Mình lần đầu tiên biết đến không gian Cà Phê Thứ Bảy từ một lần tham gia buổi gặp mặt của những bạn Thinker do ADCAccademy tổ chức. Buổi hôm đó, nhóm mình được giao lưu trực tiếp với nhạc sĩ Dương Thụ - người đồng sáng lập ra không gian cà phê này.
Bác Dương Thụ năm nay đã gần tám mươi tuổi, lứa tuổi mà bạn bác có mấy người đã về trời. Bác còn đùa với mọi người là chắc do tôi chẳng suy nghĩ nhiều nên đến bây giờ vẫn còn ngồi đây, bạn cùng lứa với tôi đều đã đi hết cả rồi. Đúng là có mấy ai đến tuổi bác mà vẫn còn nhìn nhanh nhẹn và vui tươi đến thế. Mình còn nhớ buổi tối hôm đó đó, bọn mình đã được nghe rất nhiều về những cuộc hành trình mà bác đã trải qua trong suốt cuộc đời của bác, và trong đó kể đến việc thành lập Cà Phê Thứ Bảy Trẻ.
Năm đó, cách đây cũng đã hơn 10 năm, không gian giao lưu văn hóa nghệ thuật ở nước ta chưa thật sự trở nên phổ biến nhiều như bây giờ. Bác đã có ý tưởng thành lập một nơi để cho mọi người có thể đến để thưởng thức, giao lưu, chia sẻ về nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật hàn lâm. Lúc bác nói lên ý tưởng của mình cho những người bạn cũng đồng thời là những doanh nhân, kiến trúc sư… ai ai cũng nhanh chóng lên tiếng phản đối. Mọi người bảo bác hãy nghĩ kỹ lại xem, xã hội bây giờ ai cũng tất tả với cơm áo gạo tiền làm gì có ai dành thời gian để tìm hiểu văn hóa nghệ thuật, nếu làm thì chắc chẳng thể nào tồn tại nổi đâu. Thời điểm đó, chỉ có mỗi Đặng Lê Nguyên Vũ là đồng ý để bác kết hợp không gian văn hóa và cà phê cùng với Trung Nguyên. Rồi Cà Phê Thứ Bảy Trẻ được thành lập, vẫn đều đặn hàng tuần tổ chức những chương trình giao lưu, chia sẻ về văn hóa, nghệ thuật và cuộc sống. Tính đến nay, Cà Phê Thứ Bảy Trẻ cũng đã hoạt động hơn 10 năm rồi. Bác bảo “Lúc đó mọi người ai cũng khuyên tôi đừng làm, vì làm một chương trình như thế thì lấy đâu ra lợi nhuận, làm sao mà sống sót nổi, nhưng tôi vẫn làm”. Nếu năm ấy bác sợ hãi mà nghe theo lời khuyên của người khác, chắc chẳng thể nào có không gian đó như hôm nay.
Mình có đến Cà Phê Thứ Bảy Trẻ vài lần sau đó, một lần là giao lưu với Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành về chủ đề “Làm sao để sống một cuộc đời có ý nghĩa” và một lần là chủ đề “Làm thế nào để dạy và học tốt môn lịch sử”. Mỗi lần là một chủ đề khác nhau, nhưng mình nhận thấy một điểm chung ở mọi người mỗi lần tham gia đó chính là lòng nhiệt huyết được học hỏi và cống hiến. Dù là ai, là diễn giả hay những người tham gia ở lứa tuổi nào đi chăng nữa, tất cả mọi người đều đến với mong muốn được chia sẻ và học hỏi. Một vấn đề được đưa ra để mọi người cùng thảo luận, cùng nêu lên ý kiến của riêng mình, không cần đánh giá ngoại hình, công việc hay lứa tuổi. Không có ai, hay bất cứ người nào cố tình áp quan điểm của mình lên người khác. Và hơn nữa, tất cả mọi người đều nhận thức được là khi có một vấn đề nào đó đưa ra để thảo luận, câu hỏi duy nhất mà mọi người hỏi luôn là “chúng ta nên làm gì?”. Đó là ta, chính ta, chính bản thân mỗi người nên làm gì, nên thay đổi điều gì để cuộc sống giống như những điều ta mong muốn. Giống như chủ đề về việc học lịch sử, mọi người đều luôn nhắc đi nhắc lại rằng “hãy nhớ, chúng ta đang tìm ý kiến để biết chính chúng ta - những người đang dạy và học môn lịch sử - cần làm những gì để thay đổi thực trạng học lịch sử của học sinh hiện nay, chứ không phải là nêu ý kiến về nhà nước nên làm gì, Bộ Giáo Dục nên làm gì…đó là những thứ chúng ta không thể can thiệp, không thể thay đổi. Thứ duy nhất chúng ta có thể thay đổi được là chính bản thân mình”. Uhm, đúng. Thứ duy nhất chúng ta nắm trong tay và có quyền thay đổi theo mong muốn của mình là chính bản thân mình chứ không phải là bất kỳ ai, hay một thứ gì khác. Phàn nàn, đổ lỗi chưa bao giờ là cách để giải quyết bất kỳ một vấn đề nào cả.
Mỗi lần đến đây mình lại học thêm được nhiều thứ, có lúc là lắng nghe, có lúc là chia sẻ. Mỗi lần như thế mình lại cảm thấy bản thân mình nhận thêm được điều gì đó, có một chút thay đổi, có một chút trưởng thành, hoặc đôi khi là mạnh mẽ hơn trong suy nghĩ.
Nếu có thời gian, vào một ngày cuối tuần đẹp trời, bạn hãy thử đến giao lưu tại Cà Phê Thứ Bảy Trẻ để được nghe chia sẻ của mọi người, để được nói lên những điều mình muốn nói và được mọi người lắng nghe, nhé!