Kỳ nghỉ lễ kết lại bằng một cái chân què. 

Buổi chiều cuối cùng của kỳ nghỉ, tôi mượn xe cô bạn phóng vội đi mua gói bột, trong óc bừng sáng về hình ảnh đĩa nem chua rán dành cho thằng nhóc vào bữa tối. Có một cậu bé loay hoay với chiếc xe đạp ở rìa đường, tôi chỉ kịp thoáng nhìn thấy cậu ta ngã ra thì lập tức thắng gấp. Chiếc xe trượt rê đi và đổ kềnh dưới lòng đường, tôi cũng bị lê đi theo nó một đoạn, quật người xuống. Phản xạ nhanh thường ngày đã cứu tôi, tôi chống kịp tay để đầu không bị va đập, nhưng chân thì bị cái xe máy đè lên. Rất đau, tôi cố ngóc đầu dậy để với tay tắt máy chiếc xe hoặc cố rút cái chân mình ra. Một bàn tay đỡ lấy đầu tôi, tiếng quát khẽ của người đàn bà trung tuổi: "Nằm yên..." Tôi rên khẽ: "Nhưng cái chân của cháu..." Bà không để ý tới nó mà vẫn bắt tôi nằm im: "Mày mà dậy bị choáng thì chết cha mày..." Tôi ngoan ngoãn nghe theo lời bà ấy cho tới khi có cánh tay đàn ông nâng chiếc xe dậy thì chân tôi mới được giải thoát, nó đau đến tê dại. Người ta bế tôi ngồi trên vỉa hè. Cả đám người bu lại và họ kể lể, nói không ngừng, mỗi người một ý. Họ chườm đá cho tôi. Tôi hỏi họ để chắc chắn rằng mình chưa tông trúng thằng bé, nó không hề hấn gì cả ngoài việc sợ run bắn lên sau những chuyện xảy ra, nó sợ người ta đổ lỗi vì nó mà tôi ngã. Tội nghiệp. Tôi ngồi cười, cười cho tình cảnh ngớ ngẩn của mình. Gần 10 năm kể từ ngày biết đi xe máy tôi mới bị tai nạn lần đầu. Khi trở về nhà kiểm tra kỹ lại, tôi thấy mình trầy xước khắp cánh tay trái và chân phải, nhiều vết rách rộng rướm máu và chảy dịch không ngừng. Hai đầu gối và vài chỗ khác bị sưng. Tôi bất lực nhìn thân thể rệu rạo của mình, cái quần rách , những cơn đau rát, tôi muốn khóc mà rồi lại cười nói với cô bạn: "Hay vừa nãy ra ngoài nghĩa trang, tao bị vong theo ám quẻ hả mày?". Hai đứa vừa cười vừa tấu hài về cái tình tiết đó. 
Trước cú ngã chỉ vài tiếng đồng hồ, tôi đưa cô bạn đi khám bệnh. Lúc chờ cô ấy làm các thủ tục xét nghiệm hơi lâu, tôi lang thang vào nghĩa trang liệt sỹ. Một nơi rộng rãi, sạch sẽ, nhiều cây xanh. Tôi mê mẩn mùi hương hoa Đại nên đi vòng quanh những gốc cây ấy hít hà, nhặt một bông hoa để ngắm nghía. Lòng thầm nhủ giá mình có một khu vườn thuộc về riêng mình, mình sẽ trồng cây Đại bất chấp người ta đồn thổi rằng nó có ma. Tôi bước đến đọc một lượt những cái tên ghi trên tấm bia lớn, những con người đã ngã xuống trong cuộc chiến khốc liệt. Có người chỉ vừa tròn 20, đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi thanh xuân đẹp đẽ, rực rỡ nhất của đời người... Bông hoa Đại trong tay tôi vuột rơi xuống đất, tôi buông chùng thân thể mình và thấy khoé mắt cay cay. Tôi khóc vì một niềm cảm thương khó hiểu. Tôi ở đó rất lâu nghe gió lay những tán lá cọ, nhìn những nén nhang còn chưa kịp cháy hết đã tắt nguội từ bao giờ.  Tôi nâng dậy một bình hoa nằm đổ kềnh bên ngôi mộ.
Chỉ mấy tiếng sau, và rồi những ngày sau nữa tôi nằm bẹp trên giường, cái chân đau không đi lại được. Thở phào vì mình không chết. Nhưng ngán ngẩm vì sự "tật nguyền" của bản thân...

Lôi cây ukulele ra nhưng bàn tay trái đầy vết rách bấm những hợp âm một cách khó khăn, vết thương cử động nhiều lại chảy dịch. Tôi buồn cười cho sự ngớ ngẩn của mình. Khi người ta mua những cây đàn Ukulele để chơi Disco, Fox,... toàn các giai điệu vui tươi, thì tôi lại đem nó ngân nga nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh, rải điệu Slow rồi cả Bolero. Tôi chìm đắm trong những ca khúc từ thuở rất xa xưa rồi và tự thấy mình như một lão già nua cô độc cố chấp chơi một cây đàn không có dây Bass nhưng lại bị cuốn hút bởi những bản nhạc trầm buồn.
Tôi không tìm được trên mạng clip nào dạy chơi ukulele những bản nhạc cũ kỹ mình thích, nên tôi nghe ké clip dạy guitar, rồi tự chơi lại trên ukulele của mình. Tự mình ngâm nga, tự mình tán thưởng. Trầm trồ trước những ca từ đẹp đẽ mỹ miều và tài năng của các nhạc sĩ thời trước. Tôi muốn hát lên những giai điệu trong bài Dư Âm: "Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ. Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ..."
Mà tiếng đàn cuối cùng lại vang lên dè dặt đau khổ đến què quặt... Tôi chìm trong cơn phẫn uất về mình....
Có lẽ đôi khi cuộc đời cố ý ban cho ta cái chân què, để ta buộc lòng lắng lại, trân trọng hơn mạng sống và thân thể của mình. Hiểu rằng những ngày còn biết khổ đau, còn thấy cô đơn lạc loài cũng chẳng còn là bao nữa...