Bài học tiêu dùng đắt giá từ hiệu ứng tâm lý Diderot: Chốt đơn tới tấp - nợ nần sấp mặt!
Vừa mới chốt đơn cái váy hoa đỏ rực nhìn lóa cả mắt, cúi xuống thấy đôi dép lê mình đang mang, đành nghẹn ngào tặc lưỡi: “Thôi sắm thêm đôi giày cao gót cho đủ bộ”. Xin là xin chúc mừng, bạn đã bắt đầu sập bẫy hiệu ứng Diderot rồi đó.
“Làm lụng vất vả cả tháng, cuối cùng cũng tới ngày lãnh lương. Đời người chỉ sống có một lần, không mua không sắm đời không nể”. Vừa mới chốt đơn cái váy hoa đỏ rực nhìn lóa cả mắt, cúi xuống thấy đôi dép lê mình đang mang, đành nghẹn ngào tặc lưỡi: “Thôi sắm thêm đôi giày cao gót cho đủ bộ”. Xin là xin chúc mừng, bạn đã bắt đầu sập bẫy hiệu ứng Diderot rồi đó.
Hiệu ứng Diderot được đặt theo tên của nhà triết học người Pháp Denis Diderot (1713 - 1784). Sinh ra trong một gia đình thợ rèn khá giả, tuy nhiên, do khước từ ước muốn của dòng họ, ông đã phải sống một cuộc sống khá khó khăn và nghèo đói.
Bước ngoặt đời ông là vào năm 52 tuổi, khi con gái đám cưới nhưng ông không có tiền lo của hồi môn. Tuy vậy, ông vẫn được nhiều người biết đến vì là đồng tác giả bộ bách khoa toàn thư Encyclopédie. Biết về tình trạng tài chính của Diderot, Nữ hoàng Nga là Catherine Đại đế đã đề nghị mua lại thư viện của ông với giá 1.000 GBP, tương đương 50.000 USD vào năm 2015.
Cả đời sống cảnh cơ hàn, phất lên một phát rộn ràng shopping. Để thưởng cho mình, Diderot mua một chiếc áo choàng đắt tiền. Có áo choàng, ông bắt đầu suy nghĩ phải mua thêm một số thứ phụ kiện xung quanh để tôn thêm vẻ sang trọng của chiếc áo. Từ việc thay tấm thảm mới, sắm thêm gương, đổi ghế mây bằng ghế da cho đến trang trí ngôi nhà với những bức tượng điêu khắc cầu kỳ, Diderot lâm vào nợ nần, thậm chí suýt phá sản.
Lúc mua hết mình lúc nghèo mới bắt đầu hối hận. Là một triết gia, Diderot đã ghi chép câu chuyện này trong một bài tiểu luận của mình để ngẫm nghĩ. Ông giải thích rằng chiếc áo choàng cũ là một phần của con người nhà văn trong mình và dung hòa tốt với những đồ đạc khác như chiếc ghế mây, cái bàn gỗ, tấm thảm cũ. Đến khi sắm chiếc áo choàng mới, mọi thứ trở nên lạc lõng. Diderot muốn thay thế đồ đạc sao cho phù hợp với chiếc áo mới nên… đời không xô, do ông tự ngã.
200 năm sau, nhà kinh tế học đại học Harvard, Juliet Schroer đề cập tới câu chuyện này trong một cuốn sách tựa đề “Chi tiêu quá độ của người Mỹ”, đồng thời đưa ra khái niệm “Hiệu ứng Diderot” để chỉ vòng xoáy tiêu dùng khiến bạn muốn có nhiều thứ hơn bắt nguồn từ việc mua một món đồ mới. Do hiệu ứng Diderot, chúng ta mua nhiều thứ mình không hề cần nhưng vẫn chẳng thấy hạnh phúc hay thỏa mãn hơn.
Để hạn chế thói quen mua sắm một cách lãng phí từ hiệu ứng Diderot, bạn cần biết cách quản lý tài chính cá nhân. Bằng việc viết ra tất cả những khoản chi tiêu dù lớn dù nhỏ vào một cuốn sổ, bạn sẽ kiểm soát được những khoản chi của mình, từ đó đưa ra quyết định mua sắm một cách hợp lý. Trong vlog của mình, chị Giang Ơi từng chia sẻ một mẹo rất hữu ích. Đó là khi bạn muốn mua một món đồ gì đó nhưng lại cảm thấy chần chừ, do dự thì hãy tạm gác lại việc mua sắm trong vòng một tuần. Một tuần đằng đẵng trôi qua, nếu mà vẫn thích thì ta hốt liền.
Sau khi sống trong cảnh nợ nần túng quẫn vì mua sắm quá nhiều, Diderot đã nói rằng: “Hãy để câu chuyện của tôi là lời cảnh báo dành cho bạn. Nghèo khó có cái tự do của nghèo khó. Giàu có cũng đầy rẫy những cái bẫy vô hình của giàu sang”. Tiền có thể mua được hạnh phúc, nhưng để có được hạnh phúc, không nhất thiết bạn phải dùng tiền. Hãy tận hưởng những niềm vui đơn giản của bản thân, lên kế hoạch chi tiêu cụ thể để đưa ra những quyết định tiêu dùng hợp lý.
Đọc thêm:
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất