Paul Montreal: Tất cả chúng ta thường bị nỗi sợ cầm tù. Sợ bị chỉ trích. Sợ khám phá ra sự thật trần trụi của bản thân. Sợ rằng chúng ta không đủ thông minh nên không dám tin vào trực giác của mình. Sợ rằng chúng ta đặt niềm tin và thời gian vào một dự án có thể không thành công. Vậy thì làm sao để chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ đó để tiếp tục tiến bước trên con đường ta đang đi, dự án ta đang bị kẹt?
Seth Goldin: Thật ra câu trả lời chẳng có gì phức tạp. 
Hãy cứ Té đi. Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ là "nắm thóp" nỗi sợ, biến nó thành hiện thực. 
Hãy cứ làm điều gì đó mà bạn biết bạn sẽ bị ngã đau.
Rồi lại ngã tiếp.
Mỗi lần bạn ngã, bộ não bò sát của bạn sẽ bị "chết điếng", vậy nên nó sẽ không còn kiểm soát bạn được nữa. 
Nguồn: PaulMontreal.com

Thất bại là gì?

Thất bại được định nghĩa là trạng thái không đáp ứng được mục tiêu mình mong muốn hoặc dự định, hay khi ta làm một công việc gì đó nhưng không đạt được kết quả như mong đợi. (Wiki)

Nói về thành công thì lúc nào cũng dễ hơn kể về thất bại. Ngay cả phong trào Fuckup Nights, tổ chức tiên phong tổ chức sự kiện chia sẻ và “ăn mừng" những câu chuyện thất bại trong kinh doanh, thì những diễn giả tham gia, hầu hết đều kể lại câu chuyện thất bại của mình trong quá khứ, sau khi họ đã vượt qua được thất bại và đạt được những thành công nhất định ngay tại thời điểm diễn thuyết. 

Có thể bạn đang sợ thất bại

Nếu:
Bạn thường chần chừ khi phải thử điều gì đó mới hoặc tham gia vào các công việc, dự án có vẻ khó khăn.Tự mình tìm ra các lý do để rút lui khỏi dự án vào phút chót hoặc khi thấy gian nan- bạn bắt đầu nảnThường xuyên lo âuKhông tự tin, thường xuyên có ý nghĩ mình chưa sẵn sàng cho điều đó, công việc đóBạn nghĩ rằng bạn không đủ thông minh/ không đủ tốtBạn là người cầu toàn: bạn chỉ đồng ý tham gia vào dự án, hoạt động nào đó khi bạn biết chắc chắn bạn sẽ thành công
thì có lẽ, bạn, cũng như tôi, và nhiều người lớn khác trên hành trình ngoài kia, đang sợ té ngã, sợ thất bại và đang vô thức kìm hãm nội lực của bản thân. 

Thất bại có đáng sợ không?

Có chứ, đáng sợ lắm. Vì nếu mình vấp ngã, mình thất bại, mình có thể sẽ bị chỉ trích, bị đánh giá thấp, mình sẽ cảm thấy xấu hổ, thấy có lỗi, thấy mất mặt, và cái tôi của mình bị tổn thương. Vì thế, có lẽ chúng ta vô tình tìm cách tránh né thất bại để giảm thiểu khả năng bị thương tổn, rồi từ đó chúng ta vô tình ngừng cố gắng, ngừng thử cái mới, ngừng học hỏi
Nhưng bạn ạ, vấp ngã và thất bại là một phần tất yếu trong quá trình trưởng thành. Thất bại giúp chúng ta học hỏi, phát triển bản thân, kiên trì và mạnh mẽ hơn.
Bạn có biết:
Warren Buffett- một trong những doanh nhân thành công và giàu nhất thế giới đã từng bị đại học Harvard từ chối không?
Hay Seth Godin, bậc thầy Marketing hiện đại, đã từng nhận được 900 thư từ chối và bị 30 nhà xuất bản khước từ khi ông bắt đầu công việc kinh doanh xuất bản sách (book packager)*của mình.
* Book packager- tương tự như movie producer (nhà sản xuất phim), bạn có ý tưởng, và đặt hàng tác giả viết theo hướng nội dung của bạn, bạn liên kết với nhà xuất bản để xuất bản sách đến với công chúng.
Thử tưởng tượng, nếu những người ấy bỏ cuộc ngay lần đầu tiên họ vấp ngã, ngay khi họ bị từ chối thì thế giới đã không có những tấm gương sáng như họ để chúng ta soi mình.
Hiểu được bản chất của thất bại, chúng ta hiểu và chấp nhận rằng thất bại là một phần tất yếu trong cuộc sống con người. Hãy kiên trì!
“Tôi không sợ một người luyện 10,000 (loại) cú đá khác nhau, tôi sợ người đã tập MỘT cú đá 10,000 lần"
Bruce Lee

Học cách đứng lên từ thất bại

Để có thể đi đứng vững trên đôi chân của mình, đứa trẻ nào cũng phải té ngã rất nhiều lần trong suốt quá trình chập chững tập đi, từng bước từng bước một, mỗi lần ngã, nó có thể khóc, rồi lại đứng dậy, từng bước một- tiến về phía trước. Quá trình ấy cứ lặp lại, cho đến khi đứa trẻ ấy có thể giữ được thăng bằng, đi được nhiều bước, và thậm chí chạy. Hiếm đứa trẻ nào phát ngôn: “té ngã đau lắm, từ giờ con không bao giờ tập đi nữa". 
Vấp ngã, rồi đứng lên, đi tiếp. Ai trong chúng ta cũng đã từng là đứa trẻ đó. Ai trong chúng ta cũng có kỹ năng đứng lên sau vấp ngã. Vậy nên, dù bạn té ngã sóng soài sấp mặt trên đường đời cũng chẳng có gì to tát cả, chắc chắn bạn sẽ đứng dậy và đi tiếp như bạn đã từng.
Thất bại, mặt khác, mang đến những thay đổi, những cơ hội để ta học hỏi, tìm hướng đi mới và phát triển. Một số người hoan nghênh những thay đổi và tìm cách biến những điều bất ngờ thành cơ hội trưởng thành. Những người khác trở nên sợ hãi và phản ứng yếu ớt. Cách chúng ta xử lý những thay đổi, đối mặt với nỗi sợ, học cách đứng lên sau vấp ngã là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc.



Đừng tội nghiệp cho bản thân, đừng nạn nhân hoá bản thân mình. Phân tích thất bại, rút ra bài học kinh nghiệm và tiếp tục tiến về phía trước. Nên nhớ rằng bạn không thể nào cảm nhận được mùi vị của chiến thắng nếu chưa từng nếm mùi thất bại.
Priyanka Chopra
Vậy nên, từ hôm nay, hãy lấy giấy bút ra, lên danh sách các việc làm bạn sợ sệt, những khó khăn làm bạn chùn bước, nhứng việc khó nhằng mà bạn vẫn đang trì hoãn bấy lâu nay, và tìm cách chinh phục nó, từng bước một. Ví dụ, nhấc máy lên và gọi cho người bạn muốn nói chuyện,  email bạn ngâm dấm chưa dám gửi đi, quyết định làm gì đó mà bạn vẫn đang cố trì hoãn, đừng đợi đến ngày mai. 
"Thất bại không đáng sợ, từ chối đứng lên sau thất bại thì mới đáng sợ" - đúng không nhỉ?
Nguồn tham khảo: Psychology today, Failed it (Erik Kessels), Paul Montreal, mindtools.com

Mình bắt đầu ghi lại hành trình học hỏi, khám phá, phát triển bản thân và chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại https://marketerlacloi.com/ Ghé thăm blog và để lại comment, chia sẻ nếu bạn cũng quan tâm đến chủ đề này nhé.