Bóc phốt: Skin trong game
Skin là một phần không thể thiếu của game khi mà nó chính là một trong những cách giúp bạn có thể đề cao cá tính của bản thân bằng...
Skin là một phần không thể thiếu của game khi mà nó chính là một trong những cách giúp bạn có thể đề cao cá tính của bản thân bằng những bộ trang phục bắt mắt, ngoài ra skin cũng chính là một nguồn thu nhập khổng lồ cho nhà sản xuất game đồng thời cũng là một hình thức fan-service và cách để kết nối với fan base của họ. Chào mừng các bạn đến với game cực hay, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau bóc trần điểm trừ của những trang phục tưởng chừng như vô hại nhưng lại khiến cho trời đất dung hoa vạn vật sinh sôi thôi thì mình cùng sửa soạn trang phục, ngồi xuống ngay ngắn bốc miếng trà hà hơi vào miếng bánh đi vào video ngay nhé.
Lược sử về skin
Quay ngược về dòng thời gian vào những năm 1980, lúc này đã có sự thay đổi màu của các nhân vật trong video games khi mà các lập trình viên trẻ và các modder chỉnh sửa màu sắc của game tùy thích theo ý của họ, tuy nhiên do đây chỉ mới là bước đi đầu của internet và làng game cũng chỉ mới chớm nở nên hầu như mọi người vẫn chưa có khái niệm “skin” như thời hiện đại. Mãi cho đến năm 2001 với tựa game Sonic Adventure 2, skin mới được áp dụng chính thức và cũng chỉ ở hình thức quà tặng miễn phí nhân dịp giáng sinh. Ông tổ thực sự của ngành công nghiệp skin hiện tại, chính là tựa game The elder scroll oblivion của ông chú Bê Tha, không chỉ là game phát hành bản DLC đầu tiên của nhân loại, mà còn là người đi đầu trong lĩnh vực thương mại hóa skin.
Skin và điểm cộng
Một trong những lý do cho sự tồn tại của skin là gì? chính là nguồn lợi khổng lồ của nó, không phải ngẫu nhiên mà những tựa game free to play như liên minh huyền thoại lại đạt doanh thu lên đến 1,75 tỉ đô trong năm 2020 vừa qua, dòng tiền này chính là nguồn tài chính để chi trả lương cho các nhân viên của công ty cũng như tổ chức các trận đấu esport nảy lửa mang đậm tinh thần thể thao điện tử với số tiền thưởng khổng lồ (ờ thì còn để sản xuất vài cái video ca nhạc nữa) . Với những tựa game theo mô hình Free2Play như LOL thì doanh thu từ skin là cực kỳ quan trọng với nhà phát hành, có thể nói nếu ko có chúng thì chúng ta đã không thể có những tựa game miễn phí như vậy.
Sâu xa hơn chính là những chương trình từ thiện đóng góp một phần nhờ doanh thu của skin. Năm 2018, quỹ nghiên cứu chống ung thư đã nhận khoảng tiền lên đến 12.7 triệu đô, gần 29 tỉ tiền việt là tổng số tiền được quyên góp sau khi game thủ mua dòng skin giá 15 đô trong tựa game Overwatch. Skin dần dần không còn chỉ đơn thuần là một bộ cánh khoác bên ngoài nữa mà chính là bộ mặt đại diện cho một công ty, là giá trị tinh thần không thể thiếu trong một tựa game. Khỏi cần phải nhìn vào những thứ quá vĩ mô, sở hữu skin chính là liều buff tinh thần nhỏ cho game thủ, được nhìn những vị tướng yêu thích của mình khoác lên cái áo mới, ai lại không thấy hứng thú cơ chứ? Chính vì vậy, việc nói rằng ngành công nghiệp game bây giờ gắn liền với skin cũng không phải là quá phóng đại. Tuy nhiên, đời không như là mơ, skin cũng chính là con dao hai lưỡi phá hoại không ít trải nghiệm của game thủ.
Ảnh hưởng đến gameplay
Với lượng skin đa dạng và phong phú như hiện tại, chúng ta có thể chia chúng ra làm hai loại: một loại ảnh hưởng trực tiếp đến trò chơi và một loại ảnh hưởng gián tiếp đến trò chơi. Trước tiên chúng ta hãy đi phân tích loại thứ nhất bằng một câu hỏi “Cái skin vô thưởng vô phạt thì làm sao có thể ảnh hưởng đến gameplay cơ chứ?”
Tác động trực tiếp
Có chứ bạn, có nhiều là đằng khác, hiện tượng này thường sẽ hiện hữu ở các game online nơi mà skin khi sở hữu sẽ cộng thẳng chỉ số vào nhân vật chính là những skin có ảnh hưởng rất lớn đến trò chơi và thường sẽ đi theo xu hướng tiêu cực. Ôi nhìn này, một cây ak tầm thường trong một cuộc sống bình thường, làm thế nào để mình gia tăng sức mạnh cho cây AK này nhỉ? thêm nòng ư, nope. Thêm phụ kiện vào ư? nope. Sơn súng tăng dame ư? yes yes yes. Phủ lên một lớp sơn hào nhoáng như thể mới đi ta tu về và chúng ta có một cây súng uy lực gấp nhiều lần phiên bản cũ rích của nó. Những skin thuộc dạng này thường sẽ đi đôi với một cái giá rất cao nên về mặt lợi nhuận, hình thức này chính là một cái máy in tiền đô chơi lô tô cực nhanh và cực dễ, hãng không cần phải tốn thời gian, tốn tiền bạc để có thể thêm thắt chi tiết vào game mà chỉ cần thay đổi hình thức một chút là đã có một dòng skin mới, một cách thức mới để hút máu người chơi, điều này không những thể hiện tính lười nhác, cẩu thả mà sâu xa hơn chính là sự thiếu đầu tư, thiếu tình yêu cho những tựa game của chính mình và tất nhiên sẽ kéo ngành công nghiệp game đi xuống. Những skin như thế thường sẽ đi với một cái giá không hề rẻ, mà giá đội trời đó sẽ khiến nhiều game thủ có tiềm năng nhưng thiếu đi tài chính sẽ không thể tiếp cận với chúng, tạo ra một hàng rào “pay to win” to hơn cả bức tường ngăn người nhập cư của ai đóvà tất nhiên sẽ tạo ra vô vàn câu hỏi về tính công bằng trong game, liệu game có phải sinh ra chỉ để cho người giàu chơi khi chỉ cần bỏ tiền ra đã hơn người khác một bậc?
Hình thức làm game làm skin theo kiểu mì ăn liền này không những tạo ra một môi trường chơi game cực kì độc hại mà còn khiến cho người chơi mất niềm tin vào nhà sản xuất, đơn cử như các tựa game lấy việc skin súng lên hàng đầu như lửa chùa, đột kích, truy kích vấp phải rất nhiều chỉ trích khi game càng ngày càng giống show trình diễn thời trang vietnam next top model hơn là một tựa game bắn súng sinh tồn. Nếu về mặt công bằng đã có những lỗ hổng lớn thì chắc chắn về mặt esport sẽ càng tạo ra nhiều vấn đề hơn, việc yêu cầu một game thủ chuyên nghiệp phải mua skin hoặc ép buộc họ mang một skin nào đó ra trận sẽ khiến họ ít nhiều bị ức chế tâm lí đồng thời cũng khiến cho những trận đấu trực tiếp không còn nhiều kĩ năng nữa mà chỉ là ván bài xem skin ai cộng nhiều chỉ số hơn.
Tác động gián tiếp
Thế còn những skin ảnh hưởng gián tiếp đến trò chơi thì sao? Tuy skin chỉ là vẻ ngoài của nhân vật nhưng ít nhiều gì cũng sẽ thay đổi một số thứ, trong đó có hitbox, không cần phải nói cũng sẽ biết, một số skin có thể khiến hitbox của một nhân vật nhỏ hơn bình thường, nhắc đến đây tôi không thể không dừng được bản thân mà nhắc đến iBlitzcrank, một skin được sản xuất sau khi Riot ngủ qua đêm tại nhà của Apple, tất cả đều hoàn toàn ổn ngoại trừ chiêu Q có hiệu ứng rất khó để phân biệt và thậm chí một số người còn cho rằng hitbox của skin này to hơn hitbox của skin mặc định, khiến cho trang phục crossover này bị ban ở các giải đấu chuyên nghiệp cùng với hàng chục các trang phục khác như Syndra công lý, Jayce kẻ phản diện, tất cả chúng đều có điểm chung là hiệu ứng hòa lẫn với môi trường hoặc animation quá giống nhau, làm skin cho lắm chi rồi ban vậy hả Rito.
Một số skin khác ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng trò chơi đến mức nhà sản xuất phải ban chúng. Đứng đầu chính là dòng skin Shattered Web trong trò chơi CS: GO, dòng skin này chính là những skin đầu tiên cho phép thay đổi hình dáng của các agent trong game, vì thế nên khỏi cần phải bàn cãi về độ nổi tiếng của nó. Tuy nhiên vấn đề cũng từ đây mà phát sinh khi mà trong vòng một tháng kể từ ngày ra mắt, người chơi phát hiện ra rằng họ hoàn toàn có thể “tàng hình” trong một số khu vực nhất định trong trò chơi khi mà màu skin dễ dàng hòa lẫn với màu của môi trường xung quanh. Bên cạnh đó còn có những skin hóa trang thành ninja, cần gì đến hack cheat khi mà nhà sản xuất tự tạo ra skin có thể hack tàng hình cơ chứ. Rất may là sau một tháng thì valve đã có những động thái chỉnh sửa kịp thời nhằm mang lại trải nghiệm công bằng cho người chơi. Dòng skin ember rise của quả bom mém xịt Rainbow six cũng gặp phải vấn đề tương tự, tuy nhiên việc này tồi tệ hơn khi mà những game thủ chuyên nghiệp cũng nhận thấy được lỗ hổng này và lợi dụng nó, G2 Pengu đã có video nói về việc này như sau: https://youtu.be/-MtBKZYXHkw?t=38
Phải đến 6 tuần sau, Ubisoft mới mang cây búa của mình đập vào dòng skin này, tuy rằng những tốn thất mà nó gây ra là ko đáng kể nhưng ít nhiều gì cũng cho chúng ta thấy được mặt trái không ngờ đến của những cái skin tưởng như vô hại.
Bên cạnh đó còn có những skin bị ban vì hiệu ứng quá chói mắt thậm chí là gây ra triệu chứng động kinh. Nổi nhất trong số đó không thể không kể đến trang phục của Gil trong Street fighter 5. Vào tháng 10 năm vừa qua, Capcom ban skin Pyron của nhân vật Gil vì hắn ta có hiệu ứng nhiệt giật giật trông rất khó chịu, hiệu ứng nhiệt này không chỉ giúp cho nhân vật giấu đi các động tác đánh đấm sắp tung ra mà còn khiến cho đối thủ cận thêm 2 độ. Ngoài sự khó chịu điển hình ra, skin này còn vấn phải những chỉ trích như là việc hắn luôn trong tình trạng cháy hừng hực như thế sẽ làm mất đi các hiệu ứng khác như nhiễm độc hay choáng và vì vậy khiến việc đối mặt với skin này đã khó nay còn khó hơn.
Những vấn đề khác của skin
Sexy quá cũng không ổn
Bạn có biết rằng vào năm 2016, tại vòng chung kết của tựa game street fighter 5 tuyển thủ chuyên nghiệp Fuudo được yêu cầu không sử dụng skin mặc định của nhân vật Mika vì cô nàng quá...sexy. Đây là trường hợp hi hữu có lẽ là đầu tiên khi mà ESPN, viết tắt cho kênh truyền hình chuyên về thể thao thuộc quyền sở hữu của Disney đang phát sóng giải đấu trên toàn quốc, ESPN nhận thấy rằng trang phục mặc định quá hở hang và việc phát sóng trực tiếp như thế sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng của kênh hoặc tệ hơn sẽ có một số phụ huynh giận dữ trước trang phục thiếu vải như thế. Vì vậy họ đã yêu cầu Fuudo chuyển sang một skin khác, tình huống này không ảnh hưởng lắm đến trận đấu thế nên mọi việc đều ổn thỏa, chỉ là hơi buồn cười khi mà một skin bị ban chỉ vì sexy quá mức qui định ấy mà.
Pha chơi dại của Marvel
Trên đời có hai điều tối kị con người nên tránh đụng đến, thứ nhất là tôn giáo và thứ hai là chính trị. Khi cái skin của bạn là skin nhân vật phản diện mà lại na ná một ông vua nào đó thì cũng tự hiểu được rằng bản thân sắp phải dính vào rắc rối gì. Chính xác hơn thì câu chuyện này chạy về tận 2005 khi mà marvel làm ra skin Master of magnetism dựa vào hình ảnh có thật của vua Juan Carlos xứ Tây Ban Nha, tất nhiên là người dân ở TBN không cảm thấy vui mừng lắm khi vị vua của họ lại tượng trưng cho một tên tâm thần phản diện nên Marvel quyết định ko mang skin đó vào game. Tuy nhiên như để thể hiện rằng hãng chưa học được bài học nào cả thì 5 năm sau, Marvel lại tiếp tục đưa skin này vào trò chơi “Ultimate Marvel vs. Capcom 3” với cái tên như để chỉ thẳng mặt vào đất nước bò tót: “King of spain”. Và ai cũng biết điều gì sẽ xảy ra rồi chứ nhỉ, tây ban nha đâm đơn kiện Marvel buộc hãng phải gỡ bỏ dòng skin này đồng thời phải cân nhắc kĩ lưỡng hơn khi ra skin trong tương lai.
Skin đỏ đen
Skin gamble hiện tại là một vấn đề khác cực kì nhức nhối của skin nói riêng và ngành công nghiệp game nói chung. Đúng như cái tên của nó: skin gamble có nghĩa là cá cược skin. Nói nôm na cho bạn nào dễ hiểu về bộ môn này thì trước khi một trận đấu kịch tính diễn ra (thường thì CS:GO hoặc DOTA), các trang web bên thứ ba sẽ quảng bá cho trận đấu sắp tới đồng thời cho người chơi có thể dùng skin của mình đặt cược vào kết quả. Người chơi có thể đặt cược bao nhiêu skin tùy thích, trong lúc cược các skin ấy sẽ bị khóa, nếu người chơi thắng cược thì skin của họ sẽ được hoàn trả lại thư viện steam đồng thời sẽ được thêm những skin của kẻ thua cược, còn những kẻ thua thì sao? tất nhiên là trắng tay rồi. Đó mới chỉ là “sơ sơ” về skin gamble, thực chất hệ thống này còn phức tạp hơn với nhiều chi tiết như phần thưởng nhận được, đội mạnh đội yếu, số lỗi các tuyển thủ mắc phải, vâng vâng và mây mây. Tuy nhiên như người nổi tiếng nào đó đã từng nói: “Trong cá cược, người không chơi là người thắng, người chơi là người thua”, chính vì vậy skin hiện tại đang được sử dụng không khác gì một loại tiền tệ để đặt cược vào may rủi giống như các sòng bài, các trang web cược skin hoàn toàn không có quy trình xác minh độ tuổi tạo ra nhiều mối lo cho các bậc phụ huynh về việc con em họ sẽ lâm vào con đường đỏ đen vì hiện tại giá của nhiều skin đôi khi còn đắt hơn con xe cà tàng của tôi đang chạy, cứ nhìn thử sang mấy cây dao quèn bên CS:GO xem, có cây thậm chí đội giá lên đến trên dưới 5 nghìn đô biden ấy chứ.
Đôi cuối dòng lời
Cây dao hai lưỡi cũng là một cây dao có ích, skin có lợi hay có hại còn tùy thuộc vào cách sử dụng của mỗi người. Hãy là một người chơi thông minh, biết điểm dừng và hãy luôn nhớ rằng mục đích cuối cùng của video games cũng là để giải trí cho con người thôi nhé.
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất