- Nếu tôi là bạn, tôi sẽ làm cách này, cư xử kiểu kia …
- Tôi nghĩ bạn nên làm abcd nè
- Trời ơi, có vậy cũng không biết ah, nếu bạn thay đổi abcd mình đảm bảo bạn sẽ đạt được xyz
Những câu này có vẻ quen nhỉ? Có thể xuất phát từ bản thân chúng ta, hoặc chúng ta nghe từ người khác. Tôi dám cá là rất nhiều lần, thậm chí mỗi ngày (thử ngẫm lại mà xem)
Chúng ta vẫn thường nghĩ khi người khác tìm đến mình, tâm sự với mình thì hiển nhiên, chắc hẳn người ta đang cần lời khuyên từ mình, người ta đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của họ.
Nhưng sự thật là khi ai đó tìm đến chúng ta, thật sự điều họ đang tìm kiếm là sự lắng nghe. Điều đó có nghĩa là, họ cần chúng ta hiện diện ngay tại đó, lắng nghe họ toàn tâm toàn ý, không phán xét, không nhấp nhổm trên ghế xem đồng hồ, không kiểm tra điện thoại, không cố gắng giúp họ lèo lái quan điểm hay khuyên họ nên thay đổi suy nghĩ theo hướng này hướng kia.
Nào, hãy thử đổi vai, nếu chúng ta đang gặp vấn đề gì đó trong cuộc sống, chúng ta tìm đến bạn bè/ người thân của mình để tâm sự. Nếu người bạn ấy liên tục ngắt lời làm cắt ngang dòng suy nghĩ của ta, hay người bạn ấy, có thể vì họ muốn tốt cho chúng ta, hết mực khuyên bảo chúng ta (và chúng ta, người trong cuộc thường có niềm tin mãnh liệt rằng mình hiểu rõ câu chuyện hơn người kia nhiều). Vậy hãy trả lời thành thật với bản thân mình: mình có thật sự cần lời khuyên của người bạn kia không? 

Kỹ năng lắng nghe

Nghe là một quá trình thụ động chỉ việc chúng ta tiếp nhận mọi loại âm thanh. Còn lắng nghe là một quá trình chủ động, tập trung và mong muốn thấu hiểu nội dung của người nói. 
Nguồn: kinhnghiemphongvan.net
Tôi có một cô bạn đồng nghiệp cũ, tôi từng là giám sát của cô bạn ấy trực tiếp những ngày bạn ấy mới vào nghề, cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm của công ty tại thời điểm ấy- có thể nói là khá thân. Rồi sau này, dù không làm chung, chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc, và cô bạn ấy, cứ vài ba tháng lại tìm gặp tôi để kể chuyện đời, chuyện tình yêu, chuyện công sở, chuyện phím, chuyện khó ăn khó ở … 
Ban đầu, sắm vai đàn chị đi trước, tôi vẫn thường cố gắng đưa lời khuyên, đưa đường chỉ lối với hy vọng giúp đời sống công sở của em lành mạnh hơn, và em có thể thăng tiến và học hỏi nhanh hơn trong công việc, hạnh phúc hơn trong tình cảm. (Tôi thật là tự biết phóng đại năng lực của bản thân!! )
Nhưng rồi sau một thời gian, tôi nhận ra rằng, dù cho môi trường, tình tiết câu chuyện có thể thay đổi nhưng 90% các vấn đề của cô bạn ấy xuất phát từ cùng nguyên nhân, một gốc rễ.
Với phát hiện đó, suy nghĩ đầu tiên của tôi là: “Tại sao em ấy không lắng nghe lời khuyên của mình?”, “Tại sao người ta không trân trọng thời gian và tâm sức của mình?”, “Mình đã lãng phí thời gian một cách vô ích chăng?”, “Tại sao người ta không thay đổi trong khi vấn đề và giải pháp đã rõ một một như trăng rằm mùng 1 thế kia?" 
Những suy nghĩ ấy làm tôi khó chịu, tôi cảm thấy mình phí hoài công sức, rồi tôi tự hỏi: “Có phải tôi khó chịu vì không được đóng vai người giúp đỡ?", “Tôi khó chịu vì ý kiến của mình không được tôn trọng", Hay "tôi khó chịu vì tôi lo lắng cho vấn đề của bạn?" Có thể tôi đã không hiểu nhu cầu của bạn mình, tôi đã trao sai giải pháp, cái mà tôi tự cho rằng bạn ấy cần. Tôi nghĩ bạn muốn NHẬN, vậy nên tôi CHO ĐI, nhưng thật ra nhu cầu của bạn là ĐƯỢC XẢ ĐƯỢC LẮNG NGHE mà thôi. 

Tại sao chúng ta thích đưa lời khuyên?


- Chúng ta muốn chứng minh mình hữu ích
- Chúng ta muốn ai đó làm điều mà chúng ta cho là đúng
- Chúng ta nghĩ chúng ta biết rõ hơn người khác, chúng ta biết câu trả lời
- Chúng ta phấn khích khi có một ý tưởng mới, sản phẩm mới, câu chuyện thú bị mà chúng ta muốn chia sẻ
- Chúng ta muốn giảm bớt căng thẳng. Đôi khi chúng ta lo lắng cho người khác, rồi chúng ta cảm thấy bất lực vì không biết làm gì để giúp họ, thế rồi chúng ta cho họ lời khuyên vì chúng ta nghĩ ít nhất chúng ta cũng làm được gì đó cho họ, rồi bản thân chúng ta cũng cảm thấy thoải mái hơn.
- Chúng ta thường (thích) đóng vai người sửa chữa hay người giúp đỡ một cách vô thức, vì chúng ta luôn được dạy nên làm việc tốt, nên giúp đỡ người khác, nên cho đi. 
Nhưng đôi khi chúng ta quên rằng, đôi khi sự cho đi có giá trị nhất chính là cho đi sự hiện diện của mình, toàn tâm toàn ý.
Quay lại với câu chuyện của tôi, lần gần đây nhất chúng tôi gặp nhau, tôi thử thay đổi hướng tiếp cận. Trước khi cô bạn ấy kịp lại bắt đầu “chuỗi câu chuyện", tôi hỏi: “Em có cần nghe lời khuyên hay ý kiến của chị không? Em có đang tìm hướng giải quyết cho vấn đề này không? Hay em chỉ muốn chị ở đây lắng nghe em thôi?
Và bạn biết không, cô bạn của tôi đáp ngay, không cần suy nghĩ: “Thật ra em chỉ cần chị nghe em thôi, vì giải pháp thì em đã biết rồi, vấn đề nằm ở đâu em cũng biết luôn”.
Và hôm ấy tôi dành trọn cho cô bạn thời gian và sự lắng nghe chăm chú của mình. Chỗ nào chưa hiểu rõ, hoặc muốn biết thêm tôi sẽ đặt câu hỏi khơi gợi để bạn ấy kể thêm. Qua đó tôi cũng hiểu thêm được về trăn trở của bạn. Và tôi chắc rằng,  hôm đó cô bạn tôi đã có một giấc ngủ ngon. Và tôi cũng không còn cảm thấy khó chịu nữa.

Vạch ra ranh giới cá nhân

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu vì một lý do gì đó khiến bạn không muốn hoặc không thể lắng nghe người đó, câu chuyện đó vào thời gian đó. Có thể vì bạn đã nghe câu chuyện này quá nhiều lần, mọi thứ cứ lặp đi lặp lại cùng một mô tuýp làm bạn ngán tới tận cổ, bạn mất năng lượng, hay có thể bạn đang có vấn đề riêng cần phải phải quyết, bạn không muốn tâm trí mình phải nặng nề thêm, hãy cho người kia biết giới hạn của bạn.
Bạn có thể nói với họ: 
“Mình hiểu là vấn đề này khiến bạn rất bực bội/ căng thẳng/ đau lòng. Nếu có thể, mình cũng muốn chung tay giúp bạn giải quyết vấn đề này để bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng mà hiện tại, tâm trạng mình đang không tốt/ mình có việc cá nhân cần ưu tiên/ mình cảm thấy mình bị ảnh hưởng tiêu cực khi nghe bạn bị như vậy, thật sự mình không muốn nghe câu chuyện xyz này hôm nay/ mình không thể giúp bạn hôm nay. Chúng ta nói về đề tài khác được không?” 
Có thể, ban đầu việc vạch ra ranh giới sẽ hơi khó khăn với bạn, vì trước giờ bạn chưa quen từ chối người khác, trong thâm tâm bạn sẽ cảm thấy có lỗi “biết đâu người ta đang thật sự rất cần mình", “lỡ lần sau họ không muốn tâm sự với mình nữa", “có thể người ta nghĩ mình ích kỷ/ là người bạn tệ/ không hết lòng với bạn bè", và nhiều ý nghĩ tiêu cực khác có thể xâm chiếm tâm trí bạn.
Điều đó là hoàn toàn bình thường, con người chúng ta, bản chất mang thuộc tính cộng đồng, hầu hết chúng ta được nuôi dưỡng, lớn lên trong các mối quan hệ phụ thuộc. 
Chúng ta vẫn thường “lấy bụng người suy về bụng ta", “vấn đề của bạn cũng là vấn đề của tôi", chúng ta thường vẫn tự gánh thêm trách nhiệm và cảm xúc của người khác lên vai của mình.
Nhưng bạn ạ, xin hãy nhớ rằng, bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho cảm xúc, tâm trạng và cuộc sống của mình. Vậy nên, IT'S OK khi bạn cần không gian cho riêng mình, IT'S OK khi bạn cần vạch ra giới hạn và yêu cầu người khác tôn trọng ranh giới đó. IT’S OK khi bạn muốn tử tế với bản thân bạn. Và nếu người bạn ấy là một người bạn thật sự, tôi tin rằng người ta sẽ hiểu và tôn trọng mong muốn và giới hạn của bạn. 
Lắng nghe- là một kỹ năng, và kỹ năng thì có thể học được. 
Giao tiếp chân thành - là một kỹ năng, và kỹ năng thì có thể học được. 
Lần tới, ai đó tìm đến bạn, hãy nhớ hỏi xem họ cần lời khuyên hay cần được lắng nghe nhé. Bản chất của vấn đề nhiều khi rất đơn giản, đôi khi cái chúng ta cần là sự giao tiếp thẳng thắn, chân thành với nhau thôi.
Chúc bạn có những mối quan hệ thuận dòng, hạnh phúc. 
Nguồn tài liệu tham khảo: Sharon Martin Counseling, The Holistic Psychologist
"Marketer lạc lối"

Mình bắt đầu ghi lại hành trình học hỏi, khám phá, phát triển bản thân và chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại www.marketerlacloi.com. Ghé thăm blog và để lại comment, chia sẻ nếu bạn cũng quan tâm đến chủ đề này nhé