Tôi tra google, có khoảng 10,600,000 kết quả (0.49 seconds) về khủng hoảng ở các độ tuổi khác nhau. Xã hội càng phát triển, con người càng dễ khủng hoảng. Chứ cứ như đời bố mẹ chúng ta, ăn mặc còn chả đủ nữa là lo nghĩ về cuộc đời, về sứ mệnh của bạn thân mình. Chúng ta, đáng lý ra nên cảm thấy may mắn vì mình được trải qua những thứ chỉ thế hệ mình có mới phải.
Không có tiền thì tuổi nào quái nào cũng khủng hoảng hết
Đọc những bài viết tra được ở google, mỗi người viết, theo cảm quan của tôi, cố gắng giải quyết một cuộc khủng hoảng tâm lý ở mỗi độ tuổi khác nhau. Nhưng với tính cách tham lam như tôi, một lý thuyết bao trùm lên tất cả các cuộc khủng hoảng đó là vô cùng hấp dẫn. Sự hấp dẫn đó thôi thúc tôi hoàn thiện bài viết này.

1, KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH LÀ GÌ?

Một ngôi nhà phải xây từ móng, không ai xây nó từ mái cả. Có nhiều hướng dẫn vượt qua khủng hoảng hiện sinh ở trên mạng. Phần lớn chúng đều mơn man phần ngọn, còn cái gốc rễ vấn đề thì bị bỏ lại. Thế cho nên, bạn cứ làm theo mà không hiểu gì thì sẽ càng khủng hoảng. Vì cái khủng hoảng hiện sinh vốn dĩ là khủng hoảng mục đích sống, lý do chúng ta tồn tại, ý nghĩa của cuộc đời. Chúng ta khi mắc vào nó sẽ vô cùng thèm khát một nền tảng lý thuyết đủ cứng để trụ vững cho sự lênh đênh trôi nổi của vô vàn nền tảng to- nhỏ ngoài kia. Một bài báo mơn man ngọn lá bảo bạn tập thể dục, tập yoga, đi du lịch, dấn thân vào hạnh phúc,... sẽ chẳng giúp bạn khá hơn tí nào đâu. Nó chỉ là tự kỉ ám thị rằng bạn đang hạnh phúc thôi.
Giải quyết khủng hoảng hiện sinh phải đi từ gốc rễ
Nào, đi sâu vào lý thuyết nhé:
Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nổi tiếng của triết học hiện đại.
Soren KierkegaardFriedrich Nietzsche là hai nhà triết học được xem là những người đặt nền tảng cho chủ nghĩa hiện sinh. Họ chú trọng vào những sự trải nghiệm chủ quan của con người hơn những chân lý khách quan của toán học và khoa học, cái mà họ coi rằng quá xa cách để hiểu được những trải nghiệm của con người. Giống như Pascal, họ quan tâm đến cuộc đấu tranh thầm lặng của mỗi cá nhân với sự vô nghĩa của cuộc sống và việc sử dụng sự giải trí để tránh khỏi sự buồn chán. Không như Pascal, Kierkegaard và Nietzsche còn xem xét vai trò của sự lựa chọn tự do - đặc biệt là về những giá trị và niềm tin căn bản - và những lựa chọn đó thay đổi bản chất của người lựa chọn thế nào. (Trích wikipedia).
Trong chủ nghĩa hiện sinh, xuất phát điểm của cá nhân được đặc tả bởi tình trạng mất định hướng và bối rối khi đứng trước một thế giới có vẻ như vô nghĩa và phi lý. Cái khoảng thời gian mà chúng ta vẫn hay gọi là “khủng hoảng tuổi 20”, “khủng hoảng tuổi 27”, “khủng hoảng tiền hôn nhân”, “Khủng hoảng hậu hôn nhân”, “mất phương hướng”, ”không có đam mê”, “trống rỗng”,... chính là nó.
Các triết gia, các nhà tâm lý học cho rằng, mỗi chúng ta cần có một cuộc khủng hoảng như vậy, càng sớm càng tốt. Vượt qua nó được hay không thì còn phải xét, nhưng đến được với cuộc khủng hoảng này, cũng chẳng phải dễ dàng. Có người 18 19 đã gặp phải, lại có người 60,70, hoặc chẳng bao giờ. Điều đó phụ thuộc vào trải nghiệm của mỗi con người, trải nghiệm càng nhiều, cuộc khủng hoảng đến càng sớm.

2, BẠN CÓ ĐANG THỰC SỰ KHỦNG HOẢNG

Những người đọc bài viết này, một là đọc cho vui, đọc lấy kiến thức khi nào gặp rồi ứng phó. Hai là nghĩ mình đang trong một cuộc khủng hoảng.
Riêng về kiểu thứ hai, bạn có chắc mình đang thực sự bị khủng hoảng?
Bạn có chắc về sự khủng hoảng của mình
Làm cách nào để chắc chắn một điều gì có thực sự xảy ra trong não bạn hay không, hay chỉ đơn thuần là bạn tưởng tưởng ra. Tự kỷ ám thị là một tình trạng hay gặp trong y khoa. Giống như việc bạn lên google tra triệu trứng của bệnh tâm thần mà thấy mình khá là giống (hay cười vu vơ, thỉnh thoảng nói nhảm vài câu với đứa bạn) hoặc triệu trứng bệnh trầm cảm (ngồi thù lù một góc trong nhà, chẳng nói chẳng rằng với ai, chỉ ôm khư khư cái điện thoại đọc spiderum,...). Đó là điều hết sức vớ vẩn. Hãy xác định rõ ràng bạn có thực sự khủng hoảng hay chỉ đơn giản đang chán đời, lười biếng đi làm, thích ăn chơi hưởng thụ mà thôi.

3, HƯỚNG DẪN VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH

Nói qua một chút về bản thân mình. Tôi không học ngành y, cũng chẳng học qua khóa tâm lý nào. Cái tôi có được là những kiến thức cop nhặt trên mạng, tổng hợp lại, chiêm nghiệm xem nó đúng hoặc không. Có nhiều kiến thức tôi cảm thấy rất hữu ích, số khác lại không. Rồi sau đó áp dụng những kiến thức hữu ích lên chính cuộc đời mình. Kết quả là tôi đã vượt qua được cuộc khủng hoảng kéo theo tôi từ khi tôi 20 tuổi đến giờ. Phần này là những chia sẻ về những kiến thức tôi từng dùng để vượt qua cuộc khủng hoảng đó.
Đừng trông chờ một giải pháp tựa ánh sáng chân lý chói qua tim nhé, sẽ không có điều đó trong bài viết này đâu.

a, Bạn đã hiểu chính mình hay chưa

Bạn là ai? Bạn sống với mục đích gì? Chưa cần phải đến khủng hoảng hiện sinh mới hỏi câu đó. Đây là câu hỏi triết học mà các triết gia qua các thời kì khác nhau đều đau đáu băn khoăn.

Hiểu bản thân là điểm bắt đầu của mọi sự uyên thâm

- Aristole nói như thế. Còn ở Việt Nam, các cụ nói “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Hiểu rõ được mình là coi như cầm chắc 50 % thắng lợi. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó.
Cách để hiểu được bản thân không phải là dễ dàng.
Có một cách khá hay để hiểu chính mình, chính là sử dùng thang Bloom:
Biết- Hiểu- Vận Dụng- Phân tích- Tổng hợp- Đánh Giá.
Bloom là cách tối ưu khi bạn tiếp cận một vấn đề mới.
Hãy coi bản thân bạn là một nghiệm x, tìm nghiệm đó. Có nhiều phương pháp để giải ra nghiệm. Bloom là một trong những phương pháp đó. Đối diện với chính mình, hay thử liệt kê xem bạn biết gì về bản thân: tên tuổi, sở thích, cân nặng, quê quán, bạn bè, phụ huynh, yêu ai, yêu mấy người rồi, tên- tính cách của họ,...
Từ những kiến thức sơ đẳng đó về mình. Bạn có hiểu rõ những thông tin đó không?
Tôi lấy ví dụ. Thông tin bạn 25 tuổi chỉ là con số vô cảm. Nhưng để hiểu được con số 25 tuổi vô cảm đó là một tiến trình phức tạp khác. Bạn phải hỏi những người bước qua ngưỡng tuổi 25 rồi. Bạn phải lên trên mạng đọc những bài phân tích về độ tuổi 25. Tâm lý của tuổi 25 là như thế nào. Đọc những cuốn sách của những tác giả 25 tuổi trên thế giới,... để rồi tự mình chiêm nghiệm xem có đúng như thế không.
Về quê quán cũng như vậy. Sinh ra ở đâu sẽ mang tính chất của vùng miền ấy. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Bạn mang tính chất nơi bạn lớn lên: giọng nói tính cách. Cái cần làm là thử tìm hiểu xem con người quê bạn như thế nào. Nhiều người vẫn nghĩ Việt Nam là dân tộc quá ưu tú trên thế giới trong khi thực tế không phải vậy. Luôn phải khách quan, có căn cứ cụ thể khi nhìn một vấn đề.
Hiểu được những điều như thế, hay ngồi xuống phân tích rồi tổng hợp lại. Phác thảo lên một bức tranh chính mình trong đó. Với những hình dung sơ khai về mình. Rồi đánh giá (một các hết sức duy lý) xem thử: bạn là ai?
Có một cách giải nghiệm x dễ dàng hơn là : làm test MBIT. Tất nhiên vẫn có sự tranh cãi về sự chính xác của phương pháp này, có một cái giải pháp tức thời trong cơn bĩ cực khủng hoảng cũng tốt lắm chứ.

Tham khảo:

Hoặc là cách test Mô hình 5 yếu tố – Five Factor Model. Cách nào mà khoa học một chút thì được, đừng nên xem tử vi, tarot, cung hoàng đạo, bói toán, tướng số,... những điều đó giải trí thì ổn, còn về lâu về dài thì không ổn. Rất phản khoa học.

b, Xây dựng cho mình một thế giới quan mới

Như tôi đã nói từ trước, nhà phải xây từ móng. Bạn phải có một hệ thống phương pháp luận đủ mạnh để không bị chới với trong biển cả cuộc đời. Giống như đi tìm lý do tồn tại thì dĩ nhiên bạn phải đặt câu hỏi kéo theo “tồn tại là gì”, hay “có cần phải có lý do tồn tại hay không?”

Việc đặt câu hỏi là một cách rất hay, thử tham khảo qua bài viết này:

Bạn sẽ thấy rằng, khởi đầu của một trí tuệ là việc đặt câu hỏi. Câu hỏi càng chất lượng thì trí thức nhận được càng chất lượng. Câu hỏi hay bao nhiêu thì câu trả lời tuyệt vời bấy nhiêu.
Điều đầu tiên để có một thế giới quan mới là tìm hiểu cặn kẽ thế giới quan cũ. Thế giới quan cũ của bạn là một phương pháp giải tìm x sai (ở bước a) như tôi đã nói ở trên. Giống như giải toán vậy, giải sai không có nghĩa là kệ nó ở đấy. Giải sai bạn phải hiểu tại sao cách đó lại sai thì mới có cách giải đúng đắn được.
Thế giới quan cũ (đa phần chúng ta) tràn ngập trong thiên kiến xác nhận, những định kiến về bản thân mình, về người khác và cả thế giới này. Tôi gọi điều này là một ảo tưởng lớn.
Trong phật giáo gọi đó là sự vô minh (giống một lớp sương mỏng khuất lấp đi sự thật). Để vượt qua được sự ảo tưởng lớn này lại là một tiến trình khác. Tiến trình ấy đòi hỏi sự suy tưởng, tư duy đúng đắn phức tạp hơn nhiều lần.

Tôi đơn cử một ví dụ: Khi sinh ra, con người thường nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ. Vũ trụ xoay quanh ta. Ta là diễn viên chính của cuộc đời mình, mọi người chỉ là vai phụ. Nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta cũng nhiều lúc cũng là vai phụ cho một thứ lớn lao hơn quyết định, ta đặt dưới sự chi phối bởi nền kinh tế quốc dân, nền chính trị của nhà nước, cũng nằm trong chuỗi thức ăn, là hậu duệ của một dòng tộc như bao dòng tộc khác,...
Ta chưa bao giờ là người được chọn cả. Những gì ta làm từ trước đến nay (vì nghĩ rằng mình vô cùng đặc biệt) hóa ra là một lỗi tư duy lớn, là một ảo tưởng cực mạnh. Cái kim trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra, Ảo tưởng đến một ngày sẽ bị phá vỡ. Ngày đó, ta sẽ bị một sự thất vọng cực lớn.
Một lỗi tư duy nữa là bạn hoàn toàn tin tưởng vào trí nhớ của mình. Trong khi thực tế trí nhớ của con người phụ thuộc vào cảm xúc. Mà cảm xúc của con người (Hỉ nộ ái ố) lại lên xuống thất thường. Ta chỉ nhớ cái mà ta muốn nhớ. Cho nên mới xảy ra hiện tượng cùng một sự kiện mà những người chứng kiến khác nhau lại cho ra những câu chuyện khác nhau đến vậy. Điều này cũng tạo nên vô số ảo tưởng của con người. Kéo theo là vô số thất vọng khi phá vỡ ảo tưởng. Và Khủng hoảng cũng từ đó mà ra khi bạn không tài nào giải thích được những thất vọng của mình từ đâu mà đến.
Câu hỏi lúc này đặt ra là phải tin vào điều gì? Cái gì sẽ là kim chỉ nam đích thực cho đoạn đường của ta sắp tới? Cái gì là đúng, là chân lý trong thời thế hỗn độn này.
Câu hỏi rất đắt. Tin vui là chúng ta có những lý thuyết giải quyết triệt để sự mông lung hiện tại của bạn.
Đó là lý thuyết Xác Suất Thông Kê. Nổi bật với tư duy Bayes trong thế giới hỗn loạn như hiện nay.



c, Từ thế giới quan ấy đưa ra những giải pháp tình huống phù hợp

Sau khi cái móng đã vững chắc, chúng ta bắt đầu xây dựng hệ thống dầm cột sàn, là khung xương của ngôi nhà.
Cái cây tư duy của chúng ta khi này đã bám rễ sâu vào đất, khó mà lung lay trước sóng gió cuộc đời. Việc của ta bây giờ là quay trở lại nhìn nhận các vấn đề sau khi đã giải phẫu thanh công đôi mắt mình.
Đã đến lúc quay trở lại giải quyết khủng hoảng
  • Giải quyết khủng hoảng
Đầu tiên là đặt câu hỏi. Thử sử dụng thang Bloom nhé. Bạn bị khủng hoảng, vậy bạn biết gì về khủng hoảng. Khủng hoảng là gì? Có bao nhiêu loại khủng hoảng? Loại của bạn là loại nào? Bạn có quen ai cũng bị như mình không? Bạn có quen bác sĩ tâm lý nào không? Bạn đã tìm cuốn sách nào trên thư viện về tình trạng của mình chưa? Cuốn sách đó có đáng tin hay không? Bạn có mắc lỗi tư duy nào trong quá trình tự luận ra tình trạng của mình hay không?...
Khủng hoảng tâm lý (thường gặp) là do sự tích tụ nhiều vấn đề không giải quyết được chồng chéo lên nhau. Các vấn đề tạo lên một mớ bòng bòng xà phòng trong đầu của bạn. Mọi thứ cứ rối tung lên như một cuộn dây điện khi bạn đang cố gỡ chúng. Càng để lâu, vấn đề càng nhiều, khủng hoảng càng lớn dần và có nguy cơ nuốt chửng tâm hồn bạn vào tron nó. Vì tâm trí bạn bây giờ chỉ luôn thường trực về những thứ rối bời trong não mình.
Đó là nhưng câu hỏi tầng 1, giờ bạn phải đi sâu (hiểu) về tình trạng của mình (tầng 2)
Nguyên nhân khủng hoảng của bạn do đâu? Nguyên nhân sâu xa, trực tiếp, gián tiếp?
Kế đến là phân tích vấn đề ra. Chia nó vào các ô vuôn: tình cảm, công việc, gia đình, tài chính, quan hệ, sở thích, đam mê, sức khỏe, ...
Mỗi một ô vuông, bạn đều chấm điểm cho nó mức độ nghiêm trọng. Trong lúc làm việc này hãy tham vấn những người thông minh, tin cậy mà bạn tìm được ở tầng 1. Họ là những người đàn anh, bác sĩ tâm lý, nhưng người đọc rộng hiểu nhiều, hoặc đơn giản là đã vượt qua được tình trạng tương tự bạn đang trải qua.
Lên các tầng tiếp theo
Bước tiếp theo là tổng hợp lại các mức độ nghiêm trọng của từng vấn đề, sau đó đưa ra nhận xét xem vấn đề nào nguy cấp nhất. Từ đó dùng toàn bộ nguồn lực (thời gian, tài chính, trí lực, mối quan hệ) để giải quyết triệt để vấn đề đó. Bật mí với bạn, khi tư duy đã rạch ròi và duy lý rồi, thêm vào việc phân tích sự việc một cách có chiến lược kĩ càng, thì vấn đề được giải quyết rất nhanh.
  • Giải quyết khủng hoảng hiện sinh
Vừa rồi là khung xương mô hình giải quyết một cuộc khủng hoảng tổng quát mà tôi đề xuất. Giờ đến cuộc khủng hoảng hiện sinh.
Khủng hoảng hiện sinh chỉ khác khủng hoảng bình thường ở chỗ: nó có tính chất của triết học hiện sinh ở trong đó. Ở tầng 1, ta phải đưa thêm câu hỏi về triết thuyết hiện sinh, rồi giải quyết nó. Ở Tầng 2, ta phải đi sâu vào hiện sinh của chính ta: ta sống để làm gì? Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Có cần phải có một ý nghĩa trong cuộc sống này không? Vân vân...
Các tầng khác cũng tương tự.
Vấn đề duy nhất ở đây, bạn sẽ sớm nhận ra, chỉ có độc nhất một câu hỏi cần phải trả lời: ta sống để làm gì?
Đây lại là một phương trình phức tạp khác mà nghiệm x trong này có vẻ như mất nhiều thời giờ mới tìm được. Nhưng khả năng cao là không vô nghiệm
Tôi xin đề xuất một vài nghiệm của tôi cho bạn đọc tham khảo:
  • Nghệ thuật
Không tự nhiên mà người ta tìm đến nghệ thuật. Ai rồi cũng chết. Nhưng đó là cái chết vật lý, còn cái chết triết học lại là chuyện khác. Ta không thể bất tử, nhưng tác phẩm của ta lại có. Trịnh Công Sơn đã chết từ lâu, Piccaso đã chết từ lâu, Moza đã chết từ lâu, nhưng những nghệ phẩm của họ vẫn sống mãi. Nam Cao có thể không còn, nhưng những suy tư của ông về nghệ thuật vì nhân sinh hay nghệ thuật vì nghệ thuật lại vẫn được hậu thế bàn tán hằng năm.
Nghệ thuật giúp ta tìm ra mục đích sống
Với tầm nhìn hạn hẹp của mình, tôi nghĩ rằng kinh tế Việt Nam càng phát triển thì nghệ thuật càng có chỗ đứng. Kéo theo đó là sự trọng thị của dân chúng với những tác phẩm, tác giả, hoạt động nghệ thuật. Cũng sẽ vì thế mà thu nhập của họ ổn định hơn, không phải lo về cơm áo gạo tiền nữa. Yên tâm mà theo đuổi đam mê
  • Hưởng thụ
Nghe có vẻ buồn cười, nhưng có thể là như thế thật. Con người sống đã phải chịu khó khăn từ bao thời đại: công xã nguyên thủy, nô lệ thời phong kiến. Nhiều tiền để làm gì, tại sao ta cứ phải lo nghĩ quá nhiều, cuộc sống nếu nhìn theo nghĩa này chẳng phải rất dễ dàng hay sao. 
Tận hưởng
Đừng hiểu lầm ý tôi, tận hưởng ở đây không phải là buông thả, vô trách nhiệm, mà là có ý thức hơn về sự tồn tại của mình. Tích cực đón nhận nó bằng tất cả giác quan, như làn gió thổi qua da, như tiếng chim hót rót vào tai, như hạt mưa rơi trên mái. Đời người được mấy cái mười năm mà phải lo nghĩ.
  • Là để sống
Sống là để sống, nghe cũng buồn cười nhỉ.

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời

Còn con người là sống hết kiếp người. Tận hưởng từng phút giây trôi qua. Sống cho hiện tại (nowness) không phải cho quá khứ, cũng chẳng phải cho tương lại. Mà sống cho ra sống. Tồn tại cho ra tồn tại. Sự tồn tại phải có xác nhận từ chính thâm tâm mình. Đấy cũng là một trong những mục đích của thiền định.

LỜI KẾT


Mong rằng bạn sẽ tìm được cách giải quyết vấn để của mình trong bài viết này. Hãy upvote để nâng cao động lực cho người viết nhé.
18/06/2019
An Phạm
Đọc thêm: