Link bài cách học tập hiệu quả (phần 1): Cách học tập hiệu quả
Để hiểu rõ về bài viết này hơn thì mình khuyên các bạn nên xem bài viết “Cách học tập hiệu quả” trước nhé. Nếu như trong bài viết trước mình đã chia sẻ về hai bước tổng quan để có thể học tập hiệu quả thì trong đây mình sẽ chia sẻ về những phương pháp cụ thể để có thể ghi chép bài vở chủ động và quan trọng hơn hết là ghi nhớ những kiến thức mình đã học.

1) Ghi chép theo phương pháp Cornell

Với mình thì để ghi chép hiệu quả thì trước hết chúng ta phải tập trung nghe giảng cái đã. Vì chúng ta phải nghe giảng thì mới có thứ để ghi vào tập. Bạn chắc hẳn cũng muốn học là hiểu liền, học đến đâu là hiểu đến đó phải không? Nếu là vậy thì việc tập trung nghe giảng chắc chắn là điều kiện cần để bạn đạt được nguyện vọng đó.
Khi nghe chú tâm như thế thì chúng ta sẽ phát hiện ra những kiến thức mới lạ mà chỉ giáo viên mới giảng thôi chứ chẳng thể tìm được trên mạng. Mình lấy ví dụ như thầy Lí của mình thường hay chỉ học sinh cách hệ thống kiến thức các chương và các đơn vị kiến thức đã học . Nhờ vậy mà mình mới biết rằng kiến thức của 3 năm trung học phổ thông tuy thấy nhiều nhưng cũng chỉ nằm trong 3 phần chính: Cơ - Nhiệt và Điện. Và mỗi phần thì chỉ có một vài công thức quan trọng bắt buộc phải nhớ, đơn giản vậy thôi.
Đó là những thứ chúng ta nên ghi chép lại đấy. Vậy ghi chép theo cách nào thì tốt đây?
Vấn đề này thì tùy thuộc vào mỗi người. Nhưng với mình thì phương pháp ghi chép kiểu Cornell mà mình thấy hay và thường ứng dụng. Phương pháp Cornell nói một cách đơn giản là bạn sẽ chia vở ra làm hai phần: Một phần để ghi bài giảng của giáo viên còn một phần để ghi ý kiến cá nhân và câu hỏi của chính mình.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Và trong lúc ghi chép bài giảng của giáo viên thì chúng ta chỉ ghi lại những kiến thức mà bản thân mình thấy quan trọng và hữu ích.
Còn về phần ý kiến hay câu hỏi của bản thân thì bạn sẽ điền vào những thắc mắc trong quá trình học tập và nghe giảng của mình. Cá nhân mình thì thường tận dụng luôn cái lề giấy của quyển tập để ghi câu hỏi vào đó. Bởi vì đôi khi kẻ ô để ghi câu hỏi mà đầu mình không có câu hỏi nào hết thì mình thấy cũng hơi hối lỗi.
Nên theo mình thì cốt lõi là giúp bản thân rèn luyện được phương pháp đặt câu hỏi về những kiến thức mà mình đã hoặc chuẩn bị tiếp thu là được rồi. Còn về việc thiết kế tập như thế nào cho hợp mắt thì chúng ta có thể thoải mái sáng tạo.
Bình thường thì mình hay đầu tư cho cái tiêu đề và chữ viết thì phải rõ ràng. Bởi vì mình quan niệm rằng tập vở mà viết xấu thì mình còn không mở ra xem lại nữa chứ nói chi là học được. Vậy nên tập của mình nhất định phải đáp ứng được tiêu chí gọn gàng, sạch đẹp. Với lại khi rèn chữ thì mình cảm thấy yêu thích quyển tập của bản thân hơn hẳn, kiến thức trong đó cũng trở nên thân thiện và gần gũi hơn.
Đay là tập Văn của mình
Đay là tập Văn của mình
Nhiều bạn nghĩ rằng để trang trí tập đẹp thì tốn nhiêu thời gian lắm thì làm gì có thời gian ghi bài cơ chứ. Nhưng thật ra thì cũng không hẳn đâu vì như bạn thấy vở của mình cũng đâu có đẹp xuất sắc gì lắm đâu nhưng dễ nhìn thì chắc chắn là có. Bạn chỉ cần một cây bút highlight, một cây bút xanh, một cây bút đỏ thêm 1 cây bút đen thì đã có thể tạo nên một ‘kiệt tác riêng’ trong một khoảng thời gian ngắn rồi.
Về viết chữ làm sao cho đẹp mà lại vừa nhanh thì mình khuyên là bạn đừng nên ngoáy chữ để ghi kịp với lời giáo viên đọc. Vì khi đó thì bạn vừa không nhớ những gì cô giảng mà lại vừa đọc không được nét chữ ngoằn ngoèo của mình. Đứa kế bên mình cũng hay viết ẩu như thế và cái kết là mình thành chuyên gia phiên dịch cho nó luôn.
Thay vào đó thì khi cô giáo đọc một câu cho chúng ta chép thì thay vì cặm cụi chép, chúng ta có thể dành 5 giây để hiểu ý nghĩa của câu và rút ngắn câu đó lại mà. Khi đó thì bài vở vừa ngắn, gọn lại đẹp đẽ mà quan trọng những ý trong đó lại còn là sản phẩm mà chúng ta có góp phần tư duy vào trong đó nữa. Kiểu này thì mình đảm bảo với bạn là dễ nhớ hơn hẳn luôn đấy.
Mình vẫn thường áp dụng cách đó mỗi khi ghi bài môn Văn và kết quả là đứa kế bên chép lia lịa mà vẫn phải xin vở mình để chép lại. Như vậy là chúng ta đã có thể tạo ra những rương báu ‘kiến thức’ của riêng mình rồi đó. Vậy tiếp theo chúng ta sẽ làm gì đây? Không lẽ để những kiến thức này bị phủ lên một lớp bụi dày của năm tháng? Đương nhiên là không rồi và câu trả lời cũng chính là phương pháp thứ hai:

2) Tạo một câu chuyện cho những kiến thức

Đây là phần mà bạn có thể thỏa sức vận dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra một câu chuyện cho các môn học đây. Lí do là bởi vì bộ não con người đặc biệt ưu ái hình ảnh hơn là từ ngữ. Vậy nên khi chúng ta tụng mấy tờ đề cương Địa trong mấy ngày thì trí nhớ chưa chắc lâu và bền bằng khi xem một bộ phim chỉ để giải trí.
Bằng chứng là khi đứa bạn kêu kể về một bộ phim thì chúng ta kể lia lịa không cần suy nghĩ. Còn mỗi khi giáo viên kêu lên trả bài cũ là mặt mày xanh mét rồi bắt đầu lấy cớ đau bụng đi vệ sinh các thứ.
Vậy thì chúng ta hãy thử tạo ra một câu chuyện ly kỳ và hấp dẫn từ những đơn vị kiến thức đồ sộ có phần khô khan mà chúng ta đã học thôi nào. Mình tin rằng cách thức này bạn đã nghe nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa biết cách áp dụng vào việc học của bản thân như thế nào. Vậy nên mình sẽ chỉ ra các bước để có thể tạo được một câu chuyện của riêng bạn.
Đầu tiên là bạn hãy chọn khoảng 3-4 bài trong sách giáo khoa của những môn mà bạn thấy nhàm chán và khó nhớ. Để tạo được một câu chuyện thì bạn phải có kiến thức trước đã nên hãy đmả bảo rằng những kiến thức chính trong các bài đó bạn đã nắm được.
Tiếp theo thì hãy bắt đầu một câu chuyện bằng cách đóng vai nhân vật chính trong những môn học đó. Ví dụ như bạn học Hóa 10 về bài electron thì hãy đóng vai một electron và kể về giá trị của bạn đối với các nguyên tử.
Còn bạn nếu đang khổ sở với môn Toán 11 về hình học không gian thì hãy thử nhập vai một hình tứ diện và kể về cách xác định giao tuyến của hai mặt phẳng hay của một mặt phẳng và một đường thẳng.
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Mình sẽ lấy kiến thức Sinh Học 11 về cách cây hấp thụ nước làm ví dụ. Bây giờ thì mình sẽ đóng vai một một phân tử nước và kể về hành trình làm sao để mình được vận chuyển lên lá. Chuyện kể rằng:
Em là một phân tử nước vố tồn tại trong đất mà gần đó có một cái cây nên em đã di chuyển theo cơ chế thụ động vào miền lông hút của cây. Tại đây, em phải ra kế sách khôn ngoan nhất để vào được khu vực trung trụ của cây thì em mới vận chuyển lên lá được. Và trước mắt em là hai lựa chọn: Đi bằng con đường gian bào hoặc con đường tế bào chất.
Em thông minh vốn sẵn tính trời như nàng Kiều tài sắc vẹn toàn nên em chọn con đường gian bào (đi luồn qua không gian của những tế bào) cho nó lẹ. Nhưng ét ô ét là em đã bị vành đai Caspari đáng ghét chặn lại trước khi em vào được trung trụ. Nhưng em đâu có chịu thua vì “Thua keo này ta bày keo khác” thôi. Em chuyển sang con đường tế bào chất (đi xuyên qua các tế bào) và em đã thuận lợi đến được nơi mình muốn.
….
Phần còn lại của câu chuyện thì mình để dành cho bạn sáng tạo đấy.
Mình thấy rằng cách này học rất hiệu quả mà hiểu bài rất sâu nữa. Bởi vì để tạo được một câu chuyện liền mạch thì chúng ta phải biết cách kết nối những kiến thức lẻ tẻ thành một khối hoàn chỉnh, thống nhất với nhau.
Công đoạn đó quả thật tôn kha khá chất xám đấy nhưng mình dám chắc rằng bạn sẽ nhớ như in câu chuyện mà bản thân tạo ra - Đương nhiên đừng quên thêm những gì mình thích vào câu chuyện để cho chúng trở nên gần gũi và thú vị với bạn hơn. Với mình thì mình thích môn Văn nên mình hay thêm một số nhân vật vào câu chuyện.
Vậy lúc học từ vựng tiếng Anh có thể áp dụng cách này không nhỉ?
Câu trả lời là có đấy nhưng chúng ta cũng có thể áp dụng hẳn cách thức học từ vựng thông qua phim ảnh nước ngoài cho nó thú vị. Trong quá trình xem phim thì bạn chỉ cần một tờ giấy trắng, một cây bút để lâu lâu dừng lại thì ghi chép thôi. Lưu ý là bạn đừng quên chọn những bộ phim phù hợp với trình độ tiếng Anh của bạn - những bộ phim không khiến bạn phải dừng lại tra từ điển quá nhiều.
Vì xem phim kiểu đó thì rất dễ làm tuột mood của bạn và sẽ khiến bạn không muốn tiếp tục xem nữa. Thay vào đó, hãy chọn những bộ phim mà bạn yêu thích và hiểu được 80% như phim hoạt hình chẳng hạn. Khi đó thì bạn sẽ có động lực để tìm hiểu nghĩa của những từ bạn chưa biết để hiểu sâu hơn về nội dung của bộ phim đó. Thông thường mình xem phim thì mình hay học luôn cả câu chứa từ mới chứ ít khi học riêng lẻ.
Này không phải là vì mình siêng năng chăm chỉ đâu mà tại vì não mình đặc biệt ưu ái phim với truyện nên những chi tiết trong đó là mình tự động nhớ mà không cần phải nỗ lực gì nhiều. Mình lấy một vài ví dụ là trong bộ phim “How I Met Your Mother” thì mình rất thích câu:
“You shouldn’t cling to the past. Because no matter how tightly you hold on, it’s already gone” (Tạm dịch: Bạn không nên cố chấp níu giữ quá khứ bởi vì bất kể bạn có gắng thế nào, nó cũng đã đi rồi)
Chỉ trong một câu này thôi mà mình đã học được một cấu trúc hai cụm từ hay là:
- Cling to: Bám lấy
- Hold on tightly: Níu chặt lấy một điều gì đó
- No matter how: Bất kể bạn làm [việc gì] như thế nào
Vậy thì chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu được hai cách đầu tiên để có thể học tập hiệu quả rồi đó. Còn 2 cách khác thì mình hẹn bạn trong bài viết tiếp theo nhé. Bây giờ thì mình có một challenge nho nhỏ dành cho bạn là “Hãy viết ra (hoặc comment) 3 điều bạn vừa học được và chọn một trong số đó để áp dụng vào cuộc sống ngày hôm nay”. Chúc bạn một ngày tốt lành!