Ngày đầu tiên khi tôi bắt đầu dấn thân vào "làm product", rất nhiều người, và kể cả tôi, vẫn bị bối rối không biết chính xác vị trí làm Product phải là gì, Product Manager (PM) khác gì Product Owner (PO), và còn Business Analyst (BA) có phải là một không? Hay PM có vị trí cao hơn trong công ty so với PO?
Ở Việt Nam, các công ty outsource theo cách làm truyền thống, thì thường vị trí của các bạn thường chỉ là BA, cao hơn là Senior BA. Trong khi ở các công ty startup thì được gọi lẫn lộn là PM hoặc PO. Như vậy khái niệm này vẫn chưa rõ ràng và rất nhiều người bị nhầm lẫn.

Các vị trí này là gì? 

Product Manager là công việc thuộc ngành Product Management

Product Management hiện đại được đặt nền móng vào 1931 bằng một bản ghi nhớ của Neil H. McElroy ở P&G. Hai founders đầu tiên của H&P đã bị ảnh hưởng bởi tư duy này của ông: "đặc tính của Người làm thương hiệu là đưa việc ra quyết định càng gần với khách hàng càng tốt và khiến người quản lý sản phẩm trở thành tiếng nói của khách hàng trong nội bộ."
Trong lúc đó, văn hóa Kaizen (đại khái là cải tiến liên tục) của Nhật cũng du nhập và ảnh hưởng rất lớn đến Silicon Valley: "các cựu nhân viên Hewlett-Packard đã mang cách suy nghĩ mới này - lấy khách hàng làm trung tâm, chiều dọc thương hiệu và sản xuất tinh gọn - cho công việc tương lai của họ".
Sau đó, các công ty làm về tech nhận ra các tư duy, kỹ năng và tư duy về Product Management trong ngành sản xuất, FMCG quá phù hợp với việc xoay quanh sản phẩm (product-centric) trong mô hình hoạt động của các công ty tech. Điều này đưa Product Management trở thành trung tâm của việc phát triển sản phẩm, vì nó không chỉ bắt buộc phải hiểu khách hàng và nhu cầu của họ mà còn phải gắn sự phát triển của sản phẩm với họ.
Ở đây, những người làm công việc và am hiểu về lĩnh vực Product Management, được gọi là Product Manager. Nói nôm na, Product Manager là những người phải quản lý (manage) một sản phẩm (product) trong suốt vòng đời sản phẩm của nó (Product lifecycle).

Product Owner là một vai trò trong Scrum Team

Ban đầu, các quy trình và phương pháp để phát triển một sản phẩm đi rất chậm và tốn nhiều công sức, nhất là trong mảng Tech do các công ty vẫn áp dụng theo phương pháp Waterfalll, mỗi thay đổi đều phải trải qua nhiều công đoạn và ít có sự liên kết giữa các bộ phận.
Với các lợi thế của mình Agile Scrum nổi lên như là một trong các phương pháp quản lý dự án hiệu quả, các công ty Tech nhanh chóng áp dụng Agile Scrum vào để thiết lập quy trình quản lý việc Phát triển sản phẩm thay cho quy trình cũ.
Agile Scrum trình làng vai trò mới tinh trong Scrum Team, đó là Product Owner. Đây là một người đại diện cho khách hàng và sẽ cho các thành viên trong team phát triển biết các yêu cầu đối với những gì cần được xây dựng.
Như vậy, Product Owner ở đây có thể được đảm nhiệm bởi chính khách hàng (ví dụ như Bên đặt hàng phần mềm) hoặc một người nào đó đại diện cho tiếng nói của khách hàng (như là Product Manager).
Điểm khác biệt chính giữa Product Manager và Product Owner là:
- Product Owner là người đảm nhiệm vai trò như một mắt xích trong team phát triển sản phẩm (Role-base).
- Product Manager là người chịu trách nhiệm về một sản phẩm không chỉ về việc đảm bảo phát triển mà còn là về mặt Business, lập kế hoạch, ra mắt sản phẩm,... Nói chung là tất tần tật để đảm bảo sản phẩm phát triển và hoạt động được trong suốt Lifecycle của nó (Job-base).

Business Analyst là người làm các nghiệp vụ về phân tích nghiệp vụ (Business Analysis)

Theo BABOK, Business Analysis được mô tả như là hoạt động mà mang lại thay đổi trong một tổ chức bằng cách xác định được nhu cầu và đề xuất được giải pháp mà mang lại giá trị tới các bên liên quan. Đại khái là làm các thứ sau:
- Xác định được nhu cầu (needs) để giải quyết được một painpoint hoặc để nhận được một benefit nào đó (tương tự như xác định problem cần giải quyết).
- Đề xuất ra được (một hoặc nhiều) giải pháp mang lại giá trị (đề xuất không có nghĩa là phải tự mình nghĩ ra, có thể thông qua nghiên cứu, tham khảo ý kiến,... - nhiều bạn bị hiểu lầm về cái này mà chỉ toàn một mình tự làm và ra giải pháp).
- Giao tiếp để truyển tải được các needs và giải pháp được đề xuất tới các bên liên quan: Đây là kỹ năng thuyết trình, giao tiếp và là cầu nối giữa các team với ngôn ngữ khác nhau, ví dụ như giữa IT và Business.
- Thống nhất giải pháp giữa các bên.
Như vậy, bạn có thể thấy phạm vi của Business Analysis là rất lớn trong một tổ chức, không chỉ trong Product Development mà còn trong cả Sales, Marketing, Business Intelligence,...
Vô hình chung, Business Analyst sẽ bao gồm rất nhiều người có các title và role khác nhau trong tổ chức, miễn là họ làm các nghiệp vụ về Business Analysis, trong số đó có cả Product Manager và Product Owner.
Với góc nhìn của tôi, thì Business Analyst không nên là một title mà là một role thì đúng hơn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các công ty vẫn sử dụng BA là một title trong công ty và chủ yếu tuyển dụng để làm các nghiệp vụ về Product Development hoặc phân tích thị trường, dữ liệu.

Vị trí trong một công ty Tech hiện đại

PM và PO

Product Management chia thành các Level khác nhau:
- Strategic Partnering (CPO)
- Strategic (Director to VP)
- Planning (Senior PM)
- Shipping (PM)
Thông thường, nếu hoạt động Product Development trong công ty được tổ chức theo Agile Scrum, thì các Scrum team này (Squad) sẽ có các PO riêng. PO thường được PM hoặc Senior PM đảm nhiệm vai trò.
Cao hơn, Director, VP hoặc CPO sẽ không còn đảm nhiệm vai trò PO nữa mà thiên về Strategy, Management, Business Development, Fund raising... nhiều hơn.

Thế còn BA trong Product Development thì sao?

Chức danh (Title) của người làm nhiệm vụ BA trong Product Development nên được gọi là Product Analyst hoặc Product Associate hơn. Như vậy sẽ không bị lẫn lộn với việc BA làm trong các mảng khác như Business Intelligence, Marketing,...
Về vai trò:
- Trong Scrum team, Product Analyst sẽ đóng vai trò BA:
+ Xử lý các phần nhỏ trong Epic và miêu tả Acceptance Criteria cho các User Story được giao
+ Nghiên cứu, thảo luận và đề ra giải pháp cùng với các thành viên trong team và các bên liên quan (stakeholder)
+ Là cầu nối giao tiếp giữa các team với nhau
+ Ghi chép lại tài liệu, quy trình,...
- Đối với Product, Product Analyst sẽ là trợ lý (assistance) cho Product Manager. Ở đây Product Analyst sẽ được tham gia và xử lý rất nhiều công việc nằm ngoài các hoạt động trong Scrum team. Theo kinh nghiệm, thì trung bình Product Manager phải dành 50-60% thời gian để giao tiếp (communication) với khách hàng và các bên liên quan, còn Product Analyst là 30-50%.