Vì sao bạn lại thấy hụt hẫng và lo lắng sau khi làm tình?
Bạn vừa trải qua một đêm mây mưa “đỉnh của chóp”. Đối phương ngon, kỹ năng giỏi, mọi thứ đều tốt đẹp, không phải chê điều gì. Nhưng...
Bạn vừa trải qua một đêm mây mưa “đỉnh của chóp”. Đối phương ngon, kỹ năng giỏi, mọi thứ đều tốt đẹp, không phải chê điều gì. Nhưng sau cuộc vui, bạn nằm đó rồi tự nhiên thấy hụt hẫng, chán nản, đầu không ngừng lo lắng về những gì vừa xảy ra. Hoặc tự nhiên thấy lo thôi chứ chẳng biết mình lo gì.
Bạn không phải là người duy nhất trải qua những cảm xúc trên.
Mình chỉ muốn bạn biết rằng lo lắng, hụt hẫng sau khi làm tình là điều khá phổ biến và bình thường. Mọi người thuộc mọi giới tính đều có thể bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, những cảm xúc trên có thể xảy ra cả trong và sau bất kỳ hình thức thân mật về mặt thể xác nào, không chỉ tình dục.
Bạn có thể bị chứng “U sầu sau quan hệ tình dục”
Ảnh: Unsplash
Post-coital Dysphoria (PCD) còn gọi là chứng mất tinh thần sau khi làm tình. Người bị PCD sẽ cảm thấy buồn bã, lo lắng, chán nản, thậm chí là khóc sau khi trải qua một trận mây mưa. PCD có thể kéo dài từ 5 phút đến 2 tiếng, xảy ra cho dù bạn đạt cực khoái hay không.
PCD có thể ảnh hưởng đến bất kỳ giới tính hoặc khuynh hướng tính dục nào. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy 46% trong số 233 sinh viên nữ được khảo sát là đã trải qua PCD ít nhất một lần. Nghiên cứu khác vào năm 2019 chỉ ra 41% nam giới cũng từng bị PCD.
Còn nguyên nhân nào khác gây ra những cảm xúc tiêu cực đó không?
Nội tiết tố
Khi bạn làm tình, một vài hóc môn sẽ tăng lên trong cơ thể bạn, bao gồm dopamine và oxytocin. Nếu bạn đạt cực khoái, các hóc môn khác cũng được giải phóng, chẳng hạn như prolactin.
Tất cả hóc môn này cùng một lúc xuất hiện sẽ tạo nên những xúc cảm vô cùng mãnh liệt. Sau khi trận mây mưa kết thúc, lượng hóc môn giảm xuống, gây ra một số cảm xúc bất ngờ bao gồm hụt hẫng và lo lắng.
Cảm xúc của bạn về mối quan hệ
Nếu bạn đang có trục trặc, khúc mắc hoặc lo lắng chưa được giải quyết với đối phương thì tình dục có thể khuyếch đại những cảm xúc đó – đặc biệt là khi đi kèm với các hóc môn kể trên.
Ngoài ra, nếu bạn không có quá nhiều tình cảm gắn bó với đối phương thì cũng dễ rơi vào trường hợp này. Tất cả những gì không chắc chắn và “mới lạ” đều có thể mang lại cảm giác lo lắng.
Cảm xúc của bạn về tình dục và cơ thể của mình
Nhiều người có cảm giác lo lắng và mang suy nghĩ khá phức tạp về chuyện ấy. Chẳng hạn bạn thấy không tự tin về kỹ năng giường chiếu của mình, không thoải mái trong một số tư thế, không thích những yêu cầu của đối phương nhưng sợ họ buồn nên đành miễn cưỡng làm theo.
Một số khác thì tự ti về cơ thể đầy khiếm khuyết của mình như cô bé bị thâm, vùng mông nhiều mụn, bé ciu không được dài. Bạn lo lắng khi phải khỏa thân trước người khác, phô ra toàn bộ khuyết điểm mà mình cố gắng che đậy.
Tất cả những cảm xúc này đều vô cùng phổ biến và có thể dẫn đến sự lo âu, hụt hẫng sau khi làm tình.
Chứng lo âu và căng thẳng về mặt tâm lý
Công việc của bạn đang gặp vấn đề? Năm nay làm sấp mặt mà cuối năm sếp lại không thưởng Tết? Nếu bạn đang gặp stress trong cuộc sống thường ngày thì khó mà gạt nó sang một bên kể cả khi làm tình.
Bạn có thể nghĩ sex là cách để giải tỏa stress hiệu quả. Nhưng vấn đề sẽ không được giải quyết chỉ qua những động tác nhấp hông đầy khoái cảm trong một thời điểm. Mây mưa xong rồi, bạn vẫn phải đứng dậy, mặc quần áo và bước ra ngoài đối mặt với vấn đề thôi.
Bạn từng bị tấn công hoặc lạm dụng tình dục
Nếu bạn là người từng trải qua một cuộc tấn công hoặc lạm dụng tình dục thì cảm giác tổn thương, sợ hãi và lo lắng vẫn ở trong tiềm thức. Dù bạn đã phục hồi, dù mọi chuyện đã trôi vào dĩ vãng nhưng thỉnh thoảng, những cảm xúc ấy vẫn trỗi dậy.
Nếu bạn là người trải qua những cảm xúc này sau khi làm tình?
Đầu tiên, bạn hãy hít thở sâu. Các bài tập thở sẽ giúp bạn ổn định lại tâm trạng. Nếu bạn không biết thì cũng không sao, chỉ cần tập trung vào việc hít vào rồi thở ra để cố gắng trấn tĩnh tâm trí và làm chậm dòng suy nghĩ hỗn độn đầy bất an trong bạn.
Nếu hít thở nhiều lần rồi mà vẫn không ngăn được những suy nghĩ đang chạy loạn trong đầu thì hãy thử trấn tĩnh bằng cách tập trung vào hiện tại, thay vì cứ nghĩ đến những chuyện đâu đâu.
Ví dụ một mẹo mà bạn có thể áp dụng là làm theo quy tắc 3 – 3 – 3:
+ Bạn bắt đầu bằng cách đặt tên cho 3 thứ bạn nhìn thấy trước mắt.
+ Sau đó kể tên 3 thứ bạn nghe được.
+ Cuối cùng kết thúc bằng cách di chuyển 3 bộ phận trên cơ thể.
Một cách khác để đưa dòng suy nghĩ của bạn trở về thực tại là tự hỏi bản thân một số câu để xem xét nhu cầu của bạn lúc này:
+ Mình hiện có an toàn không?+ Có điều gì mình cần làm ngay bây giờ không?+ Có nơi nào mình muốn đến không?+ Anh ấy/em ấy có thể làm gì ngay lúc này để mình thấy tốt hơn không?
Nếu được, bạn hãy cho đối phương biết những cảm xúc tiêu cực này. Đôi khi nói ra hết những lo lắng, hụt hẫng có thể giúp bạn bớt đơn độc trong nỗi sợ hãi của mình. Nếu bạn muốn ở một mình cũng chẳng sao cả. Hãy làm điều khiến bạn thấy thoải mái.
Khi đã có thời gian lấy lại bình tĩnh, hãy tự hỏi bản thân những câu sau đây để tìm ra lý do khiến bạn cảm thấy lo lắng sau khi làm tình:
+ Mình có đang tự ti về cơ thể của mình không?+ Mình có đang lo kỹ năng của mình không đủ để đối phương thấy thỏa mãn không?+ Đối phương có vô tình làm gì khiến mình thấy bất an không?+ Hiện tại mình có đang gặp vấn đề gì trong cuộc sống không?+ Mình có đang nhớ lại những chuyện đau thương hoặc bị lạm dụng trong quá khứ không?+ Những cảm xúc tiêu cực này có xảy ra thường xuyên không?
Khi đã tìm được lý do, bạn sẽ nhìn ra cách giải quyết. Đồng thời, bạn nên nói chuyện với người yêu/người tình về những mong đợi của bạn để giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn, giảm thiểu sự thất vọng. Như vậy, cả hai cũng cảm thấy gần gũi nhau hơn, kết nối sâu hơn về mặt cảm xúc.
Ảnh: Unsplash
Nếu người trải qua những cảm xúc tiêu cực này là đối phương?
Nếu bạn nhận thấy người yêu/người tình của bạn đang cảm thấy lo lắng hoặc bật khóc sau khi làm tình, thì điều đầu tiên – và tốt nhất – bạn có thể làm là lắng nghe mong muốn của người ấy.
Bạn hãy nhẹ nhàng hỏi người ấy có muốn chia sẻ những cảm xúc đó không. Nếu có, bạn nên lắng nghe mà không phán xét điều gì cả. Dù cho lý do có là vì kỹ năng giường chiếu của bạn không tốt. Hãy cố gắng không để mình bị ảnh hưởng bởi những lý do đó.
Đôi khi người đó lo lắng về công việc, gia đình hoặc vài vấn đề trong cuộc sống và cần một ai đó lắng nghe. Hãy hỏi xem bạn có thể làm gì để an ủi đối phương không.
Một số người thích giữ tâm sự trong lòng khi cảm thấy lo lắng. Người thì chỉ muốn có ai đó ở bên.
Nếu người ấy không muốn chia sẻ, hãy tôn trọng và đừng xúc phạm hay nổi nóng ép buộc. Đối phương có thể chưa sẵn sàng để mở lòng tâm sự về những cảm xúc hỗn loạn bên trong. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ấy không tin tưởng hay khó chịu với bạn.
Điều quan trọng là bạn cần cho người ấy biết bạn luôn ở bên cạnh và sẵn sàng khi người ấy cần.
Tóm lại, cảm xúc lo lắng, hụt hẫng sau khi làm tình là chuyện bình thường và khá phổ biến ở một mối quan hệ. Nếu chuyện xảy ra thường xuyên, bạn hãy thử áp dụng các cách trên để bình tĩnh khắc phục nhé.
*Lược dịch thông tin từ healthline.
.Ngưn.
Freelance Writer | Blogger
Blog dành cho trẻ trên 16 tuổi (mà trẻ nào biết yêu rồi cũng nên xem vì tương lai con em chúng ta): It's Real Love ❤️
Chuyện thầm kín
/chuyen-tham-kin
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất