Là trường phái triết học Hy Lạp - La Mã bắt nguồn từ cổ đại, Stoicism  (Chủ nghĩa khắc kỷ) vẫn tiếp tục gây được tiếng vang lớn trong nền văn hóa đương đại. Bằng chứng cho thấy rằng khi Vương Tế Philip qua đời, tờ Spectator đã viết “Ông chính là một hiện thân của Khắc kỷ”. Có thể đối với nước Anh, Zeno, Seneca, Epictetus hay Marcus Aurelius không nằm trong số những nhân vật bản lĩnh nổi tiếng nhưng những tư tưởng của họ đã ảnh hưởng rộng khắp trên Internet... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lầm tưởng xoay quanh trường phái triết học này, và việc chúng ta cần làm là xóa tan những hiểu lầm cố hữu ấy.


Lầm tưởng thứ nhất

Khắc kỷ là phải Cứng rắn

Nhiều người nghĩ rằng các bài học của Chủ nghĩa Khắc kỷ dạy chúng ta phải đủ cứng rắn đến mức có thể “nhún vai coi khinh” tất cả chông gai trong cuộc sống. Theo Nassim Nicholas Taleb, tác giả cuốn “Thiên nga đen”, "antifragility" (tạm dịch: kháng thương trước nghịch cảnh) là một thái độ coi mọi mất mát như một cơ hội để phát triển bản thân, và đây cũng chính là cốt lõi của Khắc kỷ. Thêm vào đó, trang web Daily Stoic cũng cho rằng Chủ nghĩa Khắc kỷ là “một chuỗi những triết lý được thiết kế để giúp con người mạnh mẽ hơn và khó bị khuất phục trước nghịch cảnh”.
Tuy nhiên, quan điểm trên không hề đúng đối với chủ nghĩa Khắc kỷ. Đúng là các nhà Khắc kỷ muốn trang bị cho chúng ta các phương thức cần thiết để chống lại vòng quay khắc nghiệt của số phận, nhưng họ nhấn mạnh rằng ta sẽ mất đi bản chất - lương tâm của mình nếu ta cố gắng trở nên mạnh mẽ và không bị tổn thương bởi bất kỳ thứ gì. Điều này được thể hiện rất rõ trong tác phẩm “Những bức thư đạo đức” của Seneca. Ông viết rằng bên cạnh là một người “thầy thuốc” đưa ra các phương thức chữa trị, bản thân ông cũng luôn là một “người bệnh” tối ngày ốm đau (Bức thư số 27). Những lời khuyên đúng đắn của Seneca sẽ không tồn tại nếu ông không thể nhận thức và trải qua những đau thương mất mát. Những dòng tâm sự của Seneca về sự mất mát cũng chứng tỏ rằng ông cũng vô cùng đau buồn trước cái chết của bạn bè và biết rằng việc rơi nước mắt là điều hiển nhiên.

👉 ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ VÀ THỰC HÀNH CÙNG SENECA, BẠN CÓ THỂ ĐẶT MUA BỘ SÁCH NGAY TẠI ĐÂY:

Lầm tưởng thứ 2

Khắc kỷ là Vô cảm

Quan niệm này xuất phát từ những ý kiến cho rằng nhà Chính trị La Mã Cato con thế kỷ I TCN - hình mẫu của một nhà hiền triết lãnh cảm cũng là hiện thân cho Chủ nghĩa Khắc kỷ. Dù những ý kiến này đã bị Cicero - một trong những nhà hùng biện vĩ đại nhất La Mã cười nhạo, chúng vẫn tồn tại và phổ biến cho tới ngày nay. Dần dần, người ta nhầm lẫn rằng người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ là người vô cảm. Trang Lifehack đã quả quyết: Chủ nghĩa Khắc kỷ dạy chúng ta cách để không bị đắm chìm trong những cảm xúc nồng nhiệt của bản thân, đồng thời thực hành Khắc kỷ là phải tránh phô bày cảm xúc.
Tuy nhiên, ta đã hiểu sai về chủ nghĩa Khắc kỷ khi cho rằng các nhà Khắc kỷ  không đưa cảm xúc của bản thân vào trong các bài học thực hành. Họ là những nhà lý luận tinh tường nhất về cảm xúc khi nhận biết được tầng tầng lớp lớp cảm xúc phức tạp của đời sống con người. Họ mô tả những cảm xúc gốc rễ mà con người cảm nhận được nhưng không thể kiểm soát. Ngay cả những bậc hiền triết đều coi là hiển nhiên và không nghi vấn gì khi họ trải qua những thứ cảm xúc như vậy. Điều này đặc biệt bởi nhiều nhà thông thái tin rằng nhiều cảm xúc như tức giận hay sợ hãi là những loại cảm xúc con người nên đặt trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, trường phái Khắc kỷ thôi thúc chúng ta nuôi dưỡng những cảm xúc “bình thường” của bản thân rồi biến chúng thành những “cảm xúc tốt đẹp”. Diogenes Laertius - người chép sử về các triết gia Hy lạp, viết rằng theo Zeno thành Citium - người sáng lập trường phái Khắc kỷ, có ba loại “cảm xúc tốt, bao gồm: vui vẻ, thận trọng và ước ao” cùng nhiều nhánh nhỏ hơn như “thân thiện, sự tôn trọng, niềm yêu mến”. Seneca đã phát triển đề tài này và nhấn mạnh rằng chúng ta cần thể hiện thiện chí của mình thông qua những biểu hiện về mặt cảm xúc. Thí dụ như nếu bạn tặng quà ai đó với đôi mày đang nhíu lại hoặc đôi mắt buồn rầu thì chẳng khác gì bạn ném cho người ta cái bánh mì kèm vài cục đá cả. Sự biết ơn cũng nên thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể. “Có thể từ ngữ ta sử dụng không được như kỳ vọng, nhưng nếu ta cảm thấy bản thân đang mắc nợ, sự tự nhận thức ấy sẽ hiển hiện trên khuôn mặt ta” - Seneca viết. Các nhà Khắc kỷ đích thực không bao giờ nóng vội với những cảm xúc và cách họ thể hiện chúng ra bên ngoài. 

Lầm tưởng thứ ba

Chủ nghĩa Khắc kỷ kỳ thị nữ giới

Chủ nghĩa Khắc kỷ đã bị lợi dụng bởi một số cộng đồng trên Internet có tư tưởng kỳ thị nữ giới. Họ ra sức đồng hóa những triết lý Khắc kỷ cổ xưa với dòng tư tưởng độc hại về tính nam (hypermasculinity). Năm 2018, Donna Zuckerberg viết: ““Meditations” của Marcus Aurelius và “Enchiridion” của Epictetus đã xuất hiện trong danh sách các tác phẩm khuyên đọc của Red Pill trên Reddit”. Nhiều thành viên trong các cộng đồng lập luận rằng “tính cách của người đàn ông” là trung tâm của lòng chính trực. Dần dần, những “lời tuyên ngôn” ấy cứ lặp đi lặp lại trong  “lãnh địa” của những gã đàn ông, củng cố cái gọi là “niềm tin, lẽ phải” của họ về mối tương quan giữa Khắc kỷ và tính nam độc hại.
Nhiều người nghĩ rằng thế giới cổ đại không có chỗ cho bình đẳng giới đương đại. Tuy nhiên, trong các bài diễn thuyết của mình về đời sống chính trị và đạo đức, các nhà triết học Khắc kỷ cho rằng đức tính, hay phẩm cách ưu tú không hề phân biệt giới tính. Zeno thành Citium đã mường tượng về một cộng đồng lý tưởng gồm các nhà hiền triết, các nhà thông thái bao gồm cả phụ nữ. Chủ nghĩa Khắc kỷ cho rằng tất cả con người đều có quyền được ban tặng lý trí.
Các nhà Khắc kỷ tin rằng quan điểm này sẽ tác động đến việc giáo dục trẻ em của cả 2 giới. Musonius Rufus, người thầy của Epictetus, nhấn mạnh rằng phụ nữ nên học tập và thực hành triết học, bởi “giống như đàn ông, người phụ nữ cũng được phú cho khả năng sử dụng lý trí thiên bẩm” _ Ông viết. Không kém gì đàn ông, họ cũng có “khát khao về một phẩm chất đạo đức ưu tú” và “xu hướng thiên bẩm để hướng tới những phẩm chất đó”. 

Lầm tưởng thứ 4

Khắc kỷ cung cấp các “mẹo vặt” cho sự phát triển cá nhân

Nhiều “fan hâm mộ” chủ nghĩa Khắc kỷ  thường coi các nhà Khắc kỷ như những nhân vật tiên phong trong các “mẹo vặt” cuộc sống. Một bài báo nào đó đã để một cái tít đầy hứa hẹn rằng “25 câu trích dẫn về Khắc kỷ dưới đây sẽ nâng cao khả năng tự phát triển của bạn”. Trong Podcast của mình, doanh nhân Tim Ferriss đã ví Chủ nghĩa Khắc kỷ với một “hệ điều hành cá nhân”, thứ có thể quản lý được toàn bộ cảm xúc hướng đến trạng thái tích cực và việc trải nghiệm những trạng thái đó.
Chủ nghĩa Khắc kỷ cổ đại, đặc biệt là dưới thời các triết gia nổi tiếng như Epictetus, đã đã tạo ra những bài thực hành lành mạnh đầy hứa hẹn cho tâm hồn. Tuy nhiên, những bài rèn luyện này luôn là những bài thực hành về đạo đức, tức chúng hướng tới việc đối xử giữa người người bằng thiện chí và phẩm hạnh. Và đích đến cuối cùng của đức hạnh không phải là những phẩm chất tốt đẹp của “tôi” hay của “anh” mà là của “tất cả chúng ta”, khi sự phát triển của mỗi cá nhân được nhân lên trên phạm vi toàn xã hội, toàn cầu. Vì thế, việc “đóng khung” rằng chủ nghĩa Khắc kỷ chỉ hướng tới sự phát triển của cá nhân là hoàn toàn lệch lạc.

Marcus Aurelius, vị hoàng đế và triết gia La Mã cổ đại đã vẽ một bức họa trong tác phẩm “Meditations” (“Suy tưởng”) về sự kết nối của người với người với ý nói: “Việc một người tự cắt đứt sợi dây liên kết của mình khỏi phần còn lại của nhân loại chẳng khác gì việc một bàn tay hoặc đầu bị lìa khỏi thân thể con người”. Dù cuốn sách được chấp bút khi cuộc chiến tranh với người Giéc-manh vừa tạm lắng nhưng vị hoàng đế đã nắm bắt được một ý tưởng xuyên suốt toàn bộ chủ nghĩa Khắc kỷ, đó là con người chỉ phát triển khi đoàn kết với nhau và thậm chí vị tha và bao dung lẫn nhau.


Lầm tưởng thứ 5

Khắc kỷ là thờ ơ với thế giới bên ngoài

Nhiều người thực hành Khắc kỷ thời hiện đại cho rằng chúng ta nên thay đổi thái độ của mình thay vì cố gắng thay đổi thế giới bên ngoài. Dựa trên tư tưởng Khắc kỷ trong “The Obstacle Is the Way” (tạm dịch: Trộm lấy cơ may từ vận rủi), tác giả Ryan Holiday của cuốn Daily Stoic viết, “Khi nguyên nhân của vấn đề nằm ngoài tầm với của bản thân, chúng ta nên học cách chấp nhận và bước tiếp”. Pierre Hadot, một thông dịch viên theo chủ nghĩa Khắc kỷ cũng nhấn mạnh vào tư tưởng “amor fati” (tình yêu số phận), chỉ việc con người chấp nhận và coi những điều trong cuộc sống của họ, bao gồm điều tốt và điều xấu là những thứ hiển nhiên.
Đây là cách hiểu lệch lạc và thiển cận về  Chủ nghĩa Khắc kỷ. Các nhà Khắc kỷ hiểu rằng chúng ta nhìn thế giới thông qua những định kiến cá nhân mà thậm chí ta không biết rằng mình đang sở hữu chúng. Bên cạnh đó họ cũng cố gắng đưa ra những kỹ thuật nhằm giúp chúng ta giảm thiểu những loại suy như vậy. Họ hy vọng sẽ giúp chúng ta “phối hợp” trơn tru với bộ máy thế giới loài người bằng cách thay đổi nhận thức của ta về nó. Thay đổi cách nhìn nhận chỉ là bước đầu tiên trong công cuộc thay đổi cách ta tham gia vào cuộc sống xung quanh - thứ mà ta không thể kiểm soát.
Theo Seneca, bản chất con người chúng ta luôn sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa. (Đây là cách sống thuận theo tự nhiên). Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng giỏi ước lượng những mối đe dọa đó. Tức giận và sợ hãi thái quá sẽ làm lu mờ ý chí. Chúng ta cần học cách dừng lại đúng lúc để tránh những sai sót và méo mó về tầm nhìn. Bằng cách thay đổi góc nhìn, ta sẽ thay đổi được thế giới xung quanh. Ta chọn dấn thân, chứ không chạy trốn.
(Bài viết gốc: 5 myths about Stoicism)
Đọc thêm: