Triết lý của Mikhail Tal thắp lên một ngọn lửa hiện sinh trên bàn cờ vốn dành cho sự vĩnh hằng đầy lạnh lẽo; những đòn thí quân không hẳn có cơ sở và những thế trận phức tạp quá mức cần thiết, tiếng râm ran của chúng xua tan sự lặng thinh lẽ ra phải thường trực nơi đây.

CỜ VUA HIỆN ĐẠI

Cờ vua là một trò chơi đóng, đặc trưng là luật chơi và mục đích rõ ràng, cũng như số các nước đi là hữu hạn. Theo lý thuyết, luôn tồn tại một (số) nước đi tốt nhất tại mọi thế cờ, mà những nước đi tốt nhất này vẫn luôn tồn tại ở đó, từ trước khi có ai tìm ra chúng, hoàn toàn độc lập với người giải. Chúng được ví như những nước đi thần thánh mà ai tìm ra được sẽ là kẻ thống trị trên chiếc bàn vuông 64 ô.
Chạm đến những nước đi này vẫn luôn là ước mơ của nhân loại, hoặc ít nhất từ kỷ hiện đại của cờ vua. Những thế hệ siêu đại kiện tướng được sản sinh, những siêu máy tính được chế tạo, những siêu thuật toán được phát triển, tất cả đóng vai trò như những nhà thám hiểm, hướng tới mục tiêu duy nhất – ngày càng tiến gần hơn tới cái đáp án khách quan và vĩnh cửu kia. Một ngày nào đó cờ vua sẽ được giải, như một bài toán cũ kỹ, hay như một bổ đề ai cũng biết có-thể-chứng-minh nhưng tới giờ mới có thể chứng minh.
Từ ngày siêu máy tính Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch thế giới 5 lần Kasparov, hành trình hướng tới sự vĩnh cửu này được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Bước vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, những Magnus Carlsen, những Fabiano Caruana với phong cách lạnh lùng và chính xác xuất hiện. Họ tiếp quản thế giới cờ vua với những hiểu biết mới do máy tính cung cấp. Những nguyên lý trừu tượng được áp dụng nghiêm ngặt – độ tích cực quân, không gian, cấu trúc tốt, cuộc chiến trên các phức hợp đen/trắng v.v.. – biến cuộc cờ thành một trò chơi tuân thủ kỷ luật. Các đại kiện tướng chơi những ván cờ mà 20 nước đầu hoàn toàn theo trí nhớ, 50 nước nữa cố gắng không mắc sai lầm; sau 6 giờ cân não là chuỗi hoà kéo dài thêm một trận.
Theo lý thuyết, nếu hai đối thủ đều tìm ra được đi tốt nhất ở mọi thế, kết quả sẽ phải là hoà cờ. Với sự trợ giúp của Stockfish, Komodo, Leela, và Alpha Zero, không khó để những bộ não hàng đầu này hiểu được phương pháp tìm ra những nước cờ tốt nhất đó. Một thế giới cờ vua mới dần mất đi màu sắc của một môn đối kháng, sự sáng tạo được thay bằng nguyên tắc, sự tạo dựng được thay bằng sự tìm kiếm. Hai kỳ thủ không đối đầu trực tiếp với nhau. Hai kỳ thủ giải những bài toán của riêng mình, nhưng vô tình sử dụng chung một bàn cờ. Họ không phải đối thủ, họ là những người đồng đội trên hành trình tìm kiếm những nước đi được cho là “tốt”.

BƯỚC CHUYỂN

Nếu cờ vua trước thời François-André Philidor và Wilhelm Steinitz là thuở hồng hoang với đặc trưng là vận dụng trí sáng tạo để bóp nghẹt đối phương, thì sau Deep Blue là kỷ khai sáng với đặc trưng là tìm kiếm những nước được cho tốt vĩnh hằng. Khái niệm về nước đi tốt đã thay đổi hoàn toàn trên bước chuyển ấy – trước đây, một nước đi được cho tốt miễn là đối thủ không nhận ra được sự sai lầm của nó; giờ đây, một nước đi được cho là tốt khi và chỉ khi nhận được sự đồng thuận của siêu máy tính. Ý nghĩa của một nước cờ chuyển từ trạng thái hữu hạn trong một trận chiến giữa, trở thành vĩnh cửu và khách quan. Cuộc chiến giữa hai cá nhân biến thành cuộc chiến giữa hai kỳ thủ với bàn cờ. Nếu “một nước đi sai lầm chỉ trở thành sai lầm khi có người chứng kiến được sự sai lầm ấy” thì ngày nay siêu máy tính chính là sự chứng kiến tối cao cho mọi nước đi của cờ thủ, một vị Chúa trên bàn cờ. Trải nghiệm đánh cờ không bao giờ có thể được như trước kia nữa, khi giờ đây một đấng toàn năng đã xuất hiện.
Sự biến chuyển lớn trong màu sắc của cờ vua khiến những kỳ thủ phải thích nghi trong phong cách của chính mình.
Bobby Fischer, người giúp Mỹ thắng Liên Xô trong cuộc chiến biểu tượng trên bàn cờ của thời kỳ chiến tranh lạnh, trở nên căm ghét cờ vua cũng vì thế. Những năm cuối đời, ông thà làm một kẻ lang thang xuyên lục địa luôn trong cảnh nghèo túng, hơn là trở thành huấn luyện viên cho các đại kiện tướng trẻ với tài chính và tiếng tăm được đảm bảo.
Có lẽ Fischer ít nhiều hoài niệm lại kỷ niệm giữa ông và Mikhail Tal, cái thời mà cuộc chiến vẫn là giữa hai đối thủ như hai cá nhân độc lập đấu với nhau, chứ không phải giữa hai con chiên chiến đấu dưới sự giám sát của Thượng đế.
Trong cuốn tự truyện của mình, Tal kể rằng: “Thời đó các kỳ thủ phải viết nước đi của mình lên giấy, trước khi di chuyển trên bàn cờ. Tại nước đi thứ 22, Fischer lúc đầu viết xuống QR-K1, đây là nước đi tốt nhất không có gì phải bàn cãi. Nhưng cậu ấy không viết bằng ký hiệu tiếng Anh mà bằng ký hiệu Châu Âu, gần như là tiếng Nga! [Tal nói tiếng Nga, Fischer cố tình viết tiếng Nga để Tal hiểu] Cậu ấy vụng về đẩy tờ giấy về phía tôi. "Cậu ấy đang muốn tôi chấp thuận" - tôi nghĩ vậy lúc đó. Nhưng phản ứng làm sao đây? Không thể cau mày được, cũng không thể cười vì cậu ấy sẽ nghi ngờ tôi giở trò. Vì vậy, tôi cố gắng hành xử thật tự nhiên, tôi đứng dậy và đi dạo quanh sân khấu. Tôi gặp Petrosian, nói đùa với anh ta, và anh ta đáp lại. Nhưng Fischer 15 tuổi, về cơ bản vẫn chỉ là một đứa trẻ lớn, ngồi đó với một sự bối rối trên khuôn mặt; cậu ấy nhìn đồng hồ sau đó lại nhìn tôi. Sau đó, Fischer viết ra một nước đi khác, Q-QB6+ [Và thua cuộc] ... Sau trận đấu, tôi hỏi Fischer sao cậu ấy không đi nước QR-K1, cậu ấy trả lời – thì tại anh đã cười khi tôi viết nó ra.”
Sau trận thua hoàn toàn về mặt tâm lý với Tal, nhiều năm sau Fischer đã nói: “Tôi không tin vào tâm lý, tôi tin vào những gì diễn ra trên bàn cờ”. Thế nhưng, Fisher nào có ngờ, thế giới cờ vua thay đổi nhanh chóng đến nỗi làm chính ông trở nên căm ghét bàn cờ với những nước đi chính xác thuần tuý máy móc của nó.
Fischer thăm Tal tại bệnh viện
Sự sáng tạo trong cờ vua mà Fischer luôn đề cao chỉ tồn tại khi nó là trận chiến giữa hai cá nhân với những tài năng và tâm lý riêng của họ. Cần phải có sự hữu hạn của chủ quan thì ván cờ mới mở ra vô hạn các khả thể. Khi bàn cờ luôn bị quan sát bởi các siêu máy tính, nó bị cố định lại bởi sự chính xác thực tế tới mức nghèo nàn.
Sự hữu hạn mang lại ý nghĩa trong sự tồn tại nhờ những nỗ lực tạo dựng chủ quan và kém bền vững của con người. Dưới sự hữu hạn đó, không có nước đi tốt nhất, thậm chí không tồn tại nước đi, cho đến khi có một người nào đó lựa chọn và chịu trách nhiệm gán ý nghĩa cho nó, gọi nó là một kế hoạch, một ý tưởng, hay một chiến lược rồi dành hàng tiếng đồng hồ để biến nó thành hiện thực; từ hư vô đến tồn tại không thể tách rời sự chủ quan, tức sự hạn hữu của cá nhân, khiếm khuyết của con người trong việc đánh giá bàn cờ tạo kẽ hở cho nghệ thuật và ý nghĩa được phát triển.
Từ khi bàn cờ luôn bị quan sát bởi siêu máy tính, nó trở thành một vật thể cố định và khách quan, sự sáng tạo thay bằng sự khám phá. Hikaru Nakamura, người giữ kỷ lục trẻ tuổi nhất nước Mỹ khi đạt được danh hiệu đại kiện tướng, trong một buổi stream đã chơi một ván cờ, mà ở đó anh ấy mắc một sai lầm, bị đối thủ trừng phạt, nhưng rất may tìm ra một nước cứu thua. Ngay lúc đó, Nakamura đã chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là phần thưởng khi bạn chỉ đi toàn những nước đi tốt. Nếu trong cả trận đấu bạn toàn đi những nước tốt, thì khi mắc sai lầm bạn sẽ tìm được những nước đi cứu vãn. Nghe hợp lý không mọi người. Hay là tôi bị điên?” Không, Nakamura không hề bị điên, đây chỉ là mô thức tư duy điển hình khi một người quy hàng vào một sức mạnh nào đó lớn hơn họ, mà sức mạnh đó ở đây chính là bàn cờ tồn tại như một thực thể khách quan và độc lập luôn tồn tại ở đó với quy luật của nó – cũng là cơ chế điển hình của niềm tin tâm linh, ít nhất theo cách William James định nghĩa: “Tin vào một trật tự nào đó đang chi phối thế giới, nhưng không hề có bằng chứng.”

MỘT CUỘC CỜ PHI LÝ

Với sự phát minh ra máy chơi cờ – các vị Chúa trên bàn cờ, con người mãi mãi không thể quay lại về thời kỳ trước đó, khi mà cái phong cách lãng mạn đầy ngây thơ vẫn đang thống trị. Thật ra, cũng không có gì xấu khi biến cờ vua thành một cuộc thám hiểm về những quy luật của bàn cờ và những nước đi tốt nhất ở những thế cờ.
Tuy nhiên, nếu muốn một lần nữa trải nghiệm cảm giác chơi cờ đầy mãnh liệt, chơi đùa với sự hữu hạn và nắm lấy quyền tạo dựng trong tay, một kỳ thủ phải chấp nhận được sự phi lý. Phi lý trong cái cách bàn cờ không dành cho sự sáng tạo, nhưng người chơi cờ vẫn không ngừng sáng tạo.
"Có hai loại thí quân: loại chính xác và loại của tôi" – Mikhail Tal
Tal là một thể loại kỳ thủ phi lý như vậy, ông biết nước đi của mình đầy rẫy sai lầm, nhưng ông không ngừng làm điều ấy. Bởi ông biết rằng nét đẹp của một nước đi chỉ tồn tại trong một ván đấu, và sự tốt của nó được đo bằng áp lực gây lên cho đối thủ. Mục tiêu của Tal khi thí quân không phải là để chính xác, mà là để dẫn đối thủ vào một khu rừng tăm tối, nơi thế trận trở nên phức tạp không thể hiểu nổi và sai lầm sẽ diễn ra, khi đó sẽ chỉ có một kẻ tìm được đường đi – không phải đường đi chính xác nhất, nhưng là một đường đi.
----Surphi10, 06/06/2021
P/s: Tôi không biết mình nghĩ gì mà lấy Camus ra để viết về cờ vua, cũng không chắc bài viết có nghĩa gì hay không. Nhưng dù sao thì cũng viết xong rồi nên đăng thôi.