Vì em mình mới tám tuổi, nên mình cứ tự nhiên mà rất yêu quý và biết cách chơi đùa với trẻ con. Chỉ tới mấy tuần lễ này, em trai nghỉ học ở nhà, lại dẫn bạn bè sang ngủ lại, bốn năm thằng oắt tuổi từ tám tới vân vân rúc trong buồng chơi với nhau cả ngày, mình mới thấy thật sự mệt.

Vì hay làm việc từ nhà, mình hay bị tiện tay sai vặt kiểu sáng thì dẫn lũ trẻ đi chạy, trưa đến nấu cơm, chiều dẫn tụi nó đi ra sân đình đá bóng, đá bóng về thì phải trông từng đứa tắm rửa (vì trời mùa đông lạnh, bọn này ngốc lắm không biết lau người kỹ), xong thì nấu cơm tối nếu không có ai ở nhà. Chuyện nó chỉ có vậy.
Nhưng về nhà, thấy nhà cửa bừa bộn, quần áo vứt mỗi nơi một chỗ, định đặt mông xuống đi ị thì nước tè văng từ trên thành bồn cầu tới sàn nhà, ăn thì mỗi đứa một khẩu vị, đứa thích cà chua đứa ghét trứng, đứa ăn cá đứa ghét hải sản… và tất thảy đều ghét tiêu đen. Bốn đứa trẻ con, mỗi đứa ăn một nhúm mà cũng phải nấu đến ba bốn món khác nhau, món nào nhìn cũng ngán ngẩm tự mình chẳng muốn ăn. Thỉnh thoảng đang ngủ trưa, có đứa gào lên vì thằng này giành điều khiển, “thằng kia đấm vào chim em”. Chẳng muốn quát nạt nhưng bảo nhẹ thì không nghe, mà mình thì cứ díu cả mắt lại rồi.
Ảnh không có ý nghĩa gì, chắc để làm nền đẹp. Không nhớ lấy ở đâu...
Mình mới nghĩ, đẻ khổ thế thì đẻ làm gì nhỉ? Mình hỏi ông bà bô, thế chứ đẻ khổ thế thì đẻ làm gì? Ông bô mình mới bĩu môi: “Thế là tầm thường!”, rồi bắt đầu liệt ra năm vạn chín nghìn loại chi phí khác nhau, từ học phí (trường quốc tế) tới các câu lạc bộ thể thao văn hóa, tiền học đàn học đá bóng, mỗi vài tháng lại đi khám bệnh linh tinh, nghe mà rùng cả mình.

Vậy là câu hỏi không được trả lời mà chỉ càng thêm những câu hỏi. Mình bảo, hay thôi không đẻ nữa. Bà bô mình cười, “thật ra có trẻ con cũng vui. Anh cứ nói thế, sau này lại nghĩ khác”.
Nhưng… Nếu thế, trẻ con chỉ là thú vui cho người lớn thôi sao? Mình không có con nên không thể hiểu được, nhưng có con để làm gì?

Mình biết quá nhiều người coi con cái là sự nối dài ước mơ của chính họ. Họ không được làm kỹ sư, bác sĩ? Con họ sẽ phải trở thành kỹ sư, bác sĩ! Có câu đùa, “khi bố mẹ mong con mình làm bác sĩ, thì việc cứu người chắc chắn nằm cuối trong suy nghĩ của họ”. Có người áp lực cho con mình phải đạt giải quốc gia vì trước kia không đạt được, phải học lớp chuyện toán vì ngày xưa mình suýt nữa vào nhưng lại bỏ học… Không biết những phụ huynh như vậy giờ có sướng không, nhưng toàn bộ những bạn mình biết có phụ huynh như thế đều rất chật vật dưới cây thập giá to đùng mà chính bố mẹ họ đặt lên vai. Những loại gia trưởng kiểu đẻ để nối dõi, để phụng dưỡng bố mẹ, thiết nghĩ không đáng bàn.
Hoặc nếu như bà bô mình nói, đẻ là để cho vui, thì mình luôn tưởng tượng thế này. Hai vợ chồng trung lưu tiểu tư sản thị dân, nắm tay nhau hớn hở cười tươi, lên xe hoa, động phòng về nhà. Giữa căn nhà mới (hoặc một phần bé xíu trong căn tập thể 20m2 bốn người ở giữa phố Hàng Buồm chẳng hạn), họ nắm tay nhau mỉm cười, rồi nụ cười tắt dần dần. Họ nghĩ, giờ làm gì nhỉ? Giờ phải tạo ra em bé anh ạ! Em bé vui lắm! Vậy là họ tạo ra em bé…
Và có lẽ vì như thế mà đêm Chủ nhật một mùa xuân ẩm ướt, một đứa bé đầu hơi to lún phún tóc chào đời. Và hai mươi mấy năm sau, đứa bé đấy, nhìn vào em trai mình và lũ bạn nó, sẽ nghĩ, “chà, nếu có tiền thì năm sau mình sẽ đi thắt ống dẫn tinh”.
Nghe nói thắt ống dẫn tinh không đắt lắm, nhưng đau. Nghĩ đến viễn cảnh người ta luồn cái ấy vào trong cái ấy đã rùng cả mình… Nhưng nghĩ tới lũ trẻ con nô đùa tô vẽ lên những quyển truyện tranh và những bức tường mới sơn còn rùng mình hơn. Và đặc biệt nhất, nghĩ tới việc phải gồng gành trên vai một sinh mạng chỉ để vài năm sau thốt ra hai tiếng “vui mà”, mình còn thấy khổ sở hơn.
Tại sao người ta lại làm việc phi lý trí như vậy? Mình nghĩ, mình đủ cảm kích để sinh ra trong gia đình ông bà bô không đặt trọng trách gì lên cho con cái… Tên mình là Nguyễn, một cái tên hoàn toàn vô nghĩa, cũng chính là một ước nguyện đầu tiên cho một cuộc đời “không áp lực lên con cái”, không đặt ý nghĩa mong muốn gì ngay từ cái tên.

Mình nhớ, một ngày thật buồn gần đây, ông bà bô nói chuyện với cô ruột mình. Em họ mình, tức là con cô, không phải người quá sáng sủa. Cô mình bảo, “thôi kệ, về già để nó ở gần còn chăm sóc vui vầy”. Ông bà bô mình thở dài, “nếu làm thế thì tội nó quá. Nó có biết gì đâu. Nó có cầu xin được sinh ra trên đời đâu”.
Đúng là mình chẳng cầu xin để được sinh ra. Sống chẳng vui đến thế và mình không biết đến lúc có con, nó có nghĩ như vậy không? Mình có bao dung và quan tâm và yêu thương và hiến dâng mọi thứ cho nó được không?
Mình vẫn quý trẻ con, chỉ không thấy việc có chúng trên đời này có gì thật sự ý nghĩa nữa. Mình có thể vui mà không cần trẻ con, và mình nghĩ, mình chẳng đủ tâm sức mà quan tâm được tận cùng cho nó. Giữa bao kế hoạch và lo toan cá nhân, mình chưa bao giờ muốn giàu có. Mình chỉ cần đủ no đủ vui cho mình là được. Nhưng như thế thì khổ vợ con mình quá! “Nó có đòi được sinh ra đâu”.  Sao phải cố ép nó ra một cuộc sống khổ sở làm gì?

Bằng tuổi mình, bà bô mình đã đẻ. Mình thì chỉ muốn thắt ống dẫn tinh. Nghĩ cũng buồn cười.

Mấy hôm trước, có bạn xem tử vi, bảo số mình sau này không vợ không con. Mình cũng thấy đấy là điềm mừng. Chắc năm nay đi thắt ống dẫn tinh thật.