Ngọt - Lần cuối đi bên nhau, cay đắng, mà hơi đau.
Trong 2 năm liên tiếp, cộng đồng yêu nhạc Việt Nam phải nói lời chia tay với 2 ban nhạc lớn. Nỗi buồn sau sự ra đi của Cá Hồi Hoang...
Trong 2 năm liên tiếp, cộng đồng yêu nhạc Việt Nam phải nói lời chia tay với 2 ban nhạc lớn. Nỗi buồn sau sự ra đi của Cá Hồi Hoang còn chưa kịp vơi, chúng ta lại phải từ biệt với Ngọt.
Ơ kìa Ngọt…?
Trong thế hệ của chúng ta, có thể nói Ngọt là ban nhạc lớn nhất và nổi tiếng nhất. Đi từ indie, Ngọt là lá cờ tiên phong cho phong trào khởi phát và vươn lên của các nghệ sĩ độc lập, góp phần cổ vũ cho những cá tính âm nhạc độc đáo và có ‘chất’. Có thể nói, Ngọt vẫn đang ở thời đỉnh cao. Thậm chí mới đây thôi, Ngọt vừa ra mắt EP Suýt 1 gồm 4 bài hát rất hay, được đón nhận nồng nhiệt bởi những người yêu nhạc. Nhưng một ngày…
Ngọt đột ngột khép lại hành trình của mình ngay khi ban nhạc vừa kỷ niệm cột mốc 10 năm hoạt động. Dẫu biết chẳng có cuộc chia ly nào vui, nhưng với các Kẹo (*fan của Ngọt), cảm xúc mà họ phải chịu đựng là không gì tả nổi. Sững sờ, tiếc nuối, buồn bã và có khi là cảm giác bị phản bội.
Nhưng sau này, khi những cảm xúc chồng chéo ấy qua đi, tôi tin người hâm mộ của Ngọt sẽ tự hào về hành trình mà ban nhạc đã đi qua. Và nghĩ lại, việc Ngọt dừng chân có khi lại khiến ta trân trọng hơn những gì họ đã làm được.
Do vậy, hôm nay chúng ta ở đây không phải để nói về những nỗi buồn, mà để nhìn lại chặng đường của Ngọt - một ban nhạc đi lên từ ‘indie’ nhưng lại xóa nhòa mọi ‘ranh giới’ nhờ thứ âm nhạc kỳ diệu của mình.
Câu chuyện mở ra: Ngày xửa ngày xưa, có 3 đứa trẻ chơi nhạc…
Ngày xửa ngày xưa, có ba người bạn thân chơi với nhau là Vũ Đinh Trọng Thắng, Trần Bình Tuấn và Nguyễn Hùng Nam Anh. Họ chơi thân từ khi còn học cấp 1 và dần dà, họ được gắn kết bởi âm nhạc. Cho đến cuối những năm cấp 2, cả 3 quyết định lập thành một ban nhạc để chơi lại những ca khúc nước ngoài mà như Thắng nói, đó là lúc cả lũ hiểu thế nào là chơi nhạc để tương tác với nhau. Nó rất khác khi chơi một mình. Thắng thì hát, Nam Anh thì say mê với những nhịp trống, còn cây đàn guitar được ‘thủ vai’ bởi Tuấn. Cứ như vậy, họ được biểu diễn ở quán cafe của người quen. Cho đến khi vào đại học, cả bọn mới quyết định tự sáng tác và biểu diễn những bài hát của mình. Kể từ đó, những bước chân đầu tiên của Ngọt được bắt đầu.
Năm 2013, bản thu demo đầu tiên của ‘Cho tôi đi theo’ được đăng tải lên nền tảng Soundcloud. Bài hát được thu theo kiểu ‘cây nhà lá vườn’ bằng chiếc Iphone cổ của Bình Tuấn đặt lên đùi, tiếng guitar điện unplugged cùng giọng hát ‘non tơ’ từ Thắng.
‘Tôi quên đi năm tháng Yêu thương không còn Cần thêm mùi rượu vang Và đồ ăn ngon’.
Mặc cho âm thanh tậm tịt, những giai điệu của bài hát vẫn cuốn hút một cách lạ kỳ. Có lẽ là bởi Thắng hát theo một cách rất bản năng, không màu mè khiến cho lời ca tếu táo, thong dong nghe rất gần gũi, đáng yêu. Giống như một bài thơ được phổ nhạc vậy.
Lúc này, Ngọt dù còn non trẻ, nhưng sự nổi bật của họ đã bắt đầu nhen nhóm giữa thị trường nhạc Việt đầy rẫy những bài ballad với nội dung từa tựa nhau, không có gì khác biệt. Khán giả cần thứ gì đó mới, một ‘làn gió’ âm nhạc mới. Thế là Ngọt bằng những giai điệu mộc mạc và lời ca gần gũi, bắt đầu thu hút được sự quan tâm.
Cũng nhờ chất mộc mạc này mà âm nhạc của Ngọt khi ấy tạo được sự đồng cảm mạnh mẽ nơi người nghe. Các bản thu kế tiếp ‘Cho Tôi Đi Theo’ như ‘Không Làm Gì’ , ‘Quan Điểm’ hay ‘Đam Mê’ đều là những ca khúc đậm chất tự sự, chạm vào những nỗi niềm đau đáu của những người trẻ như sự bốc đồng, những nỗi lo hay khao khát được chứng tỏ bản thân. Chúng cũng đều được thu với chất lượng ‘Iphone’, hoặc là audio được trích ra từ những buổi live trực tiếp cực cháy.
Đơn giản nhưng không đơn điệu, nhạc Ngọt những ngày đầu vì thế mà tạo được tính tương tác cao với người nghe. Không ngoa khi nói rằng, Ngọt chính là ‘tuyên ngôn tinh thần’ cho đông đảo lớp trẻ yêu nhạc lúc bấy giờ.
Những cuộc dạo chơi đầy thể nghiệm của Ngọt /Mỗi Album là một cuộc dạo chơi
Album ‘Ngọt’
Được đà ủng hộ, Ngọt quyết tâm làm đĩa nhạc đầu tiên, thể hiện sự nghiêm túc trên con đường theo đuổi âm nhạc. Nhưng, là một ban nhạc ‘độc lập’, kiếm cơm từ âm nhạc chưa bao giờ là dễ dàng.
Với nhiều ban nhạc/nghệ sĩ, nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn luôn gây đau đầu. Việt Nam ta là một đất nước có thị trường âm nhạc cực kỳ đặc biệt. Chỉ vài năm trước đây thôi, các nghệ sĩ vẫn gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn kiếm tiền chỉ thuần từ âm nhạc. Nguồn thu không đến từ bán đĩa, hay bán nhạc số. Thay vào đó, họ chỉ tập trung ra mắt những single đơn lẻ, đánh bóng tên tuổi bằng những MV bắt mắt được đầu tư hàng tỷ đồng, rồi từ đó kiếm tiền từ những hợp đồng quảng cáo,... Nói chung, muốn làm nhạc mà ra tiền thì chỉ có sớm chết đói. Nhất là với những nghệ sĩ độc lập như Ngọt, khi họ mang cá tính âm nhạc riêng biệt, không chạy theo thị hiếu đại chúng và còn không được o bế bởi những ông bầu.
Trong bối cảnh ấy, Ngọt vẫn lựa chọn đường khó mà đi, với tinh thần kiên định đáng nể.
'Mọi thứ nó sẽ xoay quanh album thôi. Chỉ cần mình làm được album tốt là mọi thứ nó sẽ theo đó mà đi lên.’
Và Ngọt tìm ra một cách để có tiền làm nhạc rất thông minh. Đĩa nhạc đầu tay của Ngọt được sản xuất bằng tiền ‘crowdfunding’, hiểu đơn giản là gây quỹ từ cộng đồng thông qua các trang mạng xã hội. Sau 60 ngày, số tiền Ngọt thu về là 50 triệu góp vốn vào sản xuất album.
Gồm 10 bài hát, album 1 mang luôn tên của ban nhạc được thu âm và hậu kỳ với sự trợ giúp đến từ những chuyên gia nước ngoài, bao gồm những track demo được phối khí lại như ‘Cho Tôi Đi Theo’ hay ‘Những chuyến phiêu lưu’,... Album chính thức ra mắt vào ngày 13 tháng 5 năm 2016 và tẩu tán 1000 đĩa vật lý chỉ sau 4 ngày đầu tiên. Con số tăng lên 1500 đĩa sau 3 tháng phát hành. So sánh với bối cảnh thị trường khi không ai dám làm album vì quá tốn công và mang nhiều rủi ro doanh thu, chưa kể trong thời đại bùng nổ của Internet, người ta thường có xu hướng stream nhạc online bởi tính ngon bổ rẻ, thì từ đây, ta mới thấy Ngọt và bước đi ra mắt của mình can đảm đến mức nào. Ra đĩa đã khó, bán được đĩa còn khó hơn. Lượng bán nghìn bản của ‘Ngọt’ nghe qua tưởng là khiêm tốn, nhưng là một con số đáng mơ ước thời bấy giờ của các nghệ sĩ, bất kể mainstream hay indie.
Các đĩa đơn từ ‘Ngọt’ như ‘Không Làm Gì’ hay cú feat bùng nổ với Đen trong ‘Cho Tôi Lang Thang’ (đổi tên từ ‘Cho Tôi Đi Theo’) đã trở thành những bài hát giúp lan tỏa cái tên Ngọt đến với khán giả. Đặc biệt là ‘Cho Tôi Lang Thang’, đã trở thành một bản ‘quốc ca cổ động’, được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt vì đã giúp họ vượt qua những tháng ngày lạc lối u sầu. Hiện nay trên các nền tảng nhạc số, “Cho Tôi Lang Thang’ vẫn bền bỉ khi ghi nhận tới gần 30 triệu lượt xem trên Youtube và hơn 4 triệu rưỡi lượt nghe trên Soundcloud. Ở các sân khấu độc lập như ‘Tử Tế Show”, các khán giả thuộc từng câu từng chữ của ‘Cho Tôi Lang Thang’ và hát theo nghệ sĩ đến lạc cả giọng. Quả thật, đây là một trong những ca khúc indie thành công nhất từng được phát hành.
Album ‘Ng’bthg’
Không ngủ quên trên chiến thắng, Ngọt tiếp tục cho ra lò đĩa nhạc thứ 2 mang tên “Ng’bthg”. Lúc này, đội hình của Ngọt đã có sự thay đổi. Trần Bình Tuấn rời band để đi du học, để lại vị trí guitar lead cho Nguyễn Chí Hùng. Hùng được các thành viên gọi là ‘thần đông guitar’ vì anh chơi guitar rất cừ. Tiếng đàn của Hùng dù có chơi nhạc nhẹ hay nhạc cháy, đều nghe rất tình, có chút điệu đà và cực ‘nghệ’.
Ng’bthg phát hành vào tháng 9 năm 2017, đánh dấu một bước tiến vượt bậc. Đĩa nhạc thứ 2 của Ngọt bán được tới 4000 đĩa, tức gấp khoảng 2,5 lần album 1 chỉ sau 1 năm, chứng tỏ Ngọt đã có một vị trí nhất định ngày càng rõ nét trong thị trường âm nhạc. Vượt ra khỏi địa hạt indie, Tour Live Show quảng bá cho Ng’bthg nhận được sự quan tâm lớn từ giới truyền thông khi có lượng bán vé khủng. Ở đầu cầu Hà Nội, show Ng’bthg tẩu tán 3000 vé chỉ trong ít ngày. Ngay sau đó, 600 vé của show Sài Gòn cũng tàu bay hết sạch chỉ sau 3 ngày mở bán. Vì cầu cao hơn cung, nên các Kẹo chỉ cần chậm chân một chút thôi là đã bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ ban nhạc. Sức hút của Ngọt được nhân lên gấp bội, khi đĩa đơn ‘Em Dạo Này’ được phát hành. MV của ca khúc được phát hành vào ngày 11/10/2017, chễm chệ ngồi trên top 8 Youtube Trending và đạt tới 800.000 lượt xem chỉ sau 1 tuần. Một con số không tưởng với một ban nhạc độc lập!
‘Em Dạo Này’ được viết trên điệu waltz (Điệu van) của Pháp, kể về những nỗi niềm của một chàng trai hậu chia tay. Cậu thắc mắc giờ này bạn gái cũ của mình đang làm gì, còn thường duy trì những thói quen mà cậu từng biết hay không?
‘Vẫn những câu hỏi nhỏ Sau bao tháng chia ly’
Bên cạnh giai điệu ngọt ngào và vương chút bồi hồi, lời ca Thắng viết chính là chìa khóa thành công cho ca khúc. Mở đầu bằng những câu hỏi như tự sự, Thắng lập tức gợi lên cảm giác cực kỳ đáng yêu, đi kèm với lối dùng từ rất ‘đời thường’, không nắn nót hoa mỹ nhưng cực kỳ vào tai. Thắng còn nhắc tới hai tên riêng là ‘Vy’ và ‘Xuân’ là hai người bạn của người yêu cũ, vừa tạo cho bài nhạc một sự riêng tư nhất định, vừa khiến ‘Em Dạo Này’ nghe như một câu chuyện có thật. Về phối khí, bản thân điệu Waltz sẵn đã tạo nên chất lãng mạn, còn được điểm thêm tiếng accordion mượt mà, khiến cho bài nhạc nghe nửa vui nửa buồn, rất thú vị. Hay ho về mặt âm thanh và gần gũi về mặt nội dung, chẳng trách ‘Em Dạo Này’ lại thành công đến vậy. ‘Em Dạo Này’ chiến thắng Giải thưởng Cống hiến năm 2018 cho hạng mục Bài hát hay nhất. Đồng thời, Ngọt cũng được vinh danh ở hạng mục Nghệ sĩ mới của năm. Đây cũng là lần đầu tiên một nghệ sĩ indie được vinh danh với những hạng mục quan trọng.
‘Em dạo này’ nổi tới mức nhiều khán giả đã trêu rằng Ngọt không còn là indie nữa. Nhưng với Ngọt, indie hay không chẳng quan trọng, quan trọng là nhạc hay, mà nhạc hay thì nhiều người nghe âu cũng là chuyện bình thường.
Ta cũng không thể bỏ qua những bài hát hay khác trong ‘Ng’bthg’ với cách viết lời đậm tính chiêm nghiệm và giàu trí tưởng tượng. Đó là câu chuyện về tình yêu của những chú mèo trong Cho, là câu chuyện ngụ ngôn đi tìm vàng của lão già trong Kho Báu, là lời an ủi khiến ai nghe xong cũng muốn òa lên khóc trong Một Ngày Không Mưa (một sáng tác tuyệt hay của Nam Anh), là chất ma mị sầu đời trong Bartender, cũng là bài hát yêu thích của Divo Tùng Dương.
Đây cũng là giai đoạn Ngọt bắt đầu hướng đến sự chuyên nghiệp khi khâu sản xuất được thực hiện bởi cả 4 thành viên trong band. Sự xuất hiện của Ngọt trên sân khấu Ngọt - In the spotlight, sản xuất bởi công ty Mỹ Thanh, cũng là một bước tiến lớn của band khi họ được đánh cùng một dàn nhạc lớn với những nhạc công chuyên nghiệp.
Album '3 - tuyển tập nhạc Ngọt mới trẻ sôi động 2019'
Bẵng đi 2 năm chờ đợi sau Ng’bthg, chúng ta mới được thưởng thức đĩa nhạc thứ 3 của Ngọt ‘3 - Tuyển tập nhạc Ngọt trẻ mới sôi động 2019’
Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Billboard Việt Nam, ý tưởng cho ‘3’ đã được nhen nhóm ngay sau khi ban nhạc hoàn thành tour diễn Ng’bthg. Đội ngũ sản xuất của album ‘3’ không còn gói gọn trong các thành viên, mà còn có sự tham gia của nhà sản xuất nổi tiếng Michael Choi - người đã từng hợp tác với những ngôi sao toàn cầu như Kanye West hay Damon Albarn của ban nhạc The Gorillaz. Ngoài ra, ‘3’ còn được master bởi Christian Wright đến từ Abbey Road Studios, nơi từng là phòng thu của những Pink Floyd hay The Beatles.
Việc hợp tác với những cái tên ‘máu mặt’ chứng tỏ tham vọng lớn của Ngọt. ‘3’ là đĩa nhạc có số lượng bài hát lớn nhất của Ngọt với 14 bài, trải dài ở đa dạng thể loại như Rock, Neo Soul, Pop RnB, Punk,... nhưng vẫn giữ được sự thống nhất trong mặt âm thanh cũng như concept.
Nhắc đến ‘3’ thì không thể không nhắc đến bản tình ca u sầu LẦN CUỐI (đi bên em xót xa người ơi), quả bom đánh phủ đầu khắp các quán cafe và sân khấu open mic. Là single mở đường cho đĩa nhạc, nhưng LẦN CUỐI suýt chút nữa đánh mất vị trí đó vào tay của MÀU (đen trắng), bản rock tri ân đến ban nhạc huyền thoại Microwave. Việc chọn single đầu tiên là cực kỳ quan trọng, bởi nó sẽ quyết định phản ứng của khán giả cho full album, và LẦN CUỐI quả thực là một lựa chọn ‘trúng đích’.
Bài hát sử dụng những vòng hòa thanh gợi cảm giác hoài niệm, khiến ta liên tưởng đến âm nhạc của The Beatles. Nhờ đó mà nghe rất suy và đượm buồn. Nhưng nhờ sự tài tình, Ngọt không để LẦN CUỐI vượt ngưỡng ủy mị, bi thảm nhờ vào câu điệp khúc ăn tiền ‘Vậy là lần cuối đi bên nhau, cay đắng nhưng không đau’, cùng nhiều hình ảnh gợi tả một nỗi buồn thật đẹp, như khép lại một chương và sẵn sàng bước đi trên một hành trình mới. Ngoài ra, lý do LẦN CUỐI có sức lan tỏa mạnh mẽ như vậy là nhờ vào phần giai điệu in sâu vào đầu tức thì và rất dễ hát theo. LẦN CUỐI chính là bước chuyển mình ngoạn mục của Ngọt. Bài hát nhanh chóng trở thành hit lớn của năm 2019, chưa bao giờ vắng khỏi setlist của Ngọt trên các sân khấu bất kể lớn nhỏ. Gần đây, Lần Cuối còn xuất hiện trên sóng VTV qua bản Cover của nữ ca sĩ kỳ cựu Thu Phương và nhận về nhiều ý kiến bàn luận của khán giả, chứng tỏ độ nổi tiếng của bài hát vẫn âm ỉ dù đã 5 năm trôi qua.
Nhờ đó mới thấy, LẦN CUỐI mà độ nhận diện của Ngọt vượt xa khỏi địa hạt indie, phủ rộng tới đại chúng. Có thể nói trong giai đoạn này, Ngọt đã thu hút được rất nhiều fan gia nhập vào cộng đồng Kẹo.
Tour diễn ‘3’ cũng là Tour diễn có quy mô lớn chưa từng có. Nhu cầu xem Ngọt diễn live nhiều kinh khủng đến mức, lúc đầu ban nhạc chỉ định diễn 1 đêm tại Hà Nội, nhưng rồi phải mở thêm một đêm nữa vì lượng đặt vé quá cao. Bản thân người viết cũng đã phải giành giật từng giây mới có cho mình tấm vé vàng đến xem show diễn này. Khoảnh khắc được hét LẦN CUỐI cùng hàng ngàn người hâm mộ thực sự là một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên.
Album 'Gieo'
Đĩa nhạc thứ 4 của Ngọt - Gieo là đĩa nhạc nhận được nhiều ý kiến trái chiều, và cũng là đĩa nhạc mạo hiểm nhất trong bộ discography của Ngọt.
Theo đuổi dòng nhạc Psychedelic Rock - là dòng nhạc mô tả lại trạng thái phê như con tê tê khi chơi ma tóe - Ngọt đem đến một Gieo với không gian âm nhạc mộng ảo, ma mị và đầy quyến rũ.
Khó nghe không? Có! Nhưng thú vị không? Chắc chắn rồi!
Ngọt chưa bao giờ sử dụng nhiều hiệu ứng âm thanh đến vậy trong một đĩa nhạc. Điển hình như bài hát đầu tiên - Bạn thỏ tivi nhỏ - Thắng viết lại những hồi ức tuổi thơ xen lẫn với sự tiếc nuối khi trưởng thành nhưng bằng những thứ âm thanh rất ‘quái’. Sử dụng đoạn sample từ nhạc phim hoạt hình Hãy đợi đấy (Nupakachi) và thay thế bằng tiếng guitar điện réo rắt của Chí Hùng, Bạn thỏ tivi nhỏ có được ngay hơi thở của những năm tháng cũ, nhưng rùng rợn và mê hoặc. Cách đi giai điệu của bài cũng gợi ta về những bài hát thiếu nhi, nhưng theo cách hát của Thắng lại nghe như tiếng của một đứa trẻ con đang khóc. Hay hay không hay còn tùy vào tai của mỗi người, nhưng nếu nhận xét về việc khai phá những âm điệu mới lạ, Ngọt đã làm quá thành công.
Cảm giác gai góc đó còn xuất hiện trong nhiều bài hát khác thuộc đĩa, như Em Trong Đầu là câu chuyện lãng mạn hóa chủ đề ‘stalker’ vốn khó khai thác, hay là những dòng suy tư mơ hồ không biết đi về đâu trongĐêm Hôm Qua hay thậm chí là về cái chết trong Điểm Đến Cuối Cùng
Một số ý kiến cho rằng Ngọt đã đánh mất cái chất của họ trong Gieo. Nhưng với người viết, Ngọt vẫn như vậy, vẫn luôn là những kẻ ưa khám phá, và không hề giới hạn bản thân trong bất kỳ khuôn mẫu nào.
Thú vị hơn, điều đó còn thể hiện ở cách đóng gói album Gieo, được đề cử Grammy cho hạng mục Thiết kế ấn phẩm album xuất sắc nhất. Không chỉ là đĩa CD được bọc vỏ giấy hay nhựa, Gieo còn là một món đồ lưu niệm được thiết kế công phu với nhiều món phụ kiện độc lạ đi kèm, như một xấp giấy màu hay là một gói hạt giống có thể dùng để ‘gieo’ mầm, đúng như chủ đề mà album nói tới.
Gieo vẫn là album yêu thích của tôi. Gieo khiến tôi luôn kỳ vọng vào những thứ mới mẻ trong âm nhạc của Ngọt, và Suýt 1, EP trước khi Ngọt tan rã đã thỏa mãn kỳ vọng đó.
EP Suýt 1
Suýt 1 chỉ với 4 bài hát đã minh chứng cho thấy, Ngọt chưa bao giờ đuối sức khi ‘dạo chơi’ với những chất liệu khó, như ở đây là dân gian.
Từ thể thơ lục bát trong 03 Hay là, cách xưng hô “mình - tôi” đầy tình cảm trong 01 Chuyện dở dang, hay cú lật bánh tráng tụng kinh a di đà phật trên nền nhạc jazz trong 04 Thắp Hương 05 Hóa Vàng. Ngọt vẫn thật sự là những quái kiệt và có thể làm tất cả mọi thứ chỉ cần họ muốn.
Suýt 1 thực sự đã thổi bùng trong tôi một sự hứng thú chưa từng có sau nhiều năm theo dõi Ngọt. Không biết họ còn có thể làm gì nữa đây? Nhạc của họ còn có thể quái đến mức nào nữa? Liệu có thể có Suýt 2 3 4 không? Những câu hỏi đó làm ta nóng lòng muốn nghe thêm nữa những sản phẩm mới của Ngọt.
Nhưng rồi Ngọt đột ngột tuyên bố tan rã chỉ vài tuần sau khi tung ra Suýt 1, để lại sự hoang mang và tiếc nuối khôn nguôi cho người hâm mộ. Và giờ, tất cả những hy vọng tương lai của Ngọt chỉ còn là sự mong mỏi đi vào dĩ vãng.
Kết - Tri ân tới Ngọt
Vào ngày 19 tháng 3, chỉ gần 1 tháng sau Suýt 1, Ngọt thông báo sẽ chính thức dừng biểu diễn. Các Show diễn ấn định có sự tham gia trước đó của Ngọt như CAM hay Những Thành Phố Mơ Màng đều sẽ vắng mặt ban nhạc, và Ngọt sẽ chịu trách nhiệm và bồi thường.
Khỏi phải nói, các Kẹo nói riêng và cả những người yêu nhạc đã như bị hắt một gáo nước lạnh lên đầu. Dừng hẳn với không một lời giải thích, Ngọt đang làm một hành động mà một nghệ sĩ đang ở thời đỉnh cao không bao giờ nên làm. Từ trước đến nay, việc Ngọt xảy ra mâu thuẫn và cãi vã không phải là chuyện hiếm, thậm chí đôi khi những cuộc tranh cãi còn xảy ra ngay trước giờ diễn. Nhưng họ vẫn gạt hết sang một bên để bước lên sân khấu, tất cả vì người hâm mộ của mình.
Hẳn là có chuyện gì nghiêm trọng lắm mới xảy ra cơ sự như vậy. Sau đó, dòng status của Thắng đã gây chú ý. Không tiết lộ thêm về cơ sự, giọng ca chính của Ngọt bày tỏ sự tiếc nuối vì không thể diễn các show đã hứa do sức khỏe tinh thần không đảm bảo. Thắng hứa sẽ quay lại sân khấu nhưng là solo, không cùng với Ngọt. Các Kẹo vừa mừng vừa buồn. Mừng vì Thắng không im lặng, nhưng buồn là gần như chắc chắn, Ngọt đã thật sự dừng lại.
Nhưng thay vào đó, thay vì để cơn giận và nỗi buồn kéo mình chùng xuống, thì hãy nhìn vào sự thật rằng Ngọt đã tạo ra không chỉ thứ âm nhạc thật đẹp và giàu thể nghiệm, mà còn là sự truyền cảm hứng lớn lao. Hãy thật tự hào vì những thứ mà Ngọt đã làm được trong 10 năm qua.
Ngọt với âm nhạc diệu kỳ, đã xóa nhòa đi ranh giới ‘nhạc độc lập’ và mainstream, là lá cờ đầu mở đường cho nhiều nghệ sĩ khác tự bước đi trên con đường âm nhạc của riêng họ. Những bài nhạc của Ngọt hẳn đã đồng hành cùng bạn trong những ngày tháng u tối và khó khăn nhất, là lời động viên ta mỗi khi cuộc đời đánh ngã bạn.
Còn tôi, tôi tin vào giá trị trường tồn của âm nhạc, và tôi tin một ngày trong một cơ may bất ngờ nào đó, Ngọt sẽ tái ngộ lại với chúng ta. Như vào một ngày không nắng, không ghi bàn cũng chẳng sao cả. Chuyện buồn hôm ấy sẽ là chuyện cười hôm nay thôi, nhỉ?
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất