CÁCH HỌC TẬP HIỆU QUẢ
Bạn cũng đang băn khoăn về bí kíp để có thể học tốt ư? Nếu có thì bài viết này chính là dành cho bạn đấy. Hãy cùng nhau giải mã bí kíp để học giỏi thôi nào
Bạn có bao giờ tự hỏi rằng “Có bí kíp gì để học giỏi hay không?”
Bạn có bao giờ thấy cuộc đời sao quá đỗi bất công vì có mấy đứa học ít nhưng lại là thiên tài mới cay chứ?
Rồi cuối cùng chắc chắn là câu hỏi “Liệu mình có bao giờ học giỏi được như tụi thiên tài này không?”
Và nếu đó cũng là câu hỏi mà bạn đang tìm lời giải đáp thì chúng ta hãy cùng nhau giải mã ‘bí kíp’ để học hiệu quả nhé.
Vậy thì trước hết việc đầu tiên chúng ta phải làm là xác định mình muốn học cái gì. Bạn khoan hãy ngỡ ngàng vì thấy cái phần mở đầu chẳng có tí tẹo liên quan gì đến bí kíp trong truyền thuyết hết vậy nè nhưng hãy bình tĩnh và kiên nhẫn cùng mình phân tích nhé. Việc thấy người khác học giỏi rồi cảm thấy hâm mộ và muốn bản thân cũng được như vậy là chuyện rất đỗi bình thường vì chúng ta đều muốn mà.
Nhưng mà trước khi làm chuyện gì thì cũng nên có mục tiêu rõ ràng hết các bạn thân mến. Vì đơn giản là thứ người khác giỏi hơn mình thì nhiều vô số kể. Có người sẽ giỏi Toán, có người thì chuyên Hóa trong khi với một số khác thì lại chém tiếng Anh như gió rồi những đứa khác nữa lại vẽ đẹp như tranh,…Thể loại gì cũng có hết nhưng chúng ta đâu thể ‘master’ hết cả đống này được và căn bản thì chúng ta cũng chẳng cần phải làm vậy.
Vậy thì đầu tiên là hãy xác định rõ bạn muốn học giỏi môn nào và tại sao bạn cần học giỏi môn đó. Ví dụ như mình muốn học tốt môn tiếng Anh vì mình mình muốn làm trong công ty đa quốc gia trong tương lai, nên tiếng Anh là một nền tảng không thể thiếu. Như bạn thấy đấy, lí do của mình đôi khi rất đơn giản và trừu tượng vì cụ thể hơn thì mình không nghĩ ra, nhưng mình tin rằng trong quá trình hành động thì mình sẽ biết được.
Nên bạn hãy cứ tìm cho bản thân mình một lí do để tiếp tục học và bất chấp cái lí do có thể nghe vô lí đến nhường nào. Thật ra nhiều lúc chúng ta không chịu học hành đàng hoàng không phải vì bản chất chúng ta lười đâu. Mà đó có thể là vì chúng ta không thích học môn đó hay là chúng ta không tìm thấy được ý nghĩa trong bộ môn đó. Và khi mình hỏi mấy đứa bạn không thích học hành của mình thì họ đều trả lời rằng không biết phải học những thứ này để làm gì. Vì thế nên họ không có động lực gì để học cả.
Vậy vấn đề ở đây là làm sao để tạo ra ý nghĩa của việc học? Vậy thì phải đến câu hỏi sâu hơn là thông qua việc học hành mười mấy năm từ mầm non lên tận đại học rồi có khi còn có sau đại học nữa thì bạn thực sự muốn đạt được điều gì? Mình tin rằng đó không phải là tấm bằng và cũng chẳng phải là điểm số hay học cho cha mẹ gì cả.
Mình không nghĩ rằng mấy điều trên sẽ xứng đáng với mười mấy năm công sức và thời gian của mỗi con người chúng ta. Và chắc hẳn rằng bạn rất ít nghĩ đến chuyện này nhưng chúng ta ai rồi cũng phải đối diện thôi. Vì đó chính là chìa khóa dẫn đến thành công và hạnh phúc. Bạn muốn học giỏi ư? Bạn muốn được vinh danh hay đủ năng lực để cha mẹ có thể tự hào vì mình?
Vậy thì bạn phải biết rõ được mình học vì cái gì và để làm gì. Nếu như mục đích cuối cùng tất cả công sức hay mười mấy năm học hành của chúng ta chỉ là một tấm bằng nằm lặng lặng trên gác sách thì sự mơ hồ chắc chắn sẽ đeo bám chúng ta suốt cả cuộc đời.
Nhưng việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống hay những việc mình làm chưa bao giờ là chuyện trong ngày một ngày hai cả. Đó là cả một quá trình. Một quá trình có sự thử nghiệm, thất bại có lòng kiên trì và sự bền chí…Nên hay đừng bao giờ bỏ cuộc việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống cũng như việc học tập của bản thân mình.
Vậy thì sau khi xác định được bản thân muốn đánh mạnh vào môn học nào thì chúng ta sẽ đi vào hai bước để có thể học tập hiệu quả.
Bước 1: Tư duy trước khi học
Việc xác định được mình muốn học môn nào chỉ là phần dạo đầu cho một cuộc hành trình hấp dẫn hơn mà thôi. Vậy thì bất cứ vấn đề nào cũng cần sự tư duy chứ không nói riêng gì việc học.
Và một tư duy đúng đắn sẽ dẫn đến hành động đúng đắn và kết quả tự khắc sẽ tốt thôi. Nói trừu tượng quá nên chắc các bạn đang băn khoăn vì nghĩ rằng học là học thôi chứ tư duy gì ở đây nữa. Giáo viên dạy bài nào thì học còn không day thì khỏi học, chấm hết không nói nhiều.
Nhưng sự thật là học tập rất cần tư duy và để có thể học tập hiệu quả và tốt thì lại càng cần tư duy sao cho đúng đắn và hợp lí. Và để học tốt một môn nào đó thì đừng nên giữ suy nghĩ trong đầu rằng “Học hành là để thi cử thôi chứ không có xài mấy cái kiến thức rất mực trừu tượng này đâu”, “Học là để cho cha mẹ thôi chứ lười chết được mấy cái môn chán ngắt này” hay “Thấy ai cũng học giờ không lẽ mình bỏ? Thôi cứ tà tà qua môn là ngon rồi chứ không cầu gì nhiều”
Nếu đang có những suy nghĩ này thì tốt nhất là bạn nên thay đổi ngay lập tức rồi đó. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng chúng đúng mà và chúng chẳng có gì sai cả, người sai là cái người viết chẳng biết gì về hoàn cảnh của mình nên mới nói nhẹ nhàng như vậy. Nhưng thật ra thì những suy nghĩ này đã từng là một trục suy nghĩ chính của mình nên mình hiểu cảm giác mà chỉ học cho có hay là để đối phó thôi.
Và thật sự thì qua môn thì qua đó nhưng mà người thiệt nhất vẫn là bản thân chúng ta mà thôi chứ không ai khác cả.
Vì khi ấy việc học quả thật trở nên rất khô khan và nhàm chán. Mình không biết bản thân cố gắng học vẹt những cái môn xã hội như Địa lí hay Lịch Sử để làm cái gì. Mà lúc đó mình cũng chả muốn biết mà cứ học đại đại như vậy là được rồi.
Rồi đến khoảng 2,3 năm sau đó khi mình lên trung học phổ thông thì mình mới nhận thức được rằng bản thân mình không muốn học theo cách đó nữa. Vì rằng khi đó học với mình trở nên tẻ nhạt và nhàm chán hơn bao giờ hết. Nó là cái thứ mình phải làm nhưng chẳng thể hiểu nổi làm để làm gì.
Mà khổ nổi là một ngày mình ở trong trường nhiều hơn ở nhà nữa là mà nếu học chán thế thì gần như là một nửa khoảng thời gian trong ngày của mình là vô nghĩa rồi còn gì. Mình không muốn như thế nên mình quyết định thay đổi.
Và nếu bạn vẫn còn đi học thì mình khuyên bạn nên thử thay đổi suy nghĩ của bản thân, tìm ra mục đích của việc học và giữ một tư duy tích cực về việc học. Hãy nghĩ đến ước mơ nghề nghiệp tương lai của bạn và hãy học với sự cố gắng và niềm đam mê.
Giống như bản thân mình khi biết bản thân thích viết thì mình cố gắng đầu tư vào môn Văn nhiều hơn và mình cũng tự động cảm thấy những bài thơ hay bài phân tích đã trở nên thú vị hơn hẳn.
Vậy nên hãy luôn ghi nhớ rằng học là để cho chính bản thân mình, là để chúng ta có thể có một bước đệm đủ mạnh để thực hiẹn hóa đam mê và ước mơ của bản thân. Như vậy thì hành trình học cho chính mình sẽ trở nên thú vị và có nhiều điều lý thú hơn bao giờ hết.
Bước 2: Học tập chủ động
Thông thường chúng ta luôn nghe giáo viên la rầy học sinh rằng “Các em thụ động quá! Các em nên tích cực tham gia vào bài giảng hơn vào lần sau đấy”. Vậy thì học tập chủ động là như thế nào? Rồi làm sao để có thể học tập chủ động?
Học tập chủ động có thể hiểu như là chúng ta sẽ tham gia vào quá trình bài giảng chứ không chỉ ngồi im một chỗ mà tiếp thu kiến thức. Học chủ động khiến chúng ta làm chủ kiến thức chứ không phải là ngập chìm trong mớ kiến thức hack não của mấy môn tự nhiên và một đống lý thuyết khô khan của những môn xã hội.
Vậy thì mình sẽ giới thiệu 3 cách để chúng ta có thể chủ động hơn trong học tập.
- Đọc sách những môn bạn thấy khó trước khi nghe giảng bài
Có thể bạn sẽ thấy cách này không có gì mới mẻ lắm so với những kiến thức trong sách và trên mạng xã hội. Nhưng nó khác ở một điểm rất lớn là mình chỉ khuyên bạn nên đọc trước sách giáo khoa những môn nào bạn đang thấy khó thôi.
Vì bản thân mình có thử áp dụng cách như trước ngày học là đọc sách giáo khoa trước của tất cả những môn hôm sau mình học. Nhưng khổ nỗi là chuyện đó tiêu tốn khá nhiều thời gian của mình nhưng hôm sau mình lại quên sạch tiếp.
Và vậy là mình quyết định chỉ đọc trước bài của những môn Hóa, Lí - hai vị thánh mà hành mình lên xuống trong các năm phổ thông. Việc đọc sách trước một vài môn mà chúng ta đang lấn cấn giúp chúng ta nắm được tổng quan bài chúng ta sẽ học.
Và cái này trong tiếng Anh người ta hay gọi là “Overview” đấy. Cái nhìn bao quát này không phải là cứ dở sách ra đọc một phát cái đóng sách lại là xong nhiệm vụ đâu các bạn thân mến vì mình từng thử làm như thế mà sao thấy vẫn không hiệu quả như mong muốn lắm.
Mà trong lúc đọc bạn đừng quên tư duy và suy nghĩ, nghiền ngẫm xem coi sách giáo khoa đang nói về cái gì và mình hiểu được định nghĩa đó đến đâu. Vậy bạn biết được phần nào là những phần bản thân cảm thấy khó hiểu thì lúc nghe giáo viên giảng hãy tập trung lắng nghe phần đó. Mình ví dụ như môn Lí là môn mà mình đọc sách giáo khoa cho từng công thức hay khái niệm về điện thì hiểu được, nhưng chúng nó mà kết hợp với nhau thì đầu mình loạn một cục lên hết.
Vậy thì mình biết rằng bản tân còn thiếu sự kết nối giữa những đơn vị kiến thức nhỏ để thành một tổng thể chung. Nên mình đặc biệt chú ý cách mà thầy mình giới thiệu về sự ra đời của mỗi công thức hay mỗi khái niệm. Nhờ vạy mà mấy chương hay bai tập về điện trường không còn trở nên ác mộng đối với mình nữa.
Và nếu mai có mấy môn nào bạn sợ thì bạn có thể áp dụng thử cách này rồi đấy.
- Ghi chép những thứ quan trọng
Học tập nào cũng cần ghi chép hết và các nhà khoa học cũng chứng minh được rằng việc ghi bài giúp người học nhớ tốt hơn. Sự thật đúng là như vậy nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ. Đặc biệt là hồi trung học cơ sở mà cô giáo đọc bài Sử cho mình chép là mình không nhớ được một từ gì luôn. Cứ khoảng ngày hôm sau mà hỏi lại mình học gì trong tiết Sử hôm qua là đầu mình như một từ giấy trắng.
Vậy thì theo mình là cách ghi chép mà giáo viên đọc gì mình ghi chép y chang là không hiệu quả lắm (quan điểm cá nhân của mình). Vậy thì ghi chép thế nào mới là hiệu quả? Mình cho rằng ghi chép hiệu quả là bản thân trước hết phải hiểu được những gì mình ghi và chỉ ghi lại những gì mình cho là quan trọng.
Và 2 yéu tố trên đều đòi hỏi não bộ phải hoạt động, phải tư duy để chắt lọc hay thẩm thấu kiến thức. Đó chính là học tập chủ động đấy các bạn. Khác với việc cứ ngồi chờ giáo viên đọc gì thì chúng ta ghi vào mà ghi chép khôn ngoan là chúng ta chỉ ghi những gì bản thân hiểu và thấy cần thiết thôi.
Vậy thì ghi những gì cần thiết là sao? Ghi những điều cần thiết là những kiến thức mà giáo viên nhấn mạnh hoặc là những kiến thức mà cá nhân bạn thấy thú vị. Ví dụ như khi mình học Lí 11 về bài Công của lực điện trong điện trường thì nó có tận 5 công thức lận nhưng mà chỉ có 2 công thức là dùng phổ biến nhất nên mình chỉ ghi hai công thức đó vào vở thôi. Còn lại thì hiểu là được rồi.
Hoặc là khi mình học Sinh về thực vật thì mình hay thích ghi chép lại những ứng dụng thực tế mà cô mình giảng. Khi chúng ta chọn lọc như thế thì chúng ta đang biến kiến thức trong sách vở hay kiến thức mà thầ cô truyền lại thành kiến thức của chính mình.
Vì có một nghịch lý khi học là khi mà người khác đưa tận miệng những kiến thức cho mình thì chúng ta lại khó học vô lắm. Mà khi chúng ta biến nó thành cái riêng của mình thì chúng ta lại nhớ mới hay chứ.
Vậy nên bình thường tập vở ghi chép môn học của mình ngắn gọn lắm vì mình không thích ghi nhiều. Đương nhiên kinh nghiệm là bạn cứ ghi theo phong cách riêng nhưng đừng để giáo viên biết vì đôi khi bị nghe giáo huấn một chập ấy. Mình từng bị một lần rồi vì mình không ghi đủ định nghĩa về công thức Lí trong sách giáo khoa.
Thường thì mấy cái định nghĩa nó dài lê thê và mình không thấy cần hiết nên mình rút gọn lại, miễn mình hiểu là được. Thế là thầy mình chửi một trận luôn vì mình ngồi bàn đầu mà giáo viên hay thích xem tập vở của những đứa đầu bàn lắm. Nhưng sau đó mình vẫn ghi như vậy nghe thêm vào chập giáo huấn thôi. Nếu bạn cũng gặp trường hợp như vậy thì đừng lo, kệ người khác nói gì chứ miễn bạn thấy như vậy hiệu quả là được rồi.
- Tư duy phản biện trong lúc nghe giảng bài
Tư duy phản biện thì nói ngắn gọn là khả năng đặt câu hỏi với những kiến thức mà mình đã hoặc đang tiếp thu. Và bình thường thì cuối mỗi bài thuyết trình trong lớp thì nhó thuyết trình luôn sẽ hỏi “Các bạn có câu hỏi gì không?” thì lúc đặt câu hỏi là bạn đang rèn luyện tư duy phản biện đấy. Đáng buồn thay là hơn 99% câu trả lời cho câu hỏi đó là một bầu không khí yên lặng, còn 1% khác thì là câu hỏi…của giáo viên.
Và vấn đề thì chỉ đơn giản là mọi người hay bảo rằng cảm thấy câu trả lời hay bài thuyết trình đúng quá rồi nên không có bổ sung gì thêm nữa. Nhiều khi mình cũng thấy quả thật là không biết hỏi cái gì vì mình hầu như là đồng ý hết rồi. Cho đến khi mình xem video của chị Chi Nguyễn về cách rèn luyện tư duy phản biện thì mình mới biết được cách đặt câu hỏi dựa trên trí tò mò. (Dưới đây là video về tư duy duy phản biện của chị Chi Nguyễn)
Quả thật là chúng ta có thể không hề có đủ kiến thức và kinh nghiệm để phản biện lại những bài giảng của giáo viên. Nhưng dựa vào sự tò mò của bản thân thì chúng ta vẫn có thể đặt câu hỏi được. Lấy ví dụ như lúc mình học môn Văn đến phân tích và tình cảm của Tế Xương dành cho người vợ tào khang của mình.
Mình nghe cô giảng thì cũng hiểu đó nhưng mình vẫn thắc mắc rằng ‘Tại sao ông này bảo thương vợ thì thương nhưng không hề giúp đỡ gì cho vợ hết vậy? Vợ ra mom sông buôn bán cực nhọc cũng không giúp mà ngồi ở nhà làm thơ?’. Và một cách ảo diệu mình hỏi bạn và cô thì mới biết được rằng đó là phong tục lễ nghi Nho giáo thời xưa - trong nhà nếu người chồng học hành thi cử để thoe đuổi công danh thì việc kiếm cơm nuôi con ăn học phải do người vợ lo hết.
Tế Xương dẫu nhận thức được cái nề nếp, hủ tục phong kiến bạc bẽo ấy nhưng vẫn không vượt qua được. Và như vậy thì ình cảm thấy hiểu bài sâu hơn và nhớ lâu hơn - vì mình cảm giác rằng bản thân có tham gia vào việc xây dựng bài giảng. Như thế thì những môn học tự bản thân chúng không còn khô khan và nhàm chán nữa.
Qua ví dụ trên thì mình tin rằng bạn thấy rằng việc nghĩ ra câu hỏi thật ra cũng không khó là mấy. Nhưng đôi khi việc hỏi giáo viên lại cần nhiều dũng khí hơn cả. Đôi khi mình cũng có nhiều câu hỏi trong não lắm mà đâu dám hỏi đâu, nên thôi hỏi bạn bè trước vậy. Thật ra thì hỏi ai cũng là hỏi thôi, nếu như hỏi giáo viên quá khó ngay từ lúc bắt đầu thì chúng ta cứ hỏi đứa ngồi kế bên hay ngồi quanh mình là được rồi. Chừng nào tụi nó bí hết thì hỏi giáo viên vẫn chưa muộn đâu.
Vậy nên, trong quá trình chúng ta hãy cứ tích cực tư duy và chủ động tìm hiểu, biết đâu chúng ta sẽ phát hiện ra được nhiều điều thú vị và tìm ra nhiều điều để phản biện lắm. Và sau bài viết này, bạn hãy nhớ rằng để học tốt thì cần tư duy đúng đắn và học hành tích cực chủ động. Lại nói, nếu như mai bạn có học môn nào hack não thì đừng quên đọc bài trước và đánh dấu lại những phần khó hiểu nhé. Áp dụng kiến thức liền cho nóng luôn nè.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất