Bạn có đang bị áp lực phải quan hệ tình dục không?
Một người bạn của mình tâm sự bạn muốn dành đêm đầu tiên cho người sẽ là chồng mình vì với bạn, cái lần đầu ấy rất thiêng liêng và...
Một người bạn của mình tâm sự bạn muốn dành đêm đầu tiên cho người sẽ là chồng mình vì với bạn, cái lần đầu ấy rất thiêng liêng và chỉ muốn trao cho người xứng đáng. Nhưng đôi khi bạn cảm thấy lung lay vì tuổi bạn không còn nhỏ và người xung quanh hầu như đều đã quan hệ. Bạn có cảm giác lạc lõng và không biết mình có quá cổ hủ không.
Mình trả lời ngay là không. Dù cho bạn đã làm tình hàng trăm lần với hàng chục người khác nhau hay vẫn còn là trinh nữ thì quyết định không quan hệ tình dục thuộc về tự do cá nhân của bạn. Nó không phải là điều gì đó tội lỗi hay cần mặc cảm với người khác.
Chẳng qua do xã hội hiện nay đã cởi mở hơn về vấn đề tình dục. Chuyện “ăn cơm trước kẻng” không còn bị đánh giá quá nặng nề. Các phương tiện truyền thông thì thường xuyên đề cập đến tình dục khiến không ít người xem chuyện mất tờ-rinh như một cái gì đó cool ngầu, thể hiện giá trị, sức hút và độ sành sỏi của bản thân. Điều này làm nhiều người dù không thích vẫn phải cố để cho bằng bạn bằng bè, hoặc bị người yêu dùng cái lý luận “tình yêu mà không có tình dục là tình đồng chí”, “nếu em yêu anh thì phải cho anh” để gây áp lực.
Trong hoàn cảnh như thế thì chuyện một người dù đã qua 30 vẫn giữ “trái cấm” cho đêm động phòng có thể bị xem là quái đản và đem ra làm trò cười. Nhưng mà kệ m* chứ :). Thân thể này là của bạn, cuộc sống này là của bạn, bạn có quyền quyết định mình nên sống thế nào cho thoải mái nhất.
Và bạn biết không, có hẳn một thuật ngữ để chỉ hành động kiêng khem tình dục là celibate. Người đang hẹn hò nhưng muốn “giữ” đến khi động phòng thì vẫn được xem là celibate.
Nhưng không phải ai cũng có tinh thần thép để vượt qua áp lực phải quan hệ tình dục từ nhiều phía, đôi khi từ chính bản thân bạn. Trong trường hợp này, bạn cần làm gì?
Trước tiên, bạn cần xác định áp lực đến từ đâu
Nếu bạn đang chịu áp lực từ người yêu thì bạn cần xem xét lại người này có xứng đáng với tình yêu của bạn không. Nhu cầu tình dục không phải là điều sai trái nhưng chỉ vì mình muốn làm tình mà gây áp lực, khiến người yêu cảm thấy tội lỗi là sai lè lè ra. Vì vậy, nếu bạn không muốn quan hệ vào thời điểm này trong đời, bạn hãy ngồi xuống, nhìn thẳng vào mắt đối phương, nói rõ quan điểm của mình và mong người ấy tôn trọng mong muốn của bạn. Nếu sau khi thảo luận rồi mà người ta vẫn tiếp tục gây áp lực, thậm chí đe dọa hoặc làm tổn thương bạn thì thôi, bạn còn đắn đo làm chi mà chưa xách dép chạy lẹ?
Với một số người, tình dục là một phần quan trọng trong mối quan hệ. Nên có thể khi bạn nói ra mong muốn của mình, sẽ có người quyết định rời đi. Không sao cả, bạn có lựa chọn của riêng bạn và người đó cũng thế. Chỉ tiếc hai bạn chưa phải là hai mảnh ghép phù hợp với nhau.
Nếu bạn chịu áp lực từ bạn bè, hãy nói chuyện cởi mở và trung thực về lựa chọn của bạn. Nếu họ thật sự là bạn tốt, họ sẽ luôn thông cảm và ủng hộ bạn.
Tiếp theo, bạn cần biết ranh giới của bạn ở đâu
Ảnh: Unsplash
Bạn hãy tự hỏi bản thân xem mình đã sẵn sàng ăn trái cấm chưa và có đủ trách nhiệm, tinh thần cũng như tài chính để xử lý mọi tình huống có thể xảy ra nếu quan hệ tình dục không? (Như có thai ngoài ý muốn, bị bệnh tình dục…). Nếu bạn quan hệ trong khi đang chịu áp lực thì chỉ khiến trải nghiệm tình dục trở nên nặng nề và đôi khi thành ám ảnh. Hãy đặt ra ranh giới của bản thân khi trong một mối quan hệ, ví dụ chỉ âu yếm, ôm ấp, skinship hoặc cùng lắm là thủ dâm cho đối phương nhưng tuyệt đối không thâm nhập.
Bạn cũng cần học cách nói KHÔNG với những hành động đẩy bạn ra ngoài ranh giới đó hoặc khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Khi bạn có thể tự ra quyết định cho bản thân mà không để ai kiểm soát thì đó là một dấu hiệu lành mạnh của sự trưởng thành, chứ chả phải việc mất tờ-rinh.
Cuối cùng, bạn đừng tin vào những định kiến sai trái về tình yêu và tình dục
“Tình yêu không có tình dục là tình đồng chí”, “Nếu em yêu anh thì cho anh, còn không thì mình chia tay đi.” Đây là những lý lẽ thường thấy khi một người muốn thuyết phục hoặc ép buộc người kia phải chiều theo ý mình. Nhưng không phải ai khi yêu cũng đều quan hệ tình dục. Bất chấp những gì bạn thấy trên TV hay bạn bè xung quanh, vẫn có những người chờ đợi đến khi kết hôn mới trao cái “lần đầu”, vẫn có những mối tình kéo dài 4, 5 năm mà không hề có tình dục. Và bạn cũng đừng nghe lý lẽ đã yêu thì phải cho. Vì nếu người đó thật sự yêu bạn, người ta sẽ không gây áp lực, buộc bạn phải làm điều bạn chưa sẵn sàng.
Có quan điểm cho rằng bạn nên “ăn cơm trước kẻng” để biết hai bên có hòa hợp với nhau khi trên giường không. Cá nhân người viết đồng tình với quan điểm này vì nếu lỡ kết hôn với một người có sở thích tình dục trái ngược nhau (ví dụ một người thích BDSM, người kia thì không) cũng trở thành vấn đề to bự trong đời sống hôn nhân. Nhưng quan điểm này chỉ nên dừng ở lời khuyên chứ đừng mang tính ép buộc rồi tỏ ý chê bai nếu người ta không nghe theo. Vì ta không phải là họ, không sống cuộc đời của họ nên đừng (vô tình) gây áp lực đến họ.
Lời nhắn nhủ cuối
Ảnh: Unsplash
Bạn đừng ngại nói lên quan điểm tình dục với bạn bè, người yêu, và hãy giữ vững lập trường về những gì bạn tin tưởng. Đặt câu hỏi để xác định xem liệu quan hệ tình dục có thật sự là điều bạn muốn hoặc đang tìm kiếm không. Ngoài ra, khả năng giường chiếu không nói lên bạn là ai hay giá trị của bạn là gì. Thử nhìn những gương mặt thành công trong cuộc sống xem, họ được mến mộ vì điều chi? Đó mới là thứ đáng để bạn phải thấy “áp lực” mà cố gắng “tranh đua” cho bằng họ.
.Ngưn.
Chuyện thầm kín
/chuyen-tham-kin
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất