Thời điểm nhận kết quả thi là môt bức tranh đa sắc màu của cảm xúc: sự hân hoan của một kết quả tốt, sự thất vọng với một kết quả không như ý muốn, sự háo hức trước những cơ hội đang mở ra hay sự lo lắng khi không thể đạt được nguyện vọng... Với tư cách là một người đã trải qua giai đoạn như các bạn cũng như kinh qua thời sinh viên và hậu sinh viên, mình tin rằng bài viết này của mình sẽ chia sẻ cho các bạn những thông tin hữu ích giúp các bạn ổn định được tinh thần cũng như vạch ra được một kế hoạch hợp lý cho các trường hợp sẽ xảy ra tới đây. Vào việc thôi!!!

1. Nguyên nhân của sự lo lắng

Muốn giải quyết vấn đề tận gốc, ta phải hiểu được căn nguyên của nó trước. Nguyên nhân chính cho sự lo lắng này đó là:
Bạn đang bị lệ thuộc hoàn toàn vào kết quả học tập.
M'
Không khó hiểu khi đây là nguyên nhân chính cho nỗi lo lắng của bạn. Dễ hiểu thôi, việc lớn lên trong một môi trường đặt nặng thành tích như ở Việt Nam đã hình thành nên lối tư duy đánh giá con người thông qua thành tích trong suy nghĩ tự nhiên của các bạn. Người ở độ tuổi học sinh như các bạn thường bị đánh giá và xếp hạng nhiều nhất thông qua điểm số, thứ hạng học tập trên lớp, thứ hạng trên bảng điểm và danh sách các thành tích về thi đua và hàng tá những bảng xếp hạng khác. Nó như một thước đo, một quy chuẩn đánh giá các bạn trẻ về tiềm năng thành đạt trong tương lai. Theo đó, việc có kết quả thi không tốt khiến bạn bị đẩy về phía dưới của những bản xếp hạng trên dẫn đến việc bạn bị xã hội và chính các bạn đánh giá là thua kém hơn về triển vọng thành đạt so với những bạn khác. Và điều đó đã khiến các bạn rơi vào một sự lo lắng về tương lai như những gì xã hội vẫn đang tiêm nhiễm vào đầu các bạn. Tuy nhiên mình phải nói rằng nỗi lo đó là vô nghĩa vì thực sự là không một ai có khả năng dự báo chính xác và chi tiết về tương lai của bạn đâu. Thi cử chỉ là một phép thử xem bạn còn thích hợp với con đường học vấn chuyên sâu nữa không thôi. Nó không đủ năng lực chỉ ra được tương lai của bạn.
Bên cạnh lý do chính ở trên là những lý do bên lề khác. Có những bạn lo lắng nếu không đỗ được ngành họ chọn ở một trường Đại học nào đó thì tương lai của họ như khép lại luôn, có bạn lại lo sợ về những lời trách móc từ gia đình và sự giễu cợt từ xã hội, có bạn lại lo lắng sẽ mất đi sức ảnh hưởng mà bản thân đã xây dựng qua bao năm tháng... Mình hiểu những tâm sự đó của các bạn. Mình đã từng trải qua những cảm xúc ấy và biết các bạn đang cần điều gì.

2. Lời khuyên chân thành

Sau khi đã chỉ đích danh những điều khiến bạn phải lo lắng quá nhiều, bây giờ chúng ta sẽ cùng xử lý chúng.
Đơn giản lắm, chỉ cần ghi nhớ và nhắc nhở bản thân về 3 điều sau:
Thứ nhất, mục đích sau cùng vẫn là đi làm kiếm tiền mà thôi.
Đúng vậy, dù học đại học hay không thì rồi cuối cùng ta vẫn chỉ đi tìm một công việc giúp các bạn nuôi sống bản thân mà thôi. Có nhiều ngành nghề sẵn sàng chào đón bạn với mức lương tốt mà chằng đòi hỏi bằng đại học từ bạn đâu. Nếu không thi đỗ đại học thì bạn vẫn có thể tìm được một công việc tốt trong số đó và có thu nhập sớm hơn những người đi học đại học đấy.
Thứ 2, học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
Có lẽ đây là điều các bạn đã nghe quá nhiều đến mức nhàm chán nhưng hôm nay hãy để mình nói cho bạn những phần còn lại mà không nhiều người nhắc đến. Thứ nhất là có nhiều ngành không thực sự cần bằng đại học như thiết kế, lập trình, marketing, kinh doanh... Với những ngành này, bạn chỉ cần học những khóa đào tạo ngắn hạn trong vài tháng rồi đi thực tập luôn để lấy kinh nghiệm là đủ để bạn sẵn sàng làm việc rồi. Cách này sẽ tiết kiệm thời gian của bạn và giúp bạn có kinh nghiệm sớm hơn so với việc bạn mất những 4 năm học đại học rồi mới ra trường và bắt đầu làm việc. Với những ngành có phân cấp giữa bằng đại học, cao đẳng hay chứng chỉ nghề thì sao? Bạn vẫn có lộ trình để thăng tiến, miễn là bạn vẫn đủ khả năng nhận và làm công việc đó. Dù có học gì ra thì cũng phải đi từ nhân viên lên mà thôi. Hãy cứ làm việc và nỗ lực đạt năng suất cao để chứng minh năng lực của mình. Cấp trên sẽ biết được khả năng của bạn và cân nhắc đến tăng lương và thăng chức cho bạn. Lúc này nếu họ cần bạn có bằng đại học thì bạn học tại chức để nâng cấp bằng cũng không quá muộn. Đó là cách thăng tiến khá phổ biến cho những người không có bằng đại học mà có lẽ bạn đã không để tâm đến do quá mải suy nghĩ về viễn cảnh đại học.
Thứ ba, bạn sống cho tương lai của mình chứ không phải vì sự công nhận của người khác.
Đây là điều rất quan trọng mà mình muốn bạn lưu tâm để tránh lãng phí tuổi trẻ đi làm những điều bạn không thích hay không thực sự cần thiết với bạn. Trượt đại học thì sao? Chả sao cả. Nếu tôi không hợp để học đại học thì tôi sẽ thử đi những hướng khác cho đến khi tìm được hướng đi phù hợp nhất cho mình. Điều đó còn tốt hơn là mất mấy năm học đại học rồi nhận ra ngành đó không hợp với mình. Có vài bạn đã biết được ngành nghề mình đam mê từ nhỏ và sớm có kế hoạch phấn đấu để đạt được điều ấy nhưng đa phần trong chúng ta lại không được như vậy. Năm 18 tuổi, chúng ta gần như chẳng biết dựa vào cái gì để tìm ra đam mê đích thực của bản thân vì chúng ta đã mất 18 năm sống trong khuôn khổ, phải vùi đầu vào sách vở mà chẳng có chút trải nghiệm thực tế nào. Những lời định hướng của người lớn cũng chỉ phần nhiều dựa trên cảm tính của họ chứ họ cũng không có khả năng đánh giá xem sự lựa chọn của họ có phù hợp với chúng ta hay không. Vậy nên, nếu như bạn cũng có một quá khứ như mình vừa kể trên thì có lẽ trượt đại học lại là một sự may mắn đối với bạn. Bạn sẽ không phải mất hàng năm trời ngồi mài quần trên giảng đường vì một ngành nghề chưa chắc đã hợp với mình. Thay vào đó, bạn có cơ hội được trải nghiệm từng ngành một cho đến khi bạn thực sự biết được bạn đam mê với điều gì và hợp với công việc như thế nào.
Hãy tham khảo thêm bài viết dưới đây để lựa chọn hướng đi phù hợp cho mình nha.
Trên đây là những chia sẻ của mình về câu chuyện sau thi. Mọi thứ không quá tồi tệ như cách bạn đang nghĩ đâu. Dù có chuyện gì xảy ra, khó khăn vẫn luôn đi kèm với cơ hội. Hãy biết tận dụng chúng và tự tôn giá trị của bản thân.
Thân ái và quyết thắng!
M'