Thành Cát Tư Hãn có lẽ là một trong những nhân vật lịch sử nổi danh nhất thế giới. Những câu chuyện và huyền thoại về cuộc đời binh nghiệp đẫm máu của ông và Đế quốc Mông Cổ được vô số người biết tới. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn - người vẫn thường được tôn xưng là Hoàng đế chinh phạt.
Bài viết là sản phẩm hợp tác với bạn Phú Võ từ group "Hội những người thích tìm hiểu lịch sử".

Dẫn nhập

“Trước khi hiểu về quân sự Mông Cổ, ta phải hiểu về xã hội của họ trước, vì quân sự luôn đi kèm với xã hội trong môi trường thị tộc.”
Đây là câu nói nên được nhắc đi nhắc lại khi bàn về bất cứ thứ gì liên quan tới Mông Cổ hay các chính thể du mục nói chung. Lý do là bởi vì nền chính trị của họ là nền chính trị du mục thảo nguyên và mang những đặc trưng chung. Chỉ khi nắm rõ được địa chính trị của môi trường thảo nguyên thì ta mới có được cái nhìn sâu sắc và đầy đủ về những diễn biến chính trị trong đó.
Các thị tộc du mục sống trên thảo nguyên Mông Cổ và kiếm sống bằng chăn nuôi gia súc và săn bắn, đi từ thảm cỏ này đến thảm cỏ khác theo mùa. Tuy vậy, điều kiện tự nhiên trên thảo nguyên lại rất khắc nghiệt: gia súc có thể chết hàng loạt vì bệnh dịch, đói khát hay thời tiết thất thường, bãi chăn và nguồn nước khan hiếm,… Điều này khiến cho các cuộc chiến tranh giành tài nguyên giữa các thị tộc diễn ra như cơm bữa. Thậm chí nhiều lúc, các thị tộc còn cướp phá những xã hội định cư ở phần rìa thảo nguyên để đoạt của cải, gia súc, nô lệ, hàng hóa,…
Một môi trường như thế đã biến các thị tộc du mục thành một xã hội thượng võ và trọng sức mạnh. Trẻ con luyện tập cưỡi ngựa và bắn cung từ sớm để chiến đấu và săn thú, từ đó các chiến binh du mục đã tạo nên một danh tiếng với khả năng cưỡi ngựa bắn cung lão luyện. Cũng nhờ vậy mà mỗi khi có chiến tranh, toàn bộ trai đinh (thành niên, trong độ tuổi từ 15 – 60) của thị tộc có thể được vận động để tham chiếm. Xã hội du mục là xã hội của các chiến binh, vậy nên người đứng đầu của xã hội này - thủ lĩnh thị tộc, cũng phải là chiến binh tài ba nhất. Trong xã hội du mục, thứ một người cần để trở thành lãnh đạo chính là khả năng quân sự. Đó phải là người có thể dẫn dắt thị tộc của mình đến chiến thắng này đến chiến thắng khác để giành lấy chiến lợi phẩm và bảo vệ họ khỏi những thị tộc thù địch, những thứ khác như dòng dõi chỉ là phụ.
Dù sở hữu sức mạnh quân sự đáng gờm, các đội quân du mục phần nhiều chiến đấu chỉ để cướp bóc nên đều vô kỷ luật, không thể so được với các lực lượng được huấn luyện bài bản và chuyên nghiệp của các nhà nước định cư (ở đây cụ thể là Trung Quốc). Các tộc du mục trên thảo nguyên phần lớn thời gian đều trong trạng thái chia rẽ, vậy nên họ không thể tập hợp lại thành một đội quân lớn, về trang bị họ còn thua thiệt nhiều hơn nữa vì xã hội thị tộc không có dây chuyền sản xuất trang bị hàng loạt,… Nói chung khi so những thứ vĩ mô thì các thị tộc du mục không thể so được với nhà nước định cư. Đó cũng là lí do vì sao mà trong suốt hàng nghìn năm, mặc dù có sức chiến đấu mạnh mẽ, các thị tộc du mục khó mà lấn lướt được Trung Quốc. Ngoại lệ chỉ xảy ra trong một số trường hợp cá biệt như khi triều đình Trung Quốc lâm vào khủng hoảng hoặc khi Thảo nguyên Mông Cổ được thống nhất bởi một thủ lĩnh tài năng và mạnh mẽ.
Tuy nhiên, lịch sử của Mông Cổ nói riêng và cả thế giới nói chung đã thay đổi, khi mà vào độ cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13; một con người đã xuất hiện và thống nhất các thị tộc du mục Mông Cổ làm một. Con người đó sau này đã trở thành cái tên được tất thảy khiếp sợ, được mệnh danh là “Hoàng đế chinh phạt” - Thành Cát Tư Hãn.

Thân thế của Thành Cát Tư Hãn

Thành Cát Tư Hãn có tên thật là Thiết Mộc Chân, con trai của một thủ lĩnh Mông Cổ tên là Dã Tốc Cai với vợ tên Hột Ngạch Luân. Ông được sinh ra tại Deli’ün Boldaq cạnh sông Onon ngày nay. Về năm sinh, các sử gia vẫn còn tranh cãi về thời điểm chính xác, nhưng phần lớn cho rằng ông sinh năm 1162. Cái tên Thiết Mộc Chân của ông trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là “người thợ rèn”. Vào lúc Thiết Mộc Chân sinh ra, cha ông vừa mới thắng trận trở về và đem theo một tù binh của phe địch cũng tên là Thiết Mộc Chân. Do đó, ông được đặt tên theo chiến lợi phẩm đó theo tục lệ của người Mông Cổ. Tương truyền rằng, lúc Thiết Mộc Chân sinh ra thì đã nắm trong tay một khối máu đông - một dấu hiệu dự báo tương lai đẫm máu khi ông từng bước vươn tới quyền lực và đem chiến tranh tới vô số quốc gia, vùng đất.

Mông Cổ lúc bấy giờ

Bấy giờ trên Thảo nguyên Mông Cổ không hề tồn tại một chính thể thống nhất, mà đang bị chia rẽ bởi nhiều thế lực khác nhau, đáng kể nhất là năm thế lực: Mông Ngột, Thát Đát, Khắc Liệt, Miệt Nhi Khất và Nãi Man. Thiết Mộc Chân thuộc về thị tộc Khất Nhan, thuộc dòng dõi Bột Nhi Chỉ Cân, có tổ mẫu theo thần thoại là Alan Go’a - hậu duệ từ màn kết giao giữa một cặp sói xám đực và hươu cái. Thị tộc Khất Nhân là một trong ba thị tộc lớn của Mông Ngột - hai thị tộc còn lại là Thái Xích Ô và Trát Lạc Diệc Nhi.
Ngoài năm thế lực ấy, còn một thế lực khác tuy nằm ngoài thảo nguyên nhưng liên tục can thiệp vào chính trị giữa các tộc Mông Cổ. Đó là triều đình nước Kim ở miền bắc Trung Quốc hiện tại, được lập nên sau khi người Nữ Chân lật đổ nhà Liêu của người Khiết Đan. Nhưng khác với nhà Liêu, triều đình nước Kim không thể xác lập được sự cai trị trực tiếp lên Mông Cổ. Do đó, nước Kim luôn xem các thế lực trên thảo nguyên là mối họa. Để đảm bảo rằng Thảo nguyên Mông Cổ sẽ không bao giờ thống nhất, nước Kim áp dụng chiến lược “dùng di chế di” của các triều đại Trung Quốc trước đó: một mặt dùng vàng bạc và các tuyến giao thương để liên kết và bảo hộ các thế lực du mục chịu thần phục mình; mặt khác, liên tục tìm cách kích động các cuộc chiến giữa các thị tộc Mông Cổ.
Giữa Mông Ngột và Thát Đát bấy giờ có nợ máu, vì một Hãn của Mông Ngột trước đó là Ambaghai từng bị hại chết khi Thát Đát cấu kết với nước Kim để lừa bắt rồi hành hình ông. Đó là thù chung, còn bản thân Thiết Mộc Chân cũng có nợ máu với Thát Đát, khi cha ông cũng bị người Thát Đát đầu độc mà chết, dẫn đến những năm tháng niên thiếu cơ cực của ông.

Thời niên thiếu cơ cực

Khi Thiết Mộc Chân mới lên 9 tuổi (tức là năm 1171), thì cha ông là Dã Tốc Cai bị người Thát Đát đầu độc chết. Theo truyền thống Mông Cổ, muốn trở thành thủ lĩnh thì phải có tài năng quân sự, dòng dõi chỉ là thứ yếu. Gia đình Thiết Mộc Chân tuy có dòng dõi cao quý, nhưng chỗ dựa sức mạnh của họ đã mất đi, nên người trong thị tộc đều bỏ rơi họ mà đi theo tộc Taichiuud. Cạnh Thiết Mộc Chân giờ chỉ còn mẹ, các em, một người vợ khác của cha cùng hai người con, và một số họ hàng. Ngoài ra, Thiết Mộc Chân còn có hôn ước với một người con gái tên là Bột Nhi Thiếp thuộc thị tộc Hoằng Cát Lạt; có kết giao huynh đệ an đáp với Trát Mộc Hợp thuộc thị tộc Trát Đạt Lan - người sau này sẽ trở thành một địch thủ nguy hiểm của ông.
Bấy giờ cha đã mất, nên gia đình Thiết Mộc Chân phải nương tựa với nhau mà sống trên thảo nguyên. Cũng trong khoảng thời gian này, Thiết Mộc Chân cùng một em ruột là Qasar có mâu thuẫn với hai người anh em khác mẹ là Beghter và Belgutei; dẫn đến việc ông và Qasar đã giết chết Beghter. Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với nhiều mối hiểm nguy từ các thị tộc thù địch, bọn thổ phỉ trộm ngựa, và chính môi trường sống ở thảo nguyên cũng chẳng dễ dàng gì. Nhưng hoàn cảnh cơ cực ấy cũng đã góp phần tôi luyện cho Thiết Mộc Chân, và ông cũng không phải không có đồng minh.
Tới tuổi thành niên, Thiết Mộc Chân có lần bị người Taichiuud bắt nhưng may mắn thoát thân được. Sau đó ông kết hôn với Bột Nhi Thiếp, và xây dựng liên minh với một người huynh đệ an đáp của cha là Thoát Lí - thủ lĩnh của Khắc Liệt. Thế nhưng chỉ ít lâu sau đó, người Miệt Nhi Khất bất ngờ đem quân đến đánh, và tuy Thiết Mộc Chân thoát được nhưng vợ ông thì lại bị bắt mất. Thiết Mộc Chân phải nhờ đến Thoát Lí và Trát Mộc Hợp giúp đỡ mới giành lại được vợ. Nhưng lúc ấy vợ ông đã ở trong trại người Miệt Nhi Khất nhiều tháng, vừa được cứu thì bà sinh một con trai, đặt tên là Truật Xích - cái tên trong tiếng Mông Cổ nghĩa là “người khách”. Và dù Thiết Mộc Chân đã tuyên bố đây là con trai mình, nhưng nghi vấn về thân thế thật sự của Truật Xích vẫn tồn tại, và sẽ còn ám ảnh đến gia đình Thiết Mộc Chân mãi về sau.
Sau khi sinh Truật Xích, những năm sau đó Bột Nhi Thiếp lần lượt sinh cho Thiết Mộc Chân thêm ba con trai khác là Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài và Đà Lôi. Họ cùng anh cả Truật Xích sẽ đóng những vai trò quan trọng trong Đế quốc Mông Cổ về sau.

Vươn tới quyền lực

Năm 1180 được coi là thời điểm mà Thiết Mộc Chân chính thức bước chân vào vũ đài chính trị của Thảo nguyên Mông Cổ - vì đó là năm ông đánh bại được tộc Miệt Nhi Khất. Thiết Mộc Chân dần có uy tín, ngày càng có nhiều người đi theo, những người trước kia đã bỏ mặt gia đình Temujin nay cũng quay về dưới trướng. Thế lực của ông ngày càng mạnh mẽ và khiến Trát Mộc Hợp dè chừng, từ đó dẫn đến sự chia rẽ giữa hai người bạn. Vào năm 1186, được sự ủng hộ của nhiều thị tộc khác, Thiết Mộc Chân tự xưng Hãn của người Mông Cổ và bắt đầu thách thức các thế lực khác trên thảo nguyên. Trát Mộc Hợp cho rằng Thiết Mộc Chân đang đe dọa quyền lực của mình nên dẫn toàn bộ 3 vạn quân của mình bất ngờ tập kích. Thiết Mộc Chân thảm bại trong tận Dalan Baljut và phải trốn chạy, tìm nơi ở ẩn lánh nạn.
10 năm sau đó (từ 1186 - 1196), gần như không có ghi chép gì về Thiết Mộc Chân, dẫn đến việc các sử gia sau này gọi khoảng thời gian này là “10 năm mất tích của Thành Cát Tư Hãn”. Sử liệu về Thiết Mộc Chân trong 10 năm này rất manh mún và mâu thuẫn với nhau, dẫn đến việc gần như không ai biết được ông ở đâu, làm gì. Đến năm 1196, Thiết Mộc Chân đột ngột xuất hiện trở lại, khi nước Kim quyết định thảo phạt tộc Thát Đát khi họ ngày càng trở nên mạnh mẽ và khó bảo. Đội quân thảo phạt này được chỉ huy bởi một người có họ Hoàn Nhan (tức là tông thất nước Kim) cùng các chư hầu là Thiết Mộc Chân và Thoát Lí. Sau khi thắng lợi, Thiết Mộc Chân được phong làm Chiêu Thảo (tức là Bách hộ tướng), còn Thoát Lí được nước Kim phong làm Vương Hãn.
Thông tin này làm nổi lên một giả thuyết: sau thảm bại tại Dalan Baljut, Thiết Mộc Chân bắt buộc phải chạy nạn sang nước Kim để nương náu đồng thời tập trung lại lực lượng. Thoát Lí trước đó cũng bị thất thế trong cuộc tranh đấu nội bộ của Khắc Liệt, nên cũng lánh sang nước Kim. Vậy nên cả hai mới xuất hiện trở lại với vị thế là chư hầu của triều đình Kim trong chiến dịch thảo phạt Thát Đát. Khoảng thời gian này có lẽ được xem là vết nhơ và nỗi nhục trong cuộc đời của Thiết Mộc Chân khi buộc phải nương nhờ kẻ thù truyền kiếp nên nó đã bị xóa bỏ khỏi lịch sử của Đế quốc Mông Cổ. Tuy nhiên, nhờ các nguồn sử liệu đương thời được ghi chép lại bởi các sứ giả khi sang Mông Cổ, ta vẫn có cơ sở để tin vào giả thuyết ấy.
Tới năm 1201, Thiết Mộc Chân lần nữa trở thành thế lực đáng gờm trên thảo nguyên. Thế là các thế lực đối địch như Taichiuud, Thát Đát, Nãi Man, Miệt Nhi Khất đều tôn Trát Mộc Hợp làm Cúc Nhi Hãn (tương tự như Khả Hãn) lãnh đạo liên minh chống Thiết Mộc Chân. Nhưng lần này, Thiết Mộc Chân có được một chiến thắng quyết định trước Trát Mộc Hợp, tiêu diệt được tộc Taichiuud, khiến uy tín ông ngày càng lan rộng. Sau đó, Thiết Mộc Chân tiếp tục liên minh với Thoát Lí để gây chiến với các thế lực còn lại là Thát Đát, Nãi Man và Miệt Nhi Khất. Khi tộc Thát Đát bị đánh bại, Thiết Mộc Chân nhớ lại mối hận và nỗi cơ cực năm xưa nên trả thù cực kỳ tàn bạo, cho giết tất cả đàn ông rồi bắt hết phụ nữ cùng trẻ em làm nô lệ.

Thệ ước Baljuna

Sau những chiến thắng liên tiếp, lần này đến lượt chính đồng minh của Thiết Mộc Chân là Thoát Lí sợ rằng mình sẽ bị lấn lướt nên nghe theo con mà âm mưu hạ bệ Thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân cố gắng làm hòa bằng cách hỏi cưới cho con trai Truật Xích và gả một con gái cho con trai của Thoát Lí. Thoát Lí giả vờ đồng ý nhưng lại cho tập hợp quân đội và bất ngờ tập kích trại của Thiết Mộc Chân. Dù đã được báo trước, nhưng Thiết Mộc Chân vẫn thua trận Qalaqalijid Sands năm 1203 và lâm vào cảnh khốn khó. Ông chạy về phía Đông cùng các tùy tùng để xây dựng lại lực lượng, có lúc còn không đủ ăn và phải uống nước bùn bẩn từ hồ Baljuna. Lúc này Thiết Mộc Chân đã thề rằng:
“Bất cứ kẻ nào ngày hôm nay vẫn còn bên ta uống nước bùn này, thì sau đó đại sự mà thành sẽ được hưởng vinh hoa phú quý mãi mãi về sau đến cả đời con đời cháu.”
Cũng tại Baljuna, Thiết Mộc Chân thu nhận một thủ lĩnh nhỏ tên là Qaban. Qaban có một người con trai tên là Tốc Bất Đài - người sau này sẽ trở thành tướng lĩnh quan trọng nhất trong sự bành trướng của Đế quốc Mông Cổ. Đây cũng là huyền thoại được cung kính gọi là Tốc Bất Đài Bạt Đô (Bạt Đô nghĩa là Dũng sĩ trong tiếng Mông Cổ).
Còn về phần Thoát Lí, chưa ăn mừng chiến thắng được bao lâu thì Thiết Mộc Chân đã quay lại và dần chiếm lại được thế thượng phong. Ông cho em mình là Qasar giả đầu hàng người Khắc Liệt rồi bất ngờ đem quân tập kích. Thoát Lí thua trận rồi bị giết trên đường bỏ chạy, toàn bộ tộc Khắc Liệt đầu hàng Thiết Mộc Chân.

Thống nhất Mông Cổ

Sau năm 1203, Thiết Mộc Chân trở thành thế lực mạnh nhất trên thảo nguyên, liên tục giành lấy các chiến thắng giòn giã: đánh bại người Nãi Man trong trận Kelgetei năm 1204, nghiền nát người Miệt Nhi Khất trong trận Qaradai Huja’ur cùng năm, thu phục tộc Uông Cổ trên biên giới nước Kim. Mà tộc Uông Cổ trước đó vốn là chư hầu của Kim và chịu trách nhiệm trấn giữ cửa ải quan trọng nối Thảo nguyên với vùng Hoa Bắc, nên đây được coi là sự kiện quan trọng tạo tiền đề cho chiến dịch xâm lược Kim sau này của Mông Cổ năm 1211.
Năm 1206, Thiết Mộc Chân mở hội nghị Hốt Lý Lặc Đài bên sông Onon để chính thức tuyên bố thống nhất Mông Cổ, đặt tên nước là Đại Mông Cổ Quốc. Thiết Mộc Chân cũng không xưng Hãn hay Khả Hãn, mà muốn lấy một danh hiệu độc nhất vô nhị để khẳng định rằng mình đã vượt qua những người đi trước. Thiết Mộc Chân bèn xưng là Thành Cát Tư Hãn (nghĩa là “Hãn của tất cả”) và bắt đầu thực hiện một loạt các cải cách sâu rộng về mặt chính trị và quân sự cho đế quốc mới của mình.
Thành Cát Tư Hãn chia Mông Cổ làm ba phần: Tả, Hữu và Trung Dực - đây là những đơn vị hành chính cũng như quân sự lớn nhất của đế quốc. Trong mỗi phần sẽ là các đơn vị nhỏ hơn theo hệ thập phân. Đứng đầu nhà nước chính là Thành Cát Tư Hãn, xung quanh là Khiếp Tiết - một hệ thống gồm những sĩ quan tinh anh có vai trò quan trọng về cả chính trị lẫn quân sự. Bốn con trai của ông lần lượt nắm giữ bốn vị trí quan trọng, gọi là Tứ Trụ Quốc: Truật Xích giỏi bắn cung nên quản lý việc săn bắn. Sát Hợp Đài nghiêm khắc tuân theo luật lệ và truyền thống nên quản việc pháp luật. Oa Khoát Đài ôn hòa, có tài quản lý nên nắm việc hành chính. Đà Lôi là con út nhưng có tài nhất về quân sự nên nắm việc binh.
Thành Cát Tư Hãn sau đó cũng bắt đầu triệt tiêu thế lực tôn giáo của các thầy pháp, từng bước biến mình thành thủ lĩnh tôn giáo của người Mông Cổ; ứng dụng bảng ký tự của người Duy Ngô Nhĩ để tạo ra chữ Mông Cổ, từ đó cho viết ra bộ luật tên là Yassa.
Về quân sự, Thành Cát Tư Hãn sở hữu trong tay một lực lượng tuy không quá nhiều, nhưng cực kỳ tinh nhuệ và dày dạn kinh nghiệm sau hàng chục năm chinh chiến. Ngoài ra, Thành Cát Tư Hãn còn đề ra nhiều cải cách tiến bộ khác, dần biến quân đội Mông Cổ thành cỗ máy chiến tranh hiệu quả nhất thời bấy giờ.

Bành trướng lãnh thổ

Sau khi ổn định thảo nguyên, Thành Cát Tư Hãn bắt đầu chĩa mũi nhọn ra bên ngoài, với mục tiêu đầu tiên là nước Kim - kẻ thù không đội trời chung với người Mông Cổ. Ngoài ra, sự giàu có của nhà Tống cũng là một điểm hấp dẫn với các sắc dân du mục. Để tạo bàn đạp đánh Kim, Thành Cát Tư Hãn tấn công Tây Hạ vào năm 1207 để phá vỡ liên minh Kim - Hạ. Tây Hạ Tương Tông cho người cầu cứu nhà Kim nhưng không được hồi đáp, cuối cùng đành chịu thần phục Mông Cổ. Sau khi thu phục Tây Hạ làm chư hầu, Thành Cát Tư Hãn bắt đầu chuẩn bị cho việc đánh Kim. Năm 1210, sứ nước Kim tới yêu cầu ông triều cống cho Hoàng đế mới là Hoàn Nhan Vĩnh Tế, bởi trên danh nghĩa Thành Cát Tư Hãn vẫn là tướng của nước Kim. Ông không những từ chối triều cống, còn sỉ nhục Hoàng đế nước Kim, thậm chí nói rằng "Hoàng đế phải là người nhà trời như ta mới phải". Năm 1211, Thành Cát Tư Hãn dẫn quân tấn công nước Kim. Và mặc dù ở thế yếu, quân Mông Cổ vẫn giành lấy một chiến thắng áp đảo tại Dã Hồ Lĩnh làm thay đổi vĩnh viễn cán cân quyền lực ở Hoa Bắc, những cuộc tấn công sau đó của quân Mông Cổ ép buộc triều Kim phải từ bỏ Trung Đô và dời về Biện Kinh (Khai Phong) phía Nam Trường Giang.
Thành Cát Tư Hãn tiếp tục nhiều chiến dịch tấn công nước Kim khác. Năm 1214, quân Mông Cổ tràn vào trung tâm nước Kim. Kim Tuyên Tông phải cầu hòa, cắt đất, dâng vàng bạc châu báu và gả công chúa cho Thành Cát Tư Hãn để ông lui binh. Tuy tỏ ra hòa hảo nhưng Kim Tuyên Tông vẫn lo sợ, lập tức dời đô về Khai Phong. Thành Cát Tư Hãn cho rằng nhà Kim bội ước, lại xua quân tiến đánh vào năm 1215. Chiến tranh giữa Kim và Mông Cổ vẫn tiếp tục mãi cho đến cả sau khi Thành Cát Tư Hãn mất, cuối cùng kết thúc khi Mông Cổ liên minh với Tống diệt Kim năm 1234.
Ở phía tây, Thành Cát Tư Hãn cho truy lùng tàn dư các tộc Nãi Man và Miệt Nhi Khắc, thôn tính Tây Liêu năm 1218, đưa biên giới đế quốc đến giáp với đế quốc Khwarezmia, một quốc gia Hồi giáo. Dần dần, hai bên tiến đến chiến tranh khi một quan chức của Khwarezmia bắt giam và hành hình một đoàn giao thương của Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn liền cho sứ sang chất vấn Sultan của Khwarezmia là Muhammad II về việc này, nhưng ông ta từ chối thương lượng và giết luôn đoàn sứ giả. Tức giận trước sự khiêu khích của Muhammad II, Thành Cát Tư Hãn quyết định đem đại quân tấn công Khwarezmia.
Sau khi để lại tướng Mộc Hoa Lê để tiếp tục đánh nước Kim, ông đã tập hợp một đội quân hùng hậu và hành quân sang phía Tây. Quân Mông Cổ vượt dãy Thiên Sơn và sa mạc Gobi, tiến đến biên giới phía đông của Khwarezmia, nhanh chóng hạ thành Otrar và hành hình viên thống đốc để trả thù cho các thương nhân và trừng phạt hành động xúc phạm Thành Cát Tư Hãn. Sau khi hạ thành Otrar, quân Mông Cổ tiếp tục hạ các thành lớn chính của Khwarezmia khiến Muhammad II phải liên tục rút lui. Cuối cùng, ông ta chết ở một hòn đảo trên biển Caspi năm 1220, và đế quốc Khwarezmia sụp đổ. Quân Mông Cổ nhờ đó thu về cho mình rất nhiều lãnh thổ ở Trung Á. Đồng thời, quân Mông Cổ cũng ngày càng tạo được tiếng vang về sự thiện chiến và tàn bạo của mình. Cũng trong khoảng thời gian này, mối quan hệ giữa ông với con trưởng Truật Xích ngày càng xa cách và mâu thuẫn, tận đến lúc Truật Xích bệnh mất.
Sau khi quay về Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn lên kế hoạch xâm lược Tây Hạ khi nước này phá vỡ liên minh với Mông Cổ để liên kết với nước Kim. Và đây, cũng là chiến dịch cuối cùng của Thành Cát Tư Hãn.

Chiến dịch cuối cùng

Trước đó khi xuất quân tiến đánh Khwarezmia, Tây Hạ đã từ chối tham chiến, mà cũng từ chối không góp quân đánh Kim. Hơn thế nữa, Tây Hạ còn quay ngược lại giúp Kim đánh Mông Cổ, khiến tướng Mộc Hoa Lê uất ức mà chết. Do đó, Thành Cát Tư Hãn cực kỳ căm hận Tây Hạ, và thề sẽ tận diệt quốc gia này.
Năm 1226, Thành Cát Tư Hãn dẫn đại quân tấn công Tây Hạ. Quân Mông Cổ chiếm các thành Hắc Thủy, Cam Châu, Túc Châu, phủ Tây Lương, bao vây thành Linh Châu và đánh bại quân cứu viện của Tây Hạ. Năm 1227, Quân Mông Cổ tấn công kinh đô Ngân Xuyên, chiếm phủ Lâm Thao, quận Tây Ninh, phủ Tín Đô, quận Đức Thuận và vây khốn hoàng tộc Tây Hạ tại thành Trung Hưng. Cuối cùng, Tây Hạ Mạt Chủ Lý Hiện phải đầu hàng và nộp thành. Thế nhưng trước thời hạn nộp thành đúng 1 ngày thì Thành Cát Tư Hãn qua đời.
Từ trước đó, trong một lần đi săn thì Thành Cát Tư Hãn bị ngã ngựa rồi dẫn đến bệnh tình nguy kịch. Trước khi qua đời, Thành Cát Tư Hãn không quên nói ra sách lược tác chiến giữa Mông Cổ, Kim và Tống, thậm chí còn chỉ ra phương án tác chiến cụ thể. Sau khi trăng trối, Thành Cát Tư Hãn qua đời. Hoàng tộc Tây Hạ sau khi ra hàng đã bị bắt giết toàn bộ. Sau khi Tây Hạ diệt vong, quân Mông Cổ làm đúng theo lời của Thành Cát Tư Hãn - phá hủy, đốt cháy thành trì cung thất và tàn sát vô số dân Tây Hạ.
Thành Cát Tư Hãn qua đời năm 1227, thọ khoảng 65 tuổi. Cho đến tận ngày nay, vẫn không một ai biết được nơi chôn cất của ông. Sau này khi cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Hốt Tất Liệt thành lập triều Nguyên, đã truy tôn ông là Nguyên Thái Tổ, thụy hiệu là Pháp Thiên Khải Vận Thánh Vũ Hoàng đế. Cuộc đời Thành Cát Tư Hãn trải qua hơn 40 năm chinh chiến, và dưới bàn tay của ông, Đế quốc Mông Cổ từ một quốc gia bé nhỏ, dần bành trướng và trở thành một thế lực hùng mạnh bậc nhất thế giới. Ông cũng đã biến đội quân Mông Cổ trở thành một cỗ máy chiến tranh hiệu quả và thiện chiến nhất thời bấy giờ. Không phải ngẫu nhiên mà vô số sử gia cũng như nhà quân sự lớn sau này đều gọi ông là thiên tài quân sự có một không hai, và tôn xưng Thành Cát Tư Hãn là “Hoàng đế chinh phạt”.

Kết

Tổng kết về cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn, chúng ta có thể chắc chắn rằng ông là một trong những kẻ chinh phạt đáng sợ nhất từng sống, một thiên tài quân sự hiếm có của dòng chảy lịch sử nhân loại. Người đàn ông này đã tiến hành vô số cuộc xâm lược không thể ngăn cản trên khắp lục địa Á - Âu, nghiền nát không biết bao quốc gia, đốt cháy không biết bao làng mạc và tàn sát không biết bao sinh mạng. Nhưng, ông cũng là một người cai trị công bằng khi đặt ra những điều luật đối xử bình đẳng với mọi tôn giáo, đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình, bảo trợ cho tầng lớp trí thức… Và trên hết, nền móng của đế chế mà ông gây dựng đã tạo điều kiện cho sự kết nối trở lại của 2 cực Đông - Tây cựu thế giới, mở ra thời kì Pax Mongolica - tiền đề cho sự vươn lên của châu Âu về sau. Vậy, theo bạn, Thành Cát Tư Hãn là một kẻ man rợ độc ác hay một người thống nhất mở đường cho thế giới hiện đại?