Tôi nghe nhạc của Taylor Swift ở trong tù
Âm nhạc của cô ấy làm tôi cảm thấy mình như vẫn còn là một mảnh của thế giới mà tôi đã bỏ lại sau lưng.
Đây là phần dịch của mình từ bài viết Listening to Taylor Swift in Prison của tác giả Joe Garcia.
Gặp nhạc Taylor trong tù ở tuổi 38
Lần đầu tiên mà tôi nghe tới cái tên Taylor Swift, là khi tôi đang ở sau song sắt của nhà giam quận thuộc Los Angeles, và chờ để bị tống vào trong ngục vì tội giết người. Hôm ấy, mấy viên cảnh sát đã phân phát vài tờ Los Angeles Times quý báu, và chúng được chuyền qua tay hết người này đến người khác để đọc. Thời bấy giờ, tôi đã thề rằng Prince là nhạc sĩ xuất sắc nhất trong suốt cuộc đời tôi, và tôi nghĩ rằng việc Taylor được đón nhận như một ngôi sao đang lên ở cái độ tuổi teen thật không hợp lý. Tôi lướt qua gương mặt với đôi mắt mở to của Taylor ở trong phần lịch của tờ báo, để tìm đọc tin về các cuộc thanh toán băng đảng và bạo loạn chủng tộc. Nhà giam đây vốn là nơi đầy nhóc các thanh niên da màu, cầm bút viết và biểu diễn những bản rap của riêng họ, thường là các chủ đề xoay quanh việc đuổi theo tiền tài và danh vọng; trong khi đó thì Taylor lại ở ngoài kia, đã thực sự đang trên đà giàu sang và nổi tiếng. Thật sự thì cô nàng tóc vàng hoe ấy có thể dũng cảm đến đâu?
Năm 2009, tôi bị kết án tù chung thân. Một buổi sớm nọ, tôi bị đưa lên chuyến xe áp giải, tay chân đeo cùm, trong bộ áo liền quần mặc một lần, và bị đưa đến Nhà tù Bang Calipatria, một pháo đài xi măng nằm ở rìa phía nam của California. Nhiệt độ (F) trên ba chữ số, nền đất nứt nẻ màu cam cháy, và cả cái mùi nồng hăng của biển Salton ở gần đó, khiến cho tôi luôn thấy như mình vừa bị đày lên sao Hỏa vậy. Dù sao thì, sau sáu năm ngụp lặn trong sự hỗn loạn của nhà giam quận, tôi cuối cùng cũng có thể sở hữu những món đồ xa xỉ nho nhỏ như một chiếc tivi rồi. Như cái “tên pháo đài xi măng” mà chúng tôi thường gọi, những bức tường dày của Calipat đã cản trở đài cá nhân của chúng tôi thu sóng vô tuyến, nhưng một ăngten nội bộ của nhà tù vẫn thu được những chương trình như “Access Hollywood”, “Entertainment Tonight” và “TMZ”. Tôi cảm thấy khó chịu khi phải nghe những câu chuyện phiếm về giới celeb, nhưng nó là sự kết nối hiếm hoi với thế giới bên ngoài kia, và nó cũng đã cho tôi cơ duyên để xem những màn hình diễn thực sự của Taylor Swift lần đầu tiên trong đời. Thỉnh thoảng, tôi cũng bắt gặp cô ấy trên “The Ellen DeGeneres Show” hoặc “Fallon”, và tôi rất ngạc nhiên trước cách cô ấy miệt mài thảo luận cùng chương trình về những sáng tác của mình. Từ đó mà tôi đã âm thầm giữ cho riêng mình suy nghĩ rằng cô gái này thật tài giỏi.
Vào năm 2013, khi mức độ giám sát của tôi được giảm xuống do tôi cải tạo tốt, tôi đã yêu cầu được chuyển đến nhà tù ở bang Solano, cơ sở này có sân bãi cho tù nhân ở phạm vi cấp độ 3 và là nơi gần nhất với gia đình của tôi ở Vùng Vịnh. Tôi đã được luân chuyển đến đó, nhưng tất cả tài sản của tôi - một chiếc tivi, một máy chơi đĩa CD, xà phòng, kem đánh răng, kem dưỡng da và thực phẩm - đã bị thất lạc trong quá trình vận chuyển. Tôi phải ở chung phòng giam với một tù nhân cũng mắc cảnh thất lạc tương tự; vì vậy trong nhiều tháng liền, chúng tôi buộc phải sống dựa vào lòng tốt của các phạm nhân hàng xóm để vượt qua cảnh ngộ. Thứ duy nhất có khả năng đem âm nhạc đến cho chúng tôi là một chiếc radio bỏ túi đi mượn, và cần phải cắm qua chiếc tai nghe có giá 3 đô la bày bán tại cửa hàng chính thức của nhà tù. Vào ban đêm, chúng tôi sẽ vặn âm lượng to hết cỡ và đặt cái tai nghe lên trên chiếc bàn ở trong phòng giam. Những chiếc loa bé xíu xiu kia sẽ phát lên những màn trình diễn bùng nổ của các bản hit trong Top 40.
Suốt quãng thời gian ấy, hầu như giờ nào tôi cũng nghe thấy những bài hát đến từ album phòng thu thứ 4 của Taylor Swift - “Red” được phát trên đài. Tôi bắt đầu trở nên mê đắm chúng. Nằm trên chiếc giường tầng, tôi thường lắng tai nghe tiếng ngáy của bạn cùng tù và đợi chờ cho bài ca “We Are Never Ever Getting Back Together” được quay vòng vang lên. Khi giai điệu ấy trở lại với tôi, tôi luôn nghĩ về cô gái mà tôi đã chung sống suốt 7 năm cho đến khi phải vào tù. Tôi còn nhớ những lần buồn vui lẫn lộn khi người con gái thân yêu ấy đến thăm tôi những ngày ở nhà tù quận. Chúng tôi sẽ cứ vậy nhìn nhau qua tấm kính an ninh được gia cố bằng dây thép chắc chắn. Thật chẳng công bằng cho em khi mong đợi cô ấy chờ cho tới ngày mãn hạn của mình, nên tôi đã nói với em rằng em xứng đáng với một người bạn đời có khả năng ở cạnh bên. Nhưng chúng tôi đã lảng tránh cụm “không bao giờ”, và thẳm sâu trong tôi vẫn luôn hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể trở lại với nhau. Khi tôi nghe bài hát “Everything Has Changed”, tôi đã phải cố kìm nén những giọt nước mắt của cao hứng lẫn đau buồn. Taylor hát,“Tất cả những gì mà tôi cảm thấy khi thức dậy sáng nay, là tôi biết đã có gì đó khác hẳn trước nay đã từng” (“All I knew/ This morning when I woke/ Is I know something now/ Know something now/ I didn't before”) Tôi nhớ về buổi hẹn hò đầu tiên của hai đứa, và cái cách mà chúng tôi trò chuyện, rộn vang tiếng cười cho tới tận tối khuya. Đến mức chúng tôi phải miễn cưỡng tạm dừng để chìm vào vài tiếng say ngủ trước khi trời sáng.
Cuối cùng thì, sau mấy tháng trời ròng rã, đồ đạc của tôi, bao gồm cả máy chơi đĩa CD, cũng đã đến được tay tôi. Nhưng ngay cái lúc mà tôi đã sẵn sàng để đặt mua album “Red" từ bên danh mục băng đĩa được phép sở hữu, thì tôi mới biết rằng Bộ Cải huấn và Phục hồi CDCR của California (California Department of Corrections and Rehabilitation), đã đưa tên tôi vào một danh sách luân chuyển khác. Tôi không muốn đặt mua để rồi album ấy bị mắc kẹt lại nhà tù cũ sau khi tôi chuyển đi tí nào, nên trong thời gian đó tôi đành tìm tới giải pháp là nghe qua một đài phát thanh địa phương mà thường xuyên phát nhạc của Taylor Swift. Đôi khi, những câu hát kéo dài đậm chất miền Nam và cả liên khúc honky-tonk trên đài làm tôi không thể nhịn mà cười lớn. Nhưng đó cũng là đài phát thanh hiếm hoi lúc này cho phát sóng tất cả các thể loại bài hát của Taylor, từ “Tim McGraw” cho tới “I Knew You Were Trouble". Có thứ gì đó nằm trong giọng ca của cô ấy thật khác lạ, một thứ khiến tôi vô thức thấy dễ chịu, một thứ thật chân thành và tốt đẹp; và thứ đó cảm giác như luôn ngụ ý mang tới hạnh phúc hoặc ít nhất là ấp ủ một khả năng rằng hạnh phúc sẽ xảy tới. Khi tôi lắng nghe âm nhạc của cô ấy, tôi cảm thấy như mình vẫn còn là một mảnh của thế giới mà tôi đã bỏ lại sau lưng.
Cuộc sống nhà tù khi là một gã đàn ông nghe Taylor Swift
“Hạ cánh” ở một khu trại mới - mà cụ thể ở đây, là nhà tù được biết đến với tên gọi Thuộc địa của những “bố tướng” California (California Men’s Colony) - có nghĩa là hành trình tìm bạn mới, và cả đồng bọn mới sẽ bắt đầu. Mỗi chiếc bàn hay mỗi khu vực tập luyện ở đây đều được tuyên bố chủ quyền bởi một bè đảng hoặc một sắc tộc khác nhau. Tôi có cả dòng máu châu Á lẫn Hispanic chảy trôi trong người, thế nên tôi chọn nhập bọn với hội châu Á ở khu thể hình với dụng cụ làm từ những khối xi măng. Khi mấy gã hỏi tôi thể loại nhạc tôi thích là gì, tôi thành thật chia sẻ rằng tôi đang bứt rứt chờ đợi album của Taylor Swift. Và thế là mấy thằng chả cười phá lên. “Ôi giời ơi, chúng ta có một Taylor con ở trong trại này”, Lâm, một tay vai u thịt bắp mới nói. “Mày có vẻ thắm thiết với mặt nhạy cảm của mình quá nhỉ? Mày có phải là gay không?” Gã đặc biệt thích móc mỉa tôi trước mặt anh bạn Hùng của gã, cái tên chẳng nói chẳng cười mấy và gần như chỉ im lặng.
Tôi đã xem được màn trình diễn “All Too Well” của Taylor Swift trên sân khấu Grammy năm 2014 ngay tại thời điểm chờ đợi album “Red” về tay mình. Thế rồi bài hát ấy trở thành ca khúc tôi phải nghe đầu tiên ngay sau khi tôi bóc lớp nilon khỏi đĩa nhạc mới toanh, và cũng ca khúc này làm tôi luôn phải tạm ngưng mấy bài khác, mà nghe đi nghe lại chỉ mình nó mỗi khi cày album. (Thậm chí phiên bản 10 phút của bài hát này còn tuyệt hơn nhiều). Lắng nghe Taylor hát về những khoảnh khắc tuyệt diệu của tình yêu, cách mà chúng cứ được tìm thấy và đánh mất liên tục, làm tôi nhớ về quãng thời gian trước khi vào trại của mình, và cũng là lúc tôi vội vã chia tay người con gái mà tôi thương mến. Em đã tới tận nhà tôi chỉ để trả lại một chiếc áo phông. Giây phút mà em treo nó lên tay nắm cửa và quay bước ra đi, tôi đã ở bên kia của cánh cửa ấy. Tôi có thể cảm nhận được ai đó chỉ vừa đứng đây thôi, nhưng, vào thời khắc tôi mở cánh cửa ra, em đã xa tôi mất rồi.
Khi album “Red” về tới tay tôi, tôi cuối cùng cũng nghiệm ra lý do tại sao Lâm cứ chọc quê tôi trước mặt Hùng. Ấy là do “Red” là đĩa nhạc duy nhất của Taylor mà Hùng không sở hữu - nguyên nhân là vì cậu ta đinh ninh khởi đầu với Pop của Taylor Swift sẽ là một sai lầm trong khi đang trên đà vĩ đại với dòng nhạc đồng quê cùng 2 album “Fearless” và “Speak Now”. Không chỉ Hùng đâu, hóa ra Lâm cũng là một Swiftie, một fan cứng của Taylor Swift như tôi. Trong suốt sáu tháng sau đó, bộ ba chúng tôi sẽ luôn tụ lại ở khu thể hình, vừa tập vừa tranh luận với nhau xem album nào của Taylor mới là số 1. Thế rồi Hùng chuyển sang nhà tù khác, và mang theo toàn bộ bộ sưu tập đĩa nhạc của mình.
Quanh quanh quãng thời gian Taylor Swift ra mắt album “1989”, tôi lén trang bị được cho mình một chiếc loa boombox cổ. Đáng lý ra, việc đổi chác tài sản và mua bán các thiết bị di động là vi phạm điều luật của CDCR, nhưng trên thực tế mọi nhà tù đều có một anh bạn mà phòng giam sẽ luôn đầy nhóc nào radio, nào TV, nào loa đài, với mục đích tồn tại để anh chàng này sửa lại và đem bán. Tôi đi kiếm GL, anh chàng điện tử của trại hiện tại, mà ngay từ ngày cậu ấy chuyển tới, tôi đã biết cậu ta chính là tay thợ sửa đồ điện đỉnh nhất cuộc đời tôi. Tay này mê mẩn việc tái cấu trúc nhiều loại loa đài khác với nhau để có được thứ âm thanh tuyệt vời nhất. Cậu ấy nối chiếc loa boombox với những chiếc dây cáp phụ trợ và đưa cho tôi sử dụng. Ở CMC, tôi có nguyên một buồng giam riêng cho mình, nên tôi có thể vặn tiếng nhạc to lên vừa đủ theo ý mình muốn để nhấn chìm những âm thanh khó chịu văng vẳng ở phía ngoài buồng giam. Dĩ nhiên, với nhiều bạn tù của tôi thì Taylor Swift mới chính là thứ âm thanh khó chịu văng vẳng. “Có chuyện mẹ gì mà suốt ngày phải nghe con bé Taylor Swift đấy?” một gã tù bên la ó. Nhưng theo sau cũng là giọng của ai đó với yêu cầu: “Bật bài "Style" đi. Giai điệu của bài hát đó quá đỉnh”. Và vào lúc bài hát kết thúc, tôi lại nghe giọng của một người khác thừa nhận rằng, “Cô gái ấy khá phết chứ đùa”.
Khi một người chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác, người đó không thể mang bất cứ món đồ vật nào không trong danh sách tài sản chính thức đi theo. Vào cuối năm 2015, tôi đem chiếc boombox trả lại cho GL và rời nhà tù CMC để tới nhà giam Folsom. Sau một năm ở Folsom, tôi chuyển tới nhà tù San Quentin. Tôi bắt đầu làm việc 1/4 tiếng mỗi ngày tại San Quentin News, một tờ báo nội bộ của nhà tù. Cũng loanh quanh thời gian ấy, CDCR bắt đầu cho phép các tay buôn đồ bán máy nghe nhạc MP3 cho chúng tôi với cái giá vào khoảng vài trăm đô. Mấy người này còn bán mỗi bài hát với giá 1.75 đô và 10 đô cho một cái thẻ nhớ. Thế mà sau cùng, tôi vẫn hỏi xin gia đình đặt cho mình lấy 1 chiếc máy và gọi cho chị họ Roxan của tôi để nhờ giúp. “Cái quái gì mà mày mê Taylor Swift dữ vậy?” chị ấy ngán ngẩm với tôi mỗi lần gọi điện. Vào thời điểm Taylor ra mắt album “Lover”, tức vào năm 2019, tôi cũng sở hữu gần như mọi bài hát mà cô ấy từng phát thành. Và, khi máy chơi MP3 nhận lệnh hạn chế trong tù bởi vài gã tù nhân gian xảo dấm dúi dùng thẻ nhớ của máy nhạc cho điện thoại - thứ vốn bị cấm, thì mối quan hệ giữa tôi và chiếc máy MP3 của mình cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.
Một trong những homies của tôi ở nhà tù San Quentin có một chiếc radio cổ có thể chơi được cả đĩa CD lẫn băng cát sét. Khi cậu ấy được ân xá, mấy tay anh em tù tội khác đều săn đón cậu ta vì chiến lợi phẩm kia. Cậu ấy vốn biết tôi mới là người thực sự hiểu về giá trị của nó, mà tôi lại chẳng thèm làm một phần của đám đông lèo nhèo kia, và tôi nghĩ cậu ấy càng đánh giá tôi cao hơn vì điều ấy. Thế nên cậu ấy đã tặng tôi chiếc radio đó làm món quà chia tay. Tôi thậm chí còn có thể đường đường chính chính kê khai nó vào thẻ tài sản trong tù của mình. Đầu phát MP3 được kẹp gọn gàng vào phần cánh của cát sét, nên từ nay tôi có thể theo dõi playlist mỗi khi nghe nhạc. Hàng xóm của tôi, Rasta, là ông trùm mấy vụ cỏ ciếc trong này, thế nên tôi thường chơi nhạc Taylor Swift để át đi việc mấy gã đang đốt thuốc ở ngoài kia. Rasta thích chế nhạo tôi lắm, nhưng những gã còn lại thì luôn yêu thích bài hát “Bad Blood” bản remix cùng Kendrick Lamar của cô ấy. “Cái thứ này thú vị thật đấy”, họ nói, “ai mà lường trước được?”
COVID, biệt giam, âm nhạc và những suy tưởng
Bảy tháng sau khi album “Lover” được phát hành, CDCR đã cho dừng mọi hoạt động tập thể ở nhà giam bởi đại dịch COVID - tức là cả không được tụ tập thành các nhóm trong trại, lẫn không được tham gia hoạt động tình nguyện ngoài trại, và dĩ nhiên là không nhận khách ghé thăm. Nhưng CDCR vẫn mang con virus Corona vào trong nhà tù San Quentin dù đã cẩn thận cấm đoán, bởi CDCR đã chuyển mấy tù nhân bị nhiễm virus vào trong này. Vào cuối tháng 6 năm 2020, hàng trăm tù nhân được test dương tính với COVID và bắt đầu ốm o mỏi mệt, bao gồm cả tôi. Tôi đem theo toàn bộ tài sản của mình vào phòng biệt giam trong khu cách ly, nơi tôi đã một mình trải qua những cơn ớn lạnh và mồ hôi ròng ròng chảy ra từ khối não bùng nhùng suốt 2 tuần lễ. Người duy nhất tôi được tiếp xúc là một y tá trong bộ đồ bảo vệ toàn thân, cũng là người kiểm tra tình trạng sinh tồn cho tôi, và ngoài ra thì còn có một đội ngũ nhân viên cốt cán của nhà tù - ở giai đoạn này là những người chưa bị lây nhiễm - sẽ mang cho chúng tôi những bữa ăn ngắt quãng. Tôi theo dõi số liệu tử vong của San Quentin trên bản tin địa phương mỗi ngày. Liệu tôi có lìa trần một mình trong phòng giam này, đột ngột và khó thở dữ dội không? Tôi liền lập một danh sách những bài hát giúp xoa dịu tinh thần nhất của Taylor Swift, và lắng nghe niềm hạnh phúc lâng lâng trong giọng hát của cô ấy.
Cô độc trong phòng giam lạnh lẽo, làm hiển hiện trước mắt tôi là sự bất khả thi trốn tránh chính bản thân mình. Cùng với lúc cơ thể và trí não tôi bắt đầu hồi phục, tôi cũng đặt câu hỏi cho mọi thứ về mình. Điều gì mới thực sự quan trọng lúc này? Tôi thực sự là ai? Sẽ ra sao nếu tôi chẳng còn sống qua ngày mai? Tôi đã không liên lạc với người tôi yêu hơn 2 năm trời rồi, vì em nói với tôi rằng em đang thử làm lại từ đầu với một người khác, một người thương em. Và giờ, dẫu biết vậy, tôi vẫn viết cho nàng một bức thư để hỏi xem liệu cuộc sống em có ổn.
Sau một tuần gửi bức thư ấy cho nàng, tôi nhận được một lá thư đề người gửi là em. Thực tế thì thư từ trong chốn này quá chậm nên tôi sớm nhận ra đó không phải một lá thư hồi đáp - sự thật là chúng tôi đã cùng lúc viết thư để gửi cho nhau. “Lockdown đã khiến em có khá nhiều thời gian để suy ngẫm về mọi khía cạnh cuộc đời”, chữ em nắn nót, “Và em đã luôn mang anh tới mọi nơi tâm trí em suy tưởng”. Đọc đến đây, tôi liền thấy cả lời ca “Daylight” của Taylor cùng những con chữ đó tràn vào suy tư của mình: “Em giờ đây chẳng còn thiết nghĩ về điều gì trên đời, nhưng anh đã xuất hiện thật rõ ràng trong tâm trí” (“I don’t wanna think of anything else now that I thought of you.”) Vậy là em đã quay trở về cuộc sống độc thân, và chúng tôi bắt đầu trò chuyện cùng nhau mỗi tuần. Cũng trong thời gian lockdown ấy, lọt thỏm giữa đống khay đựng đồ ăn xung quanh, tôi đã liên tục chống đẩy, tập chân, squat và plank trên chiếc sàn phòng giam rộng 5,6m. Năm thứ 20 trong trại giam của tôi đang dần tới.
20 năm trong tù giam, ký ức và những câu hỏi của Taylor Swift
Vào năm 2020, cơ quan lập pháp của California đã thông qua điều luật quy định rằng bất cứ ai đã chịu liên tục 20 năm tù giam và ngoài 50 tuổi, thì đều đủ điều kiện để hưởng ân xá. Tôi đã năm mươi ba tuổi, vậy là tôi sẽ có cơ hội đầu tiên được phóng thích vào năm 2024. Tôi không thể ngăn mình tiếp tục nghĩ tới “Daylight” một lần nữa. “Tôi đã li bì quá lâu trong suốt cái đêm dài 20 năm tăm tối,” Taylor đã hát. “Và giờ đây, tôi đã nhìn thấy ánh dương rồi.” (“I've been sleeping so long in a 20-year dark night/And now I see daylight”)
Những ngày này, tôi sẽ gọi cho cô gái của tôi thường xuyên nhất có thể. Các viên sĩ quan có thể ngắt nguồn cuộc gọi chỉ với một cú nhấn công tắc, và trục trặc nhiễu loạn kỹ thuật cũng có khả năng khiến cho cả hệ thống ngừng hoạt động bất thường, nên tôi luôn nâng niu từng cuộc gọi như thể đó sẽ là lần cuối. Ở chiều ngược lại, tôi cũng cảm thấy như em cũng đang nôn nóng chờ mong được nghe tin từ tôi. Em kể với tôi rằng thật phức tạp và bối rối biết bao khi em thấy như đang chuyện trò cùng bóng ma đã biến mất từ 20 năm trước. Nhưng khi dựa mình vào bức tường, ngay bên kia cũng là các chàng trai khác đang tâm sự cùng tình yêu của mình trên điện thoại, tôi không thấy mình giống một bóng ma. Tôi thấy mình đang rõ rệt sống. Ngay đây thôi, em nói với tôi rằng, “Nói chuyện với nhau qua điện thoại nhiều thế này khiến em thấy chúng mình hiểu rõ về nhau hơn trước đây rất nhiều.” Chúng tôi đã nói về việc bản thân mình thay đổi nhiều đến nhường nào. “Có lẽ anh sẽ không còn thấy em quyến rũ chút nào nữa đâu,” em thủ thỉ. “Em chẳng còn là con người mà em đã từng trước đây nữa.”
Một sớm tháng Mười năm 2022, tôi dùng bữa trong nhà ăn và kịp trở lại phòng giam đúng giờ chương trình “Good Morning America” phát sóng. TV của tôi không có loa, thế là tôi khệ nệ nối nó vào chiếc đài boombox. Đột nhiên, tôi nghe thấy một giọng hát thân thuộc nhưng lại đang ca vang một đoạn điệp khúc lạ lẫm hoàn toàn: “It’s me, hi / I’m the problem, it’s me.” Các MC trên sóng vô cùng hào hứng khi thông báo về album mới của Taylor Swift - “Midnights”, và phát các trích đoạn từ MV của bài hát “Anti-Hero”. Trong video đó, Taylor xuất hiện với kích thước siêu to khổng lồ, và tranh luận cùng với các phiên bản khác nhau của chính mình. Tôi nhoẻn miệng cười. Chúng ta lại đang chứng kiến Taylor một lần nữa trở lại.
Các nhà phân phối nhạc MP3 thường luôn chậm trễ trong việc phát hành nhạc mới, nên tôi đã có vài tuần lễ nghe ké album này trên truyền hình, âm thầm chờ cơ hội được lắng nghe từng bài một. Sau đó, một hôm khi đang thơ thẩn trên sân của trại giam, tôi vô tình gặp một người bạn tình nguyện viên mà tôi đã làm thân và làm việc cùng suốt nhiều năm. Chúng tôi đang tản bộ quanh sân thì bạn tôi bắt đầu láo liên nhìn ngó xung quanh để chắc chắn chúng tôi không bị theo dõi. Sau khi chắc mẩm xung quanh đều sạch bóng người, bạn tôi liền tuồn cho tôi một bản “Midnights” mới tinh và chúc tôi có một sinh nhật vui vẻ. Nghĩa cử này khiến tôi gần như đã òa khóc. Vào tối hôm ấy, sau bữa ăn thường nhật, tôi xé bỏ lớp giấy bóng kính và phủi đi chút bụi còn vương trên đầu phát CD của chiếc đài boombox. Bài ca “Lavender Haze” nổi lên khi tôi đọc tới dòng ghi chú nho nhỏ trên vỏ. Ở đó Taylor viết: “Điều gì làm bạn phải thao thức hàng đêm?”
Suốt 2 thập niên vừa qua, giấc ngủ chưa bao giờ đến với tôi một cách thanh thản. Thường là khi tôi nằm lên giường, tôi sẽ nghĩ tới cái ngày tôi bị bắt giữ bởi tội ác tôi gây ra. Đó là hôm vài người hàng xóm đã gọi 911 và báo cáo có nghe được tiếng nổ súng. Và tôi trong đêm vẫn còn nhìn thấy những gương mặt buồn đau của gia quyến người đàn ông mà tôi đã kết liễu, chằm chằm dõi theo tôi trong các phiên tòa nơi phòng xử án. Tôi còn nặng tội hơn cả việc giết người. Bởi lúc ấy tôi đã bỏ rơi cả bố mẹ tôi và người tôi yêu nữa. Chẳng có cách nào để sửa lại những vụn vỡ này.
Taylor Swift hiện đang 33 tuổi, tức là bằng tuổi với tôi lúc tôi bị bắt giam. Tôi tự hỏi liệu âm nhạc của cô ấy có thể mang âm hưởng mạnh mẽ tới vậy không nếu như tôi vẫn đang bằng tuổi Taylor. Tôi tự hỏi liệu tôi có phản ứng dữ dội với câu hát “Tôi chính là ngọn nguồn của vấn đề, không ai khác” (“I’m the problem, it’s me”) nếu như tôi quay trở lại năm 33 tuổi. Để mà so thì vấn đề lớn nhất của Taylor là chìm đắm trong men rượu, không giống của tôi chút nào, nhưng tôi vẫn thấy câu chuyện của mình trong đó. “Tôi có thể đứng nhìn thẳng thắn vào mặt trời chói lóa, nhưng sẽ không bao giờ dám đối mặt với hình bóng ở trong gương” (“I’ll stare directly at the sun, but never in the mirror”), Taylor hát, và tôi nghĩ về mảnh gương bằng nhựa chỉ cao 12cm rộng 7cm ở trong phòng giam của mình. Suốt nhiều năm tháng qua, tôi cứ luôn nhìn ngắm bản thân như một kẻ phản anh hùng trong một phản chiếu tự thuật đầy cong vênh, méo mó. Giờ đây, tôi có muốn nhìn rõ bản thân mình không?
Trong nhạc phẩm “Karma”, Taylor hát, “Câu hỏi là tôi đã học được gì từ ngần ấy năm tháng/ Câu hỏi là tôi đã nhận được gì từ ngần ấy nước mắt rơi.” (Ask me what I learned from all those years/ Ask me what I earned from all those tears"). Chỉ vài tháng tính từ bây giờ thôi, Hội đồng Điều trần Ân xá của California sẽ hỏi tôi những câu hỏi như vậy. Tôi đã học được những bài học gì nhỉ? Tôi phải cho họ thấy cái gì từ 20 năm mất tự do nơi ngục tối của mình đây? Trong những tháng tới, khi tôi chong mắt vì các câu hỏi này xuyên đêm, tôi sẽ lắng nghe “Midnights” của Taylor Swift. Người phụ nữ mà tôi yêu nói em đã sẵn sàng để gặp tôi ở bên ngoài cánh cửa tù tội, vào cái ngày mà tôi có thể đi bộ dưới ánh dương rực rỡ. Gần đây, em cũng hỏi tôi, “Nếu anh có thể đi tới bất cứ đâu, làm bất kì vào ngày đầu tiên anh được tự do trở lại, anh sẽ muốn chúng ta làm gì cùng với nhau?” Câu hỏi này cũng khiến tôi hồi hộp không kém mỗi đêm. ♦
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất