Trong thời kỳ Trung đại, chắc chắn một trong những thế lực hùng mạnh và đáng sợ nhất trên thế giới chính là Đế quốc Mông Cổ. Từ chỗ chỉ là những thị tộc du mục sống riêng rẽ trên thảo nguyên rộng lớn, họ đã từng bước trở thành một đội quân tinh nhuệ thiện chiến bậc nhất, tạo nền móng để xây dựng một đế chế vĩ đại trải dài từ Á sang Âu. Nếu như ai đó hỏi rằng, hãy kể tên những chiến dịch xứng danh kiệt tác quân sự vào thời Trung Đại, thì khả năng cao là các chiến dịch của Đế quốc Mông Cổ thời đỉnh cao sức mạnh sẽ chiếm trọn các vị trí đầu bảng.
Một trong những chiến dịch đó là cuộc xâm lược nước Kim năm 1211, một cuộc chiến không cân sức, không ai có thể đoán trước được kết quả, là một minh chứng cho thấy tài năng chiến thuật - chiến lược của Thành Cát Tư Hãn và các tướng lĩnh của ông.
Đội quân của Thành Cát Tư Hãn đã đập nát lực lượng hùng mạnh hàng chục vạn người của nước Kim như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Bài viết là sản phẩm hợp tác với bạn Phú Võ từ group "Hội những người thích tìm hiểu lịch sử".

Mông Cổ thống nhất - Những cải cách quân sự của Thành Cát Tư Hãn

Vào đầu thế kỷ 13, thảo nguyên Mông Cổ vốn bị chia cắt xé lẻ thành nhiều thế lực cuối cùng đã được thống nhất dưới quyền cai trị của một người duy nhất. Đó chính là Thiết Mộc Chân, và đến năm 1206, ông tự xưng là Thành Cát Tư Hãn, thành lập nước Đại Mông Cổ Quốc. Ngay sau đó, Thành Cát Tư Hãn bắt tay vào xây dựng cỗ máy chiến tranh của mình, ông đã đem tới những cải cách quan trọng mang tính cách mạng như sau:
Quân đội được tổ chức theo thang thập phân: cứ 10 người thành một thập hộ, đứng đầu là thập hộ trưởng, cứ 10 thập hộ thành một bách hộ, đứng đầu là bách hộ trưởng, 10 bách hộ thành một thiên hộ, đứng đầu là thiên hộ tướng, thiên hộ là đơn vị quân sự - xã hội quan trọng nhất của Đế quốc Mông Cổ, nhiều thiên hộ lại hợp lại thành vạn hộ, đứng đầu là vạn hộ tướng, các chỉ huy đều gọi chung là Ná Nhan.
Quân đội được chia làm 3 phần, tả dực, hữu dực và trung quân, đứng đầu trung quân là Thành Cát Tư Hãn, đặt Mộc Hoa Lê làm Vạn hộ Tả dực tướng, đặt Bác Nhĩ Truật là Vạn hộ Hữu dực tướng.
Chỉ huy tối cao của quân đội là Thành Cát Tư Hãn, xung quanh là trung quân hay gọi là Khiếp Tiết, một lực lượng chính trị - quân sự bao gồm những chiến binh tinh nhuệ và sĩ quan tinh anh nhất của Đế quốc, đồng thời là nơi đào tạo những người tố chất để trở thành tướng lĩnh trong tương lai.
Trong số các Ná Nhan lại chọn ra những cá nhân xuất sắc để phong chức Nguyệt Lỗ, tương đương với thống chế. Họ sở hữu quyền lực tuyết đối trong chiến tranh, có khả năng tập hợp, chỉ huy quân đội và tác chiến độc lập với Đại Hãn, thậm chí có thể tùy tiện gây chiến khi thấy thích hợp.
Các thành viên trong một đơn vị sinh hoạt, di chuyển cùng nhau, vậy nên binh lính xem nhau như gia đình, tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn tạo nên sự gắn kết cho quân đội, đi kèm với nó là một kỷ luật thép, quân đội được hỗ trợ bởi một hệ thống thông tin liên lạc và hậu cần tinh vi.
Đây là một cấu trúc quân sự tiến bộ, cho phép quân Mông Cổ thực hiện những chiến dịch tương tự như những đội quân từ thời chiến tranh Napoleon trở đi. Nó đảm bảo các mệnh lệnh từ cấp chiến lược đến chiến thuật được truyền đạt dễ dàng, đảm bảo sự thống nhất trong mục tiêu quân sự, đồng thời cho phép các đơn vị Mông Cổ có sự linh hoạt và tự do hoạt động, phản ứng nhanh với các tình huống bất ngờ trên chiến trường. Chính sự vượt trội trong tổ chức, kỷ luật, hệ thống thông tin và sự thiên tài của các chỉ huy đã giúp Đế quốc Mông Cổ thực hiện những kiệt tác quân sự được xem là bất khả thi vào thời bấy giờ.

Tổng quan về chiến lược tác chiến của Đế quốc Mông Cổ

Cách tiến hành chiến tranh của Thành Cát Tư Hãn có nhiều điểm tương đồng với Hoàng Đế Napoleon của Pháp, đó là: tìm kiếm một chiến thắng quyết định trên chiến trường.
Trước khi mỗi chiến dịch diễn ra thì Thành Cát Tư Hãn sẽ cho dựng lên hàng loạt trạm tiếp tế trên đường hành quân. Khi hành quân, quân Mông Cổ không di chuyển như một thể thống nhất mà chia ra thành nhiều lực lượng độc lập di chuyển theo nhiều ngả đường khác nhau. Thường thì họ sẽ chia ra di chuyển theo hai đợt. Đợt đầu tiên là quân do thám tiên phong có nhiệm vụ thu thập thông tin: xác nhận vị trí của kẻ thù, địa hình xung quanh, nguồn thức ăn,... Đợt sau đó là lực lượng chủ lực, hơn nữa, quân Mông Cổ cũng thực hiện “tự cung tự cấp”; tức là tự mình mang thức ăn và trang bị hoặc cướp bóc tại chỗ để giảm gánh nặng hậu cần. Nhờ cách tổ chức này, quân Mông Cổ có thể hành quân thần tốc và tấn công vào nhiều vị trí cùng một lúc, gây nhiễu loạn thông tin cho đối phương, khiến cho đối phương không nắm rõ được số lượng cũng như mục đích của họ.
Các lực lượng Mông Cổ dù di chuyển và tác chiến độc lập, nhưng vẫn có thể kết hợp ăn ý với nhau thông qua hệ thống liên lạc tiến bộ. Cách di chuyển trên cho phép quân Mông Cổ thực hiện một chiến thuật được gọi là nerge – hoặc có thể gọi là cái túi trong tiếng Việt. Quân Mông Cổ sẽ tiến hành bao vây và chia cắt, khiến lực lượng đối phương co cụm lại một điểm. Chiến thuật này thường hay được sử dụng khi công thành. Khi ấy, quân Mông Cổ sẽ lùa di dân từ khắp nơi vào một thành trì trọng điểm của đối phương, tạo nên sự hỗn loạn cũng như kéo dãn lương thực cho thành trì đó khiến cho việc công thành dễ dàng hơn.
Tất cả những cách thức trên đều có cùng một mục đích, đó là ép đối phương phải giao chiến trong điều kiện có lợi cho quân Mông Cổ. Và khi đã nhử được đối phương, các lực lượng Mông Cổ sẽ ngay lập tức hội tụ tại chiến trường. Với lợi thế về tốc độ và thông tin, họ có thể tạo nên ưu thế số lượng cục bộ và nghiền nát lực lượng chủ lực của kẻ thù.
Tuy nhiên đó vẫn chưa phải điểm kết của một chiến dịch. Thành Cát Tư Hãn trong khoảng thời gian lăn lộn trên thảo nguyên đã nhận ra rằng, chừng nào đối phương vẫn còn một thủ lĩnh, thì chừng đó đối phương vẫn có thể tập hợp một đội quân khác. Do đó, một chiến thuật mới lại được tạo ra: tiến công thọc sâu. Thành Cát Tư Hãn sẽ chọn ra một lực lượng có nhiệm vụ phải đơn độc tiến sâu vào lãnh thổ đối phương, truy lùng những yếu nhân có khả năng tập hợp lực lượng và ngăn cản điều đó xảy ra.
Tiến công thọc sâu là một trong những thứ thể hiện rõ nhất nghệ thuật chiến tranh đỉnh cao và khả năng tác chiến thần sầu của quân Mông Cổ vào thế kỷ 13. Bởi lẽ, lực lượng này phải đi sâu vào đất địch mà không có viện binh hay hậu cần gì, do đó tính rủi ro cực kỳ cao. Do đó, chỉ những lực lượng tinh nhuệ nhất và những Ná Nhan ưu tú nhất mới được chọn để thực hiện tiến công thọc sâu. Ví dụ như trong khuôn khổ chiến tranh Mông Cổ - Khwarezmia, Thành Cát Tư Hãn đã cắt cử hai trong số các Ná Nhan tài giỏi nhất của mình là Triết Biệt và Tốc Bất Đài để truy lùng Shah Muhammad. Triết Biệt và Tốc Bất Đài lần lượt quét sạch mọi lực lượng cản đường mình; chưa hết, họ còn tiếp tục đánh vào nước Georgia theo Cơ Đốc giáo - bấy giờ là một thế lực ở vùng Caucasus. Hai người lại tiếp tục cho quân vượt dãy Caucasus vào đất Rus (thuộc lãnh thổ nước Nga ngày nay), giành lấy một chiến thắng áp đảo trong trận Sông Kalka. Chỉ sau đó, Triết Biệt và Tốc Bất Đài mới quay về Mông Cổ. Họ đã thực hiện một chiến dịch kéo dài 3 năm trời mà không cần thêm viện binh từ Mông Cổ, kỳ tích ấy đã khiến các sử gia bấy giờ phải cảm thán:
"Than ôi, liệu những thế hệ sau này có tin được những gì mà ta đang viết ra, về một đội quân mà chỉ cần một phần nhỏ là đủ để đánh đổ hàng loạt quốc gia, đúng là chưa từng thấy, trước đây lẫn bây giờ, chưa có vị quân chủ nào có thể chinh phạt được như thế."

Quan hệ giữa Kim và Mông Cổ lúc bấy giờ

Khi đối mặt với sự nổi lên của Thành Cát Tư Hãn, phản ứng của nhà Kim lại bị động một cách khó hiểu. Tuy nước Kim luôn xem Mông Cổ là một mối họa nguy hiểm, nhưng những lời cảnh báo của quan phòng vệ Bắc Biên, hay lời cầu cứu của Tây Hạ khi bị quân Mông Cổ tấn công đều bị Hoàng đế Kim bấy giờ là Hoàn Nhan Vĩnh Tế bỏ ngoài tai.
Khó hiểu hơn, Hoàn Nhan Vĩnh Tế đã có thời gian tiếp xúc với Thiết Mộc Chân và đã nhận ra sự lạnh nhạt của ông trong mối quan hệ với nước Kim. Hơn thế nữa, khi sứ giả của nước Kim yêu cầu Thành Cát Tư Hãn khấu đầu để thừa nhận vai vế chư hầu của mình thì ông cho rằng Vĩnh Tế là kẻ bất tài, không đáng mặt thiên tử. Thành Cát Tư Hãn sau đó quay mặt về phía Nam rồi nhổ một bãi nước miếng, rồi quay ngựa phóng đi mất.
Tuy nhiên, triều đình nhà Kim gần như vẫn không có một động thái rõ ràng nào để kiểm soát tình hình. Có lẽ nhà Kim đã đánh giá quá thấp khả năng của Thành Cát Tư Hãn, nếu thật như thế thì đây sẽ là sai lầm lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của nước này.
Trái ngược với sự bị động đó, từ lâu Thành Cát Tư Hãn đã lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược nước Kim; không chỉ bởi mối thù tổ tiên bị nước Kim bức hại mà còn vì sự giàu có và phồn vinh ở đây. Thông qua những thành phần bất mãn, Thành Cát Tư Hãn đã có đủ thông tin cần thiết, từ việc nước Kim đang gặp thiên tai mất mùa, và còn nhiều thế lực khác sẵn sàng chống lại nước Kim. Tuy nhiên, để lôi kéo những thế lực này, Thành Cát Tư Hãn cần phải chứng minh khả năng đánh bại nước Kim thông qua một màn trình diễn sức mạnh quân sự. Đây không phải là chuyện dễ, bởi thoạt nhìn thì việc Mông Cổ đánh Kim không khác gì châu chấu đá xe cả.
Lãnh thổ nước Kim (Jin) và các nước lân bang
Lãnh thổ nước Kim (Jin) và các nước lân bang

Tương quan lực lượng giữa Kim và Mông Cổ

Vào đầu thế kỷ 13, có thể nói nước Kim chính là quốc gia hùng mạnh bậc nhất trên thế giới. Nước Kim có dân số vào khoảng 50 triệu người - con số ngang với thời cực thịnh của nhà Đường; và họ sở hữu một lực lượng thường trực vào khoảng 60 vạn quân, chưa tính quân đội riêng của quý tộc và lính đánh thuê. Tuy sức mạnh của nước Kim đã giảm đi nhiều so với thế kỷ trước đó, nhưng nước Kim vẫn là một thế lực ở Đông Á. Điều ấy đã được thể hiện qua cuộc chiến với Nam Tống từ năm 1206 - 1208, kết thúc bằng một hiệp ước có lợi cho nước Kim. Với nguồn lực dồi dào và công nghệ thuốc súng, nước Kim đích thực là một gã khổng lồ đáng sợ.
Thành Cát Tư Hãn bắt đầu sắp xếp cho một cuộc chiến tổng lực, chỉ đế lại một phần nhỏ lực lượng nhằm đối phó với những kẻ thù ẩn nấp ở phía Tây. Lực lượng đánh Kim của Mông Cổ chỉ rơi vào khoảng 10 vạn quân - một con số ít ỏi so với đạo quân khổng lồ của đối thủ. Thế nhưng Đại Hãn đã phác thảo ra một kế hoạch khả thi. Theo đó, 10 vạn kỵ binh này được chia làm 2 cánh Đông - Tây. Cánh phía Đông sẽ là quân chủ lực, được chia làm hai đạo. Một đạo quân được huy bởi chính Thành Cát Tư Hãn, cùng Tả Dực Tướng Mộc Hoa Lê và con út Đà Lôi. Đạo quân còn lại sẽ do Triết Biệt, Tốc Bất Đài và Cáp Tát Nhi thống lĩnh. Cánh phía Tây sẽ là quân tiên phong, được chỉ huy bởi Hữu Dực Tướng Bác Nhĩ Truật và ba người con lớn của Đại Hãn là Truật Xích, Sát Hợp Đài và Oa Khoát Đài.
Kỵ binh Thiết Phủ Đồ - lực lượng tinh nhuệ bậc nhất của nước Kim
Kỵ binh Thiết Phủ Đồ - lực lượng tinh nhuệ bậc nhất của nước Kim

Chiến dịch bắt đầu - Mông Cổ vượt Đại Mạc

Chướng ngại đầu tiên mà quân Mông Cổ phải vượt qua chính là sa mạc Gobi. Một loạt các trạm tiếp tế lương thực được thiết lập ở đây để đảm bảo một cuộc hành quân suôn sẻ. Một khi đã đi qua đây thì mọi sự hỗ trợ từ Thảo nguyên Mông Cổ sẽ bị cắt đứt, tất cả sẽ phải tự xoay sở. Chướng ngại thứ hai chính là hệ thống phòng thủ dày đặc của nước Kim ở phía Bắc. Nó là một sự kết hợp giữa địa hình rừng núi hiểm trở và các pháo đài được bảo vệ nghiêm ngặt, hoặc ít nhất là triều đình Kim tin là như vậy.
Tháng 5 năm 1211, hai cánh quân Mông Cổ hành quân song song và vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên của Kim. Có lẽ triều đình nước Kim không ngờ rằng bộ tộc Uông Cổ - những người mà họ giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến tường thành đầu tiên - lại chịu thần phục Thành Cát Tư Hãn nhanh chóng và dễ dàng như vậy. Kết quả là quân Mông Cổ dễ dàng vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên.
Quân tiên phong của Triết Biệt và Tốc Bất Đài nhanh chóng chiếm lấy Hoàn Châu và Đại Thủy Loan. Chưa dừng lại ở đó, cánh quân phía Tây cũng ngay lập tức đánh vào phía bắc Sơn Tây. Trong khi đó, quân chủ lực của Mông Cổ tạm thời dừng chiến dịch, Thành Cát Tư Hãn muốn quan sát phản ứng của quân Kim như thế nào - đây là một thói quen của ông trong mỗi chiến dịch.

Phân tích tình thế

Trong một nỗ lực cuối cùng để tránh chiến tranh hoặc chỉ để câu giờ chuẩn bị quân đội đối phó, Kim đế phái Niêm Hạp Hạp Tá đến gặp Thành Cát Tư Hãn thương thuyết về việc lui quân, và tất nhiên câu trả lời là không.
Hoàn Nhan Vĩnh Tế cùng triều đình lúc này cũng nhận ra sự nghiêm trọng của tình thế hiện tại. Quân Kim tuy đông đảo nhưng hiện đang bị kéo dãn trên quá nhiều mặt trận: biên giới phía bắc, biên giới với Tây Hạ và Nam Tống. Lực lượng ở phía bắc và phía Tây Hạ giờ gần như đã bị khóa chết bởi nước đi táo bạo của quân Mông Cổ. Tuy vậy, quân Kim vẫn là bên có lợi thế tuyệt đối về số lượng và sân nhà. Quân Mông Cổ vốn đã ít, nay còn tách ra làm hai phần độc lập cách nhau hàng trăm cây số. Nếu như quân Kim cũng chia quân ra làm hai rồi cùng lúc tiến công hai cánh quân Mông Cổ này, thì phần thắng vẫn sẽ chắc chắn đồng thời giảm mức thiệt hại lên đất đai và tài sản đến mức thấp nhất.
Tuy nhiên, nếu quân Kim chia ra thì sẽ rơi vào cái bẫy mà Thành Cát Tư Hãn đặt ra, và ông chủ tâm muốn kẻ địch chia lực lượng ra. Nếu quân Kim thực sự chia quân ra làm hai để tiến công, thì quân Mông Cổ với ưu thế tuyệt đối về sự cơ động và liên lạc sẽ tập trung tiêu diệt từng đội quân một. Tức là quân Kim sẽ không tận dụng được lợi thế số lượng của mình và bị tiêu diệt gọn từng phần.
May thay, các tướng lĩnh nước Kim cũng không hoàn toàn vô năng mà không thấy được cái bẫy giăng sẵn này, thế nên kế hoạch chia quân ra đánh đã bị bác bỏ. Thay vào đó, quân Kim sẽ tập trung một lực lượng hùng hậu để đánh chặn cánh quân chủ lực phía Đông của quân Mông Cổ, nhằm tung một cú đánh quyết định và duy nhất để kết thúc chiến tranh. Nếu như cánh quân của Thành Cát Tư Hãn bị tiêu diệt thì chắc chắn cánh quân phía Tây cũng sẽ tự rút lui theo. Kế hoạch này có rủi ro ở chỗ là nước Kim sẽ bỏ mặc toàn bộ phần phía Tây bị cướp phá tan nát vì phải tập trung quân ở phía Đông, nhưng đây lại là kế vẹn toàn, hợp lí và sáng suốt nhất hiện tại của họ.

Phản ứng của quân Kim - Mông Cổ rơi vào thế khó

Để đối phó quân Mông Cổ, Kim đế phái Bình chương Độc Cát Thiên Gia Nô cùng với Tham tri Hoàn Nhan Hồ Sa đến Phủ Châu để củng cố phòng thủ tại Ô Sa Bảo. Song song với đó, triều đình Kim cho tập hợp thêm một đội quân đông đảo chặn ở Dã Hồ Lĩnh dưới quyền thủ hộ tướng của Tây Kinh (tức Đại Đông) là Hột Thạch Liệt Hồ Sa Hổ. Nhà Kim muốn hạn chế sự cơ động của kỵ binh Mông Cổ bằng cách tận dụng địa hình cũng như các công sự có sẵn ở vùng đồi núi hiểm trở, tuy nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi nguy hiểm.
Tháng 8 năm 1211, hai đạo quân Kim tiến về hướng cánh quân chủ lực phía Đông của Mông Cổ. Lực lượng này bao gồm khoảng 15 - 20 vạn quân, gồm kỵ binh người Nữ Chân và Khiết Đan, được hỗ trợ bởi bộ binh người Hán; cùng với một lượng đáng kể nhân công và hậu cần, áp đảo hoàn toàn số quân Mông Cổ của cánh quân phía Đông lúc đó – chỉ có 6 vạn kỵ binh. Khi biết tin này, các chỉ huy Mông Cổ đều kinh ngạc và sửng sốt, cảm thấy bất ngờ khi quân Kim không rơi vào cái bẫy mà mình đặt ra. Thành Cát Tư Hãn ngay lập tức hành động để giảm sự chênh lệch. Ông lập tức lệnh cho các con của mình ở phía Tây tiếp tục đánh phá nặng nề hơn, đoạt lấy các bãi chăn ngựa quan trọng của triều đình nước Kim nhằm ép quân Kim phải được điều bớt sang phía tây. Tuy nhiên, tướng lĩnh nước Kim vẫn không hành động, bất chấp mà tiếp tục tiến quân về Dã Hồ Lĩnh, để mặc quân Mông Cổ hoành hành ở phía tây. Họ quyết định chấp nhận thiệt hại nặng nề, chỉ cốt mong lấy đầu Thành Cát Tư Hãn để kết thúc chiến tranh nhanh nhất có thể.
Thành Cát Tư Hãn cảm thấy bất lực, lại lệnh cho các con mình thu quân, tạm dừng mọi chiến dịch, để không đi quá sâu vào lãnh thổ kẻ địch. Ông dự trù rằng nếu như cánh quân phía Đông có mệnh hệ gì thì cánh quân phía Tây vẫn có thể rút lui an toàn.
Đây là thời khắc quan trọng bậc nhất trong đời binh nghiệp của Thành Cát Tư Hãn, lần này tới lượt ông bị quân Kim ép vào góc chết. Mọi thứ mà ông đã xây dựng từ trước tới giờ có nguy cơ sụp đổ chỉ trong phút chốc. Đại Hãn phải cẩn thận xây dựng chiến lược hợp lí và mọi quyết định sai lầm đều sẽ phải trả giá đắt.

Kế sách của Mông Cổ

Hiện tại, phía Mông Cổ có các sự lựa chọn như sau:
Thứ nhất, họ có thể chia quân ra đánh phá các vùng phụ cận và chính kinh thành nước Kim là Trung Đô nhằm bắt buộc quân Kim phải chia quân ra các nơi, sau đó sẽ tập trung binh lực để tiêu diệt từng đội quân rải rác.
Thứ hai, tạm thời rút lui nhằm hội quân với cánh quân phía Tây, gia tăng quân số phe mình để tăng cơ hội chiến thắng.
Thứ ba, rút lui thẳng về Mông Cổ.
Thế nhưng nhờ vào những thông tin có được từ trinh sát của mình, Thành Cát Tư Hãn có thêm một sự lựa chọn khác, tuy mạo hiểm nhưng lại cũng có khả năng thành công cao nhất.
Như đã nói trước đó, để chặn bước tiến của quân Mông Cổ, quân Kim đã chọn trận địa Dã Hồ Lĩnh nhằm cản trở sự di chuyển của kỵ binh cơ động của phía Mông Cổ. Tuy nhiên nơi này cũng gây hại cho quân Kim, bởi địa hình ở đây bị cắt xẻ mạnh và rất hiểm trở. Hai đạo quân đông đảo từ Trung Đô và Đại Đồng không thể đi vào cùng một lúc, thế nên các chỉ huy đã thống nhất để quân của Độc Cát Thiên Gia Nô và Hoàn Nhan Hồ Sa đi tới Ô Sa Bảo trước, còn Hột Thạch Liệt Hồ Sa Hổ theo sau.
Biết được điều này, Thành Cát Tư Hãn ngay lập tức hành động, quyết định đánh nhanh thắng nhanh, tiêu diệt từng đội quân một trước khi quân Kim có cơ hội phối hợp. Ông lệnh cho Triết Biệt cùng chỉ huy người Khiết Đan là Da Luật Thổ Hoa dẫn trọng binh tiên phong nhanh chóng đánh úp đội quân Kim đi trước.

Trận Ô Sa Bảo

Ở Ô Sa Bảo, quân Kim đang củng cố lại công sự thì đột nhiên quân Mông Cổ xuất hiện. Mặc dù đây chỉ là đội quân tiên phong và lại có ưu thế số lượng, nhưng bị đánh bất ngờ nên quân Kim nhanh chóng tháo chạy. Quân Mông Cổ đuổi theo chém giết, sau đó chiếm liền mấy doanh, thành. Quân Kim ở Ô Sa Bảo bị đánh cho tan nát nhưng vẫn cố đến Hoan Nhĩ Chủy để hội quân.
Triết Biệt sau đó quay về hội quân với Thành Cát Tư Hãn công hạ Phủ Châu, lúc này kỵ binh tiên phong của cánh quân Kim chủ lực chỉ huy bởi Hồ Sa Hổ cũng vừa chạy đến thì thấy Phủ Châu đã thất thủ. Thuộc tướng khuyên nên nhân lúc quân Mông Cổ chưa phòng bị mà dùng kỵ binh đánh úp, Hồ Sa Hổ cho rằng như thế là quá mạo hiểm, nên đợi toàn quân tới nơi thì sẽ nắm chắc phần thắng hơn.
Hai quân cắm trại tại Hoan Nhĩ Chủy, đợi đến ngày hôm sau để quyết chiến.

Trận Hoan Nhĩ Chủy

Sáng sớm, hai phe bắt đầu dàn quân, Hồ Sa Hổ hạ lệnh cho Thạch Mạt Minh An vốn là người Khiết Đan, lại từng sang thông hiếu với Thành Cát Tư Hãn, đến trại Mông Cổ để chiêu hàng, cốt là để quân Mông Cổ lơ là phòng bị. Thế nhưng chẳng ai ngờ được là Minh An lại đầu hàng quân Mông Cổ rồi tiết lộ thông tin về quân Kim cho quân Mông Cổ biết. Thành Cát Tư Hãn cũng nghi ngờ đây là mưu kế của quân Kim nên hành động cẩn trọng, gọi người bắt trói Minh An lại.
Quân Kim vẫn áp đảo quân Mông Cổ về số lượng, phe Mông Cổ hơi núng, các tướng đều không biết đánh như thế nào, Mộc Hoa Lê tâu với Đại Hãn rằng:
“Địch nhiều ta ít, không liều chết mà đánh thì không thể thắng.”
Đúng lúc này thì quân trinh sát của Mông Cổ quay về, dẫn đầu là chỉ huy người Đảng Hạng có tên Sát Hãn, Sát Hãn tâu rằng:
“Không việc gì phải sợ. Quân Kim tuy đông nhưng không có kỷ luật hàng lối gì.”
Bất cứ một chỉ huy dày dạn kinh nghiệm nào cũng hiểu tầm quan trọng của kỷ luật quân đội. Do đó Thành Cát Tư Hãn nghe được tin này thì mừng lắm, liền lệnh cho Tả Dực Quân cùng Trung Quân tham chiến.
Quân Kim xếp kỵ binh Nữ Chân và Khiết Đan làm tiên phong, phía sau là bộ binh người Hán. Kỵ binh nước Kim là lực lượng nòng cốt, có lối chiến đấu tương tự như kỵ binh thảo nguyên của Mông Cổ với sở trường là bắn cung và xung phong. Thoạt tiên Mộc Hoa Lê dẫn Tả Dực Quân nghênh chiến, kỵ binh hai phe trút lên nhau những đợt tên như mưa, xong rồi lại xung phong, xung phong rồi lại rút, rút rồi lại bắn tên. Quân Kim dù đông và có trang bị tốt hơn nhưng lại thiếu kỷ luật, liên tiếp bị kỵ binh Mông Cổ lấn lướt đẩy lui làm cho nao núng. Thế trận quân Kim bắt đầu tan vỡ, kỵ binh phía trước bắt đầu quay ngựa tháo chạy. Trận chiến lại đang diễn ra trong hẻm núi, kỵ binh Kim không biết chạy đi đâu nên chạy cả vào bộ binh phía sau, dẫm đạp lên nhau hòng thoát thân, trận địa trở nên hỗn loạn.
Thời cơ đã đến, Thành Cát Tư Hãn liền lệnh cho Trung Quân với hàng nghìn quân tinh nhuệ Khiếp Tiết xông lên hỗ trợ Mộc Hoa Lê. Một đòn xung phong tổng lực được tung ra để kết thúc trận chiến. Quân Kim tan vỡ, bị nghiền nát bởi sự kỷ luật của quân Mông Cổ. Chưa dừng lại ở đó, kỵ binh Mông Cổ tiếp tục đuổi theo chém giết, truy đuổi tàn quân đến 30 dặm.

Trận Cối Hà Bảo

Hồ Sa và Thiên Gia Nô dẫn bại binh từ Ô Sa Bảo đến nơi thì nghe quân Kim đại bại, lại giữa đường gặp quân Mông Cổ đang truy kích nên bị đánh cho tháo chạy về Cối Hà Bảo. Hồ Sa Hổ sau trận thua nặng nề ở Hoan Nhĩ Chủy thì cũng may mắn sống sót rồi dẫn tàn quân hội quân ở Cối Hà Bảo. Quân Mông Cổ đuổi tới nơi thì bắt đầu bao vây, quân Kim chống chọi được ba ngày thì Thành Cát Tư Hãn đích thân dẫn 3000 thân binh đến tham chiến. Thấy tình thế vô vọng, Hồ Sa Hổ cùng 7000 thân binh mở đường máu, khó khăn lắm mới chạy được tới Tang Can Hà, tại đây lại chạm trán 3000 kỵ binh của Da Luật Thổ Hoa, một lần nữa Hồ Sa Hổ thua trận, tiếp tục chạy về Trung Đô qua hướng Cư Dung Quan.

Mông Cổ đại thắng - Kim đại bại

Tới đây thì đại chiến Dã Hồ Lĩnh kết thúc, quân Mông Cổ giành lấy chiến thắng áp đảo mang tính bước ngoặt, cán cân quyền lực ở Hoa Bắc đã bị lật ngược. Kim bây giờ lại ở thế yếu so với Mông Cổ, hàng chục vạn quân Kim bị tàn sát dã man, đến mức nhiều năm sau đạo sĩ Khâu Xứ Cơ cũng không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy cảnh tượng xương trắng vương vãi khắp nơi. Nước Kim sẽ không bao giờ có thể tập hợp lại một lực lượng hùng hậu tương tự như ở Dã Hồ Lĩnh. Giờ thì quân Mông Cổ chỉ cần vượt qua Cư Dung Quan là rộng đường đánh vào Trung Đô và khu vực phía Bắc Hoàng Hà.
Chiến thắng tại Dã Hồ Lĩnh trở thành một huyền thoại, nó vĩ đại đến mức mà các thế hệ Mông Cổ sau này vẫn tự hào tuyên bố rằng là cha ông của họ đã từng tham gia vào trận đại chiến này. Tuy vậy, nước Kim dù đã suy yếu rất nhiều, nhưng vẫn chưa bị khuất phục hoàn toàn.

Trận Cư Dung Quan

Sau khi đã làm chủ được các thành trì phía Bắc, Thành Cát Tư Hãn lệnh cho Triết Biệt đánh hạ Cư Dung Quan – một cửa ải chắn giữa Dã Hồ Lĩnh và kinh thành Trung Đô của nước Kim. Nếu quân Mông Cổ muốn tiến vào Hoa Bắc thì đây là con đường thuận tiện nhất hiện giờ. Địa hình nơi đây cũng không khác mấy lúc mới tiến vào Dã Hồ Lĩnh, núi rừng trùng điệp. Cư Dung Quan dựa vào thế rừng núi mà xây nên, đối với quân Mông Cổ hiện giờ mà nói thì không có cách nào đánh hạ được dễ dàng.
Triết Biệt cùng quân tiên phong tới trước cửa ải thì đều kinh ngạc bởi sự vững chãi của tường thành và sự hiểm trở của địa hình, liền lệnh cho toàn quân bỏ lại hành lí và chiến lợi phẩm, nhanh chóng quay về báo tin cho Đại Hãn. Quân Kim thủ thành thấy quân giặc bỏ chạy mà để lại đồ như thế thì đều mở cổng để tranh nhau đuổi theo tới 30 dặm, thế là quân Mông Cổ bất ngờ quay ngựa phản công. Quân Kim trở tay không kịp nên chạy tán loạn, quân Mông Cổ cũng truy đuổi đám tàn quân theo vào trong cửa ải, tướng thủ ải thất kinh dẫn quân rút lui, vậy là Cư Dung Quan thất thủ.

Uy hiếp Trung Đô

Tháng 11 năm 1211, Thành Cát Tư Hãn hạ trại cách Trung Đô chưa đến 25 dặm, triều đình Kim biết tin thì hạ lệnh lập thiết quân luật, tất cả đàn ông chiến đấu được thì không được rời thành. Kim đế Hoàn Nhan Vĩnh Tế sợ rằng nếu Trung Đô thất thủ thì khó bảo toàn tính mạng nên tính chuyện chạy đến Khai Phong. Thế là quân túc vệ phải van nài ông ở lại, thề rằng sẽ chiến đấu tới người cuối cùng để bảo vệ hoàng đế thì ông mới không nghĩ đến việc rút chạy nữa.
Triết Biệt dẫn quân tiên phong tới chân tường thành Trung Đô thì gặp phải 500 quân túc vệ, hai bên đánh mấy hiệp vẫn bất phân thắng bại, cho người dò hỏi thì nghe phao rằng Trung Đô có tới 20 vạn quân túc vệ như thế, dù thực tế thì chỉ có chưa tới 1 vạn.
Dẫu không tin lời phao này đi chăng nữa thì Thành Cát Tư Hãn đã xác định là quân Mông Cổ vẫn chưa sẵn sàng để công hạ Trung Đô. Như thường lệ, quân Mông Cổ bắt đầu tỏa ra đánh cướp khắp nơi xung quanh. Trong số những hàng binh có kẻ tên là Lưu Bá Lâm đã tiết lộ thông tin về Đông Kinh (tức thành Liêu Dương) cách đó 200 dặm và khuyên Đại Hãn nên vô hiệu hóa quân Kim ở đây.
Triết Biệt một lần nữa được giao trọng trách này. Ông liền dẫn thân binh đi về phía Đông, vượt Liêu Hà đang đóng băng. Khi đến trước Liêu Dương, Triết Biệt lại lệnh cho quân mình bỏ lại trại cùng đồ đạc rồi lặn đi mất. Khi quân Mông Cổ đã cách Đông Kinh 6 ngày đường thì quân trong thành bắt đầu mở cổng tràn ra cướp chiến lợi phẩm, lúc này thì Triết Biệt thần tốc hành quân quay về, chỉ trong 1 ngày 1 đêm là tới được trại. Một lần nữa quân Kim bị bất ngờ nên thua tan tác, Triết Biệt cùng thân binh thành công đột nhập vào Liêu Dương, cướp phá chán chê rồi quay về hội quân với Thành Cát Tư Hãn gần Trung Đô.

Đánh Sơn Tây - vây Đại Đồng

Quay ngược thời gian một chút, ta biết được là quân Mông Cổ chia làm hai đường đánh Kim: cánh phía Đông và cánh phía Tây. Ta đã biết được những hành động của cánh phía Đông bên trên, vậy còn cánh phía Tây?
Khi cánh quân phía Tây tiến vào Sơn Tây, họ đã phải đột ngột dừng lại vì nghe báo tin rằng quân Kim đang tập trung một lực lượng khổng lồ ở Dã Hồ Lĩnh. Vì sợ rằng nếu cánh phía Đông thua trận thì lực lượng này có thể nhanh chóng bị quân Kim truy đuổi bằng đường qua Tây Kinh Đại Đồng, vì vậy để an toàn, họ tạm thời hạ trại chờ động tĩnh ở phía Đông.
Vào tháng 10 năm 1211, tức là sau khi quân Mông Cổ đại thắng ở Dã Hồ Lĩnh, thấy rằng không còn gì uy hiếp được mình nên cánh quân này cũng ngay lập tức khởi động lại chiến dịch. Quân Mông Cổ ở đây bắt đầu hành quân sâu vào Sơn Tây, ngăn cản lực lượng ở đây tập hợp lại để cứu Trung Đô, sau đó lại quay về thung lũng Tang Ca Hà nhằm vây Đại Đồng.
Mặc dù giành được nhiều thắng lợi quan trọng, uy hiếp Trung Đô và làm suy yếu sức mạnh của nước Kim, nhưng Mông Cổ lúc bấy giờ vẫn chưa đủ thực lực để tiêu diệt tận gốc địch thủ. Do đó một thời gian ngắn sau, Thành Cát Tư Hãn cho rút quân về Mông Cổ. Chiến dịch tấn công năm 1211 của Thành Cát Tư Hãn chấm dứt ở đây, nhưng cuộc chiến để tiêu diệt nước Kim của Đế quốc Mông Cổ thì mới bắt đầu.

Kết

Thành Cát Tư Hãn thực hiện chiến dịch này khi đã ngoài 40 tuổi, và đây thường được xem là chiến tích vĩ đại nhất của ông. Quân Mông Cổ đã thể hiện mình là đội quân vượt trội hơn về mọi mặt so với quân Kim, từ chiến thuật đến chiến lược. Đã có lúc quân Mông Cổ có đến 3 đội quân hành động độc lập với khoảng cách từ hàng trăm đến hàng ngàn cây số, nhưng vẫn phối hợp ăn ý và đồng bộ với nhau và hỗ trợ lẫn nhau, đó là nhờ vào hệ thống thông tin liên lạc đi trước thời đại của họ.
Mặc dù nhà Kim vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn, quân Kim vẫn liên tiếp tung ra những đội quân hùng hậu nhiều năm sau đó nhưng cuộc chiến này đã vĩnh viễn thay đổi cán cân quyền lực ở Hoa Bắc. Nó đã chứng minh sức mạnh khó sánh bằng của cỗ máy quân sự Đế quốc Mông Cổ. Và thực tế lịch sử sau đó đã chứng minh: Đế quốc Mông Cổ càn quét từ Á sang Âu, tạo nên một đế chế hùng mạnh bậc nhất thế giới thời bấy giờ.