầu tiên của Cái Chết Đen, nhưng hành động đóng cửa giao thương đã giúp nước Nga có thêm thời gian chuẩn bị.
Theo giả thiết này, dịch bệnh được lan truyền từ một cuộc tấn công mà người Mông Cổ đã phát động trên trạm buôn bán cuối cùng của người Ý trong khu vực, có tên là Kaffa ở Crimea. Vào mùa Thu năm 1346, bệnh dịch hạch bùng phát giữa những kẻ bao vây và từ đó xâm nhập vào thị trấn. Khi mùa xuân đến, người Italy đã chạy trốn trên tàu của họ, mang Cái Chết Đen đến với Châu Âu.
***
Đọc thêm:
Cho đến nay, mức độ lây lan của Cái Chết Đen vẫn còn nhiều bí ẩn. Trong thời kì này đã có một sự thay đổi lớn trong mô hình cấu trúc xã hội theo hướng hiện đại hoá, đánh dấu sự chuyển đổi từ xã hội thời trung cổ sang tiền hiện đại. Sự phát triển kinh tế và nền kinh tế tư bản thị trường đã nhe nhóm ở đây, đặc biệt là ở miền bắc Italy và khu vực Flanders. Các loại tàu mới, lớn và hiện đại hơn đã vận chuyển một lượng lớn hàng hóa qua các mạng lưới thương mại rộng lớn nối liền Venice và Genève với Constantinople và Crimea, Alexandria và Tunis, London và Bruges. Ở London và Bruges, các hệ thống thương mại đường biển được liên kết với các hệ thống trung chuyển hàng hoá nội địa. Hệ thống này giúp cho hàng hoá lẫn con người có thể dễ dàng lưu thông, gắn kết các thành phần kinh tế và xã hội ở lục địa này.
Sự gia tăng mạnh mẽ về dân số ở châu Âu trong thời trung cổ (1050-1300) khiến cho nhu cầu về lương thực tăng cao, các kĩ thuật nông nghiệp cũ không đủ để đáp ứng. Các khu rừng dần bị chặt phá và làng mạc mọc lên san sát. Nông dân bắt buộc phải tăng cường các hoạt động chăn nuôi tại gia, nhằm tạo ra một khoản thu nhập giúp trao đổi các mặt hàng thiết yếu như muối và sắt, ngũ cốc hoặc bột mì. Các hoạt động buôn bán này nằm trong một mạng lưới giao dịch xuyên suốt chạy từ bờ biển đến các ngôi làng vùng núi. Cùng với con người và hàng hóa, các bệnh truyền nhiễm đã đến cả những thôn xóm xa xôi và hẻo lánh nhất ở đây.
Trong giai đoạn này, châu Âu cũng đang trải qua 'thời kỳ hoàng kim của vi khuẩn', khi có sự gia tăng lớn các loại bệnh truyền nhiễm do mật độ dân số tăng cao. Các hoạt động thương mại gia tăng nguy cơ về các bạn truyền nhiễm, trong khi đó các kiến thức cần thiết về dịch bệnh hầu như không có. Hầu như không có một hoạt động phòng chống hay ngăn ngừa dịch bệnh nào, và hầu hết mọi người đều tin rằng bệnh tật là một hình phạt từ Chúa vì tội lỗi của họ. Họ đã đáp lại bằng những hành động mang tính tôn giáo nhằm làm dịu cơn thịnh nộ của Chúa, hoặc đơn giản là chịu đựng: với nhiều người thì cố gắng tránh ý Chúa là một tội lỗi.
Có nhiều điều có thể rút ra từ sự lây lan nhanh chóng của Cái Chết Đen. Điều đặc biệt quan trọng là sự xuất hiện đột ngột của bệnh dịch trên một khu vực rộng lớn, mà nguyên nhân chủ yếu là do việc vận chuyển bằng tàu. Tàu thời đó đi với tốc độ trung bình khoảng 40km một ngày. Tuy khá chậm so với ngày nay nhưng tốc độ này có nghĩa là Cái chết Đen dễ dàng di chuyển 600km trong hai tuần. Đây là một tốc độ đáng kinh ngạc và đặc biệt là không thể đoán trước hướng di chuyển. Nếu theo đường bộ, tốc độ lây lan trung bình chậm hơn nhiều: chỉ khoảng 2km mỗi ngày dọc theo các đường cao tốc hoặc 0,6km mỗi ngày dọc theo các tuyến đường địa phương.
Như đã đề cập ở trên, tốc độ lây lan chậm lại mạnh mẽ trong mùa đông và dừng lại hoàn toàn ở các khu vực núi cao như dãy Alps hay các khu vực phía bắc châu Âu. Tuy nhiên, Cái Chết Đen thường có nhiều hơn một con đường để reo rắc nỗi kinh hoàng của nó, và có vẻ như tất cả chỉ là vấn đề thời gian.
Đọc thêm:
Quay lại với giả thiết ở trên, các tàu buôn từ Kaffa đã mang Cái Chết Đen đến Constantinople vào tháng 5 năm 1347. Dịch bùng phát ở đây vào đầu tháng Bảy. Ở Bắc Phi và Trung Đông, nó bắt đầu vào khoảng đầu tháng tháng 9, khi đến Alexandria theo đường biển từ Constantinople. Sự lây lan của dịch bệnh từ Constantinople đến các trung tâm thương mại tại Địa Trung Hải bắt đầu vào mùa thu năm 1347. Nó gõ cửa Brussilles vào khoảng tuần thứ hai của tháng 9, có lẽ cũng theo đường biển. Sau đó, dường như các thương nhân người Ý đã rời Constantinople và đến thị trấn quê nhà của họ ở Genova và Venice vào đầu tháng 11. Trên đường về nhà, các con tàu này đã lây lan dịch bệnh cho thành phố cảng Florence. Người ta thường cho rằng Florence là điểm khởi đầu cho thảm kịch sắp diễn ra trong nội địa Châu Âu, nơi hàng triệu người sẽ chết chỉ trong vòng vài năm tới.
Ở Địa Trung Hải, Brussilles được coi là ổ dịch lớn đầu tiên. Dịch bệnh cũng lây lan nhanh chóng lên phía bắc lên thung lũng Rhone đến Lyon của Pháp và phía tây nam dọc theo bờ biển theo hướng Tây Ban Nha, kể cả trong những tháng mùa đông và khối lượng tàu thuyền giao thương lúc này rất ít. Đến tháng 3 năm 1348, khu vực bờ biển của Pháp và Tây Ban Nha đều bị dịch bệnh tàn phá.
Trên đường đến Tây Ban Nha, Cái Chết Đen quét qua thành phố Narbonne theo hướng tây bắc dọc theo con đường đến trung tâm thương mại Bordeaux trên bờ biển Đại Tây Dương, vào biến thành phố này trở thành một ổ dịch lớn. Vào ngày 20 tháng 4, một con tàu từ Bordeaux phải đến La Coruna ở tây bắc Tây Ban Nha. Một vài tuần sau, một con tàu khác từ La Coruna mang bệnh dịch đến Navarre ở đông bắc Tây Ban Nha. Do đó, bệnh dịch hạch đã xâm chiếm Tây Ban Nha từ cả hai hướng.
Một con tàu đi từ Bordeaux theo hướng bắc đến Rouen ở Normandy, nơi nó cập cảng vào cuối tháng Tư. Từ đó, vào tháng 6, dịch bệnh lây lan theo hướng phía tây về phía Brittany, hướng đông nam về phía Paris và theo hướng bắc tiến đến Hà Lan.
Một con tàu khác mang theo bệnh dịch hạch đã rời khỏi Bordeaux và đến miền nam nước Anh vào ngày 8 tháng 5, tại thị trấn Melcombe Regis, một phần của Weymouth ngày nay. Dịch bệnh được ghi nhận vào ngày 24 tháng 6. Tầm quan trọng của các con tàu chết chóc trong việc truyền bệnh được nhấn mạnh bởi thực tế rằng vào thời điểm Cái Chết Đen đổ bộ vào Weymouth, nó mới đang âm ỉ ở Ý. Từ Weymouth, dịch bệnh lan rộng không chỉ trong đất liền mà cả theo đường biển: Bristol bị nhiễm dịch vào tháng 6; các thị trấn ven biển ở Ai Len cũng như thủ đô London bị nhiễm dịch vào đầu tháng 8. Các văn bản lịch sử ghi chép lại các ca nhiễm bệnh xuất hiện ở tháng 9. Có thể thấy các thị trấn cảng biển thương mại đã bị nhiễm dịch gần như cùng một lúc. Từ đây dịch bệnh mới lan rộng vào đất liền. Những con tàu chết chóc đã mang dịch bệnh vào nước Anh vào cuối mùa thu năm 1348 và đến năm 1349, cả nước Anh chìm trong tang tóc của bệnh dịch.
***
Sự xuất hiện sớm của Cái Chết Đen ở Anh và sự lan rộng của dịch bệnh tại các vùng đất thuộc Pháp và Hà Lan hiện nay là tiền đề để Cái chết đen xâm nhập Bắc Âu. Đại dịch đến Oslo vào mùa thu năm 1348 và có lẽ xuất phát từ một con tàu từ miền đông nam nước Anh, nơi có các hoạt động trao động trao đổi hàng hoá nhộn nhịp với Na Uy. Sự bùng nổ của dịch bệnh ở Na Uy đã diễn ra trước khi dịch bệnh này tiến vào miền nam nước Đức, một lần nữa minh họa cho tầm quan trọng của việc lây nhiễm thông qua những con tàu chở hàng. Sự bùng phát ở Oslo đã may mắn được hạn chế bởi thời tiết mùa đông, nhưng nó đã quay trở lại vào đầu mùa xuân. Chẳng mấy chốc, nó lan ra khỏi thành phố dọc theo các con đường thương mại dẫn vào nội địa và tiến tới Oslofjord. Một con tàu chứa mầm bệnh khác đã đến thị trấn Bergen vào đầu tháng 7 năm 1349, có lẽ là một tàu hàng từ vua Land Lynn nước Anh. Việc Bergen nhiễm dịch có lẽ là lý do cuối năm 1349, cả Na Uy chìm trong dịch bệnh. May mắn cho Na Uy là bệnh dịch biến mất cùng với sự xuất hiện của mùa đông lạnh giá, và những nạn nhân cuối cùng của đợt dịch đầu tiên đã chết vào đầu năm 1350.
Việc Cái Chết Đen hoành hành tại thành phố Oslo từ sớm đóng một vai trò quan trọng trong việc Cái Chết Đen lan đến Bắc Âu. Một lần nữa vận tải đường thuỷ đóng một vai trò quan trọng, lần này chủ yếu là do các tàu buôn Hanseatic (một khối liên minh thương mại ở vùng biển Baltic) trên đường từ Nauy về nhà vào mùa đông năm 1348 đã quá cảnh ở cảng Halmstad ở bờ phía tây Thụy Điển. Cảng Halmstad là điểm khởi đầu cho bệnh dịch hạch càn quét Đan Mạch và Thụy Điển, và sau đó có thể là từ một vài nguồn dịch khác. Hậu quả là đến cuối năm 1350, hầu hết các vùng lãnh thổ nơi đây đã bị nhiễm dịch.
Có lẽ, chuyến đi về nhà của các tàu buôn Hanseatic trên Biển Baltic mang dịch bệnh đến những vùng khác còn sớm hơn. Sự bùng nổ của Cái chết đen vào ngày 24 tháng 8 năm 1349 ở thị trấn Elbing thuộc Phổ (ngày nay là thị trấn Elblag của Ba Lan) là một cột mốc mới trong lịch sử của Cái Chết Đen. Một con tàu rời khỏi Oslo vào đầu tháng 6 có thể đến Elbing vào nửa cuối tháng 7 và làm bùng phát dịch bệnh ở đây vào ngày 24 tháng 8. Các tàu buôn quay trở lại vào cuối mùa thu từ các cảng biển ở Oslo hoặc Bergen, đã đưa Cái chết đen đến một số thành phố thuộc khối Hanseatic khác trên Biển Baltic và Biển Bắc. Sự ra đời của mùa đông đã ngăn chặn sự bùng phát ban đầu, nhưng dịch bệnh đã lan truyền theo dòng người và hàng hóa đến các thị trấn thương mại và thành phố nằm sâu trong lãnh thổ nước Đức. Vào mùa xuân năm 1350, một ổ dịch ở miền bắc nước Đức đã được hình thành và dần dần lan về phía nam. Cũng tại vùng này, một ổ dịch khác đã được hình thành từ trước vào mùa hè năm 1349 theo hướng di chuyển lên từ Áo và Thuỵ Sĩ. Đến năm 1350 cả nước Đức hiện nay nằm trọn trong tâm dịch.
***
Napoleon đã không chinh phục nước Nga thành công. Hitler cũng vậy. Nhưng Cái Chết Đen thì thành công. Nó tiến đến thành phố Novgorod vào cuối mùa thu năm 1351 và đến thị trấn Pskov ngay trước mùa đông. Mùa đông đã hạn chế phần nào dịch bệnh và vì thế sự bùng phát chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1352. Nó bắt đầu tại Novgorod vào giữa tháng 8 năm 1351 và đến năm 1353, Matxcơva đã bị bệnh dịch tàn phá. Dịch bệnh lan dần tới các vùng biên giới, là các vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của đế chế Mông Cổ. Có lẽ lúc này nó đã quay lại chính nơi nó đã bắt đầu. Đất nước Ba Lan phải đối mặt các nguồn lây bệnh đến từ Elbing, từ phía bắc nước Đức theo hướng đông và từ Slovakia qua Hungary theo hướng nam. Do đó tình hình ở Ba Lan cũng không khả quan hơn Nga là mấy.
Iceland và Phần Lan là những khu vực duy nhất tránh được Cái chết đen. Lí do bởi dân số ít và ít có sự trao đổi thương mại với bên ngoài. Dường như không có khu vực nào ở Châu Âu mà may mắn như vậy.
Dịch bệnh đã giết hại bao nhiêu người? Số liệu về tỷ lệ tử vong đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận về tác động xã hội và lịch sử của bệnh dịch hạch. Do đó, các nghiên cứu về tỷ lệ tử vong trên diện rộng quan trọng hơn nhiều các nghiên cứu về các cộng đồng đặc biệt ví dụ như các linh mục giáo xứ hay giới tinh hoa xã hội. Bởi vì khoảng 90 phần trăm dân số Châu Âu sống ở nông thôn, các nghiên cứu về tỷ lệ tử vong ở nông thôn quan trọng hơn ở vùng đô thị lớn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Cái Chết Đen đã cướp đi 20-30% dân số của châu Âu thời đó. Tuy nhiên, các nghiên cứu này không tập trung vào con số thống kê tử vong. Phải đến năm 1960, một số lượng lớn các nghiên cứu kết luận rằng số lượng tử vong ở Châu Âu phải gấp đôi. Điều đặc biệt là các số liệu thống kê thiệt hại của dịch bệnh không được tìm thấy ở các quốc gia Hồi Giáo, vốn cũng chịu ảnh hưởng của Cái Chết Đen.
Dữ liệu về tỷ lệ tử vong phản ánh một điều khác biệt của việc đăng ký dân số thời trung cổ. Trong một vài trường hợp, các nguồn có ghi chép lại tất cả thành viên của cộng đồng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết các sổ sách lưu lại là sổ đăng ký thuế và sổ ghi danh sách các hộ gia đình. Trong đó một số sổ có ghi lại tất cả các hộ gia đình, cả những người nghèo, những người không phải trả thuế hay tiền thuê nhà. Phấn lớn số sổ còn lại chỉ ghi lại những hộ gia đình đã nộp thuế hoặc tiền thuê đất. Điều này có nghĩa là sổ sách chỉ ghi chép lại những thành phần tương đối khá giả trong dân số và đa số là đàn ông. Vì lý do tuổi tác, giới tính và tình trạng kinh tế những người này có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với mặt bằng dân số nói chung. Theo những sổ ghi lại đầy đủ các hộ gia đình, chỉ có khoảng một nửa dân số đóng thuế, nửa còn lại thường là những hộ nghèo. Những nguồn thông tin này cho thấy tỷ lệ tử vong ở người nghèo cao hơn 5-6%. Điều này có nghĩa là trong các trường hợp khi sổ sách chỉ ghi lại một nửa dân số nam trưởng thành, tỷ lệ tử vong trong toàn bộ nam giới trưởng thành phải tăng thêm 2,5-3%.
Một điều cần xem xét là trong các hộ gia đình khi mà chủ gia đình sống sót, các thành viên khác thường không may mắn như vậy. Vì nhiều lý do, phụ nữ và trẻ em phải chịu tỷ lệ tử vong do bệnh dịch hạch cao hơn nam giới trưởng thành. Các nhà khoa học tìm thấy một văn bản ghi lại cuộc điều tra ở các thành phố quanh vùng Tuscany về nhu cầu về ngũ cốc hoặc muối. Họ nhận ra rằng, trung bình các hộ gia đình đã giảm quy mô từ 4,5 xuống 4 người ở vùng nông thôn và từ 4 đến 3,5 người ở vùng đô thị. Các kết quả nghiên cứu ở các vùng khác cũng đưa ra những kết luận tương tự, từ Ý ở miền nam đến Anh ở phía tây hay Na Uy ở phía bắc. Điều này có nghĩa là tỷ lệ tử vong trong các hộ gia đình đăng kí phải cao hơn 11-12,5% so với con số ban đầu.
Các nghiên cứu chi tiết về tỉ lệ tử vong liên quan đến Cái Chết Đen đều có hai đặc điểm: đó là mức độ tử vong đáng kinh ngạc do dịch bệnh gây ra, đi kèm với nó là sự tương đồng về mặt thống kê, từ Tây Ban Nha ở Nam Âu đến Anh ở Tây bắc châu Âu. Một tập hợp các dữ liệu đủ nhiều có thể đưa ra kết luận rằng Cái chết Đen đã cướp đi tính mạng của khoảng 60% dân số Châu Âu thời kì đó. Người ta thường cho rằng quy mô dân số Châu Âu tại là khoảng 80 triệu, điều này ngụ ý rằng khoảng 50 triệu người đã chết trong thời điểm dịch bệnh hoành hành. Đây là một con số thống kê thực sự đáng lưu ý. Nó làm lu mờ nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ hai, và con số người chết thì gấp đôi số lượng người bị sát hại bởi chế độ Stalin ở Liên Xô. Có thể nói trong lịch sử, Cái chết Đen có một vị trí chết chóc đặc biệt.
Sự sụt giảm dân số đáng kể ở Châu Âu đã trở thành một đặc điểm có tác động lâu dài và tạo nên sự đặc trưng của xã hội thời trung cổ, khi dịch bệnh đã thay đổi xu hướng gia tăng dân số trước đó. Chắc chắn nó có tác động rất lớn đến xã hội châu Âu và tạo ra động lực lớn để xã hội Châu Âu thời trung cổ tiến lên thời kì tiền hiện đại. Có thể coi dịch bệnh Cái Chết Đen bắt đầu từ năm 1346 đến năm 1353 là một bước ngoặt lịch sử, cũng như là một bi kịch lớn của xã hội loài người.
---
Bài viết được tài trợ dịch thuật bởi anh Minh Triet Luu, founder Soft Decor với mong muốn đóng góp cho Spiderum những nội dung chất lượng, qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng người trẻ Việt ham học hỏi, văn minh và giàu tri thức.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất