[BoB] Lược sử triết học (Nigel Warburton) - Chương 1: Người đặt những câu hỏi | Socrates và Plato
Khoảng 2.400 năm trước ở Athens, có một người đàn ông đã phải nhận án tử vì tội đặt ra quá nhiều câu hỏi. Trước ông có rất nhiều vị...
Khoảng 2.400 năm trước ở Athens, có một người đàn ông đã phải nhận án tử vì tội đặt ra quá nhiều câu hỏi. Trước ông có rất nhiều vị triết gia nhưng chỉ đến Socrates thì chủ đề triết học mới thực sự bắt đầu. Và nếu như triết học cũng có một vị thần hộ mệnh, hẳn đó phải là Socrates.
Nói chung, dân Athens đều đồng tình rằng: trước đó chẳng có ai mà sau này cũng khó có người thứ hai như ông vì đơn giản, chỉ có một Socrates mà thôi. Có điều ông cũng rất phiền phức. Ông từng ví mình như một con ruồi chuyên đi chích các con vật - một con ruồi trâu. Ruồi trâu chích làm trâu ngựa điên tiết nhưng vết thương mà chúng gây ra thì chẳng nghiêm trọng mấy.
Cuộc trò chuyện giữa ông với Euthydemus là một ví dụ. Socrates hỏi Euthydemus rằng liệu dối trá có phải là vô đạo đức hay không. Dĩ nhiên rồi - Euthydemus đáp lại. Socrates lại tiếp tục chất vấn, vậy nếu bạn của cậu đang suy sụp đến mức muốn tự sát, cậu biết thế và lấy đi con dao mà bạn cậu định dùng cho việc đó, đó là một hành vi lừa dối bạn cậu, phải không? Dĩ nhiên rồi. Nếu đúng vậy thì lừa dối ở đây là việc vô đạo đức hay có đạo đức? Đó là một hành động đúng nên làm - dẫu cho hành động này là dối trá. Phải, phải - Euthydemus miễn cưỡng đồng tình vì biết rằng mình vừa tự mâu thuẫn.
Socrates thích phát hiện ra những hạn chế về điều mà người ta thành thật tưởng rằng mình đã hiểu rõ ngọn ngành, để rồi tra vấn những giả định đã trở thành nền tảng cho đời sống của họ. Với ông, một cuộc chuyện trò kể như là thành công nếu như vào lúc kết thúc, người đối thoại nhận ra những điều họ biết mới ít ỏi làm sao. Nhận thức đó xem ra còn có ích hơn nhiều so với việc khăng khăng tin rằng mình đã hiểu một điều gì đó trong khi thực tế mình chưa hề thấu hiểu nó.
Truyền thống triết học phương Tây, chủ đề của cuốn sách này, đã Lan toả từ chính vùng đất Hy Lạp cổ đại đến hầu khắp các khu vực khác trên thế giới rồi hợp lưu với những tư tưởng có nguồn gốc phương Đông. Thứ hiểu biết mà truyền thống này coi trọng được xây đắp trên những lập luận, suy xét và truy vấn chứ không đơn thuần là việc bạn tin một điều gì đó là đúng chỉ vì một nhân vật "tầm cỡ" nào đó nói với bạn rằng điều đó đúng. Với Socrates, sự thông thái không phải là biết nhiều dữ kiện hay biết cách làm cái gì đó như thế nào. Mà nó đồng nghĩa với việc nắm bắt được bản chất thực sự của sự tồn tại, bao hàm cả những giới hạn của cái ta có thể biết.
Cũng trái ngược với các triết gia khác, Socrates không trước tác. Đối với ông, đối thoại có ích hơn viết rất nhiều. Và chính vì ông không để lại bất kỳ một trước tác nào nên những gì ta biết được về con người vĩ đại này, đại thể như ông nghĩ gì, tin vào điều gì và tranh luận về cái gì, chủ yếu qua những tác phẩm mà Plato, môn đệ ưu tú của Socrates, ghi chép lại.
Thực ra câu chuyện về Socrates không hẳn đã minh bạch đến thế vì chúng ta không thể khẳng định chắc chắn những gì Socrates nói mà Plato ghi lại có đúng là lời của Socrates, hay đó chẳng qua là quan điểm riêng của Plato mượn lời một nhân vật có tên là "Socrates" để bày tỏ mà thôi.
Một trong những tư tưởng mà đa số mọi người tin là của Plato nhiều hơn Socrates đó là thế giới không hề như vẻ ngoài của nó. Có một sự khác biệt đáng kể giữa biểu hiện hay dáng vẻ bề ngoài và tính chất xác thực hay tính nguyên bản.
Dụ ngôn hang động (độc giả tìm đọc mục này trong sách) có quan hệ đến cái sau này được gọi là Lý thuyết về các mô thức (Theory of Forms) của Plato. Cách đơn giản nhất để hiểu lý thuyết này là qua ví dụ sau. Bạn hãy nghĩ về tất cả những hình tròn mà bạn đã nhìn thấy trong đời mình. Trong số chúng có hình tròn nào có thể coi là hình tròn hoàn hảo hay không? Không. Không có hình tròn nào trong số đó là hoàn hảo tuyệt đối. Trong một hình tròn hoàn hảo, tất cả các điểm trên đường tròn phải cách đều tâm hình tròn. Những hình tròn trong thực tế không bao giờ đạt được điều kiện này. Nhưng bạn vẫn hiểu ý của tôi khi dùng từ "hình tròn hoàn hảo". Vậy cụ thể hình tròn hoàn hảo là cái gì? Plato trả lời rằng ý niệm về một hình tròn hoàn hảo chính là một mô thức của hình tròn.
Ảnh hưởng trực tiếp của Socrates chính là lên những môn đệ túc trực bên ông khi đó. Sau khi Socrates qua đời, Plato thay thầy tiếp tục công việc rao giảng về tinh thần Socrates. Đến lượt mình, Plato lại đào tạo ra được một môn đệ xuất chúng khác, Aristotle, một kiểu triết gia rất khác với hai thầy trò Socrates và Plato.
-
Bài viết nằm trong chuyên mục tóm lược sách (BoB), những trích đoạn mà mình thấy hay, ý nghĩa và quan trọng. Nội dung được nhặt từ tác phẩm chính, không phải toàn bộ nội dung sách. Bạn đọc vui lòng tìm đọc để có thể hiểu được toàn bộ ngữ cảnh của các phân đoạn được trích dẫn, cũng như ủng hộ tác giả viết/dịch sách và nhà xuất bản. Cảm ơn nhé!
Tên sách: Lược sử Triết học - Cao Việt dịch (A little history of philosophy - Nigel Warburton) | Nhã Nam - Nhà xuất bản Thế Giới
Chương sau:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất