“Thất bại là mẹ thành công”. 
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã ít nhất một lần nghĩ hoặc nói câu đó. Vì không ai dám tự tin nói rằng mình chưa từng thất bại trong đời. Đó là một trải nghiệm khó chịu và hiếm người muốn nhớ lại. Tuy nhiên, có khi nào bạn cố gắng suy nghĩ nghiêm túc để hiểu “thất bại là gì”? Liệu phân tích “thất bại” như một đối tượng nghiên cứu có giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu và đối diện với nó tốt hơn không?

Thất bại là gì?

Chúng ta gọi tên thất bại khi mục tiêu, mong muốn hoặc dự định của mình không đạt được hoặc ở dưới ngưỡng kỳ vọng.
- Ví dụ 1. Bạn nỗ lực làm việc chăm chỉ trong 2 tháng thử việc để trở thành nhân viên chính thức, nhưng công ty chọn thực tập sinh khác >>> thất bại.
- Ví dụ 2. Bạn đặt mục tiêu giảm 5kg cân nặng sau 3 tháng nhưng kết quả chỉ giảm được 2 kg >>> thất bại.
- Và còn rất rất nhiều những trường hợp thất bại khác: thi rớt, không kiếm được nhiều tiền, hôn nhân không hạnh phúc, thất nghiệp…

Thất bại xảy ra khi nào?

Bạn có nhận ra được những điểm chung gì trong các ví dụ ở trên không?
Thất bại chỉ xảy ra khi chúng ta so sánh nó với mục tiêu hoặc kỳ vọng (không đạt hoặc đạt dưới ngưỡng)
- VD1, bạn mong muốn được nhận vào làm chính thức nhưng thất bại vì điều đó không xảy ra (không đạt)
- VD2, bạn thất bại vì chỉ giảm được 2 kg so với mục tiêu 5 kg (dưới ngưỡng kỳ vọng)
Vậy, ngược lại, chúng ta sẽ không thất bại nếu: (1) Không đặt mục tiêu hoặc (2) Không đặt ngưỡng kỳ vọng.
- VD1: bạn nghĩ là sau 2 tháng thử việc, bạn sẽ đi tìm công ty khác hoặc bạn biết chắc mình sẽ không được nhận do đồng nghiệp của bạn giỏi hơn (không đặt mục tiêu)
- VD2: bạn chỉ đơn giản muốn giảm cân sau 3 tháng nhưng không kỳ vọng số kg cụ thể, vậy bạn đã thành công khi giảm 2 kg, thậm chí chỉ cần giảm 0,1 kg cũng được (không đặt ngưỡng kỳ vọng)

Cách để không thất bại?

Cách để không thất bại là bạn… không dùng từ “thất bại” nữa.
Thất bại chỉ xảy ra khi bạn gắn những việc bạn làm với một cái đích cụ thể trong tương lai. Mục tiêu, trong tình huống này, trở thành gánh nặng trong tâm trí bạn. Chúng ta có thể đơn giản làm những việc chúng ta cần làm mà không đặt cho nó một mục đích hay không? Hoặc chúng ta chỉ đơn giản gọi đó là kết quả cho một quá trình mà không đem lên bàn cân so sánh để gắn nhãn cho nó là thành công hay thất bại? 
Điều quan trọng hơn đó là sự nỗ lực, cố gắng và toàn tâm toàn ý trong mỗi hành động hoặc việc làm của bạn. Khi tận hưởng quá trình mà không bận tâm mục đích “phải, để, vì,…”, khi kết quả không tốt xảy ra, ít nhất bạn cũng can đảm đối diện với nó, tìm hiểu nguyên nhân, cách khắc phục và… thử lại. Khi chúng ta không gọi đó là “thất bại”, điều gì có thể ngăn cản bạn?