Khi nào thì sự im lặng lên đến mức chói tai?
Câu trả lời mà hoạ sĩ Lê Thuý đưa ra trong triển lãm cá nhân “Sự im lặng chói tai" - “The silence is deafening" của cô, đó là lúc khi tất cả mọi thứ bị tàn phá.
Cảm hứng về “sự im lặng chói tai” đến với Lê Thúy khi đọc quyển “Mùa xuân vắng lặng” của Rachel Carson, một tác phẩm nói về sự cô độc của con người sau khi môi trường bị tàn phá. Với những tác phẩm trước, Lê Thuý thực hành tranh lụa - sở trường của mình. Lần này với triển lãm mới nhất được ra mắt giữa đại dịch COVID-19 và những bất an chính trị xã hội, cô táo bạo thực hành một chất liệu đặc sắc của nền hội hoạ Việt Nam và được vận dụng khá thuần thục: sơn mài trên nhạc cụ dân tộc. Điều này đã cho ta thấy Lê Thuý không ngừng biến chuyển trong cách sáng tác mà còn là một cuộc dạo chơi mà chính cô là người làm chủ được phong cách nghệ thuật của mình. Khi đến với “Sự im lặng chói tai” và cả khi ra về, tôi vẫn còn suy ngẫm về ba-mươi-chín chiếc đàn bầu “vô thanh" mà cô đã thổi hồn vào đó.
                                                    
Ảnh: Sắp đặt Đàn Bầu 39.
Phía sau những bức tranh lụa vẽ bằng mực tàu khổ lớn khi mới bước vào triển lãm, đó là sự sắp đặt của những chiếc độc huyền cầm. Ba mươi chín chiếc. Đàn bầu là một nhạc cụ truyền thống của người Việt, có mặt phổ biến ở các dàn nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam. Còn đối với Lê Thuý, mối quan tâm của cô tập trung vào đề tài thiên nhiên, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên đối kháng nhau. Nỗi niềm đau đáu của cô về một thế giới hiện đại mang màu sắc u uất, ảm đạm kéo theo những bi kịch hiện lên khắc khoải bằng chất liệu sơn mài trên những chiếc nhạc cụ dân tộc nhưng không thể cất lên âm thanh được nữa. 39 chiếc đàn bầu này được làm theo lối sơn mài truyền thống. Trước khi vẽ được sơn mài, những chiếc đàn này sẽ được xử lý, từ bọc vải, hom sơn, để làm ra được bề mặt chiếc đàn như một tấm vóc để vẽ lên. Khi vẽ, cô sử dụng rất nhiều kĩ thuật khác nhau như: dùng nhăn nilon, búng loang dầu, cẩn trứng, xà cừ, thếp vàng bạc... Bề mặt của đàn bao gồm rất nhiều lớp với các kĩ thuật tạo nên các hiệu ứng thị giác khác nhau, cái ít nhất khoảng 5 lớp, cái nhiều có đến 20 lớp. Với đề tài thiên nhiên, cô gợi lên cho người xem bằng những phong cảnh bình yên với cây cối, núi non, đền chùa... làm ta thật sự đắm chìm vào không khí của làng quê Bắc Bộ với một trạng thái chênh vênh, bất an; khiến ta có cảm giác hình ảnh mà ta đang chiêm ngưỡng có thể vỡ ra bất cứ lúc nào. Kỹ thuật truyền thống cùng nhạc cụ dân tộc kết hợp với nhau trong cùng một tác phẩm, đã tạo được hiệu ứng thị giác cho người xem cả về hình dáng lẫn màu sắc. Sự trừu tượng của những sắc độ sơn mài, kết hợp cùng những đường nét ký họa các họa tiết truyền thống quen thuộc. Qua đó, người xem sẽ phần nào đồng cảm, có cái nhìn tổng quan hơn về truyền thống và hiện đại, âm nhạc và hội hoạ. Lê Thuý sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Thanh Hoá, điều đó lý giải cho sự chiêm nghiệm sâu sắc với không khí cuộc sống quên nhà mà cô lồng ghép vào tác phẩm của mình. Hình ảnh của người phụ nữ thoắt ẩn thoắt hiện trong chuỗi 39 tác phẩm, đại diện cho một sức sống bền bỉ mà Lê Thuý đã được nghe, được kể và được tự mình trải nghiệm trong vai trò một người con, người vợ và người mẹ. Quê hương và phụ nữ, cả hai hình ảnh đều đẹp, đều tình.
Lê Thúy đã mất gần ba năm để tìm kiếm thử nghiệm mới mẻ với những chất liệu quen thuộc, nhiều lần thất bại, mãi đến cuối năm 2019 cô mới hoàn thành tác phẩm ưng ý đầu tiên; và tất cả tác phẩm còn lại được cô miệt mài sáng tác trong năm 2020, giữa đại dịch COVID-19. Tuy là một sự sắp đặt có chủ ý nhưng chuỗi 39 tác phẩm này lại tinh tế ở chỗ: không tác phẩm nào là rời rạc, thừa thải; ngược lại, tác phẩm này bổ trợ cho tác phẩm kia, làm tôn lên vẻ đẹp của nhau. 39 chiếc đàn bầu hoà hợp làm một, một tác phẩm lớn, một thanh âm của sự im lặng đến chói tai, đồng thời chứa đựng tầm nhìn và niềm yêu thương quê hương vô bờ bến của người hoạ sĩ làm nên nó - bằng một sự im lặng không tầm thường.
       
Le Thuy, Dan Bau, 81x10x9cm, Lacquer on music.
Và, tại sao lại là con số 39?
“Vì khi biết quê ta nghèo, rủ nhau bước đi muôn nẻo,
Tìm đất khách mong làm giàu mai sau ngẩng đầu…”[*]
Đó là sự tiếc thương của Lê Thuý đối với những bi kịch phận người được ẩn dụ bằng con số 39 tượng trưng đầy ám ảnh. Có lẽ bản nhạc được chơi bởi 39 chiếc độc huyền cầm không thể cất lên âm thanh này là một sự thương tiếc thầm lặng mà Lê Thúy muốn gửi gắm đến những linh hồn đã khuất, chạm đến những ước vọng mà họ không thể nào hoàn thành được. “Mình vẫn luôn tìm kiếm cái đẹp từ cuộc sống, trong cả sự tan vỡ, cái chết và tàn phai. Những mong mỏi với quê hương, quê nhà, những niềm vui, cả những tấn bi kịch, tất cả rồi chỉ còn là hoài niệm. Chúng ta có thể làm được gì để quê hương của mình tốt đẹp hơn?” - Lê Thuý chia sẻ. Trong tác phẩm này, lẫn triển lãm chứa đựng nó, có rất nhiều câu hỏi mà chính tác giả đã đặt ra cho mình, cho người xem, gửi gắm vào tác phẩm, và mong mỏi người xem phần nào cùng chia sẻ.
Le Thuy, Dan Bau, 81x10x9cm, Lacquer on music.
Nghĩ đến những tâm tư, trăn trở của cô, tôi lại nhớ đến trong bài thơ “Cảm thu - Tiễn thu" của nhà thơ Tản Đà cũng có mấy dòng suy tư như thế. Tản Đà mượn hình ảnh mùa thu xác xơ, đìu hiu để chuyển hoá thành nỗi buồn của những người con tha phương bôn ba nơi xứ người nhớ về quê cũ. Họ bỏ xứ ra đi không phải là họ không yêu thương nơi chôn rau cắt rốn của mình, mà bởi vì họ quá xót xa trước cảnh cơ cực lao động nhưng cái nghèo, cái đói vẫn luôn đeo bám họ. Những người tuổi đã về già mà không về được quê cũ chỉ còn biết ngày đêm nhớ mong. Những cô gái tuổi vừa đôi mươi, tràn trề nhựa sống mà đã hi sinh thanh xuân của mình để đổi lấy ước mơ giàu sang. Hay nỗi lòng của những anh hùng hảo hán “đầu đội trời, chân đạp đất" từng tung hoành ngang dọc nay gặp cảnh lưu lạc và cả những người ôm mộng công danh, thức tỉnh mình, ngộ ra đó cũng chỉ là một giấc mộng phù phiếm, nhẹ tựa như lá rụng trước sân. Tất cả số kiếp nhân sinh ấy hiện lên trong thơ Tản Đà như một sự tôn kính của tác giả dành cho họ. Ai cũng phải đều trải qua sinh - lão - bệnh - tử, đó là quy luật tất yếu của cuộc đời con người mà không ai có thể tránh khỏi cũng như thu đến rồi lại đi không thể níu lại được. Nhưng rồi chúng ta cũng phải biết chấp nhận thực tại. Không ai có thể sống mãi trong quá khứ, rũ bỏ phiền muộn để tâm an lành thì sau cùng những muộn phiền cũng chỉ là chiếc lá rụng ngoài sân.    
Ảnh: Hoạ sĩ Lê Thuý.
Triết lý nhà Phật có câu thế này: “Hết thảy mọi thứ đều là hư ảo, cuộc đời con người được bắt đầu từ cát bụi rồi lại trở về với cát bụi, vạn vật biến chuyển không ngừng, nhân duyên được sinh rồi diệt. Không có thứ gì là tồn tại vĩnh hằng.” Nhưng không phải ai cũng có cho mình một tâm yên bình trong cuộc sống vô thường đã có quá nhiều thanh âm hỗn độn. Sau khi mọi thứ đã bị tàn phá, chỉ còn lại duy nhất sự im lặng và sự im lặng lúc này mới cất tiếng - đến mức chói tai. Đối với tôi, nghệ thuật là một món ăn muôn hình vạn trạng, người nghệ sĩ phải tìm cách mô phỏng từ thực tế, thêm một chút gia vị sáng tạo cùng một chút tưởng tượng. Và bí quyết riêng của mỗi món ăn ngon lại nằm ở phong cách thỏa mãn nghệ thuật của chính nghệ sĩ đó. Lê Thuý đã thành công khi đưa được tác phẩm của mình chạm đến trái tim của người thưởng lãm nghệ thuật, trong đó có tôi. Những tiếng đàn bầu rồi sẽ không còn cất lên giai điệu, tưởng chừng như vô thanh nhưng chính sự im lặng ấy, là những gì cuối cùng còn sót lại.
------------------------------------------------------
Ngày 23 tháng 10 năm 2019, cảnh sát phát hiện thi thể của 39 công dân Việt Nam đã tử vong trong thùng của một chiếc container đông lạnh ở Grays, hạt Essex, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
[*] : Bài hát “Nước ngoài” - Sáng tác: Phan Mạnh Quỳnh.