Quentin Tarantino và Thắng: từ fan trở thành bậc thầy và sự vị kỷ cần thiết
Thế nào là "high art" và thế nào là "low art"? Tất cả đều là tương đối
Khoảng 5 năm trước, mình đã ra rạp để xem bộ phim thứ 9 của Quentin Tarantino. Trong lúc xem phim, mặc dù mình rất thích những gì đang được xem, từ bối cảnh rơi vào Thời Đại Vàng của Hollywood, tới lối viết dialog trào phúng của Tarantino cùng vô số reference được cài cắm và cảnh quay đập vào mắt gợi nhớ về những bộ phim nổi tiếng của thập niên 1960, rồi cả diễn xuất hài sặc cả nước của Leo DiCaprio và Brad Pitt, nhưng trong suốt thời gian phim trong lòng vẫn luôn âm ỉ một sự bất an. Đó là vì mình sợ phải thấy bi kịch sẽ đến với Margot Robbie giống như nó đã đến với Sharon Tate trong câu chuyện thực ngoài đời. Đến lúc phim kết thúc và từng chữ trong tiêu đề Once Upon a Time... in Hollywood tuần tự hiện ra, cảm giác của mình lúc đó có lẽ là sự thanh thản. Đúng như tiêu đề phim, Tarantino đã kể một câu chuyện cổ tích ở Hollywood, với bối cảnh và chất liệu lấy từ những gì ông chứng kiến khi còn nhỏ, nhưng trong thế giới giả tưởng này, ông đã ban cho nó một màn cao trào đầy sảng khoái và một cái kết dịu dàng mà có lẽ ông từng ước là sự thật.
Ở một toạ độ không-thời gian gần với hiện tại hơn, một ngày sau Tết thiếu nhi 1/6 vừa qua Youtube đã suggest Hướng Dương - bài hát mới nhất của Thắng: bấm vào nghe với tâm trạng ngái ngủ và mình như được trở về với lúc còn là thiếu nhi. Nó là một vibe đặc sệt pop ballad đầu những năm 2000s, thời kì tung hoành của các boyband, với một lối đi giai điệu rất quen thuộc với thế hệ 9x, rồi cả cách harmonize lẫn cách chơi guitar đều gợi về giai đoạn đó. Cảm giác thân thuộc lại càng được xây đắp khi trong bài Thắng cũng đã mượn luôn một câu từ Chuyện Chàng Cô Đơn của Hoàng Bách và một câu nữa trong Giọt Nắng Bên Thềm của nhạc sĩ Thanh Tùng. Guilty pleasure playlist của mình giờ đã có thêm một bài hát nữa.
Hai trải nghiệm kể trên của mình cũng là hai ví dụ điển hình cho phong cách làm nghệ thuật rất đặc trưng của Tarantino và Thắng: Tarantino làm ra phim mà bản thân ông muốn xem, và Thắng sáng tác ra nhạc mà hắn thích nghe. Cả hai là những nồi thập cẩm với vô số gia vị và nguyên liệu từ những thế hệ trước, và họ là những chuyên gia trong việc xào nấu những nguồn nguyên liệu đó thành những món ăn thú vị, vừa lạ vừa quen.
Một tên mọt phim và một tên mọt nhạc
Trước khi họ trở thành người làm nghệ thuật, cần phản nói rằng cả Tarantino và Thắng đều là những con mọt phim (với Tarantino) và mọt nhạc (Thắng) có khả năng thẩm thấu đáng ngưỡng mộ.
Trước khi có thành công đầu tiên với Reservoir Dogs và trở thành đạo diễn/biên kịch gây sốt khắp thể giới, Tarantino đã có một thời gian 5 năm làm nhân viên tại Video Archives - một cửa hàng cho thuê băng đĩa phim tại LA, California. Sau này, Quentin Tarantino đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Video Archives đối với ông không chỉ là một cửa hàng cho thuê băng mà như một trường dạy làm phim trong mơ, nơi ông được thoả sức bơi lội trong kho tàng phim ảnh đồ sộ và được tranh luận về phim hàng giờ liền với những nhân viên khác và với cả khách hàng. Chính những năm tháng cày phim quên đời như vậy đã trở thành vốn liếng cho những bộ phim đậm chất riêng mà ông làm ra. Phim của Tarantino luôn đầy rẫy reference về những bộ phim ông ưa thích, và khi xem phim của ông ta có cảm giác như được trải nghiệm một bản mashup được tạo ra bởi một tên fan cuồng điện ảnh rất có gu vậy.
Thắng là một người nghe rất nhiều nhạc với đủ thể loại trên trời dưới biển, và chúng ta có thể thấy điều đó qua các sản phẩm của Ngọt và cả của Thắng khi là nghệ sĩ solo. Rải rác trong những lần trả lời phỏng vấn từ những năm trước, Thắng đã chia sẻ về những nghệ sĩ có ảnh hưởng tới tư duy âm nhạc của anh, tiêu biểu là The Beatles, Nirvana, hay Django Reinhardt, và cả những ban nhạc alternative rock của Việt Nam như Bức Tường, Thủy Triều Đỏ, Da Vàng, Gạt Tàn Đầy, hay Microwave. Bên cạnh đó, như Thắng chia sẻ thì những năm tháng còn nhỏ khi lần đầu được nghe nhạc của các thế hệ nhạc sĩ đi trước như Việt Anh, Anh Quân, Huy Tuấn, Dương Thụ và Trần Tiến đều là những khoảnh khắc rất mạnh. Ngoài những gì đích thân Thắng thổ lộ, thì khi nghe nhạc của Thắng, ta cũng có thể nhận ra sự ảnh hưởng từ rất nhiều thể loại và phong cách âm nhạc khác nhau, vượt ra ngoài biên giới đặc trưng của rock n' roll, jazz, hay blues.
Tất nhiên trong giới làm phim hay làm nhạc thì ai cũng xem nhiều và nghe nhiều. Ở đây mình chỉ muốn bàn luận về cách hai người họ dạo chơi với những chất liệu đã có và làm mới chúng bằng cách thêm vào đó cá tính của riêng họ, hay sự khéo léo trong cách họ lồng ghép những yếu tố quen thuộc vào sản phẩm của mình. Cuối cùng, mình sẽ nói một chút quan điểm vì sao cần có những nghệ sĩ kiểu như Tarantino hay Thắng.
Những kẻ học lỏm với khả năng thẩm thấu cao
Quentin Tarantino: chơi đùa trên lằn ranh giữa thẩm mỹ và sự hỗn tạp rẻ tiền
Như đã nói, Tarantino có con mắt xem phim được rèn giũa rất tự nhiên mà không qua trường lớp bài bản nào - rất khác với những auteur khác cùng thế hệ như Paul Thomas Anderson, anh em nhà Coen, hay Wes Anderson. Đây cũng là tiền đề cho cá tính điện ảnh rất đặc sắc của ông. Phong cách của Quentin Tarantino thường là: đậm chất trào phúng, lối kể chuyện không theo tuần tự thời gian, rất nhiều pop culture reference, mỗi nhân vật đều có đặc điểm nhận dạng nổi bật, dialog đầy chất xám và được viết với ngôn ngữ rated R không nhượng bộ, set piece công phu, subtext được đưa vào khéo léo, còn các cảnh bạo lực thì luôn nhiều nhan nhản và được nghệ thuật hoá.
Tarantino thích phim võ thuật Hồng Kông, thích samurai Nhật, và thế là ông làm ra hai phần phim Kill Bill (vol 1 và vol 2) để thoả mãn mong muốn tự mình làm ra phim kung fu. Phim rất nhiều cảnh bạo lực, nhưng lại được thở vào đó một chất thơ qua sự kết hợp các yếu tố Đông-Tây và thông qua cách ông dẫn dắt người xem đi theo hành trình của the Bride (Uma Thurman). Thực lòng, xem Kill Bill mang cho mình cảm giác như đang xem trí tưởng tượng trong đầu một đứa trẻ mê kung fu và assassin, nhưng lại được phơi bày trau chuốt và rất ...nghệ. Một cảm giác khó tả.
Hồi nhỏ Tarantino mê xem spaghetti Western (tên gọi chung cho những bộ phim cao bồi viễn Tây được làm bởi các đạo diễn gốc Ý những năm 60s), và ông muốn chia sẻ cho cả thế giới biết về niềm đam mê đó. Bộ phim Once Upon a Time... in Hollywood nhắc tới ở đầu bài như một bức thư tình của ông cho giai đoạn hoàng kim của Hollywood và của phim cao bồi với vô số reference được nhắc tới (ngay cả tên phim cũng là lời gợi nhớ trực tiếp đến phim Once Upon a Time in the West làm năm 1968 của đạo diễn Sergio Leone). Nhiều yếu tố đặc trưng của spaghetti Western - ví dụ như nhân vật chính không có moral compass rõ ràng và có tính chất phản anh hùng (anti-hero) - cũng được Tarantino sử dụng trong các phim như Hateful Eight, Kill Bill, hay Django Unchained.
Trong đó, Django Unchained là một bộ phim mà có lẽ chỉ có Tarantino là đủ ngáo và ...láo để làm. Phim đề cập đến chủ đề buôn bán và bạo hành nô lệ da đen ở Mỹ những năm 1800s. Với một chủ đề nhạy cảm và dễ trở thành ngòi nổ tranh cãi như vậy, đa số các đạo diễn sẽ vô cùng thận trọng và rụt rè trong cách họ diễn đạt ý tưởng của mình. Tarantino thì mặc kệ. Nhân vật chính Django (Jamie Foxx) là một anh chàng nô lệ da đen không biết chữ trở thành người hùng cao bồi đi trả thù những kẻ da trắng độc ác và cứu nàng công chúa của mình (một cái plot vừa sến vừa rất ...chuối). Ngay khi được công chiếu, bộ phim trở thành tâm điểm tranh cãi khi có quá nhiều phân cảnh đấu súng bạo lực và hình ảnh sống sượng về người da đen bị tra tấn hay là trò mua vui của giới chủ nô thời trước Nội Chiến Mĩ. Phim thậm chí lập kỉ lục về số lần từ n*gga xuất hiện (110 lần, mà đa số là trong lời thoại của các nhân vật da trắng) khiến cho Leonardo DiCaprio, một người nổi tiếng là lịch thiệp, đã bị stressed vì phải liên tục nói n-word quá nhiều khi vào vai tên chủ nô lệ. Tarantino làm tất cả điều này vì hai thứ: (1) ông muốn hình ảnh phải chân thực nhất có thể, dù nó có làm rất nhiều người xem bị sốc, và (2) ông muốn Django là một bản hùng ca hoành tráng cho người da màu, vừa thật mãn nhãn với tính giải trí cao lại vừa đậm chất thơ và subtext. Subtext trong các câu chuyện của Tarantino luôn rất muôn hình vạn trạng. Ví dụ như trong Django, nó được giấu ở chỗ bác nha sĩ Schultz (Christoph Waltz) đi trừng trị tên chủ nô man rợ với cái tên Candie (viết cách điệu của Candy - kẹo) - kẻ mang đến nỗi đau (và nếu để ý thì sẽ thấy răng của Candie trông cũng khá tởm). Và khi sự căng thẳng của khán giả đã được đẩy lên cực hạn bởi suspension và hàng loạt hình ảnh về nô lệ nhìn sởn gai ốc thì những màn trả thù và trừng phạt mà Django cùng bác sĩ Schultz bột phát ra làm ta thấy thật thoả mãn.
Trong vũ trụ điện ảnh của mình, có hai theme mà Tarantino rất thích, đó là trả thù và viết lại lịch sử ngoài đời thực. Với Once Upon a Time, ông đã viết lại kết chuyện để nó đẹp hơn chuyện thật ngoài đời rất nhiều. Trong Django Unchained, ông đã để người nô lệ vùng lên và trả thù những kẻ da trắng áp bức mình. Nhưng màn viết lại lịch sử hoành tráng nhất của Tarantino có lẽ là với Inglourious Basterds, khi mà ông đã viết lại cách Thế Chiến Thứ 2 kết thúc. Đây cũng là phim có màn trả thù công phu nhất. Đối với bản thân mình, Inglourious Basterds là phim mà ông làm tốt nhất phần đạo diễn. Phân cảnh mở đầu của phim có lẽ là một trong những đoạn mở đầu được thực hiện hoàn hảo và lôi cuốn nhất trong 20 năm qua; ánh sáng, cách đặt góc máy, tinh chỉnh ống kính, đến diễn xuất hay đến sởn gai người của Christoph Waltz từ lúc đại tá Landa xuất hiện để hỏi cung đến khi hắn đứng trước cửa nhìn Shosanna chạy đi (một cảnh pastiche tưởng nhớ cố đạo diễn John Ford)- tất cả đều tạo ra suspension gây thấp thỏm và làm cho mắt ta bị dính chặt vào màn hình vì sợ bỏ lỡ điều gì. Ngoài ra, cũng có những phân cảnh khác nữa cũng rất ấn tượng, ví dụ như đoạn các sĩ quan phe Đồng Minh gặp Bridget von Hammersmark trong quán rượu nơi có lính Phát Xít đang ăn mừng, hay cảnh Shosanna gặp lại đại tá Landa. Trong xuyên suốt phim (và đặc biệt là ở những phân cảnh mình liệt kê) ta thấy được cách chuyển trạng thái và khả năng điều tiết nhịp độ phim rất đỉnh của Tarantino, khiến người xem luôn bị hooked.
Mặc dù phần nói về Tarantino đã dài, nhưng mình vẫn muốn nhắc tới Pulp Fiction. Nếu Inglourious Basterds là đỉnh cao về direction của Tarantino, thì Pulp Fiction là đỉnh của ông với tư cách là nhà biên kịch. Giống như cách ông đã làm mới thể loại film noir quen thuộc với Reservoir Dogs, ở Pulp fiction ta thấy được sức sáng tạo mạnh mẽ ở việc ông đã tạo ra một loạt nhân vật rất quái đản và thú vị cùng với những đoạn dialog rất bánh cuốn. Nội dung các đoạn hội thoại có thể rất bâng quơ nhưng lại rất ăn nhập, ví dụ như đoạn John Travolta lải nhải với Samuel J. Jackson gần 5 phút về tên gọi các món burgers của McDonald's ở Pháp, hay đoạn Samuel L. Jackson biến tấu nguyên một đoạn Kinh Thánh trong lúc tra hỏi - những điều mà nếu không xem phim mà chỉ nghe kể thì sẽ thấy khá ...nhảm nhí. Như thường lệ thì cultural references vẫn là đặc sản của ông, ví dụ như cặp đôi cướp nhà hàng gợi ta về Bonnie and Clyde, đoạn Uma Thurman và John Travolta thi nhảy bắt chước những con mèo trong Aristocats, cảnh Bruce Willis dừng ở ngã tư là học từ Psycho, hay cảnh Travolta mở vali lấy từ phim Kiss Me Deadly. Cái tài của Tarantino cũng thể hiện ở cách ông đan xen nhiều câu chuyện vào nhau rất khéo léo - thậm chí mỗi câu chuyện thuộc một thể loại (genre) khác nhau, để rồi những mạch chuyện ban đầu rời rạc cuối cùng lại liên quan và là hệ quả của nhau. Để làm cho kịch bản lại càng cuốn hơn nữa, Tarantino kể tất cả những câu chuyện này không theo trình tự thời gian, làm cho những phỏng đoán hay kì vọng của người xem liên tục được điều chỉnh. Một kịch bản được viết rất tài tình, và mình không có cách nào diễn đạt trọn vẹn được cái hay của nó.
Thắng: bắt chước và không ngừng thể nghiệm
Quay trở lại với Thắng. Nếu như Tarantino có mắt thẩm mĩ khi xem phim thì Thắng có tai nghe nhạc rất tốt. Tai nghe nhạc tốt ở đây nên được hiểu rộng một chút; nó không chỉ gói gọn ở việc nghe nhiều và biết chọn lọc cái hay, mà còn ở khả năng mổ xẻ những gì mình nghe và biến nó thành của mình một cách rất tự nhiên.
Trong catalog của Ngọt và của Thắng (solo), bên cạnh những âm hưởng quen thuộc của alternative rock, rock ballad, hay indie pop/rock, ta có thể thấy danh sách các thể loại nhạc (genre/subgenre) Thắng đã thử nghiệm thực sự dài như sớ: rockability (Đam Mê), blues (1900), soul/R&B (Để Quên), psychedelic rock (Bạn thỏ tivi nhỏ), vinahouse (Đốt), ska (Vì Ai), bossa nova (Xanh), waltz (Em Dạo Này), swing (Cho), contemporary R&B (Để Nó Đến), hip-hop (An Thần), dân gian đương đại (Phải Lòng), musical theater (Mất Thời Gian), electronic (Save it for your boyfriends), dân gian miền núi Tây Bắc (03 Hay Là), jazz (04 Thắp Hương 05 Hoá Vàng), ...vân vân và vân vân.
Với Thắng (và Ngọt), thì DNA âm nhạc - thứ định nghĩa họ - không nằm ở thế loại âm nhạc họ chơi, mà ở việc họ liên tục cố gắng làm mới mình, liên tục tìm kiếm identity mới cho bản thân mình với những cuộc thử nghiệm tiếp theo. Vì vậy những nhận xét hồi trước thi thoảng lại có như "Ngọt mất chất" hay "Ngọt không còn indie", theo mình, là đã hiểu lầm tôn chỉ khi làm nhạc của họ. Điều này làm mình liên tưởng đến Bob Dylan giai đoạn 1965, khi ông đang là người dẫn đầu làn sóng hồi sinh nhạc folk của Mĩ, được ca ngợi là phát ngôn viên của cả một thế hệ, thì đột nhiên ông lại chuyển sang chơi guitar điện và làm nhạc rock n' roll - thứ nhạc mà lúc đó những người thích folk thuần tuý coi là rác, là nhạc của quỷ satan. Bob Dylan tất nhiên chẳng quan tâm đến những chỉ trích và sự tẩy chay hàng loạt hướng về ông, và suốt cuộc đời mình, Dylan luôn là người anti-labeling. Ông rất ghét bị "định nghĩa" hay bị gán cho một thể loại nhất định. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng ông đúng khi khoảnh khắc "Dylan went electric" sau này được coi như bước ngoặt đối với lịch sử âm nhạc đại chúng.
Tai nghe nhạc tốt còn được Thắng thể hiện qua khả năng word painting rất khéo. Word painting ám chỉ kỹ thuật soạn nhạc sao cho nhạc theo sát và lột tả rõ ý tứ trong lyrics, giống như âm nhạc đang thực sự vẽ ra bức tranh được viết ở trong lời vậy. Khi tiếng guitar trong Hết Thời vang lên ta được nghe một giai điệu thật cũ mà chỉ có ở những năm 90, 2000 (kết hợp với tiếng piano ở verse 2 cũng như được bới ra từ những bộ phim k-drama năm 2000 vậy). Khi nghe giai điệu của Kho Báu ta lại thấy như đang ở trên một con tàu hải tặc đi săn vàng. Với Drama Queen ta cảm nhận được rõ sự tăm tối và tính kịch mà bài hát đang xây dựng (nghe Drama Queen mình rất hay liên tưởng đến sự kết hợp giữa cách chơi guitar kiểu angsty, grungy của Nirvana với cách chỉnh giọng và cảm giác lạc lõng, dystopian ở trong Karma Police của Radiohead). Với Kẻ Thù thì giai điệu lại cho ta cảm giác đang ngồi trong quán bar ẩm thấp bên cạnh một kẻ hận đời đang lèm bèm (hao hao một bài hát kiểu Tom Waits, ví dụ như Tango Till They're Sore). Rồi thì với 03 Hay Là trong EP Suýt 1 thì tiếng guitar ngay lập tức đưa ta tới vùng núi Tây Bắc, nơi núi non trùng điệp và có những căn nhà tranh đơn sơ. Vì có rất nhiều ví dụ về khả năng word paint của Thắng, nên để tránh lan man mình xin chốt hạ với Cho Tôi Đi Theo. Chắc hẳn đã có không ít người khi nghe bài ca cổ động tuyệt vời này và cảm thấy sôi sục muốn xách ba lô lên đi ngay lập tức (dù không biết đi đâu).
Cũng giống như Tarantino pha trộn những gia vị quen thuộc thành những sản phẩm điện ảnh độc đáo thì Thắng cũng rất giỏi trong việc nhào nặn những nguyên liệu thân thuộc với mình để tạo ra những nhạc phẩm chất lượng. Bài Màu (đen trắng) chẳng hạn, khi mà trong bài Thắng đã gài vào câu hát "tìm lại đi hãy tìm lại đi trong mỗi người" mượn từ Tìm lại của Microwave - hai bài hát có cùng một lời nhắn nhủ nên sự cài cắm này lại càng thích hợp. Tiện thể đang nói về Album 3, mình không thể bỏ qua Lần Cuối. Với mình, đây là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng "tạo mùi" của Ngọt band, mà mùi ở đây là mùi the Beatles giai đoạn cuối (thời kì sản xuất album Abbey Road): từ giai điệu melancholic rất McCartney-esque, đến harmony, guitar, kèn, trống, đến cả mixing và master (album được master ở Abbey Road Studios nên cái này khỏi bàn). Lần đầu tiên nghe Lần Cuối mình đã hơi sốc vì không nghĩ là lại có thể có một bản nhạc Việt lại đồng điệu với cái hồn của đoạn medley ở cuối album Abbey Road như thế.
Cách pha chế các chất liệu với nhau càng ngày được hoàn thiện và ở EP Suýt 1, nó thực sự trở thành điểm sáng. Ở đó, ta có một sự pha trộn giữa dân gian và hiện đại trong 03 Hay Là - một bản nhạc rock với giai điệu miền núi Tây Bắc và lời được viết theo thể thơ lục bát gieo vần rất dính. Ta cũng có một màn tụng kinh trên nền nhạc jazz với 04 Thắp Hương 05 Hoá Vàng (hợp tác với nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Bắc)- một bài jazz thực thụ mà trong đó có đầy đủ riff và fills, nghe vừa lạ vừa quen. Với ai đã từng nghe Thắng hát Thắp Hương bản acoustic nhiều năm trước thì bản phối mới này là một món quà rất bất ngờ. Tóm lại, Suýt 1 được làm quá chỉn chu, nên sẽ thật khó tin và đáng tiếc nếu như Ngọt band, dù đã thông báo tan rã, lại bỏ dở album 5 mà không hoàn thành nốt phần còn lại.
Tiện thể nói về chất thơ trong lyrics của Thắng. Để trở thành một đạo diễn auteur, trước hết Tarantino là một nhà biên kịch xuất sắc. Thắng cũng vậy, để làm được nhạc hay thì lời cũng rất quan trọng (trừ khi bạn như Elton John tìm được tri kỉ là Bernie Taupin). Cũng giống Tarantino có thể viết ra một kịch bản hay từ những chủ đề rất bâng quơ và ngẫu nhiên, cảm hứng cho những bài hát của Thắng có thể đến từ bất cứ đâu; dù là cảm xúc yêu ghét mạnh mẽ hay những cảm nhận mơn man ở giữa, là sự chiêm nghiệm về cuộc đời hay chỉ đơn thuần là những sự việc giản đơn trong ngày, là fiction hoàn toàn hay tả thực, tất cả đều có thể biến thành một bài hát. Về cấu trúc thì với mỗi bài hát của Thắng, trước khi thành bản nhạc nó đã là một bài thơ rồi. Thơ của Thắng, dù là thơ vần hay thơ tự do, đều không phức tạp mà đơn giản và dễ hấp thụ.
Có lẽ vì những điều này và nhạc Ngọt rất gần gũi, và gần như dù ở bất cứ tâm trạng nào hay ở giai đoạn nào trong cuộc sống, hay là khoảnh khắc trong một ngày, ta đều có thế tìm được một câu lyrics của Thắng để liên hệ. Cho dù là bạn đang ngồi thong thả uống cà phê và ngắm Đá Tan, hay khi bạn Để Quên đồ nhà người yêu cũ, hay chỉ là một hôm trời Xanh, hoặc đơn giản là bạn đang Không Làm Gì, hay khi bạn Vì Ai mà lỡ mất Điểm Đến Cuối Cùng, bạn có thể tìm thấy Thắng đã nắm bắt hộ bạn cảm xúc của những khoảnh khắc đó. Với một người lan man và luôn gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý tứ một cách ngắn gọn như mình (bạn có thể thấy thông qua độ dài bài viết này), thì mình thực sự nể những người có thể chỉ bằng một vài câu chữ mà lột tả được tâm trạng con người một cách tường minh và gợi hình như vậy.
Sự vị kỷ cần thiết
Khi một nghệ sĩ bước trên ranh giới giữa cá tính dị biệt của họ và thị hiếu, họ sẽ luôn phải đánh đổi cả hai thứ đó. Điều này ứng nghiệm với cả Quentin Tarantino và Thắng, và không phải ai cũng thích style của họ. Có rất nhiều người mình quen rất ghét phim của Tarantino, và mỗi người đều có những lí do riêng: vì phim có vẻ bất quy tắc và lộn xộn, có cấu trúc loằng ngoằng, hay quá nhiều cảnh bạo lực, hoặc ...chửi bậy quá nhiều. Nhạc Ngọt và Thắng cũng vậy: nhiều người mình quen đã nói không thấm nổi loại nhạc này. Ở chiều ngược lại, mình cũng biết có những người mà với họ, cái dị của Tarantino cũng ...thường thôi, và cũng có người thấy nhạc Thắng chưa đủ lạ và chưa đủ độc đối với họ.
Tuy nhiên, mình cho rằng việc luôn có những nghệ sĩ ở ranh giới giữa mainstream và niche như Tarantino và Thắng là rất quan trọng, và việc họ duy trì được cái tôi nghệ thuật của họ là rất cần thiết. Mặc dù họ làm nghệ thuật với một tinh thần vị kỷ, nhưng cả hai đều ý thức rõ được nhu cầu và khát khao có nhiều khán giả yêu thích tác phẩm của mình. Trước khi được đông đảo công chúng biết đến, cả hai đều có xuất phát điểm là những nhà làm nghệ thuật độc lập. Những thành công của Tarantino với Reservoir Dogs và Pulp Fiction đã đưa indie films ra ánh sáng. Còn với Ngọt, cũng có thể coi họ là những người mở lối để cộng đồng làm nhạc indie ở Việt Nam được biết đến nhiều hơn, và từ đó đã có rất nhiều nghệ sĩ indie dành được thành công.
Vì thế, với con đường nghệ thuật của họ, Tarantino và Thắng đã và đang tiếp tục xoá mờ định nghĩa thế nào là "good taste" và trộn lẫn cái gọi là "high art" (nghệ thuật kén khán giả, hay phải có "gu" mới thẩm được) với "low art" (nghệ thuật đại trà). Sự phân định giữa "high" và "low" bản thân nó đã là một ranh giới không rõ ràng và luôn biến đổi không ngừng theo thời gian. Ví dụ như lúc sinh thời Mozart và Beethoven, nếu nói về mức độ phủ sóng của họ với công chúng khi ấy, cũng có thể được coi như những ngôi sao sáng tác nhạc pop (theo đúng định nghĩa nhạc pop đơn giản chỉ là loại nhạc đang thịnh hành với công chúng tại thời điểm đó). Tới cuối thời của Beethoven, khi âm nhạc phương Tây chuyển sang thời kỳ Lãng Mạn, thì nhận định này có lẽ lại càng đúng. Hay gần gũi hơn thì chúng ta có jazz vào những năm 1920s-1940s là thứ nhạc rất hot ở Mĩ, bắt nguồn từ văn hoá của dân da màu và được đám đông ưa chuộng. Giờ đây thì với đa số mọi người nhạc của Bach, Mozart, Beethoven, Mendelssohn, Schubert, Chopin, hay tới tận Brahms, Mahler đều bị gộp lại là "cổ điển", dù chúng được sáng tác vào những giai đoạn khác nhau với những tiêu chuẩn về thẩm mỹ âm nhạc khác nhau. Cùng với jazz thì những thể loại này nay đã trở nên kén người nghe và được coi là "high art".
Kết
Bởi vì Tarantino vẫn còn lời hứa về bộ phim thứ 10 (và như ông tuyên bố thì sẽ là bộ phim cuối cùng), Ngọt vẫn còn lời hứa về album cuối, những ai theo dõi họ đều sẽ hi vọng về một ngày những lời hứa đó sẽ được thực hiện.
Mặc dù hi vọng là vậy, nhưng kể cả khi nó không thành hiện thực thì cũng không có gì để oán trách cả. Những ai thích phim Tarantino hay nghe nhạc Thắng thì có lẽ đều thích ở họ ở sự khác biệt, tính ngông và bất tuân theo dòng chảy của họ. Vậy thì chẳng có lí do gì để bực bội khi mà ta không thể kiểm soát được cái ngông đó.
Vì thế, (nhân dịp Euro) thì trong lời bài hát quốc ca (không chính thức) của cổ động viên Anh Quốc, nhà hiền triết Noel Gallagher đã từng dặn dò thế này:
Please don't put your life in the hands Of a Rock n' Roll band Who'll throw it all away
Mặc dù đặt tên bài hát là Don't Look Back in Anger nhưng Noel gần như chẳng bao giờ làm được như lời ổng viết, cơ mà mình cũng mượn lời một nhạc sĩ khác, Tùng: “Đừng tin những thằng viết nhạc!” mà hãy tin những bài hát.
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất