CHỦ NGHĨA VỊ NHÂN SINH ĐÃ VỊ KỶ NHƯ THẾ NÀO?
“Kẻ nào đi tìm thì dễ đánh mất chính mình. Mọi cô đơn đều là tội lỗi”: Đám đông nói như thế. Và mi đã là thành phần của đám đông trong một khoảng thời gian dài. -Friedrich Nietzsche-
1. Khởi đầu
Từ hàng triệu năm về trước, từ khi con người chưa xuất hiện trên trái đất đã có một trận chiến dai dẳng nhưng thầm lặng mà đến nay vẫn chưa chấm dứt. Đó là cuộc chiến của tư tưởng bầy đàn và tư tưởng độc lập, cuộc chiến của những kẻ sống thứ sinh và những kẻ sáng tạo, cuộc chiến của chủ nghĩa vị nhân sinh và chủ nghĩa vị kỷ. Từ thuở sơ khai, các cá thể trong loài sống hòa thuận, cộng sinh với nhau để tồn tại. Nơi đó lấy sự đoàn kết, chăm sóc các con trong đàn là sức mạnh trung tâm của tồn tại. Nhưng khi những cá thể biến dị gen ra đời, nó chả khác nào con cừu đen bị cô lập bởi chính đàn của mình chỉ vì nó khác biệt. Vậy thứ gì khiến nó vẫn tồn tại mà không bị đào thải bởi tự nhiên khắc nghiệt, chẳng phải nó đã mất đi sức mạnh lớn nhất của một sinh vật sống là sức mạnh bầy đàn. Không! Sức mạnh lớn nhất của một sinh vật sống là linh hồn và thể xác của chính nó, thứ đó là độc lập tách biệt hoàn toàn khỏi bầy đàn cũng như một nồi thức ăn có thể chia cho nhiều người nhưng không thể tiêu hóa chung cùng một cái dạ dày được, đó là khả năng tư duy độc lập. Giữa tự nhiên đầy mối nguy hiểm, con cừu đen ấy nó sống cho chính cái tôi đang tồn tại của nó không phải vì bầy đàn hay cộng đồng ruồng bỏ nó. Nhưng khi môi trường thiên nhiên thay đổi, những con vật sống thứ sinh, lệ thuộc vào tư duy, ý chí của một bây đàn mà không rõ cái ý chí ấy là gì, đi đến đâu và ai là người làm chủ nó. Những con súc vật sống thứ sinh ấy sống lệ thuộc, ăn bám vào đàn của chúng rồi chính đàn của chúng lại ăn bám nhờ công sức của chính nó. Một quan hệ cộng sinh kinh tởm. Những cá thể trong bầy đàn ấy không thể có khả năng tư duy hay nhìn nhận vấn đề một cách độc lập chỉ ung dung chờ đợi ý chí của bầy đàn tự nhiên xuất hiện và dẫn dắt nó miễn thứ ý chí ấy là của đa số và nó sẽ phục tùng bất kể thứ đó dẫn nó đến sự sống hay cái chết. Rồi kết quả là gì khi môi trường tự nhiên thay đổi, bầy đàn đã chết, tuyệt chủng để rồi tồn tại một loài mới bắt đầu, một bầy đàn mới bắt đầu từ nơi con cừu đen đã phải cô độc trên hành trình của mình.
2. Cuộc chiến giữa vị nhân sinh và vị kỷ của lịch sử loài người
2.1 Thời kỳ cổ đại
Đó là những trận chiến đầu tiên của những kẻ sống thứ sinh và người sáng tạo trên trái đất. Nhưng ngay cả sau hàng triệu năm, khi con người xuất hiện, cuộc chiến ấy lại được tiếp diễn. Những truyền thuyết mà con người ghi chép lại từ thuở sơ khai đã đề cập đến nó, Prometheus – vị thần tạo ra nhân loại từ bùn đất và đã đánh cắp ngọn lửa để trao cho nhân loại đã bị xích vào tảng đá để bị kền kền xé xác mỗi ngày. Hay Adam và Eva đã phải chịu đau khổ vì đã ăn quả cấm trên cây thiện ác. Cho dù nó chỉ là truyền thuyết nhưng nó phản ánh rõ cách đối xử của con người thời cổ đại với những kẻ thích đi ngược lại số đông. Đến thời đại Hy Lạp, chúng ta có Socrate, cha đẻ của triết học phương tây đã phải chết như thế nào khi cố gắng giúp giới trẻ thanh Athen hiểu rõ hơn về chân lý và cách để sống theo cái chân lý đó. Chính những tư tưởng mang tính khác biệt ấy đã định sẵn cho ông cái chết bởi theo tiến hóa nếu ông không chết thì ắt hẳn khi môi trường thay đổi thì người chết đó là những đa số không đi theo ông. Thật kinh khủng khi phải nghe chúng nói dạy con người suy nghĩ độc
lập, lý tính là làm hại tư tưởng của thế hệ trẻ.
2.2 Góc nhìn triết học trong thế kỷ khai sáng
Vào thế kỷ khai sáng, một triết gia nhân danh của sự tự do và đạo
đức đã chống lại tư tưởng rằng con người là loại sống chạy theo hạnh phúc, hưởng lạc và tránh né khổ đau. Vị triết gia ấy cho rằng con người phải từ chối bản năng, thèm muốn sinh học tự nhiên của mình, phải chối bỏ cái tôi cá nhân để sống vì con người, lấy con người là đích đến cuối cùng chứ không phải là công cụ để thực hiện mục đích cá nhân. Một phát biểu thật cao đẹp nhưng làm sao để biến con người là mục đích cuối cùng trong khi chính ông phát biểu một câu mà ta thấy còn chân lý hơn đó là “Chỉ hành động thông châm ngôn theo qua đó cùng một lúc bạn cũng mong muốn rằng nó cũng trở thành quy luật phổ quát, Vậy hãy hành động như thể châm ngôn hành động của bạn sẽ trở thành một quy luật tự nhiên phổ quát nhờ vào ý chí của bạn”. Câu sau đá câu trước, nó đã nêu rõ bản chất của con người là hoàn toàn vị kỷ, sống và hành động giúp đỡ người khác bản chất chỉ là mong muốn một ngày nào đó họ giúp lại mình. Hay biến việc giúp người thành công cụ để anh ta được lên thiên đàng vậy. Nêu diễn giải theo quan điểm của vị triết gia ấy chẳng phải là một gã sống thứ sinh sẽ quan hệ với mọi người để họ mắc nợ và nuôi sống anh ta. Anh ta đặt mối quan hệ người với người lên trên hết, sống là để phục vụ người khác. Anh ta cho rằng con người tồn tại được đến ngày nay là do một người như anh ta đến và giao rảng về chủ nghĩa vị nhân sinh. Những vị nhân sinh là học thuyết đòi hỏi con người phải sống vì
người khác, đặt người khác lên trên bản thân mình. Nhưng chính nó đã làm cho con người mất khả năng tự sinh tồn bằng tư duy và biến thành một kẻ ăn bám. Một người có cái tôi, có khả năng tư duy có thể đánh giá, cảm nhận và sáng tạo. Còn một kẻ không có khả năng tư duy thì dùng chủ nghĩa vị nhân sinh như một thứ vũ khí mang tính hủy diệt cả về tinh thần lẫn thể xác. Anh ta hành động như một kẻ ăn bám trong chính động cơ của anh ta bởi anh ta biết những kẻ mà anh ta phục vụ cũng sẽ trở thành những kẻ ăn bám giống anh ta và mối quan hệ cộng sinh này chẳng tạo ra cái gì ngoài sự suy đi của hai bên. Một người biến người kia thành nô lệ về cả thể xác và tinh thần qua việc giúp đỡ người đó và người đó lại biến người kia thành nô lệ bằng hành động tương tự. Một kẻ nô lệ đứng đầu và dẫn dắt thoát khỏi thoát khỏi ách nô lệ thể xác thì thật đáng tự hào nhưng một kẻ tự biến mình thành nô lệ của kẻ khác nhân danh sự yêu thương là những kẻ thấp hèn nhất, nó đã hạ thấp phẩm hạnh của con người và hạ thấp tình yêu thương thế mà đó là giá trị cốt lõi của chủ nghĩa vị nhân sinh.
2.3 Góc nhìn kinh tế học trong thế kỷ khai sáng
Cùng trong kỷ khai sáng đã có hai nhà kinh tế học đã bóc trần sự ích kỷ được che dấu dưới bộ mặt vị nhân sinh của con người. Đó là Adam Smith và Karl Marx. Với Adam Smith ông cho rằng khi các cá nhân chỉ toàn tâm toàn ý theo đuổi “sự thỏa mãn những ham muốn vô ích và vô độ của bản thân”, họ vô tình, như thể “được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình,” mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Còn với Karl Marx Giai cấp tư sản sở hữu tư liệu sản xuất như máy móc, xí nghiệp, họ sử dụng chúng để bóc lột giai cấp công nhân thu lợi nhuận cho bản thân. Sau một vòng đời họ củng cố thêm cho giai cấp của mình bằng cách chuyển giao tư liệu sản xuất cho thế hệ kế cận. Còn giai cấp chính quyền là giai cấp nắm sức mạnh chính trị trong xã hội. Họ sử dụng quyền lực này để bảo vệ lợi ích của giai cấp mình và duy trì trật tự xã hội hiện tại. Hành vi của họ thường được thúc đẩy bởi mong muốn duy trì quyền lực và sự ổn định. Mọi hành động mà giai cấp tư sản và cầm quyền làm với vỏ bọc do dân, vì dân đều chỉ hướng về một mục đích duy nhất là bảo vệ vị trí quyền lực của mình. Nhưng hơn hết chế độ mà đáng chỉ trích nhất theo đó là chế độ phụ hệ tồn tại suốt hàng ngàn năm lịch sử. Chế độ này tồn tại và duy trì được là do sức mạnh thuần thúy từ lợi thế thể chất của người đàn ông trước sự thua thiệt của phụ nữ. Nhưng chính thứ sức mạnh ấy lại được khoác bên ngoài bằng những ngụy biện lý thuyết về khả năng tư duy vượt trội của đàn ông so với phụ nữ. Lời ngụy biện ấy giúp duy trì chế độ phụ hệ và được truyền từ đời này sang đời khác, nó được nâng đỡ bởi những triết gia được coi là vĩ đại nhất mọi thời đại. Thật không bất ngờ khi những triết gia ấy hoàn toàn là đàn ông. Trong quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ, cụ thể là trong gia đình, đàn ông như một tên chủ nô hoặc nhà tư sản còn phụ nữ là nô lệ hoặc người vô sản bị chính người chồng mình bóc lột về cả thể xác lẫn linh hồn. Ở một xã hội mà người đàn ông là người đứng đầu, mọi dịch vụ và thể chế loài người đều có sự ưu tiên cho đàn ông với lý do là sự ưu việt về tư duy của họ. Người phụ nữ sống và tồn tại như một kẻ thứ sinh ăn bám trên một kẻ sống thứ sinh khác vào một xã hội trọng nam khinh nữ mù quáng. Người phụ nữ trong xã hội này không thể tồn tại nếu không có gia đình của cô ta và khi thoát khỏi gia đình đó, cô ta phải ăn bám vào một gia đình khác nơi đó cô ta là nô lệ cho một kẻ sống vì tư tưởng của cả một xã hội suy đồi. Vòng lặp ấy cứ thế diễn ra mà không có sự đấu tranh thỏa đáng của người phụ nữ, bởi chủ nghĩa vị nhân sinh đang làm chủ cuộc chơi này. Người đàn ông làm việc là để chăm sóc người phụ nữ, người phụ nữ không thể sống nếu thiếu sức lao động của anh ta. Một mối quan hệ mà đến ngày nay vẫn chưa thể triệt tiêu! Nơi đây Marx diễn tả rằng: “Người đàn kiểm soát hoàn toàn cơ thể người phụ nữ. Người đàn ông kiểm soát hoàn toàn khả năng sinh sản của người phụ nữ. Người đàn ông kiểm soát hoàn toàn khả năng chuyển giao tư sản cho thế hệ kế cận”. Thật kinh khủng khi ngay cả hành động tạo ra một đứa trẻ cũng được gắn cho một sứ mệnh là duy trì sự tồn tại về mặt tinh thần và chủ sở hữu của tư sản ngay cả khi người đàn ông ấy biến mất. Ấy mà hành động vị kỷ ấy được biện minh bằng một chủ nghĩa khác đó là chủ nghĩa khuyến sinh. “Trời sinh voi sinh cỏ” vậy mà sự ra đời của một đứa trẻ đã phải mang một sứ mệnh vị kỷ từ một người đang dùng chủ nghĩa vị nhân sinh, khuyến sinh đặt tên cho nó.
3. Kết thúc
Tôi là một người theo chủ nghĩa vị kỷ tuyệt đối. Tôi biết rằng “Con người sẽ làm những việc mà họ muốn người khác làm với mình và không làm những thứ không muốn người khác làm với mình”. Tôi tin vào thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith khi con người sống cho bản thân thì đồng thời hành động đó sẽ tự giúp cho xã hội phát triển. Từ đó tôi muốn phê phán những kẻ lấy chủ nghĩa vị nhân sinh để biện hộ cho hành động vị kỷ của mình, lấy chủ nghĩa vị nhân sinh để biến người khác thành nô lệ cho chính động cơ của anh ta. Con người sống và trao đổi ngang giá để tồn tại. Con người không phụ thuộc vào nhau về cả thể xác và linh hồn. Tôi đề cao tư duy độc lập, sáng tạo, đề cao cái tôi để nhìn nhận mọi việc với góc nhìn cá nhân. Chủ nghĩa vị nhân sinh dạy con người phải đi chung với nhau để tồn tại. Còn người theo chủ nghĩa vị kỷ thì đứng và tư duy một mình tác khỏi đám đông. Chủ nghĩa vị nhân sinh dạy con người phải bơi theo dòng nước nhưng máy bay muốn cất cánh được thì phải bay ngược chiều gió. Từ đó tôi muốn chúng ta nên thừa nhận động cơ vị kỷ trong bản thân mình và tự tách tư duy của mình ra khỏi đám đông, thừa nhận cái tôi trong mỗi con người. Đó là con đường tiến tới hạnh phúc và sáng tạo của nhân loại.
“kẻ nào đi tìm thì dễ đánh mất chính mình. Mọi cô đơn đều là tội lỗi”: Đám đông nói như thế. Và mi đã là thành phần của đám đông trong một khoảng thời gian dài -Friedrich Nietzsche-
<Lấy ý tưởng từ bài biện hộ của Howard Roark trong "Suối nguồn" của Ayn Rand>
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất