Tiêu đề mình dùng từ “cưỡi ngựa xem hoa” có lẽ là để phù hợp với quy mô của bài viết này, vì tiến trình hợp âm là một khái niệm rất bao la, rộng khắp & không thể bao quát hết tất cả ra đây được. Mình nghĩ đơn thuần thôi, thế giới âm nhạc phát triển thế nào thì cùng với đó khối lượng tiến trình hợp âm cũng phát triển theo và đa dạng dần lên. Tốt nhất là chúng ta cứ tiếp cận và trải nghiệm từ từ, biết được một tiến trình rồi thì hãy cố học thêm cái khác. Cứ thế, tự khắc sau một thời gian chúng ta nhìn lại sẽ nhận ra mình đã biết được quá trời thứ hồi nào không hay à.
Tiến trình hợp âm, hiểu cách nhanh gọn lẹ nhất là cách sắp xếp các hợp âm với nhau tạo thành một chuỗi giai điệu nền có ý nghĩa. Dân gian ta còn gọi là “chùm hợp âm”. Một tiến trình hợp âm trọn vẹn, có đầu có dẫn và có đuôi sẽ tạo nên bộ khung sườn của một bản nhạc, một ca khúc; để việc còn lại là đặt lời/giai điệu vào và phối khí dày lên để cho ra lò một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Đây là khái niệm cần phải biết nếu như bạn muốn bắt đầu nghiệp sáng tác, phát triển hòa âm, hoặc ít nhất là hiểu được bản chất của các nhạc phẩm. Kể cả khi bạn đi đánh quán Café và bắt lợn thiên hạ, bạn cũng cần phải vững các tiến trình hợp âm thông dụng để chiến được bản nhạc mà khách họ yêu cầu trong thời gian nhanh nhất có thể (chứ không ngồi rặn từng nốt từng hợp âm đâu nhé, khách trả dép bỏ về đấy :v).
Trước khi vào nội dung chính, ta cần dành 5 phút nhắc lại về các hợp âm có trong âm giai (giọng, key). Ngoài khái niệm nốt trong âm giai, ta cũng biết là một âm giai cũng sẽ chứa các hợp âm thành phần bên trong đó. Xếp cho ngay ngắn lại, nó cũng có thứ tự tăng dần & được đánh số La Mã từ I đến VII.
Ví dụ như âm giai G major có lần lượt các hợp âm: G (I) – Am (II) – Bm (III) – C (IV) – D (V) – Em (VI) – F#m/F#dim (VII).
Hoặc với âm giai D minor ta sẽ có các hợp âm: Dm (I) – Em/Edim (II) – F (III) – Gm (IV) – Am (V) – B♭ (VI) – C (VII).
 Nếu chơi đàn được một thời gian, bạn sẽ thuộc làu làu được hợp âm thành phần của những âm giai cơ bản nhất, không có gì là khó cả. Đây cũng là lý giải cho việc khi bắt lợn, nhạc công (thực thụ) họ chỉ cần biết bạn hát giọng gì là họ có thể phăng ra được các hợp âm tương ứng với giọng của bạn. Thậm chí nếu đã sẵn biết bài đó, nhạc công (thực thụ) kia sẽ ráp hợp âm đánh liền được ngay mà không cần phải nhờ bạn hát chay hết cả bài để dò lần lần hay xài đến HAC.
Nếu muốn kiếm $ từ việc đi chạy show đàn, bạn phải có hiểu biết tốt về tiến trình hợp âm
Level 1:
Rồi, dựa vào âm sắc của mỗi loại hợp âm, ta sẽ phân loại các hợp âm ra thành 3 nhóm chính như sau:
Tonic (T), gồm hợp âm bậc I, III, VI: là hợp âm chủ của bài, hoặc hợp âm thể hiện âm sắc rõ ràng của đoạn nhạc.
Sub-dominant (S), gồm hợp âm bậc II, IV: là hợp âm có chức năng chuyển, tạo âm sắc căng thẳng và cần phải được giải quyết bởi hợp âm sau đó.
Dominant (D), gồm hợp âm bậc V, VII: hợp âm “chốt sổ”, tức hợp âm dùng để dẫn về Tonic. Bạn triển khai tiến trình hợp âm thế nào là tùy ý bạn, có điều để trở về Tonic để kết thúc tiến trình thì gần như bạn phải đi qua anh bạn Dominant này. Một số trường hợp khác thì dùng Sub-dominant để dẫn về Tonic cũng được.
 Với cấp độ đơn giản nhất của tiến trình hợp âm, ta sẽ “xào qua xào lại” các loại hợp âm thành phần trong âm giai theo các hướng đi kiểu mẫu như: T – S – D – T, hoặc là S – D – T, hoặc là S – T – S – D – T, hoặc là T – S - T…v.v… Có rất nhiều cách chế biến cho bản nhạc bạn dự định soạn ra, tùy thuộc vào gu & cách nêm nếm của bạn hén.
 Ứng dụng vào thực tế, có thể nhận ra rằng phần lớn các bản nhạc phổ thông xung quanh chúng ta hầu hết đều có cách vận hành hợp âm như thế. Có thể nhạc sỹ họ sử dụng hợp âm nâng cao thay thế cho hợp âm cơ bản để nghe cho có cảm xúc hơn, nhưng sau cùng bản chất vẫn là các cách kết hợp qua lại giữa các hợp âm bên trong âm giai.
 Chẳng hạn như với “Tuổi hồng thơ ngây” huyền thoại, ta sẽ suy ra được cách đi hợp âm của nó sẽ là: C (T) – Am (T) – Dm (S) – G (D) – C (T).
 Hoặc như với “Ba kể con nghe”, cách đi hợp âm cũng không là ngoại lệ: G (T) – D (D) – Em (T) – C (S) – D (D) – G (T).
 Hay là nhạc tông thứ điển hình như “Nắng ấm xa dần”, cách đi hợp âm sẽ là: Am (T) – F (T) – C (T) – G (D) – Am (T).
 Số lượng các cách đi tiến trình hợp âm đã được khai phát ra là rất nhiều, các bạn có thể khám phá qua mỗi bản nhạc và thử phân tích ra như trên đây. Sẽ có những tiến trình rất ưa được sử dụng, và bạn sẽ nhận thấy được “xu hướng ngầm” theo kiểu một tiến trình hợp âm tạo nên một bản hit lớn sẽ kéo theo hàng tá ca khúc sau đó cũng xài y nguyên tiến trình tương tự giống vậy. Ở nhạc Việt, “xu hướng” này được thể hiện khá rõ, và đây là điểm khiến cá nhân mình muốn được khám phá nhạc nước ngoài nhiều hơn. Ý là nghe quài riết chán thôi chứ không có gì đâu :v
 Chắc đến đây các bạn cũng hình dung được: cái mình nêu ở trên, đó chỉ là phương pháp triển khai tiến trình hợp âm cơ bản nhất thôi.
 Tính ra chỉ có 7 hợp âm trong một âm giai, mà trên đời này thì có biết bao nhiêu là bản nhạc. Sẽ đến lúc nào đó, chúng ta sẽ không thể “xào qua xào lại” hơn được nữa. Sẽ đến lúc, dù đã cố gắng hết sức, nhưng bản nhạc chúng ta vắt óc tạo ra vẫn sẽ nghe thấy giống na ná với nhiều bản nhạc khác, và điều này có thể sẽ khiến bạn cảm thấy chán nản nếu như chúng ta thực sự khao khát tìm kiếm sự khác biệt. Thử nghĩ xem nhạc mình làm ra đã đời, rồi đưa cho đứa bạn mình nghe thử mà nó phán ngay câu “nghe sao mà giống bài ABCXYZ quá vậy?” là đến tôi cũng thiếu điều muốn sôi máu lên rồi. Giải pháp mà âm nhạc thời buổi này hay dùng đó là mượn đến tay producer phối khí cho cầu kỳ bản nhạc lên, nhưng dào ôi, đây cũng là thứ mà hầu hết ai làm nhạc cũng đều nghĩ đến. Câu chuyện “đụng hàng” thế rồi lại cứ tiếp tục “đụng hàng”, thằng nào mạnh tay chi tiêu hơn và gây phốt khéo hơn thằng đó sẽ thắng. Nếu chúng ta không may là những nhà làm nhạc nghèo rớt mồng tơi, đừng cố đấm ăn xôi đú theo nữa mà hãy cố gắng tận dụng đến những yếu tố khác để phát triển âm nhạc của chúng ta chẳng hạn như là về ca từ, hòa âm, hoặc theo đuổi một xu hướng nào đó chưa phổ biến ở VN…v.v… Văn của tôi tồi lắm, nên tôi xin phép chỉ được nói về hòa âm thôi nhé~~
Level 2:
Tiếp tục bài viết này, chúng ta sẽ bắt đầu làm khác đi và rời ra khỏi khuôn khổ của khái niệm hợp âm trong âm giai. Thứ mình muốn nói, đó chính là Hợp âm mượn (Borrowed Chords), hay một số tài liệu chuyên môn gọi với cụm từ khá mỹ miều đó là “Hoán chuyển thể điệu” (Modal Interchange).
 Bản chất của HAM/HCTD là việc tận dụng & vay mượn hợp âm trong các âm giai song song khác của âm giai gốc, gọi là Parallel Scales, khiến cho bản nhạc giờ đây sẽ xuất hiện thêm những hợp âm mới vốn không có trong âm giai gốc. Bảng bên dưới là mô tả cụ thể cho các loại Parralel Scales của một âm giai, gồm có: Ionian (tức âm giai trưởng/major), Dorian, Phrygian, Lydian, Myxolydian, Aeolian (tức âm giai thứ/minor tự nhiên) và Locrian. Bonus nốt luôn 2 loại âm giai thứ giai điệu (Melodic Minor) & thứ hòa thanh (Harmonic Minor) cho bạn nào có nhu cầu tham khảo thêm. Mặt khác, cá nhân mình nhận thấy sự vay mượn sẽ diễn ra “nuột” nhất khi ta sử dụng trên nền hợp âm 7, thế nên bảng bên dưới người soạn họ cũng chú thích sẵn cho mình hợp âm 7 luôn rồi nhé.
Sơ đồ các âm giai song song (Parallel Scales)
 Để tránh bị tẩu hỏa nhập ma với cái đống này, trước tiên các bạn chỉ cần tập trung chú ý với 2 loại cơ bản nhất đó là trưởng tự nhiên (Ionian) & thứ tự nhiên (Aeolian) thôi. Các loại khác thì chúng ta sẽ cần đến sau khi master được cách sử dụng thuần thục.
 Mình lấy ví dụ luôn đi cho dễ hiểu, như với âm giai D thì ta sẽ có:
D major (Ionian): D (I) – Em (II) – F#m (III) – G (IV) – A (V) – Bm (VI) – C#m/C#dim (VII)
D minor (Aeolian): Dm (I) – Em/Edim (II) – F (III) – Gm (IV) – Am (V) – B♭ (VI) – C (VII)
 Giả sử như ta đang có một tiến trình hợp âm: Dmaj7 – F#m7 – Gmaj7 – A7, tức theo mô hình T – T – S – D – T của âm giai D major. Giờ ta không muốn rập khuôn nữa và muốn biến tấu chùm hợp âm này đi bằng cách vay mượn hợp âm ở các âm giai song song khác, vậy thì sẽ phải làm gì?
 Trả lời: thử từng cái thôi chứ còn gì nữa? Tức là ta sẽ thử thay thế các hợp âm thành phần trong âm giai trưởng bằng các hợp âm có trong âm giai thứ song song, trừ Tonic bậc I thì không thay nhé.
 Như vậy, từ đề bài cho: Dmaj7 – F#m7 – Gmaj7 – A7, ta có thể đổi thành:
- Dmaj7 – F#m7 – Gmaj7 – Gm7 ==> Sử dụng hợp âm bậc IV âm giai thứ thay cho hợp âm bậc V âm giai trưởng, và ở đây Gm7 sẽ đóng vai trò Dominant thay cho A7 để dẫn về Tonic bậc I. Khá nhiều ca khúc nhạc Việt dạo gần đây cũng đi theo kiểu tiến trình này.
- Dmaj7 – Fmaj7 – Gmaj7 – A7 ==> Sử dụng hợp âm bậc III♭ âm giai thứ thay cho hợp âm bậc III âm giai trưởng. Loại này thì thấy trong Indie hay xài.
 Thử một đề bài khác xem: Dmaj7 – A7 – Gmaj7, theo mô hình T – D – S – T của âm giai D major. Ta có thể chuyển đổi thành:
- Dmaj7 – Am7 – Gmaj7 ==> Sử dụng hợp âm bậc V âm giai thứ thay cho hợp âm bậc V âm giai trưởng
- Dmaj7 – A7 – Gm7 ==> Giống ví dụ ở đề bài trước
- Dmaj7 – Cmaj7 – Gmaj7 ==> Sử dụng hợp âm bậc VII♭ âm giai thứ thay cho hợp âm bậc V âm giai trưởng
- Dmaj7 – B♭maj7 – Gmaj7 ==> Sử dụng hợp âm bậc VI♭ âm giai thứ thay cho hợp âm bậc V âm giai trưởng, cũng là một lựa chọn hay với âm sắc gần giống với C của trường hợp trên, nhưng cần có G phía sau để đưa về lại Tonic bậc I.
 Nhìn chung thì sau khi mượn tới mượn lui với các anh em họ hàng trong “gia phả” âm giai, ta có thể thấy được 2 dạng chuyển đổi chính: chuyển sang hợp âm thứ & chuyển sang hợp âm trưởng.
 Nếu chuyển sang hợp âm thứ: sẽ tạo nên âm sắc buồn, hoài niệm, luyến tiếc. Đây có thể xem như chất liệu “gây buồn” chủ đạo cho các bản nhạc tông trưởng, và nhạc Hàn họ rất hay sử dụng thủ pháp này để tạo cảm xúc cho bản nhạc.
 Nếu chuyển sang hợp âm trưởng: sẽ tạo nên âm sắc siêu hình, lơ lửng. Đây là chất liệu mà các nghệ sỹ Indie cũng rất cần để tạo ra cảm xúc phóng khoáng cho sáng tác của họ.Cá nhân mình thấy ở nhạc tông trưởng thì việc vận dụng HAM/HCTD dễ dàng hơn nhiều. 
 Nhạc tông thứ khó thay đổi hơn và khá hạn chế khoản này, mình từng thử nhiều phen thì thấy có vẻ không hợp lắm. nên tốt nhất là bạn hãy tập sáng tác nhạc tông trưởng để phát huy được nhiều tiến trình hợp âm độc đáo hơn. Chưa kể là nhạc tông trưởng ở VN mình hiện nay đang ít hơn nhạc tông thứ, nên đây cũng là một “thị trường ngách” đấy.

Level 3:
 Rồi, sau cùng thì còn một cấp độ cao hơn nữa trong việc xây dựng tiến trình hợp âm, đó là lồng âm giai khác vào trong âm giai ban đầu của bản nhạc, hay còn gọi là “ly điệu”. Với tư cách không phải là dân Nhạc viện, mình thấy đây là một khái niệm khá khó để vận dụng & phải cần nhiều đến tư duy, cùng vốn trải nghiệm âm nhạc của chúng ta.
 Vốn dĩ không ai ràng buộc một bản nhạc phải duy trì suốt từ đầu tới cuối một loại âm giai cả. Miễn sao nghe thấy lọt tai thì ta vẫn có thể kết hợp thêm các âm giai khác vào bản nhạc mình tạo ra, khiến cho giai điệu nghe giống như bị “đẩy” sang một hướng khác nhưng vẫn giữ được tổng thể hòa âm hài hòa ăn khớp với nhau. Trong thực tế, một số nhạc sỹ họ cũng hay sử dụng ly điệu để xây dựng nên phần Bridge (là phần trước Last Chorus ý) nhằm tạo cảm giác lạ tai đỡ nhàm chán & đẩy dồn cao trào để đến với đoạn kết của bản nhạc.
 Ly điệu có thể xem như một con dao hai lưỡi (sương sương) vì nó sẽ khiến cho bản nhạc của bạn khó xử lý hơn dưới góc độ người chơi nhạc, khiến người hát gặp khó khăn để chuyển tông giọng kịp thời cũng như khiến người nghe nhạc phổ thông cảm thấy khó ngấm vào đầu hơn. Bạn gần như sẽ đang làm-nhạc-vì-nghệ-thuật-và-đam-mê nếu quyết định chọn đến phương án ly điệu này.
 Và nên chú ý thêm một điều nữa: ly điệu là yếu tố thêm vào để làm phong phú màu sắc của bản nhạc, nhưng không phải là để thay thế luôn âm giai ban đầu của bản nhạc. Tức là bạn có tổ lái sang một âm giai khác thì bạn vẫn phải biết đường quay về lại âm giai ban đầu, chứ không là bản nhạc của bạn sẽ trôi mãi trôi mãi không có điểm dừng đâu nhé. Trừ một số trường hợp ngoại lệ nhạc sỹ họ cố tình “để trôi mất” luôn, nhưng không nhiều và bạn hãy nên tham khảo trực tiếp để xài cho chính xác.
 Các bạn có thể tham khảo một số sáng tác kinh điển có sử dụng đến yếu tố ly điệu, chẳng hạn như “Hương ngọc lan”, “Em về tinh khôi”, “Như chưa bắt đầu”…v.v… Đây là những bài có hòa âm rất đẹp & do nhạc sỹ có trình độ sáng tác nên.
Hòa âm cũng là một yếu tố mà các nhạc sỹ dùng để bày tỏ tư duy, cảm xúc & cái tôi của mình ẩn sâu trong mỗi bản nhạc
 Có 2 dạng ly điệu mà mình từng được trải nghiệm qua: ly điệu sang âm giai song song & ly điệu sang âm giai khác.
 Trường hợp 1 – ly điệu sang âm giai song song: ví dụ luôn cho dễ hiểu là một bài có âm giai E minor nhưng đến bridge thì ta lái sang âm giai E major; hoặc một bài khác ta dùng âm giai A minor lồng vào bản nhạc đang có âm giai A major…v.v… Cách này không quá khó để sử dụng, ta có thể chờ cho đến khi chơi xong một vòng hợp âm ban đầu thì chuyển sang chơi một vòng hợp âm của âm giai phụ, rồi lại trở về với âm giai ban đầu. Do bản chất xài chung bass, chung cao độ của các hợp âm thành phần (tonality) nên việc chuyển đổi qua lại diễn ra khá linh hoạt, nhưng dù sao bạn hãy nên tham khảo thêm các bản nhạc thực tế để ước chừng được mức độ chuyển đổi như thế nào là phù hợp. Không quá lạm dụng khi hoàn toàn cảm thấy không cần thiết.
 Trường hợp 2 – ly điệu sang âm giai khác: các nhạc sỹ họ thường ly điệu sang âm giai trưởng của hợp âm bậc III♭ của âm giai ban đầu, áp dụng với những bản nhạc tông trưởng. Tại sao lại như vậy? Đơn giản vì đó là các âm giai có cùng hóa biểu (là ký hiệu thăng/giáng ở đầu dòng kẻ nòng nọc ý) với âm giai thứ (Aeolian) của âm giai gốc thôi. Các bạn có thể tra vòng tròn hợp âm (Circle of Fifth) để xác định các âm giai cùng chung hóa biểu với nhau hén (ví dụ như G-Em, D-Bm, B♭/Gm…)
 Ví dụ như bài “Như chưa bắt đầu” của bác Đức Trí được chơi ở tông A major đi: ở phần sau của điệp khúc, hòa âm đã được tổ lái sang âm giai khác. Nguyên văn sẽ như thế này:     
--------------------------------------------------------------------------
[F#m7]Mong mùa xuân không quay trở [C#m7]lại
Mùa [C#7]xuân sẽ mãi kéo [F#m7]dài, để [B9]ta gần bên nhau [E7] mãi
[Fmaj7]Xin, xin yêu thương như chưa bắt [Em7]đầu
Xin quen nhau như quen phút [Dm7]đầu
Vẩn vơ kỷ niệm yêu [E7]dấu.
----(Trở về lại phần verse với âm giai A major)----
 Như chúng ta đã biết, hợp âm bậc III của âm giai A major là C#m. suy ra trưởng III♭ sẽ là âm giai C major (mấy thứ Fmaj7, Em7, Dm7 gì đó chính là hợp âm thành phần của âm giai C major đó). Và sau cùng để trở về lại với âm giai A major, ta cần một “chất dẫn” đó là hợp âm E7 ở câu hát cuối cùng, tức một Dominant bậc V của âm giai ban đầu. Đơn giản thôi, vì Dominant bậc V là hợp âm có tính dẫn về Tonic bậc I mạnh mẽ nhất trong chùm hợp âm.
 Mở rộng hơn nữa, ta có thể tận dụng tính chất hút về Tonic bậc I rất mạnh của Dominant bậc V để đi đến một âm giai khác. Có nghĩa là ta sẽ thêm vào âm giai ban đầu các Dominant bậc V của âm giai khác để triển khai việc ly điệu.
 Chẳng hạn như ta có một chùm hợp âm sau: Dmaj7 – Em9 – A7 – C7 – Fmaj9 – Dm7 -  B♭maj7 – A7 – Dmaj7.  Có 2 vị trí ta cần chú ý đến (chữ in đậm): thứ nhất là mình đã sử dụng hợp âm C7 để dẫn sang âm giai F major, và thứ hai là mình sử dụng tiếp hợp âm A7 để dẫn về âm giai ban đầu, tức D major. Cả C7 lẫn A7 đều là Dominant bậc V trong các âm giai major của riêng nó, và nếu xây dựng tiến trình hợp âm thật khéo léo thì ta sẽ kết nối được hai âm giai tưởng chừng như chẳng liên quan gì nhau. À mà để ý luôn nhé, F major cũng là bậc III♭ trưởng so với D major đấy à ==> Thỏa với lý thuyết đã nêu ở trên.
 Cũng như mình đã khuyến cáo từ nãy giờ, hãy sử dụng yếu tố ly điệu thật cẩn thận. Phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng & tham khảo thật tường tận nếu muốn vận dụng thành công. Ngoài ra bạn cũng cần phải khéo léo điều các hợp âm thành phần còn lại sao cho việc kết nối diễn ra thật suôn sẻ, nghe không bị phô hay ngang phè phè. Về điểm này thì chỉ có cách là hãy thử phối trộn rồi xem xét từng trường hợp một thôi, thử cho đến khi ta có được một tiến trình thật chuẩn xác nhất. Bản lĩnh và trí tuệ của người làm nhạc là ở đây nè~~

Túm lại, ở bài viết này, ta có gì? 

 Một mớ lý thuyết về tiến trình hợp âm ở góc độ tổng quan nhất, chưa quá sức chi tiết và cần phải được thực hành để kiểm chứng, of course. 
 Cá nhân mình không ép các bạn phải đạt đến mức nào cả vì tư duy mỗi người mỗi khác, nhưng mình mong các bạn hãy cố gắng phấn đấu hết khả năng của mình, sao cho đạt đến trình độ tự chủ hoàn toàn khi chơi nhạc. Sáng tác thì có hơi xa vời với nhiều người, nhưng hiểu được các nguyên lý về tiến trình hợp âm sẽ giúp cho bạn dò hợp âm không còn quá khổ sở nữa vì biết được một âm giai chỉ có từng đó hợp âm thôi (dò chi cho xa xôi quá :v), giúp bổ trợ cho việc dịch giọng & phán đoán nhanh được cách triển khai hợp âm của các ca khúc phổ thông.
 Nói thế thôi chứ dạo sơ qua các page/group về đàn đẽo hát hò, mình thấy có nhiều bạn cũng thử tập tành sáng tác & khoe “chiến tích” của mình lên trên đó. Và gần như là sản phẩm của các bạn đều chỉ rơi vào level 1 của bài viết này thôi. Nó sẽ cho là dễ nghe, dễ thuộc nếu có lời ca thật hay ho ý nghĩa; nhưng mình nghĩ là cần tư duy nhiều hơn nữa để tác phẩm của bạn có gì đó đột phá hơn nữa. 
 Cơ mà nếu sáng tác chơi chơi thôi thì cứ bỏ qua lời này nhé :v