Chiến tranh thế giới thứ hai có lẽ là cuộc chiến tàn khốc và kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại. Và nhắc tới cuộc chiến kéo dài 6 năm này, có vô vàn sự kiện nổi tiếng. Từ những vụ thảm sát dân Do Thái của Đức Quốc Xã, những tội ác của Đế quốc Nhật Bản, những chiến dịch quy mô lớn của phe Đồng Minh, những trận đánh ác liệt khiến hàng triệu người thương vong. Tuy nhiên, một trong những sự kiện nổi tiếng nhất chắc chắn chính là hai vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào tháng 8/1945.
Đó cũng là những lần đầu tiên và duy nhất mà bom nguyên tử được sử dụng trong thực tế. Hậu quả của nó thì thật là khủng khiếp, và ám ảnh hằng bao thế hệ nhân loại. Hãy cùng tìm hiểu toàn cảnh sự kiện này thông qua bài viết sau đây.

Bối cảnh tổng quan

Vào năm 1945, Thế chiến thứ 2 đang dần bước vào hồi tàn cuộc. Quân đội các nước phe Đồng Minh mở hàng loạt chiến dịch ở cả hai mặt trận Tây - Đông ở châu Âu, đẩy lùi quân đội phe Trục. Đến ngày 8/5/1945, sau khi thủ đô Berlin thất thủ và Đức Quốc Xã ký hiệp ước đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh chấm dứt ở châu Âu.
Còn ở mặt trận Thái Bình Dương, chiến tranh vẫn tiếp tục xảy ra ác liệt giữa quân Đồng Minh và quân đội Đế quốc Nhật Bản. Tuy nhiên Đế quốc Nhật ngày càng lâm vào thế bất lợi, nhất là sau những thất bại trong các trận Iwo Jima và Okinawa; cộng thêm hàng loạt chiến dịch đánh bom các thành phố của Nhật Bản, viễn cảnh kết thúc hoàn toàn chiến tranh trong năm 1945 hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy vậy, Đế quốc Nhật Bản vẫn không có ý định đầu hàng, dù thiệt hại và thương vong của dân thường do các vụ đánh bom ngày càng lớn. 66 thành phố của Nhật Bản đã bị không kích, khoảng 1,7 triệu người đã mất nhà cửa, hàng trăm ngàn người thiệt mạng và bị thương - đặc biệt là trận không kích bằng bom napalm ở Tokyo ngày 9/3/1945 đã khiến ít nhất 100 ngàn người thiệt mạng.
Tuy vậy, chỉ hai ngày sau vụ oanh tạc Tokyo, Ngoại trưởng Shidehara Kujiro đã bày tỏ quan điểm mà nhiều thành viên cấp cao trong chính phủ Nhật Bản chia sẻ, rằng "người dân sẽ quen dần với việc ngày nào cũng phải hứng chịu bom. Dần dần tinh thần đoàn kết và quyết tâm của họ sẽ mạnh mẽ hơn nữa".
Tokyo sau vụ ném bom napalmn, ảnh chụp ngày 10/3/1945
Tokyo sau vụ ném bom napalmn, ảnh chụp ngày 10/3/1945
Thế nhưng tình hình thực tế không thể chối cãi là quân đội Đế quốc Nhật Bản gần như không còn có thể chống lại sức ép từ quân đội Đồng Minh, mà đặc biệt là quân đội Mỹ. Chủ lực đem đến nhiều thắng lợi cho họ ở mặt trận Thái Bình Dương là hải quân và không quân thì hầu như đã bị loại khỏi vòng chiến. Nền công nghiệp của Nhật Bản bị tàn phá nặng nề và chính quốc bị bao vây, phong tỏa gay gắt. Do không còn nhiều vũ khí để chống cự lại Đồng Minh, các tướng lĩnh Nhật Bản quyết định sử dụng thứ "vũ khí" duy nhất mà họ vẫn còn ưu thế hơn đối thủ, đó là tinh thần võ sĩ đạo, sẵn sàng quyết tử vì Thiên Hoàng.
Thực tế chiến sự đầu năm 1945 cho thấy máy bay cảm tử Kamikaze là một vũ khí hiệu quả. Tuy phải hy sinh hơn 3.900 phi công kèm máy bay nhưng đã gây thiệt hại nặng cho hải quân phe Đồng Minh. Đến tháng 7/1945, Nhật vẫn còn trong tay 12.725 máy bay các loại, gần như tất cả sẽ được dùng như máy bay cảm tử. Phe quân sự Nhật Bản thậm chí đã phác thảo ra một kế hoạch tử chiến tới cùng của toàn dân Nhật, và ngoài các máy bay cảm tử thì Nhật Bản vẫn còn nhiều loại vũ khí cảm tử khác trên biển.
Về tác chiến trên bộ, Nhật sẽ đưa ra tổng số 53 sư đoàn và 25 lữ đoàn độc lập, tổng cộng 2,35 triệu quân để chống lại quân Đồng Minh. Khoảng 1,25 triệu lính thuộc Hải quân do không còn tàu chiến nên cũng sẽ tác chiến trên đất liền cùng với lục quân. Ngoài ra còn động viên toàn thể nhân dân, nam từ 15 đến 60 tuổi, nữ từ 17 đến 45 tuổi, tổng cộng 28 triệu người vũ trang bằng mọi vũ khí có được, từ súng trường cho đến cung tên, gươm giáo. Bên cạnh đó, còn 4 triệu công nhân quốc phòng kết hợp thành các tiểu đoàn tác chiến độc lập, vừa sản xuất vừa tác chiến.
Tàu sân bay USS Bunker Hill bị không kích bởi các phi công cảm tử Nhật
Tàu sân bay USS Bunker Hill bị không kích bởi các phi công cảm tử Nhật
Thêm vào đó, các lực lượng vũ trang Nhật còn 3 triệu quân đóng ở ngoài nước. Ngoài những địa bàn xa xôi như ở New Guinea, quần đảo Indonesia, Đông Dương; thì quân Nhật tập trung cao độ ở Đông bộ Trung Quốc, nhất là ở Mãn Châu và Triều Tiên. Xung kích của lục quân Nhật Bản là đạo quân Quan Đông với quân số lên đến gần một triệu người. Theo kế hoạch hành quân vào mùa hè 1945, nếu vạn nhất nếu chính quốc thất thủ thì sẽ rút về Mãn Châu và tiếp tục kháng cự đến cùng.
Chính phủ Nhật quyết định sẽ chiến đấu đến người cuối cùng và tin rằng quân Mỹ sẽ phải bỏ cuộc. Nếu thương vong khi tấn công vào đất Nhật trở nên quá nặng nề, dư luận Mỹ sẽ phản đối và buộc chính phủ phải đàm phán, trên cơ sở đó Nhật có thể đưa ra những điều kiện đình chiến có lợi cho họ.
Về phía Đồng Minh, Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ trình lên Tổng thống Truman kế hoạch tấn công Nhật Bản, gọi là Chiến dịch Downfall. Kế hoạch chia làm 2 bước, gồm chiến dịch Olympic và chiến dịch Coronet, đều mở màn bằng đợt ném bom rải thảm dài ngày của máy bay lục quân cất cánh từ Trung Quốc và Triều Tiên. Mỹ dự kiến rằng họ sẽ tổn thất ít nhất 100 ngàn người trong chiến dịch Olympic và 250 ngàn người trong chiến dịch Coronet.
Tuy nhiên, vụ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên mang tên Trinity ngày 16/7/1945 đã đem đến một giải pháp nhanh hơn và cũng khủng khiếp hơn để ép Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Đó chính là oanh tạc Nhật Bản bằng bom nguyên tử. Ngay sau đó, từ ngày 17/7 đến ngày 2/8, đại biểu các nước Đồng Minh là Liên Xô, Mỹ và Anh đã họp hội nghị ở Potsdam để bàn về những vấn đề quan trọng sau chiến tranh, trong đó có vấn đề nhanh chóng đánh bại Đế quốc Nhật Bản và kết thúc chiến tranh. Ngày 26/7, Anh - Mỹ - Trung Hoa dân quốc đã thông qua và gửi cho Nhật Bản tuyên cáo Potsdam mang tính tối hậu thư, đòi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức như sau:
Chúng tôi kêu gọi chính phủ Nhật Bản ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức cho toàn bộ lực lượng vũ trang Nhật, và đưa ra sự đảm bảo thích đáng và đầy đủ đối với thiện ý của họ trong hành động như vậy. Sự lựa chọn khác cho Nhật Bản là sự hủy diệt toàn bộ ngay lập tức.
Vụ thử bom Trinity
Vụ thử bom Trinity
Nhật Bản ngay trong ngày 26/7 đã nhận được lời tuyên cáo này và đã có những phản ứng khác nhau trong giới lãnh đạo. Trong khi chính phủ Nhật Bản không có phản ứng cụ thể thì phe quân phiệt lại cho rằng tuyên cáo láo xược và chính phủ cần bác bỏ ngay. Chiều ngày 28/7, trong buổi họp báo, thủ tướng Kantaro Suzuki xin miễn bình luận về bản tuyên cáo và Nhật Bản vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh.
Với quyết định như vậy từ Nhật Bản, Mỹ đã hạ quyết tâm sử dụng bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt.

Vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki

Những diễn biến tại mặt trận Thái Bình Dương và thái độ của chính phủ Nhật Bản với Tuyên bố Potsdam đã đưa đến việc Mỹ quyết định sử dụng bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh. Thế nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hủy diệt này ở đâu trên lãnh thổ Nhật Bản?
Vào mùa xuân năm 1945, quân đội Mỹ đã triệu tập một ủy ban gồm nhiều sĩ quan và các nhà khoa học để quyết định xem nên thả bom nguyên tử xuống vị trí nào. Ủy ban này xác định 2 mục tiêu của vụ thả bom nguyên tử đầu tiên là dọa cho người Nhật sợ đến mức đầu hàng không điều kiện và gây ấn tượng với cả thế giới về sức mạnh của loại vũ khí mới. Nhà sử học Alex Wellerstein cho rằng ở thời điểm đó, Mỹ còn đang cân nhắc những câu hỏi như “Mục tiêu có nên là một thành phố hay là một căn cứ quân sự? Hay là chỉ cần phô trương quả bom mà không gây thương vong?”. Còn nhà vật lý học Edward Teller lại cho rằng: “Hy vọng duy nhất là để mọi người thấy thấy được kết quả của những gì chúng ta đã làm. Điều này có thể giúp thuyết phục mọi người rằng cuộc thế chiến kế tiếp sẽ vô cùng tàn khốc. Vì mục đích này, việc đem sử dụng (bom nguyên tử) trong chiến trận thực tế có thể sẽ là lựa chọn tốt nhất”.
Thế là vào tháng 5/1945, ủy ban lựa chọn mục tiêu đã đề xuất một số vị trí làm mục tiêu ném bom là Kyoto, Hiroshima, Yokohama và Kokura. Ủy ban đã từ chối việc sử dụng vũ khí nguyên tử chỉ bó hẹp ở mục tiêu quân sự bởi khả năng để lọt mục tiêu nhỏ nằm giữa khu dân cư. Đối với ủy ban, tác động tâm lý lên nước Nhật là rất quan trọng. Họ cũng thống nhất rằng việc sử dụng bom nguyên tử lần đầu cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng bởi vì sự quan trọng của nó sẽ gây tiếng vang quốc tế. Kyoto được chọn bởi vì đây là cố đô của Nhật Bản, là trung tâm văn hóa của nước này; trong khi đó Hiroshima là một thành phố lớn và là cơ sở hậu cần quân sự quan trọng. Tokyo bị bỏ qua vì thành phố này thực tế đã bị thiệt hại nặng nề trong trận ném bom napalm ngày 9/3 trước đó.
Một cây cổng Torii ở cố đô Kyoto, ảnh chụp năm 1945
Một cây cổng Torii ở cố đô Kyoto, ảnh chụp năm 1945
Sau nhiều tranh luận và cân nhắc, cuối cùng Kyoto bị loại ra khỏi danh sách mục tiêu do tầm quan trọng về văn hóa của thành phố này. Mỹ sợ rằng dư luận sẽ phản ứng quá gay gắt nếu hủy diệt một trung tâm văn hiến lâu đời. Do đó, mục tiêu được chuyển sang Hiroshima, và sau đó sẽ là các mục tiêu số hai như Kokura và Nagasaki, nếu Nhật chưa chịu đầu hàng.
Tại thời điểm bị đánh bom, Hiroshima là thành phố quan trọng cả về mặt quân sự và công nghiệp. Một số doanh trại quân sự đóng sát đó bao gồm sở chỉ huy sư đoàn số 5, sở chỉ huy tập đoàn quân số 2 của Thống chế Hata Shunroku – tư lệnh phòng thủ toàn phần nam Nhật Bản. Hiroshima là căn cứ hậu cần nhỏ của quân đội Nhật Bản và cũng là trung tâm liên lạc, kho vận cũng như trung tâm lắp ráp vũ khí cho quân đội. Một lý do nữa cho việc lựa chọn Hiroshima là tướng Spaatz báo cáo rằng đây là thành phố không có tù binh chiến tranh. Với những lý do trên, Washington quyết định, đây là mục tiêu số một.
Vào sáng ngày 6/8, ba chiếc Siêu pháo đài B-29 xuất hiện trên bầu trời Hiroshima. Hai chiếc trong số đó mang theo camera và các thiết bị khoa học để ghi lại hiệu quả. Chiếc thứ ba mang tên “Enola Gay” thì phụ trách ném bom. Lúc 8 giờ sáng, trạm radar ở Hiroshima thấy rằng số lượng máy bay đang tiến vào rất ít – không hơn 3 chiếc – và bỏ lệnh sẵn sàng đánh chặn bằng không quân.
Vào lúc 8 giờ 15 phút, chiếc “Enola Gay” mở cửa khoang bom và chưa đầy một phút sau, hầu hết Hiroshima đã tan tành trong ánh sáng chói lòa. Quả bom được thả ở Hiroshima mang tên “Little Boy” và nó phát nổ khi cách mặt đất khoảng 600m. Sức công phá của quả bom tương đương với 13 kiloton thuốc nổ TNT. Khoảng 90 ngàn người chết ngay tại chỗ và hàng ngàn người khác chết sau đó vì nhiễm phóng xạ, bỏng hoặc do chấn động. Bán kính bị tàn phá là 1,6 km và cháy trên diện tích 4,4 km vuông. Ước tính 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại. Đến tháng 12 năm 1945, tổng số tử vong ở Hiroshima trong năm 1945 đã lên tới 140 ngàn. Và trong suốt hơn 40 năm sau đó, vẫn có hàng trăm người qua đời mỗi năm bởi nhiễm phóng xạ.
Hiroshima trước và sau khi hứng chịu quả bom "Little Boy"
Hiroshima trước và sau khi hứng chịu quả bom "Little Boy"
Sau khi vụ nổ diễn ra, Ban tham mưu của Tổng thống Truman ở Washington đã đưa ra lời cảnh báo tiếp theo nếu chính phủ Nhật Bản không chịu đầu hàng ngay. Mỹ tuyên bố rằng: "Nếu bây giờ họ không chấp nhận các điều kiện của chúng ta, họ sẽ phải gánh chịu cơn mưa tàn phá từ trên trời, những thứ chưa hề được biết đến trên Trái Đất!"
Ngày 8/8, khoảng 6 triệu tờ truyền đơn được thả từ trên không xuống 47 thành phố ở Nhật Bản có dân số trên 100.000 dân. Nội dung truyền đơn mô tả quả bom nguyên tử có sức tàn phá "tương đương 2000 chiếc B-29 cùng tấn công một lúc" và đồng thời yêu cầu người dân Nhật Bản "kiến nghị Thiên hoàng chấm dứt chiến tranh".
Chính phủ Nhật Bản vẫn không phản ứng gì với Tuyên bố Potsdam. Thiên hoàng Hirohito, chính phủ và Hội đồng chiến tranh vẫn đang xem xét bốn yêu cầu đổi lấy sự đầu hàng của Nhật: duy trì tổ chức đế quốc và thể chế quốc gia; giao cho các cơ quan đầu não của đế quốc trách nhiệm giải trừ vũ trang, quân bị; không chiếm đóng Nhật Bản và ủy quyền cho chính phủ Nhật Bản trừng phạt tội phạm chiến tranh.
Từ trước đó, vào ngày 5 tháng 8, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô là Vjacheslav Mihajlovich Molotov đã thông báo với Tokyo về việc hủy bỏ Hiệp ước trung lập Xô - Nhật. Và chỉ vài phút sau nửa đêm ngày 8/8 theo giờ Tokyo, Liên Xô đồng loạt triển khai bộ binh, thiết giáp và không quân để tấn công quân Quan Đông của Nhật đang đóng ở Mãn Châu. Bốn giờ sau đó, rạng sáng ngày 9 tháng 8, Tokyo nhận được lời tuyên chiến của chính phủ Liên Xô.
Vì chính phủ Nhật Bản tiếp tục từ chối đầu hàng, Mỹ quyết định thả quả bom thứ hai, và lần này mục tiêu là thành phố Nagasaki. Nagasaki đã từng là thành phố cảng lớn nhất của miền nam Nhật Bản và có vai trò hải quân rất quan trọng nhờ hoạt động công nghiệp đa dạng, từ việc sản xuất đạn dược, tàu bè, thiết bị quân sự đến các vật liệu phục vụ chiến tranh khác. Đây cũng là một trong số ít thành phố chưa từng bị ném bom quy mô lớn.
Quả bom "Fat Man" phát nổ trên bầu trời Nagasaki, ảnh chụp bởi Hiromichi Matsuda - một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về vụ ném bom
Quả bom "Fat Man" phát nổ trên bầu trời Nagasaki, ảnh chụp bởi Hiromichi Matsuda - một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về vụ ném bom
Sáng ngày 9/8, chiếc B-29 có tên là “Bock’s Car” sẽ làm nhiệm vụ ném bom, tương tự như vụ ném bom Hiroshima; và quả bom có tên là “Fat Man”. Vào lúc 7 giờ 50 phút giờ Nhật Bản, báo động máy bay vang lên ở Nagasaki nhưng sau đó báo yên lúc 8 giờ 30 phút. Khi chỉ có hai chiếc B-29 bay đến lúc 10 giờ 53 phút, người Nhật cho rằng đó là những máy bay do thám và không phát lệnh báo động nữa. Vào khoảng 11 giờ 01 phút, quả bom “Fat Man” được thả xuống Thung lũng công nghiệp của thành phố. 43 giây sau, nó nổ ở 469m cách mặt đất. Vụ nổ có sức công phá tương đương 21 kiloton thuốc nổ TNT. Lúc bom nổ, có khoảng 200 ngàn người trong thành phố. Tuy vậy, do được thả một cách khá vội vàng nên quả bom đã phát nổ ở đoạn giữa hai mục tiêu chính, xưởng thép và vũ khí ở phía bắc và xưởng thủy lôi ở phía nam. Nếu bom rơi chếch về phía nam, vùng thương mại và dân cư của thành phố có thể bị thiệt hại nặng nề hơn nhiều. Đây là yếu tố chủ yếu lý giải vì sao quả bom này với đương lượng nổ lớn hơn quả "Little Boy" ở Hiroshima nhưng gây thiệt hại ít trầm trọng hơn. Tuy nhiên, ước tính vẫn có khoảng 70 ngàn người chết ngay lập tức khi quả bom phát nổ, và hàng chục ngàn người khác bị thương. Bán kính vụ nổ là 1,6 km; những đám cháy trải dài từ phần phía bắc của thành phố cho đến 3,2 km cách vụ nổ về phía nam.
Hai quả bom ở Hiroshima và Nagasaki đã khiến ít nhất 160 ngàn người thiệt mạng ngay lập tức, còn con số bị thương và tử vong sau đó vì phóng xạ thì không thể thống kê hết được. Mỹ thậm chí đã có kế hoạch sử dụng thêm nhiều quả bom khác, nếu chính phủ Nhật Bản vẫn kiên quyết không chịu hàng. Tuy nhiên, hai thảm kịch ở Hiroshima và Nagasaki đã khiến Thiên hoàng cùng nhiều lãnh đạo của Nhật Bản phải thay đổi quan điểm.

Những sự kiện sau đó và phản ứng của dư luận

Vài giờ trước khi quả bom nguyên tử thứ hai được thả ở Nagasaki, Hội đồng Tối cao điều hành chiến tranh của chính phủ Nhật Bản đã nhóm họp để tính xem có nên chấp nhận Tuyên bố Potsdam hay không. Các đại diện quân phiệt thì vẫn một mực phản đối. Thế nhưng vào tối ngày 9/8, sau khi đã có tin tức về thảm kịch tại Nagasaki, Thiên hoàng đã triệu tập Hội đồng Tối cao lần nữa. Ông bảo họ nên chấp nhận điều kiện, và cốt là phải bảo đảm rằng hoàng gia cùng quyền kế vị vẫn được bảo toàn. Chính phủ Nhật Bản lập tức chuyển điều kiện đó sang cho phía Mỹ vào ngày hôm sau. Bộ trưởng Ngoại giao James Byrnes cho rằng không được phép có phân biệt gì hết giữa Thiên hoàng với những người còn lại. Tuy nhiên Bộ trưởng Chiến tranh Stimson thì lại cho rằng chỉ có uy quyền của Thiên hoàng mới có thể buộc lực lượng vũ trang Nhật đầu hàng. Mà nếu như vậy thì Mỹ sẽ tránh được những trận đánh vô ích trong tương lai và cho phía Liên Xô ít thời gian hơn để tập kết vào khu vực Thái Bình Dương.
Trả lời phía Nhật Bản, Mỹ nhấn mạnh rằng người Nhật sẽ không được phép tự chọn hình thức chính phủ, nhưng đồng ý bảo đảm sự an toàn cho Thiên hoàng cũng như hoàng gia. Trong khi đó, các lãnh đạo quân sự Nhật Bản vẫn không chịu chấp nhận thất bại. Các tranh cãi tiếp tục như thế trong mấy ngày, và cuối cùng vào ngày 14/8, Thiên hoàng tuyên bố ông đã quyết định chấp nhận Tuyên bố Potsdam. Ông thậm chí còn tuyên bố sẽ ghi âm một bài phát biểu để phát trên toàn quốc - một điều chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên, các thành viên phe chủ chiến quyết không chấp nhận điều này và vào đêm đó, họ đã toan tính thực hiện một cuộc đảo chính để ngăn chặn việc phát thông điệp của Thiên hoàng. Các lãnh đạo quân sự đã lừa ép Trung đoàn 2 Vệ binh Thiên hoàng tham gia và tiến vào cung rồi phá máy ghi âm chứa tuyên bố đầu hàng. Thiên hoàng cùng Hầu tước Kido và các thị thần đã tìm cách lánh đi. Quân nổi loạn không tìm được họ, và khi các đội quân trung thành kéo đến, lãnh đạo cuộc binh biến là Thiếu tá Hatanaka Kenji cùng nhiều người khác đã tự sát.
Người dân Nhật Bản nghe tuyên bố đầu hàng của Thiên hoàng Hirohito
Người dân Nhật Bản nghe tuyên bố đầu hàng của Thiên hoàng Hirohito
Đến trưa ngày 15/8, các đài phát thanh của Nhật đồng loạt phát đi thông điệp của Thiên hoàng, kêu gọi tất cả lực lượng đầu hàng. Ngày 17/8, lệnh đầu hàng được đưa xuống cho quân Nhật còn đang đóng rải rác trên đất Nhật và ở nước ngoài. Sáng ngày 28/8, lực lượng đầu tiên của Sư đoàn không vận số 11 Hoa Kỳ đã đặt chân lên đất Nhật, mở đầu cuộc chiếm đóng của quân đội Mỹ đại diện cho Đồng Minh. Chiều ngày 30/8, tướng Douglas MacArthur và Bộ tham mưu của ông đã tới và đặt Tổng hành dinh lâm thời tại Yokohama (sau dời về Tokyo).
Ngày 2/9/1945, trên chiếc thiết giáp hạm Missouri của Mỹ đậu trong vịnh Tokyo, dưới sự chủ tọa của tướng MacArthur, đại diện cho chính quyền Nhật là Mamoru Shigemitsu và đại diện cho Bộ tổng tham mưu Nhật là đại tướng Yoshijiro Umezu đã chính thức ký vào văn kiện đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Thế chiến thứ hai đến đây chính thức chấm dứt.
Mặc dù đóng vai trò lớn trong việc kết thúc Thế chiến thứ hai sớm và nhanh chóng, tránh được nhiều trận chiến vô nghĩa ở mặt trận Thái Bình Dương thì vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Những ý kiến phản đối chủ yếu xoay quanh hai lý do chính: việc thả bom gây thương vong số lượng lớn nhằm vào dân thường là hành vi trái với đạo đức; việc thả bom đứng về mặt chiến thuật quân sự là không cần thiết và không thể biện minh.
Mamoru Shigemitsu ký hiệp ước đầu hàng vô điều kiện, kết thúc Thế chiến thứ 2
Mamoru Shigemitsu ký hiệp ước đầu hàng vô điều kiện, kết thúc Thế chiến thứ 2
Về mặt đạo đức, có nhiều cá nhân và tổ chức chỉ trích việc ném bom, nhiều người trong số họ cho rằng đó là tội ác chiến tranh và là tội ác chống lại loài người. Hai nhân vật tiêu biểu là Albert Einstein và Leó Szilárd, dù trước đó hai ông đã cùng ký tên vào bức thư gửi Tổng thống Roosevelt, cổ vũ công việc nghiên cứu, phát triển bom nguyên tử năm 1939. Szilárd đã lý luận như sau:
Hãy để tôi đề cập chủ yếu về vấn đề đạo đức: Giả sử nước Đức phát triển thành công hai quả bom nguyên tử trước chúng ta. Và giả sử nước Đức thả hai qua bom đó, ví dụ, xuống Rochester và Buffalo (đây là hai quận ở tiểu bang New York, Hoa Kỳ), rồi sau đó họ bại trận. Liệu có ai băn khoăn không khi chúng ta cho đó là tội ác chiến tranh và sẽ kết tội người Đức về hành vi đó trước tòa án Nürnberg rồi treo cổ họ?
Nhiều nhà khoa học khác có tham gia vào Dự án Manhattan cũng lên tiếng phản đối việc sử dụng bom trong thực tế. Bảy nhà khoa học, đứng đầu là Tiến sĩ James Franck, đệ trình một bản báo cáo lên Ủy ban Nội chính của tổng thống Truman tháng 5 năm 1945, trong đó có đoạn viết rằng:
Nếu Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên sử dụng những vũ khí hủy diệt bừa bãi này, chúng ta sẽ đánh mất sự ủng hộ của công chúng trên toàn thế giới; đồng thời kích động chạy đua vũ trang và ngăn cản khả năng đạt được thỏa thuận quốc tế về kiểm soát loại vũ khí này trong tương lai.
Giáo sư Peter Kuznick, giám đốc Viện Nghiên cứu hạt nhân tại Đại học American cũng đánh giá về quyết định cho phép ném bom của Tổng thống Truman rằng: "Ông ta biết rằng ông ta đã bắt đầu một quá trình hủy diệt sự sống. Đó không chỉ là tội ác chiến tranh; đó là tội ác chống lại loài người."
Kuznick cũng là một trong số nhiều người tin rằng động lực khiến Hoa Kỳ thực hiện việc ném bom là ý muốn thể hiện quyền năng của loại vũ khí mới trước Liên Xô. Nhà sử học Mark Selden của Đại học Cornell cũng cho rằng việc “gây ấn tượng với người Nga còn quan trọng hơn là kết thúc chiến tranh với Nhật Bản.”
Hiroshima sau vụ ném bom
Hiroshima sau vụ ném bom
Về mặt yếu tố quân sự, có nhiều người - trong đó có cả các tướng lĩnh cấp cao của Mỹ - cũng tin rằng sử dụng đến bom nguyên tử là không cần thiết; vì Nhật Bản lúc đó đã chuẩn bị đầu hàng rồi, và những đợt oanh tạc thông thường cũng đã đủ để gây sức ép. Đại tướng Eisenhower về sau đã viết trong cuốn hồi ký của mình rằng:
Năm 1945, Bộ trưởng Chiến tranh Stimson, khi đó đến thăm tổng hành dinh của tôi ở Đức, thông báo cho tôi rằng chính phủ chúng ta đang chuẩn bị thả bom nguyên tử xuống Nhật. Tôi là một trong những người cảm thấy rằng có những lý do vững vàng để nghi vấn sự sáng suốt của hành động đó. Trong khi ông ta kể về những sự việc liên quan, tôi cảm thấy buồn chán và đã nói với ông ta về những sự hoài nghi của tôi, thứ nhất, tôi tin rằng Nhật Bản thực sự đã bị đánh bại và việc ném bom là không hoàn toàn cần thiết, và thứ hai, tôi cho rằng việc sử dụng vũ khí đó là không bắt buộc nhằm hạn chế thương vong cho lính Mỹ bởi đất nước chúng ta nên tránh một ý tưởng làm thế giới rung chuyển bằng cách sử dụng vũ khí đó.
Các tướng lĩnh khác của Mỹ cũng có chung ý kiến là Đại tướng Douglas MacArthur (tướng lĩnh cao cấp nhất của Mặt trận Thái Bình Dương), Đô đốc Hạm đội William D. Leahy (quan chức cao cấp nhất của văn phòng điều hành Tổng thống), Đại tướng Carl Spaatz (tư lệnh không quân chiến lược Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương), Trung tướng Carter Clarke (sĩ quan tình báo quân sự), cùng vài người khác nữa. Đô đốc Hạm đội William D. Leahy cũng đưa ra ý kiến rằng:
Việc sử dụng bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki không hỗ trợ về mặt vật chất cho cuộc chiến của chúng ta với nước Nhật. Người Nhật đã thực sự bại trận và sẵn sàng đầu hàng.
Đương nhiên là bên cạnh các ý kiến phản đối, vẫn có một số luồng ý kiến đồng tình với quyết định ném bom Hiroshima và Nagasaki. Những người ủng hộ việc ném bom nhìn chung khẳng định rằng hai vụ nổ đã kết thúc chiến tranh sớm nhiều tháng, qua đó cứu sống hàng trăm ngàn sinh mạng. Họ cho rằng cuộc tấn công của Liên Xô vào Mãn Châu sẽ chỉ có thể đánh bật Nhật ra khỏi lục địa châu Á chứ không thể đánh bại được Nhật Bản tại chính quốc. Và như đã nói, nếu phải thực hiện thêm hai chiến dịch Olympic và Coronet tại chính quốc thì quân Đồng Minh sẽ phải chịu thêm thương vong của 1,2 triệu người - trong đó ít nhất 267 ngàn người chết.
Những người ủng hộ việc ném bom cũng chỉ ra rằng, kéo dài thời gian chờ nước Nhật đầu hàng chẳng phải là lựa chọn không có mất mát – chiến tranh cướp đi 200 ngàn thường dân mỗi tháng ở châu Á. Từ tháng 2 năm 1945, ném bom thông thường giết hơn 100 ngàn người ở Nhật mỗi tháng, và việc này sẽ tiếp diễn cho đến lúc quân Mỹ đổ bộ vào Nhật. Hơn nữa, với việc hải quân Mỹ triển khai phong tỏa các vùng biển Nhật Bản và phá hủy các tuyến đường sắt nhằm cô lập các thành phố trên đảo Honshu với những vùng trồng lương thực khác. Bom nguyên tử đưa Thế chiến thứ hai ở châu Á nhanh chóng chấm dứt, giải thoát hàng triệu con người trong những vùng bị chiếm đóng, tránh những trận chiến và đổ máu không cần thiết.
Như vậy là mặc dù có nhiều người phản đối và lên án việc sử dụng bom nguyên tử, thì cũng không thể bác bỏ hoàn toàn vai trò của chúng trong việc kết thúc Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên những hậu quả từ hai vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki thì không kết thúc nhanh như vậy, và nó vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay. Những người bị ảnh hưởng từ hai vụ ném bom ấy được gọi là các hibakusha, và cho đến tận năm 2023, vẫn còn hàng trăm ngàn người như vậy ở Nhật. Các đài tưởng niệm ở Hiroshima và Nagasaki, cùng những nạn nhân trong hai vụ ném bom này, mãi mãi là lời cảnh tỉnh cho nhân loại về hiểm họa khủng khiếp từ vũ khí hạt nhân - những thứ có thể hủy diệt cả một nền văn minh.
Bức ảnh nổi tiếng bậc nhất về sự kiện - một cậu bé cõng trên lưng đứa em trai đã qua đời ở Nagasaki sau khi thành phố bị ném bom
Bức ảnh nổi tiếng bậc nhất về sự kiện - một cậu bé cõng trên lưng đứa em trai đã qua đời ở Nagasaki sau khi thành phố bị ném bom