Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

Chào bạn, như đã giới thiệu, mình là người sống bằng ba phần lý trí bảy phần cảm xúc, và mình là một HSP. Nếu như bạn chưa biết thì HSP là viết tắt của “highly sensitive person”, trong tiếng Việt nghĩa là người có độ nhạy cảm cao. Nói một cách dễ hiểu, thì HSP là người thường có những phản ứng nhanh, mạnh và thái quá đối với những dấu hiệu, những thay đổi dù chỉ rất nhỏ. Chính điều này cũng khiến chúng ta nhiều khi nghĩ rằng mình là một kẻ không-bình-thường, trong đầu luôn thường trực những câu hỏi: “Tại sao mình không giống mọi người?”, “Mình bị làm sao vậy nhỉ?”, “Mình bị thần kinh? Hay tâm thần phân liệt?”,… Nhưng thực sự thì chúng ta chỉ là những người có quá nhiều cảm xúc mà thôi. Và tất nhiên, số HSP là nữ giới luôn cao hơn nam giới, và 70% HSP là người hướng nội (theo một nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý học Elaine Aron, bà cũng là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ HSP). Nếu bạn cũng là một HSP (giống như mình) thì đây chính là bài viết dành cho bạn.



Vậy làm thế nào để biết mình là một HSP và ai đó có phải là một HSP hay không?

Có ba nhóm dấu hiệu cho thấy bạn đích thực là một HSP:
Thứ nhất, nhạy cảm về chính bản thân mình, thường xuyên lo lắng, căng thẳng, tự ti và hay so sánh mình với người khác. HSP luôn cảm thấy mình không đủ tốt và thường tự cho mình là nguyên nhân của những điều tồi tệ.
Thứ hai, nhạy cảm về người khác, chỉ một lời nói bâng quơ của người ngoài cũng khiến HSP cảm thấy tổn thương và phải rất lâu mới có thể bình thường trở lại. HSP lúc nào cũng nghĩ ngợi và lo lắng về những nghĩ ngợi và lo lắng của người khác (về mình), không biết mình có làm gì/nói gì sai không, không biết người ta có nghĩ xấu về mình không, không biết họ có biết mình khác người như thế nào không, vân vân và mây mây. Trong tình yêu, HSP cũng thường thần thánh hóa, lãng mạn hóa những trải nghiệm cảm xúc khi ở bên người ấy, và cũng thường làm quá nỗi đau khi thất tình. HSP cực kỳ mít ướt vì bạn ấy có quá nhiều cảm xúc, và dù có không muốn thế nào đi chăng nữa thì những cảm xúc đó vẫn cứ tuôn trào ra khi nó muốn.

Đọc thêm:

Thứ ba, nhạy cảm về môi trường xung quanh. HSP thường cảm thấy không thoải mái khi ở giữa đám đông hoặc những nơi có nhiều tiếng ồn, ánh sáng chói lóa, nhạc xập xình,… Có lần mình còn không xem nổi 30 phút của một bộ phim ở rạp vì quá nhiều tiếng động và mình đã phải ra ngoài ngay lập tức. Mỗi khi đọc báo, lướt web và các trang mạng xã hội, mình cũng rất hay bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tin xấu. Những tin tức về cướp, giết, hiếp, tự tử,… khiến mình cảm thấy thế giới này thật đáng chết.
Vậy sự “nhạy cảm quá mức” của HSP có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và cả bản thân bạn ấy? Nhiều năm liền, cậu bạn này đã đem lại cho mình không ít rắc rối, từ chuyện học tập, công việc, đến tình cảm cá nhân, các mối quan hệ xã hội… Cùng một sự việc, đối với một người bình thường (ý mình là người không quá nhạy cảm) khó một, thì với HSP khó mười. Sự lo lắng, tự ti khiến HSP dễ bỏ qua những cơ hội tốt. Sự dễ xúc động, tổn thương khiến HSP khó chấp nhận sai lầm và vực dậy sau những cú ngã. Tâm lý tiêu cực khiến HSP thường xuyên phải đấu tranh nội tâm để tự cứu lấy mình. Thật sự, nếu không phải là một HSP sẽ rất khó để hiểu và đồng cảm với nhóm người này, giống như việc một người tự sát vậy, nếu bạn chưa từng có ý muốn tự sát thì không bao giờ bạn hiểu được đâu.
Mình đã từng cảm thấy bản thân thật thiệt thòi khi phải nuôi đứa con có tính cách “khó ưa” như vậy, lúc nào cũng bắt mình phải chịu đựng những cảm xúc vượt quá tầm kiểm soát của bản thân. Mình càng ghét nó bao nhiêu thì nó càng gây rắc rối cho mình bấy nhiêu. Nhưng khi mình biết yêu thương nó thì nó lại ngoan ngoãn vâng lời và không làm phiền mình nữa. Nhạy cảm không phải là một lời nguyền, mà còn có thể là phước lành mà Thượng Đế mang lại cho chúng ta.

HSP nên làm thế nào để trở thành một HSP thật “cừ”?

Hy vọng đọc đến đây bạn đã hiểu được rằng HSP cũng chỉ là người bình thường có những nét tính cách đặc biệt, nên nếu bạn là một HSP thì cũng đừng bao giờ xấu hổ hay mặc cảm về nét tính cách này của mình, vì tiếp theo đây mình sẽ chia sẻ với các bạn cách mình “trị” nó như thế nào.

Đọc thêm:

    • Chấp nhận sự nhạy cảm như một phần của mình, đừng bao giờ cố gắng     bắt mình phải trở thành một con người khác. Sự nhạy cảm khiến bạn đau khổ, tự ti, bởi vì bạn không chấp nhận nó, bạn thấy nó xấu xí và đáng kinh tởm, coi nó như một thứ khuyết tật trên người mình vậy. Chỉ khi bạn biết cách chấp nhận, yêu thương và sống chung với nó, bạn mới có thể có được sự tự tin, lạc quan như bạn muốn. Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng cho mình lựa chọn đâu nhỉ? Nhưng chúng ta có thể chọn cho mình cách sống, và thái độ đối với những điều xảy ra xung quanh mình đúng không bạn?
    • Khi bạn “lên cơn”, hãy thật bình tĩnh, đừng làm gì cả, hít thở thật sâu và tự thì thầm “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”. Không có gì phải lo lắng, mọi thứ xung quanh vẫn đang rất bình thường, chỉ có cảm xúc của bạn là không bình thường. Một trong những điểm yếu lớn nhất của HSP đó là quan tâm quá nhiều đến suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Trời ơi, đó là việc của họ HSP ạ, hãy nghĩ rằng bạn thật tốt bụng và đáng yêu (và sự thật là như vậy), không ai có lý do gì để ghét mình khi mình yêu thương họ cả. Quan trọng nhất, HSP phải học cách tự bảo vệ mình, cách đối mặt với những lời chỉ trích, những thất bại, nếu không sẽ rất dễ ngã gục. Sếp mắng, bạn bè chê cười, bị bồ đá,… không có gì đáng sợ cả, không có ai quan tâm quá nhiều đến suy nghĩ và cảm xúc của bạn đâu. Thay vì cảm thấy tự ái thì hãy tiếp thu rồi làm sao để mình tốt hơn mỗi ngày, đó mới là điều HSP nên làm, phải làm. Khi đó, HSP sẽ biết được nhạy cảm thực sự là một món quà.
    • Hãy tạo cho mình một vài sở thích cá nhân. Với mình thì đó sẽ là đọc sách, chơi đàn, học vẽ, học viết… Những thứ đó khiến mình không bao giờ cảm thấy buồn chán. Đọc nhiều không chỉ giúp mình hiểu hơn về thế giới, về những người xung quanh mình mà còn hiểu hơn về chính bản thân mình nữa. Chỉ khi như vậy mình mới biết trân trọng và yêu thương bản thân nhiều hơn. Mình cũng (tập) chơi ghi-ta hàng ngày và cảm thấy âm nhạc là một trong những điều kỳ diệu nhất mà mình biết đến trên thế giới này. Ngoài ra, có một phương pháp khá quen thuộc mà HSP có thể áp dụng đó là viết Morning Pages (các trang viết vào buổi sáng) hàng ngày. HSP có quá nhiều cảm xúc, bạn biết điều đó, nhưng khi bạn càng giữ nó trong lòng thì càng cảm thấy khó chịu, bứt rứt không yên, còn khi thể hiện nó ra bằng câu chữ thì sẽ khác đi rất nhiều. Bạn sẽ cảm thấy bình yên, thanh thản đến lạ thường vì khi viết ra bạn sẽ có cảm giác như có ai đó lắng nghe những tâm sự của bạn, ở bên cạnh và sẵn sàng chịu đựng bạn. Sẽ không có vấn đề gì nếu bạn không phải một người ưa viết lách. Nhưng hãy tin mình, chỉ cần 20 phút mỗi sáng sớm, và viết ra bất kỳ điều gì bạn suy nghĩ, có thể vui, có thể buồn, có thể chẳng là gì cũng được, nhưng đừng đọc lại.
Vậy đó, cho đến hiện tại mình vẫn luôn cố gắng từng ngày để trở thành một HSP tuyệt vời (ít nhất là trong mắt chính mình). Nếu bạn là một HSP, hãy chia sẻ với mình những rắc rối mà bạn gặp phải và cách bạn vượt qua khi là một người cực kỳ nhạy cảm (nếu có). Còn nếu bạn không phải là HSP, thì hy vọng các bạn hiểu và yêu thương chúng mình nhiều hơn, đó cũng là một trong những động lực lớn khiến chúng mình có đủ dũng khí để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống này. Cảm ơn các bạn và yêu các bạn nhiều!