Tôi xin chia sẻ những thiển ý của mình về cách đọc sách hiệu quả
Đọc lời giới thiệu, mục lục
Ý nghĩa chính của toàn bộ quyển sách được tác giả viết trong phần giới thiệu, vì vậy khi chúng ta đọc nội dung đó, giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về những vấn đề mà tác giả muốn nhắm đến. Từ đó chúng ta dễ dàng lĩnh hội kiến thức hơn, vì chúng ta đã biết sơ lược những quan điểm cũng như cái gì là trọng tâm. Ngoài ra chúng ta cũng nên đọc phần mục lục, tôi thường đọc xong phần giới thiệu là đọc ngay mục lục để biết dàn ý mà tác giả muốn gửi đến, nhờ hành động đó giúp tôi tiếp thu nhanh và hiệu quả hơn.
Gạch Highlight, ghi lại những ý chính
Chúng ta đọc theo chương, mục đến những ý hay, ta gạch chân để ghi nhớ, suy tư nhiều hơn về những ý nghĩa thâm trầm bên trong. Bí quyết này nếu chúng ta áp dụng sẽ tạo ra cho tư duy những bài học hay. Tôi thường xuyên dùng cách này để đọc sách được tốt hơn. Ngoài ra chúng ta dán những giấy stick nhỏ trong sách để góp nhặt những câu hay, đánh động. Từ đó ta có được một bộ sưu tập những lời văn hay mà chính chúng ta ghi nhận lại
Học hỏi từ nhiều góc nhìn và phân tích khách quan
Bí quyết này giúp cho ta đào sâu, nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía. Đọc sách mà không tư duy, nghĩa là chúng ta để cuốn sách nuốt chửng đầu óc chúng ta. Độc giả phải luôn sáng suốt để đánh giá, phân tích những giá trị chiều sâu của quyển sách qua những góc nhìn khác nhau. Chẳng hạn khi ta đọc cuốn sách nói về những kinh nghiệm sống, ta có thể đặt nó trong những bối cảnh khác nhau, để ta hiểu và học hỏi được nhiều hơn, vì đôi khi nó đúng trong hoàn cảnh này, nhưng không đúng trong hoàn cảnh khác.
Áp dụng vào thực tế, linh hoạt theo môi trường
Tôi thường áp dụng bí quyết này sau khi đọc sách vào trong đời thường của mình, có lần tôi đọc quyển sách về nghệ thuật nói chuyện, sau khi đọc xong tôi thực tập ngay, nhờ bạn tôi đánh giá dùm, rồi tôi sửa lại cho phù hợp. Tôi thấy những ý tưởng mà tác giả truyền tải, nếu được chúng ta khôn ngoan ứng dụng sẽ đem lại những hiệu quả như mong đợi. Thế nhưng, đôi lúc chúng ta phải biết linh hoạt, nhiều khi tác giả ở phương Tây viết, thì khi đem về thực tế tại Á Đông, chúng ta phải thay đổi cho phù hợp với văn hóa địa phương mình đang sinh sống, làm việc.
Viết review lại toàn bộ quyển sách
Đây là bí quyết hay, có nhiều người nói viết lại toàn bộ mất thời gian. Nhưng hiệu quả bất ngờ lắm, nếu chúng ta soạn thảo lại, theo những cảm nhận của mình, chúng ta sẽ khắc sâu nó vào não bộ, cũng như làm cho tư duy của mình thêm dồi dào. Viết lại hoàn chỉnh, tức là chúng ta đang logic ý nghĩa quyển sách theo cách dễ hiểu nhất, từ đó cuốn sách sẽ trở nên người bạn thân thiết của chúng ta.