Royal City: Con quái vật bên sông Tô Lịch
Royal City và quang cảnh xung quanh. Ảnh chụp từ cầu Ngã Tư Sở. Note: Trong nỗ lực tìm ảnh về Royal City, tôi nhận ra Vingroup dường...
Note: Trong nỗ lực tìm ảnh về Royal City, tôi nhận ra Vingroup dường như đã chi tiền cho Google để hạn chế các thông tin ít tích cực về dự án này. Tuy nhiên, với facebook và các mạng xã hội khác, tôi hi vọng sẽ nhìn thấy sự “dân chủ” hơn đối với bình dân và người tiêu dùng.
Mới khai trương không được bao lâu, khu liên hợp trung tâm thương mại – nhà ở mới nhất của tập đoàn VinGroup đã thu hút vô số lượt khách tới tham quan. Với những chiến dịch tiền khai trương rầm rộ, với đèn neon chăng khắp phố, và chủ yếu là bởi kích cỡ khổng lồ đặt gần như sát cạnh dòng sông Tô Lịch, có thể nói cuộc khai trương này là một sự khởi đầu thu hút được công dân thủ đô.
Độ bền vững của lượng khách tới Megamall này, dù nhiều người dự đoán sẽ bớt hẳn đi khi người dân đã thoả xong trí tò mò và mãn xong phần chụp ảnh check in, là điều tôi sẽ không bàn tới trong bài viết này. Tuy nhiên, xin được nói đến một khía cạnh khác của vấn đề bền vững, đó là khía cạnh chất lượng đời sống dân sinh.
Dù tiếp cận Royal City Megamall từ hướng nào, đường Láng rẽ phải, Trường Chinh rẽ trái hay từ trục đường thẳng Tây Sơn – Nguyễn Trãi, người ta đều có thể nhìn thấy sự đối lập tương phản nặng nề giữa khu nhà mới xây và những mái nhà lụp xụp, những khu chợ tạm ướt mồ hôi bên dưới, những nếp nhà mái tôn xếp dọc bên sông, … Nguyên khu đất xây dựng Royal City trước đây là nhà máy công cụ số 1. Sau tái quy hoạch, thành phố được mở rộng, khu vực Ngã Tư Sở trở vào Thanh Xuân vốn trước đây được coi là vùng giáp ranh đã trở thành một khu vực quan trọng của thủ đô. Nhà máy dần dần được rời đi, dù vẫn còn ba cái tên lẫy lừng Cao – Xà – Lá là còn ở lại. Khu công nghiệp được chuyển đổi thành khu dân cư và trường đại học. Thay vì xây một không gian xanh để bù đắp cho người dân những lượng khí thải mà bao năm họ phải hít vào buồng phổi, thành phố quyết định phê duyệt một dự án nhà ở – thương mại cao cấp tên Tây “Royal City” – “Thành phố Hoàng Gia”.
Thành phố Hoàng Gia có hai phần, một là nhà ở, hai là trung tâm thương mại – giải trí. Xét về nhu cầu nhà ở, một sự thật đang tồn tại hiển hiện ở Hà Nội hiện nay là thị trường bất động sản đang tiếp tục đóng băng cung nhiều hơn cầu và nhà đất mang tính đầu cơ người mua không ở, người cần ở chẳng đủ tiền mua. Khi ngay gần đó Keangnam vẫn còn có tương đối nhiều căn hộ chẳng bao giờ sáng đèn, chúng ta có quyền nghi ngờ những sản phẩm nhà ở này xây lên có thực sự cần thiết hay không?
Xét về nhu cầu mua sắm, Royal city không xa là Pico Mall cũng mới mọc lên cách đây vài năm phục vụ nhu cầu của một số lượng người dân có mức thu nhập trung bình khá vào tiêu thụ các mặt hàng có nguồn gốc Âu, Mỹ, Á, tóm lại là các nước phát triển đang dồn mũi nhọn tiêu dùng sang các quốc gia kém phát triển hơn. Trung tâm thương mại của Vincom tất nhiên to lớn và sang trọng hơn, nhưng rồi có phải sẽ lại kéo người dân nước ta vào cái vòng luẩn quẩn của chủ nghĩa tiêu dùng mà phương Tây đã / đang / sẽ kịch liệt chỉ trích?
Xét về nhu cầu giải trí, điều này tất nhiên tối quan trọng. Một thành phố có chỉ số ‘hạnh phúc’ lớn như Hà Nội làm sao có thể thiếu yếu tố này trong đời sống. Ngoài rạp chiếu phim giống như Pico Mall, Megamall còn có công viên nước, có các khu ẩm thực từ nhiều vùng miền. Tất nhiên, Megamall không quên có KFC, Burger King, có trà sữa trân châu Trung Quốc, mà có thể không xa nữa lại có thêm thức ăn nhanh thương hiệu McDonald’s – “ước mơ cả đời” của Henry Nguyễn, chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDG, cũng là con rể Thủ tướng… Tuy nhiên, khi giải trí đại chúng được coi nặng là lúc văn hoá bị bỏ quên. Hầu hết các dịch vụ giải trí ở đây đều mang tính tức thời, và hợp với thị hiếu trung bình thấp (trò chơi điện tử, tô tượng, công viên nước, …). Hiếm thấy hiệu sách, và chẳng thấy quãng nghỉ nào đặt lấy được một hai điêu khắc nghệ thuật cho xứng tầm với cái tên “royal” – hoàng gia.
Một nguyên tắc trong cuộc sống mà có lẽ ít ai phản đối là nếu không thể làm cho nó tốt hơn lên, thì ít nhất cố gắng đừng làm nó xấu thêm đi nữa. Nhiều người sẽ thích vẻ tráng lệ Royal City trong tổng thể khu dân cư bên sông Tô Lịch và chợ Ngã Tư Sở, một vẻ tráng lệ chủ yếu do bật nhiều nhiều đèn – tiêu tốn nhiều nhiều năng lượng trong khi những vùng được vẽ ranh giới là thuộc thủ đô còn chưa được thắp sáng. Còn tôi, tôi nhìn thấy ở đó sự đảo lộn nhịp sinh hoạt của người dân xung quanh, thậm chí là của cả tuyến đường Nguyễn Trãi, của sinh viên và cán bộ công nhân viên trường ĐH KHXH&NV, ĐH Hà Nội, … Tôi nhìn thấy một không gian đô thị bị băm xẻ nát nhừ thiểu năng tính cách. Một khu đô thị cao tầng được xây dựng trong khi cơ sở hạ tầng thậm chí còn chưa tải nổi lượng dân cư cũ. Một tuyến đường vành đai vốn vẫn hay ùn ứ mỗi khi đến giờ cao điểm nay lại phải tải thêm hàng trăm nghìn lượt khách tới tham quan Thành phố Hoàng Gia mỗi ngày. Và Thành phố Hoàng Gia thì thậm chí thiết kế còn chưa ổn thoả, ô tô xe máy người đi bộ cùng ngay dồn ứ lại từ hầm để xe cho tới tận khi lên tới đường nội bộ ra ngoài phố. Đó là ở thời điểm hiện tại (08/2013), khi các cư dân mới nơi đây vẫn chưa chuyển về sinh sống, bởi họ vẫn còn đang kiện tụng tranh cãi với chủ đầu tư về những sai phạm hợp đồng ở www.cudanroyalcity.com. Tôi đang tưởng tượng, một vài năm nữa, khi con đường này quá tải, khi thành phố này quá tải, khi bầu không khí này vốn đã thiếu oxygen nay lại càng ngột ngạt thêm …
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất