CỜ TƯỚNG MỞ RỘNG II (cờ tướng mở rộng phiên bản thứ hai)
Dành cho những ai yêu thích cờ tướng và muốn có thêm 1 loại cờ mới để trải nghiệm và thỏa mãn nhu cầu giải trí của mình....
Dành cho những ai yêu thích cờ tướng và muốn có thêm 1 loại cờ mới để trải nghiệm và thỏa mãn nhu cầu giải trí của mình.
CỜ TƯỚNG MỞ RỘNG II (viết tắt CTMRII) là trò chơi đối kháng chiến lược dành cho 2 người, được lấy nguyên mẫu từ cờ tướng, có bổ sung thêm một số quân hình mới và mở rộng bàn chơi.
1. Bàn cờ.
Bàn cờ của CTMRII gồm 10 đường kẻ ngang và 13 đường kẻ dọc, có tất cả 130 điểm đặt quân.
Hình 1: Bàn cờ
Về địa hình: sông trong CTMR II được mở rộng hơn so với cờ tướng nhằm tạo đường đi cho một loại quân hình mới.
Ý tưởng về địa hình bị chia cắt bởi sông ngòi như trên lấy từ các cuộc kháng chiến trên sông nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ xưa quân đội ta đã lợi dụng sông ngòi để đánh giặc.
Hình 2: bàn cờ với địa hình được tô màu
CTMR II cũng có 2 cửu cung (vùng gạch chéo) cho 2 con Tướng (Soái) tương tự như trong cờ tướng.
- Ranh giới giữa hai bên được lấy bởi con sông ở chính giữa:
+ Từ hàng 5 đổ lại là bên đất của ta
+ Từ hàng 6 trở đi là đất của bên địch
2. Quân cờ.
- Mỗi bên tham chiến có 24 quân cờ gồm: 1 Tướng (Soái), 2 Sỹ, 2 Tượng, 2 Thần, 2 Thuyền, 2 Mã, 2 Xe, 2 Pháo, 2 Hổ và 7 Tốt.
Hình 3: Bàn cờ lúc khai cuộc.
Hình 4: Bàn cờ lúc khai cuộc với địa hình được tô màu, giống như thủy trại trên sông.
- Cách đi quân:
+ Cách chơi các quân Tướng (Soái), Sỹ, Mã, Pháo, Xe, Tốt tương tự cách đi trong chơi trong cờ tướng.
+ Quân Tượng (voi) ở bàn CTMRII có thêm 4 điểm đi quân nhưng
cách chơi vẫn không thay đổi.
+ Quân Hổ có cách chơi giống quân Hổ trong CTMR phiên bản thứ nhất, tức là:
* Đi ngang hoặc dọc
không hạn chế số nước đi, chỉ bị chặn lại khi có quân cản đường
* Chỉ ăn được quân địch đứng ngay cạnh mình. Ăn quân bằng cách nhảy qua đầu quân địch đó, sau khi ăn xong đáp xuống vị trí bên kia của quân địch bị ăn. Quân địch có thể trách bị ăn bằng cách be lưng của mình để không có chỗ cho quân Hổ đáp xuống sau khi ăn.
+ Quân Thần: đặt cạnh 2 quân tượng trên bàn cờ, chúng cũng không được sang bên đất địch. Thần ở CTMRII là quân có nhiệm vụ tầm xa, hỗ trợ cùng Sỹ và Tượng bảo vệ Tướng. Cách đi:
* Đi theo đường chéo của một hình vuông 3x3, tức là đi xa hơn quân Tượng 1 ô. Nó ăn được quân địch tại ô mà nó đi tới. Dễ thấy đây là quân hình có tác dụng hạn chế nhất trên bàn cờ (đôi Thần chỉ kiểm soát được 5 điểm đặt quân tương đương cặp Sỹ ở trong cung).
* Thần cũng bị cản như tượng, khác với Tượng vốn chỉ có một "mắt Tượng" giữa hai vị trí nó ở và vị trí nó đến, chỉ cần có một quân chèn vào vị trí này là Tượng không thể đi được. Thần lại có 2 vị trí "mắt" như vậy, nên ta quy ước vị trị "mắt cản" của Thần nằm gần vị trí nó đứng hơn.
Hình 5: Thần và vị trí cản Thần
Hình 6: Quân Thần bị cản
Hình 7: Quân Thần không bị cản
+ Quân Thuyền: Thuyền được đặt cạnh quân Thần trong bàn cờ khai cuộc
* Thuyền đi và ăn quân theo bước nhảy giống quân Xe. Điểm hạn chế duy nhất của Thuyền so với Xe là nó chỉ kiểm soát được các ô trên sông nước hoặc bờ sông. Đồng thời Thuyền không được đi xuyên qua phần đất liền nên khả năng sẽ hạn chế hơn Xe. Như vậy dễ thấy quân Thuyền kiểm soát một vùng rộng lớn ở trung tâm bàn cờ, chỉ bị hạn chế về hai phía Cửu Cung (nó chỉ kiểm soát được 3/9 vị trí của Cửu Cung). Từ đó suy ra nó có tác dụng mạnh mẽ trong khai và trung cuộc, tác dụng của nó kém dần trong tàn cuộc. Người chơi nên cho nó xuất quân nhanh trong khai cuộc, dùng nó để đổi lấy một quân chủ lực của đối phương bởi sự vô dụng của nó trong vây hãm Cửu Cung lúc tàn cuộc.
Hình 8: Các vị trí Thuyền có thể đi (được đánh dấu tròn)
3. Nhận xét chung:
Dù chưa thực nghiệm trải nghiệm thực chiến nhiều với CTMRII, nhưng tác giả xin cho vài nhận xét khái quát như sau:
- Bàn CTMRII với 3 loại quân hình mới, có địa hình mở rộng và thay đổi đã làm cho cuộc đấu cờ trở nên quyết liệt hơn.
- Trận chiến trên bàn cờ có xu hướng phân thành 2 cuộc chiến nhỏ ngay từ đầu (mỗi cánh của Cửu Cung là một trận quyết đấu). Nguyên nhân là do số quân tham chiến và trợ chiến đã được tăng lên đáng kể. Với 5 quân có khả năng tấn công ở mỗi vế, người chơi có thể dễ dàng bày trận và dành chiến thắng chỉ với một vế được xuất quân. Như thế với 2 vế quân (tổng cộng 10 quân mạnh tham chiến), trên bàn cờ của CTMRII gần như có 2 bàn cờ con. Đòi hỏi người chơi cần có tầm bao quát rộng.
- Mặt khác, CTMRII cũng khắc phục được một nhược điểm của cờ tướng truyền thống đó là khi một bên ăn hơn một quân chủ lực, lợi thế rõ ràng đã nghiêng về bên đó, bên hơn quân thường dành phần thắng nếu biết đổi quân khéo léo. Nhưng ở CTMRII mỗi bên do có tới 10 quân hình chủ lực cho nên khi thiệt hại 1, 2 quân cũng chưa phải là thảm họa. Bên thua quân vẫn có thể tránh đổi quân (do bàn cờ khá rộng) và đủ lực lượng để dành chiến thắng.
- Cuộc đấu cờ tỏ ra công bằng hơn và hấp dẫn hơn bởi 2 lý do:
+ Khi hai đối thủ có trình độ chênh lệch nhau so đọ, ván đấu sẽ diễn ra nhanh hơn, phân thắng bại rõ ràng hơn vì bên cao cờ có khi chỉ cần xuất một vế quân là đủ lực dành chiến thắng. Khắc phục được tình trạng bên yếu cờ tìm mọi cách đấu quân để cầu hòa do số quân khá nhiều, càng đánh lâu càng lộ rõ thực lực. So với cờ tướng truyền thống thì đây rõ ràng là một bước tiến lớn khi mà trước kia bên yếu cờ chỉ cần dàn dựng 1 tới 2 cuộc đổi quân là có thể dẫn đến hào cờ do 2 bên không đủ lực lượng tham chiến. Từ đó hạn chế cách đánh cầu toàn, khuyến khích cách chơi tấn công táo bạo do CTMRII nhiều biến hóa hơn cờ tướng truyền thống.
+ Khi hai đấu thủ có trình độ tương đồng đọ sức, ván cờ trở nên vô cùng khốc liệt khi cả 10 quân chủ lực cùng tham chiến. Từ đó tạo ra những thế cờ kỳ ảo thiên biến vạn hóa.
- Cách xuất quân của hai bên ảnh hưởng khá nhiều tới độ hấp dẫn của ván cờ:
+ Do bố trí khá thuận lợi nên lúc khai cuộc ta dễ dàng xuất tới 5 đến 6 quân chủ lực. Người chơi nào chọn cách xuất quân này có thể nhanh chóng đẩy ván cờ đến cao trào chỉ sau 6 – 7 nước đi. Ván cờ trở thành một cuộc chiến tranh cục bộ nhưng thần tốc.
+ Ngược lại nếu 2 bên chọn cách dàn quân bày trận thì thời gian đi tới trung cuộc khá lâu do có khá nhiều quân phải xuất. Ván cờ diễn biến chậm lúc ban đầu nhưng càng về sau càng quyết liệt khó lường khi tất cả các quân chủ lực hai bên đều tham chiến.
* Tiểu kết: Dù đã nghiên cứu khá lâu song không thể tránh khỏi những điều chưa phù hợp, mong các bạn yêu cờ gửi những góp ý cho tác giả để hoàn thiện hơn nữa bộ cờ này.
Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ email: [email protected]
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất