Vì câu chuyện "Recommended Song" hay "Recommended Artist" nó rất rộng & trải khắp cả thế giới luôn nên mình sẽ chia ra thành từng đối tượng quốc gia (hoặc nhóm quốc gia) để tiện mổ xẻ. Nhắc lại, nội dung bài viết dựa trên quan điểm cá nhân nên nếu đọc thấy mâu thuẫn thì...chịu, cũng xin lượng tình bỏ qua nhé. 
   Phần đầu tiên sẽ là về nhạc Hàn Quốc nhé ~ gần nhà, phổ biến, dễ nghe, dễ cảm, ít bị culture shock hay gì gì đó ~

Đọc thêm:

  Như đã nói ở các kỳ trước, chẳng việc gì chúng ta phải tự bó rọ mình với cái nền âm nhạc nội địa cả. Nếu bạn có lý do nào để biện minh cho sự quanh quẩn này, hãy thử liệt kê hết tất cả ra giấy xem và cố gắng suy nghĩ mấu chốt sâu xa của từng cái là như thế nào. Với mình, chửa hề có cái lý do nào đủ thấu tình đạt lý để thúc ép mình phải nghe nhạc Việt mãi mãi & mãi mãi cả. Túm cái váy lại, đến năm 2020 này thì không ai cấm chúng ta nghe nhạc cả. Chỉ có chúng ta tự cấm chúng ta thôi kaka :)
   Tất cả lý do đều xuất phát từ những cảm nghĩ chủ quan từ chính bản thân ta, theo mình thấy là: sự an toàn quá mức, tính thụ động vào xu thế của số đông, nỗi sợ bị xã hội đánh giá là thằng dở người, nỗi sợ không hòa nhập được với gia đình – bạn bè – tri kỉ – đồng nghiệp về mặt thú vui sở thích, khác biệt ngôn ngữ/văn hóa, niềm tự ái dân tộc đặt hổng đúng chỗ.... Chắc sẽ còn thêm mấy cái nữa đó, nhưng nhìn chung thì cũng rứa thôi, toàn là nỗi sợ hãi.
   Thực sự mà nói thì âm nhạc nói riêng, hay nghệ thuật nói chung là một lĩnh vực có tính giao thoa rất mạnh giữa các quốc gia và khu vực với nhau. Trong thời đại thế giới phẳng lì này thì sự giao thoa càng mạnh mẽ hơn nữa, đến nỗi nhạc dân ca (lý con gì ấy) còn phải được remix theo kiểu Alan-đi-bộ để không bị các chế bỏ rơi nữa là. Nghệ sỹ các nước collab ầm ầm với nhau, ca sĩ nhạc công chạy show hết nước này đến nước khác, nên sẽ hoàn toàn tự nhiên nếu chúng ta mở rộng tầm nhìn của mình ra một phạm vi khách quan hơn, rộng rãi hơn, cái nào hay thì cứ thoải mái tiếp cận – học hỏi – tiếp thu – vận dụng. Là người chơi đàn, hãy xem việc nghe nhạc như là một cách “học”, mà sự học của cả đời này chẳng bao giờ là thừa thãi cả.
   Ở đây, mình cũng xin nhấn mạnh thêm một điểm nữa: đó là sự so sánh. Đây không phải là để tỵ nạnh giữa nhạc nước này với nhạc nước kia hay để tạo vẻ thượng đẳng cho mình, mà chúng ta hãy vừa suy ngẫm vừa đối chiếu từng khía cạnh của một bài nhạc mới nghe (hòa âm, phối khí, chất lượng thu âm, giọng ca sĩ…), xem nó tạo ra được điều gì, sự mới mẻ gì so với thứ âm nhạc mà chúng ta đã biết. Ví dụ: cùng một bài nhạc tone thứ có nền giai điệu buồn buồn, mà sao những bài mình biết nghe nó cứ đều đều na ná nhau, mà sao cái bài của ông người Nhật kia ổng hành nhạc sao mà nghe tình cảm thế, da diết thế, xót xa thế? Hòa âm mà ông người Nhật sử dụng lạ tai thế mà vẫn đem đến hiệu quả rõ rệt, trong khi hòa âm mấy bài mình biết cứ quần đi quần lại một kiểu chán bỏ xừ? Chúng ta hãy nên là những người nghe nhạc thật tinh tế, biết nhìn nhận ra “những gì mình biết” và “những gì vừa được biết”, đánh giá xem sự mới mẻ này có thực sự hiệu quả hay không. Cứ lặp đi lặp lại màn tự vấn này, chúng ta sẽ tự nhiên biết thêm được rất nhiều điều mới mẻ về thế giới âm nhạc.
Mình sẽ tiếp tục giải quyết câu hỏi chính của chuyện kỳ này: “Tìm nhạc ở đâu bây giờ đây?”. OK, cứ nghĩ đơn giản vậy đi, chúng ta sẽ nhắm đến các cường quốc âm nhạc trên thế giới, ưu tiên những nơi thiên về làm nhạc hơn là tiêu thụ nhạc. Nơi mà có nhiều người chọn âm nhạc là một cái nghề thực thụ, tận tâm tận tình làm nhạc có chiều sâu bài bản và có bộ phận người nghe biết công nhận, biết ủng hộ lấy thứ âm nhạc chỉnh chu ấy. Nơi mà có được sự đa dạng âm nhạc tối thiểu trở lên, và không bị giam cầm bởi một hệ ý thức mù quáng ngặt nghèo cổ lỗ sĩ nào đó. Ở các nước châu Á (trừ Nhật Bản ra, cái này sẽ nói rõ hơn ở kỳ sau) thì theo mình thấy: thế mạnh là ở ba thể loại khá đại chúng như là Pop, Ballad (nhạc tiết tấu chậm) và R&B. Ba ông này thực chất không hề chia rẽ đối chọi nhau như truyện Tam Quốc mà trái lại, chúng kết hợp với nhau rất linh hoạt và tạo được cảm giác hòa quyện khi nghe khá nuột. Tức có nghĩa, sẽ là rất bình thường nếu có màu R&B trong một bản Pop/Ballad nào đó, và ngược lại có màu Pop/Ballad trong một bản R&B nào đó. Và vô hình chung nó tạo được sự đã tai, thư thái mà người nghe họ đang cần đến. Nếu như bạn xác định được hướng mình chơi đàn sẽ theo đuổi 3 thể loại này, các bạn hoàn toàn có thể tham khảo ở các nghệ sỹ châu Á mà không phải đi đâu xa cả.
   Hàn Quốc là một quốc gia có nền âm nhạc làm rất tốt việc này. Tốt đến nỗi mà cả thế giới phải thừa nhận lấy nhạc Hàn như là một thế lực đáng gờm có thể đá động mạnh mẽ đến xu hướng âm nhạc toàn cầu (dù rằng nghe tiếng Hàn chẳng hiểu cái vẹo gì cả). Thậm chí với riêng nhiều người sành R&B, họ cũng đang có xu hướng ưa chuộng R&B Hàn Quốc hơn cả original R&B của các bác Mỹ đen vì độ chất thuần túy của nó.
Với riêng mình thì xin phép đúc kết ở các điểm như sau:
  • Nền âm nhạc Hàn Quốc có nền tảng rất tốt vì chịu ảnh hưởng nhiều bởi âm nhạc Tây phương cận đại & hiện đại (có thể là do xu thế thân Mỹ từ thời chiến tranh Nam/Bắc Triều Tiên, âm nhạc tư bản theo đó du nhập vào và được tiếp nhận rộng rãi). Jazz, Blues, Funk... thường là các chất liệu rất được ưa chuộng để thêm dặm vào nhạc Hàn, nên bạn nghe nhạc Hàn ít nhiều sẽ hay thấy có điểm gì đó đi khác hơn so với cách sử dụng hòa âm thông thường của nhạc Việt hay nhạc US-UK (như nhiều comment trên Youtube hay khen là "nghe nó jazzy" ý :v).
  • Dân chơi nhạc/làm nhạc bên xứ họ được học hành rất bài bản, đặc biệt là mấy tay có xuất thân từ Trường âm nhạc Seoul (toàn hàng thú dữ, tài năng Guitar Sungha Jung cũng học ở đây nhưng mình thấy có khối đứa còn đỉnh hơn nữa kìa). Vì được học hành tận răng nên cách làm nhạc của họ đương nhiên ở vị thế khác hẳn, nếu có dịp các bạn có thể tìm hiểu cách họ làm ra mấy bản ballad như thế nào, hết sức công phu đấy. Các ca sỹ Hàn Quốc đa số họ cũng có gu nhạc ổn phết (xem mấy clip kể lể về các favourite artists của họ là biết liền). Nền tảng & định hướng tốt nhất định sẽ làm được nhiều điều hơn, mình thấy vậy.
  •  Nếu bạn đang bắt đầu tập sử dụng hợp âm nâng cao & phát triển phong cách chơi Acoustic – Free of band thì ơn giời, nhạc Hàn sẽ là nguồn tư liệu quá sức dồi dào cho bạn luôn đấy. Chúng ta hoàn toàn có thể học cách sử dụng hợp âm nâng cao từ nhạc Hàn, và sau đó bê đi vận dụng khắp nơi tùy theo từng trường hợp tương đồng mà chúng ta phát hiện ra được (ý là tình cờ nghe chỗ nào giống với bài nhạc Hàn mình từng biết thì ta sẽ thả hợp âm nâng cao vào chỗ ấy đấy). Bên cạnh đó, phong cách chơi Acoustic của người Hàn khá mộc khi chỉ sử dụng 1 – 2 Guitar để đệm/đi bè lead, ít quạt chả và không có Cajon bóp team nên bạn có thể xác định rõ được hợp âm, note khi kết hợp với nhìn thế tay trong clip. Một số kỹ thuật trong Fingerstyle Guitar (Palm, Slapping, A.H…) các bạn cũng có thể vận dụng được nếu đi theo phong cách này.
   Về phần nghệ sỹ, ở cái xứ làm nhạc này thì có đến hàng trăm, hàng ngàn ca sỹ/nhóm nhạc đang hoạt động. Và nếu đứng ở khía cạnh cần trau dồi thêm về trải nghiệm hòa âm, tiến trình hợp âm & cảm âm thì cá nhân mình xin phép đề cử các nghệ sỹ sau đây. Xếp theo thứ tự từ most recommend giảm dần nhé:
1. CHEEZE: ưu tiên nhất, và là nhóm nhạc mà mình cực kỳ khuyên các bạn hãy tìm nghe nếu muốn được biết thêm về các loại tiến trình hợp âm phức tạp, các kiểu đi hợp âm có tính thử thách đôi tai để dò dẫm và phong cách R&B kết hợp với Jazz rất đặc trưng của nhóm. Nói là “nhóm” chứ hiện tại chỉ còn 1 chị nữ nhỏ nhỏ xinh xinh thui, cơ mà giọng chỉ hay mê li và hát live cực đỉnh. Cá nhân cách mình chơi đàn & sử dụng hợp âm hiện cũng đang chịu kha khá ảnh hưởng từ CHEEZE, dò hợp âm cho mấy bài của CHEEZE tuy khá vất vả nhưng nhờ đó mà mình phát hiện ra được nhiều giải pháp hợp âm mới rất chi là hay ho. Lâu lâu nhóm cũng có một số bài hợp âm đơn giản (vòng 4 hợp âm), nhưng cách thể hiện âm nhạc của CHEEZE cũng rất thuyết phục và hoàn toàn có thể nghe đi nghe lại mà không thấy chán.
Sau khi tan rã nhóm, "CHEEZE" giờ mang danh nghĩa là một nữ nghệ sỹ solo (Dalchong), hoạt động trong lĩnh vực K-indie

Đọc thêm:

2. IU: chắc nổi tiếng quá rồi nên không đề cập nhiều nữa – “em gái Quốc dân” và cũng là một nữ ca sỹ rất điển hình/biểu tượng cho nền âm nhạc xứ Kim Chi. Với một lối tư duy & thẩm mỹ âm nhạc được đánh giá rất cao, các ca khúc/sáng tác của IU trải dài đều trên cả 3 thể loại mà mình có nêu lúc nãy. Chẳng phải tự dưng mà IU ra album nào cũng đều leo lên top BXH nhanh vèo vèo đâu, ấy là do rất nhiều người nghe nhạc thừa nhận tài năng của chính cô nàng đó (phần còn lại chắc có lẽ vì...xinh :v). Xét về khía cạnh học hỏi, nhạc IU có bài thì cũng dễ dễ & có bài thì lại không hề dễ một chút nào, đặc biệt là với những bản Ballad. Soạn sơ sài thì có thể không vấn đề gì, nhưng soạn cho thật chuẩn thì sẽ mất nhiều công sức hơn trong việc tìm ra chính xác loại hợp âm thật khớp với nhạc gốc. Và dĩ nhiên, các tiến trình hợp âm nâng cao cùng với các kỹ thuật tạo điểm nhấn cho bản nhạc cũng đóng vai trò then chốt tạo nên sự xuất sắc trong âm nhạc của IU.  
IU
3. Zion.T: ông này thì đi theo một phong cách khác với 2 người ở trên, nhưng theo mình thấy đây là nghệ sỹ R&B Hàn Quốc có thể cho là đáng nghe nhất. Nhạc ổng chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi các trường phái Soul Jazz và R&B thời kỳ trước nên đi hòa âm nghe khá bánh cuốn và lạ tai. Mấy bài của Zion.T tương đối đi theo vòng nên nếu nghe quen rồi thì cũng không khó lắm để nắm được cách triển hợp âm của ổng. Nên tìm hiểu, nếu bạn muốn phát triển việc cover các ca khúc nhạc Việt hiện nay (vốn cũng đang ngả về hướng R&B theo vòng 4 hợp âm 7 giống Hàn Quốc)
Zion.T - hồi chưa bỏ kính dzâm ra. Mà bỏ ra rồi thì thấy mặt ổng hơi ngố ngố :v
4. Sam Kim: mới biết ku này gần đây thôi, nhưng cá nhân mình thấy cực kỳ triển vọng luôn. Sam Kim có thể làm nhạc tốt trên cả 3 thể loại, và đương nhiên là nhạc của thằng em nghe rất phê lòi vì sử dụng nhiều hợp âm nâng cao kết hợp với chất giọng trầm ấm đặc biệt. Một điểm nữa có thể có lợi cho các bạn là nhạc Sam Kim sử dụng chất liệu Guitar rất nhiều, điều này sẽ giúp các bạn có thể hình dung được cách đi hợp âm, thế bấm và các loại hợp âm màu được sử dụng như thế nào cho hiệu quả & giúp cho bản nhạc long lanh tình cảm hơn.
Các bạn nên tham khảo phong cách chơi đàn của Sam Kim - rất hiệu quả đấy
5. Yerin Baek/Kim Su-young: cũng là những sự lựa chọn để đổi vị khá ổn áp nếu muốn khám phá nhiều hơn về các nghệ sỹ Indie của Hàn Quốc. Cách hát của 2 người này tương đối giống nhau & nhạc cũng màu mè xêm xêm nên mình xếp chung một hạng luôn. Với riêng Yerin Baek, đây cũng là một nữ nghệ sỹ rất đáng để tham khảo nếu các bạn có biết đến City Pop – một thể loại nhạc rất tuyệt vời thịnh hành ở Nhật Bản hồi thế kỷ trước, và nhạc của Yerin gần giống như là một phiên bản phòng thu chất lượng hơn nhiều so với các tiền bối ngày xưa.
Yerin Baek
Kim Suyoung
6. DEAN, Crush, Heize: cả 3 có cùng một trường phái R&B với Zion.T, tính ra cũng một chín một mười không ai hơn ai cả & mỗi người có xu hướng thiên về một cách thể hiện riêng biệt (như Heize thường kết hợp R&B với Ballad, Crush là R&B thuần túy còn DEAN thì hay kết hợp với phong cách Hiphop của Mỹ). Nhạc của mấy người này ít nhiều có hòa âm vòng tương đối rõ ràng, nhưng nhiều khi cái “vòng” của họ cũng đau đầu lắm.
Crush -  một thời là couple rất ăn ý với Zion.T
DEAN
Heize
7. Các nghệ sỹ/nhóm nhạc Indie của Hàn Quốc: cũng nhiều nghệ sỹ khác nữa nên chắc phải gom chung phần còn lại vào một group gọi nôm na là “K-Indie, hoặc Korean Indie” - tức những nghệ sỹ Hàn Quốc không phải là ai đồ hay thuộc nhóm vừa hát vừa nhún vừa nhảy nào đó mà họ đơn thuần chỉ làm nhạc, share nhạc lên các nền tảng, ra đĩa, phục vụ cho một đối tượng khán giả trung thành với các thể loại phi thị trường. Mình có thể liệt kê ra một số cái tên để các bạn search thêm & tự trải nghiệm như: Standing Egg, Epitone Project, 10cm, Acourve, Hyukoh, Ra.D, Chansom, Lucid Fall, Lee Jin Ah, Lovewave, Chai, George, Zico, Colde, Coffee Boy, Hyukoh, Rocoberry, OOHYO, OFFONOFF…
Lâu lâu mình lôi nhạc của Lovewave ra nghe - cảm giác rất dễ chịu, bình yên
Bonus 1: một số channel chia sẻ nhạc Hàn trên Youtube mà mình thấy khá tốt (2 cái đầu là do người Việt lập nên có cả Vietsub cho mỗi bản nhạc nữa). 
Bonus 2: một số channel hướng dẫn hợp âm của các bản nhạc Hàn: tầm khoảng 1 – 2 năm trước thì có rất nhiều kênh được lập ra, nhưng do Google làm gắt vụ bản quyền nên các bác “rén” dần và bỏ cuộc chơi, tuy nhiên vẫn còn lại một số channel tiếp tục duy trì, các bạn có thể tham khảo như sau:

   Nói tóm lại thì ở chuyện chơi đàn kỳ này, mình chẳng bao giờ dùng cái từ “K-pop” cả. Vì theo mình, đó là cách gọi phiến diện và có phần mỉa mai đối với một phân khúc nhạc Hàn thị trường được đông đảo giới trẻ ưa thích, mà “giới trẻ” thì cũng là một bộ phận nghe nhạc thôi chứ không phải đại diện cho tất cả. Vậy cho nên, mình dùng cụm từ chung đó là “Nhạc Hàn” hay "Nhạc Hàn Quốc"; và nếu các bạn tin mình, thử tiếp cận các artist/phương tiện mình đã nêu ở trên và cảm nhận thì ắt các bạn cũng sẽ hiểu điều mình muốn hướng đến trong bài viết – đó là một khía cạnh khác của nhạc Hàn, và ở đây, nó thực sự đáng để chúng ta học hỏi. 
   Nhắc lại lần nữa, hãy nghe nhạc với góc độ của người chơi nhạc, phân tích và thể nghiệm chứ đừng vội thành kiến. Đừng để những định kiến chủ quan làm rào cản cho sự khám phá của mình, và đừng nghĩ rằng mình sẽ trở nên đơn độc, lập dị đi nếu bỏ thêm mấy bản nhạc Hàn vào trong Playlist của mình. Mà cũng không đơn độc gì quái đâu, vì hàng tá ca sỹ Việt Nam ngoài kia như Min, Suni Hạ Linh, Phạm Hồng Phước hay thậm chí là Producer của Chi Ka Pu thì họ cũng có thể đang làm điều giống mình đó. Biết đâu không chừng :)