Lúc còn là một học sinh cấp 3, mình có một sở thích khá đơn giản: đọc manga đến tối muộn, để rồi sáng hôm sau, phải vật vờ mãi mới dậy đi học được. Vậy mà mình đi học không trễ một ngày nào, vì mình có một chiếc đồng hồ báo thức hiệu quả nhất Quả đất - Tiếng mẹ la.
Tối hôm đó, mình đọc được một câu nói làm mình ấn tượng mãi, từ một manga mà mình không tài nào nhớ được tên, cũng chả thể nào nhớ nổi nội dung. Duy chỉ có một dòng đọng lại:
"Một tuổi thơ hạnh phúc sẽ mang lại sức mạnh, chứ không phải một tuổi thơ bất hạnh"
Hãy thông cảm với một thằng nhóc thuần ban A với một bụng kiến thức xã hội được tích góp chỉ qua shounen manga như mình hồi đó. Mình chưa bao giờ nghĩ như trên. Đúng hơn, mình chưa bao giờ đặt câu hỏi về cái niềm tin ngược lại, mà mình có trước đó, cho đến khi đọc được câu nói. Bạn nên hiểu rằng, bối cảnh kiến thức nơi mà mình theo học (mục shounen - ecchi), luôn luôn có một cỗ máy sinh học với sức mạnh hủy diệt, thuở nhỏ bị ngược đãi bởi những nhà khoa học hoặc gia đình. Sau đó, con quái vật này mất kiểm soát và thức tỉnh sức mạnh, trở thành một trong những nhân vật mạnh nhất truyện. Sức mạnh này xuất phát từ một lòng căm hận sâu sắc với những ký ức không thể xóa nhòa.
Vậy mà trong bộ manga mình đang đọc. Cái nhân vật vô đối với tuổi thơ bất hạnh ấy, cuối cùng nước mắt ngắn, nước mắt dài, nức nở trong lòng nhân vật yếu đuối bậc nhất của truyện. Và bị cảm hóa. Nhân vật yếu đuối kia chính là chủ nhân của câu nói phía trên.
Mình bắt đầu suy nghĩ, mình đã tưởng rằng mình hiểu được ý của tác giả. Rằng câu nói mang một ý nghĩa bóng, rằng sự mạnh mẽ ở đây là một dạng “tình yêu” sến súa nào đó (cái thứ đã giúp hàng loạt nhân vật chính trong manga chiến thắng một cách thần kỳ khi đánh boss). Mình đã luôn “hiểu” như vậy. Cho đến nhiều năm sau, khi nghĩ lại và thật sự hiểu được rằng câu nói trên hoàn toàn là như vậy, theo một nghĩa đen và trực tiếp nhất có thể.

**Tuổi thơ hình thành tính cách**


"Cha nào con nấy", hay nước ngoài cũng có câu tương tự là “Like Father, Like Son” - câu nói nổi tiếng của các cụ dành để diễn tả 1 xu hướng hiển nhiên: Cha mẹ nói riêng, hay thời thơ ấu nói chung, ảnh hưởng rất nhiều tới tính cách (và nhân cách) của đứa con. Mãi cả đến sau này khi trưởng thành, và các thế hệ sau nữa. Vậy, nhưng tại sao lại còn có câu nói “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”? Liệu tính cách có phải là tự nhiên mà có, một cách bẩm sinh; hay là một quá trình phơi nhiễm trong các môi trường kéo dài xuyên suốt tuổi thơ; hay là một cơ chế nào khác nữa?

Các-mác nói rằng do cả môi trường lẫn chủ thể tương tác lẫn nhau, tạo nên con người hiện giờ như chúng ta, và phần quyết định nghiêng về môi trường - “vật chất quyết định ý thức và ý thức tác động lại vật chất”. Freud thì nói rằng tính cách phần nhiều là do vô thức tạo nên, và một phần không nhỏ của vô thức được hình thành là do những bản năng bị đè nén trong tuổi thơ. Hay Skinner với trường phái nhân cách hành vi (cái trường phái nổi tiếng với thí nghiệm “chó tiết nước bọt” của Pavlop mà ai cũng được học hồi lớp 8), thì lại khẳng định mạnh mẽ vai trò của các kích thích môi trường trong việc hình thành tính cách. Ai cũng có quan điểm riêng của mình, nhưng hầu hết đều không phủ nhận vai trò của môi trường thuở bé, đặc biệt là gia đình, ba mẹ và anh chị em.

Một đứa bé được sinh ra ở một vùng hoang mạc châu Phi nghèo đói, thì không có cách nào trở thành Anh-xtanh thứ hai được. Steve Jobs và Bill Gates nếu không được sinh ra ở nước Mỹ, thì chẳng thể nào có một sự nghiệp lẫy lừng như vậy. Một đứa con của tầng lớp quý tộc, đã luôn quen với việc sống xa xỉ, cùng các lễ nghĩa sẽ có một tư tưởng và cách hành động khác hẳn con của một người nông dân bình thường, suốt ngày phải cắm mặt theo mẹ đi cày. Hay một ví dụ rất nổi tiếng trong văn học là câu truyện mẹ Mạnh tử chuyển nhà để dạy con. Mạnh Tử vốn là một đứa trẻ rất nhanh nhạy, đã thay đổi chóng mặt với những hoàn cảnh khác nhau, từ chợ, nghĩa địa đến trường học.

Trong nghiên cứu khoa học: Con số thống kê của nghiên cứu này (Link) đã ủng hộ cho kết luận trên: Con trai của những người làm cha khi mới ở độ tuổi thành niên, có xác suất cao gấp 1.8 lần, trong việc có con ở tuổi vị thành niên (lặp lại lịch sử của cha), so với con trai của những người cha có con khi đã trưởng thành.

Một nghiên cứu khác (Link), chỉ ra rằng những bé trai bị ADHD (tăng động giảm tập trung), có xác suất cao hơn những đứa trẻ khác, trong việc có những bà mẹ bị trầm trảm hoặc rối loạn lo âu, và những ông bố có tuổi thơ bị ADHD. Ngoài việc nối gót các ông bố, thì việc bị ADHD cũng có thể coi là một chiến lược vô thức của đứa bé để hướng người mẹ bị rối loạn tâm lý quan tâm đến mình nhiều hơn.

Một con số thống kê nữa, của Childhood Domestic Violence Assocation: Những đứa trẻ lớn lên trong tình trạng bạo hành gia đình, có nguy cơ lớn gấp 3 lần con số trung bình, về khả năng tham gia vào hành vi bạo hành gia đình khi lớn lên. (Link)

Rõ là các con số thống kê này đã quả quyết kết luận một điều: môi trường thơ ấu tác động rất nhiều đến tính cách (và có thể dự đoán phần nào tương lai) của một đứa trẻ sau này.

Không chỉ thế, có một điều đáng lưu ý với nghiên cứu thứ 2 là, những đứa trẻ mà thống kê nhắc đến, bao gồm cả nam lẫn nữ. Nghĩa là không chỉ những đứa con trai bắt chước cha nó trong việc đánh đập vợ trong tương lai, mà cả những đứa con gái cũng bắt chước mẹ nó trong việc chọn những người chồng có xu hướng bạo hành trong tương lai. Nhưng, sao lại vậy nhỉ? Theo một lẽ hiển nhiên thì, một người con gái khi chứng kiến cảnh mẹ mình bị bạo hành, thì chắc chắn sẽ căm ghét ít nhiều hành động đó, và muốn tránh tình trạng đó càng xa càng tốt trong tương lai chứ? Điều gì đã diễn ra, mà khiến rất nhiều trong số họ có kết cục tương tự?

Dường như câu trả lời nằm trong một bài viết trên tamlyhoctoipham mình đọc khá lâu, mang tên thuyết gắn bó (Link). "Thuyết gắn bó là một mảng của tâm lý học miêu tả bản chất của sự gắn bó về mặt cảm xúc giữa con người với nhau. Điều này bắt đầu khi chúng ta còn bé thơ cùng sự gắn bó với bố mẹ. Bản chất của sự gắn bó này và việc nó được ấp ủ, quan tâm như thế nào sẽ quyết định bản chất của sự gắn bó với người bạn đời của chúng ta trong cuộc sống sau này.". Có 4 chiến lược gắn bó khi trưởng thành: An toàn (trạng tháng khỏe mạnh. Họ có thể đánh giá và theo đuổi các mối quan hệ lành mạnh và từ bỏ các mối quan hệ không lành mạnh một cách dễ dàng), Lo âu (Bồn chồn và áp lực với các mối quan hệ. Họ không tin tưởng đối phương và cần một sự đảm bảo liên tục, dẫn đến việc kiểm soát quá mức và làm quá vấn đề), Né tránh (Không thích sự thân mật, và luôn cố tránh xa việc cam kết với các mối quan hệ), Lo âu - né tránh (Kết hợp cả lo âu và né tránh). Bạn có thể vào link trên để đọc chi tiết hơn.

Giả thuyết của mình là, những người con gái khi trải qua tuổi thơ với một gia đình bạo hành (có thể là chứng kiến ba mẹ bạo hành, hoặc cũng có thể chính là nạn nhân bị bạo hành), những nhu cầu về sự quan tâm và yêu thương của họ sẽ không được đáp ứng một cách đầy đủ, thậm chí còn bị bỏ bê và bạo hành nặng nề. Vì vậy, trong quá trình trưởng thành, họ sẽ hình thành một chiến lược rất tiêu cực trong các mối quan hệ, chiến lược “lo âu - né tránh”. Họ không chỉ né tránh - sợ những mối ràng buộc và cố gắng tránh xa chúng; mà còn lo âu khi đứng trước một mối quan hệ - nghi ngờ, kiểm soát quá mức, làm quá vấn đề lên. Một phần vì những ký ức quá khứ, một phần vì self-esteem (lòng tự tôn cá nhân) của họ đã bị bào mòn do không được thỏa mãn nhu cầu hồi nhỏ. Họ không đủ tự tin khi nghĩ rằng mình xứng đáng và có thể thu hút, gắn bó với đối phương. Họ luôn nghi ngờ đối tác của họ đang lừa dối mình, và làm mọi thứ để đối tác gắn bó với mình, nhắn vài chục tin nhắn mỗi ngày, hoặc theo dõi mọi nơi người đó lui tới. Và cũng bởi vì quá khứ không tốt của mình, tính xã hội, tính hòa đồng của họ cũng rất thấp, họ không muốn thật sự trong một mối liên kết với ai. Vừa cố gắng né, vừa cố gắng hút một cách không lành mạnh. Hai điều này hình thành một mối mâu thuẫn không hề nhỏ trong bản thân của họ, dẫn đến nhiều vấn đề về tâm lý và hành vi.

Điều bị kịch là, những người vốn dĩ với trạng thái tâm lý không được bình thường như họ rất khó để thu hút được những người "an toàn", khi kiểu người "an toàn" không gặp vấn đề gì trong việc đánh giá một mối quan hệ là tốt hay xấu, đáng hay không đáng. Người “an toàn” sẽ rút lui ngay, nếu thấy đối tác không thực sự muốn nghiêm túc trong một mối quan hệ, hoặc không thể có một tương lai tốt đẹp. Và thế là, một người tránh né - lo âu, theo quy luật thường chỉ có thể thu hút những người như mình. Hai cá thể mâu thuẫn trong mối quan hệ kết nối với nhau, họ càng làm vấn đề của nhau thêm càng mâu thuẫn, vòng lặp được khởi động.

Những trải nghiệm thời thơ ấu, không chỉ đơn giản tác động đứa trẻ trên bề mặt, một cách có ý thức, trong chỉ một vài ngày, một vài tháng, một vài năm, hay chỉ một vài trường hợp. Nó còn là một dấu ấn sâu ở trong tâm trí, một bản năng dẫn dắt được hình thành qua năm tháng ấu thơ, trở thành tiềm thức và vô thức, ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này. Và theo như nghiên cứu của Freud, phần tảng băng chìm này không bao giờ biến mất, nó vô hình lèo lái cuộc đời con người ta, theo nhiều cách khác nhau, từ trực tiếp đến gián tiếp. Để khi sau này đã già, nhìn lại cuộc đời, chưa chắc chúng ta đã nhận ra được. Những người “không an toàn” thường rơi vào những mối quan hệ “không an toàn”, và than thân trách phận tại sao cuộc đời mình hẩm hiu, không hề hay biết rằng lý do đến từ sâu thẳm con người họ.

Có lần mình xem được một bộ phim. Không nhớ nội dung phim ra sao, nhưng mình nhớ có một cảnh, người chồng đánh đập người vợ dã man vì một lỗi lầm gì đó. Người mẹ chồng, vốn cũng từng chịu cảnh bị chồng bạo hành, không những bảo vệ con dâu, mà còn buông thêm một câu như xát muối vào chính con tim bà: “Thứ con dâu như này. Phải đánh nó như vậy thì nó mới chịu nghe lời”. Dù chỉ là phim thôi, nhưng phim lấy ý tưởng từ đời thực mà, đúng không? Xin hỏi, đó có chính phải là những lời người ta nói với bà khi xưa không?

Một lần khác, khi dạo Youtube, mình có xem được 1 clip cắt ra từ stream của một cựu vận động viên Liên minh (bị đuổi vì hành vi bạo lực). Trong clip thì hắn bị thua game và bắt đầu chửi đồng đội, đối thủ. Và khi người xem chỉ ra lỗi sai của hắn, hắn nổi quạu lên, quay qua chửi người xem. Lúc đó, người yêu của hắn đang bấm điện điện thoại ở chiếc giường đằng sau, liền lên tiếng can ngăn. Nhưng có lẽ vì chọn sai câu từ, hoặc sai ngữ điệu, 2 người cãi nhau. Căng thẳng leo thang, đến cuối cùng tên cựu vận động viên nổi điên lên và đánh đập người yêu của mình một cách tàn bạo ngay trên stream. Tất nhiên hắn đã trả giá cho hành động của mình, bị khóa tài khoản stream, cảnh sát ghé thăm, đối mặt với những bình luận phẫn nộ trên Youtube... Tuy nhiên, có một điều làm mình rất bất ngờ. Đó là ở phần bình luận, không ít người đã thở ra vài câu đại loại như: “Đáng đời, tao mà chơi game thua, đứa nào chọc vô thì tao cũng cho ăn đập”, và đỉnh điểm là một bình luận “Mẹ tao ngày xưa cũng hay cằn nhằn không đúng lúc như vậy, và bị ông già cho ăn đập thường xuyên. Đáng đời!”. Mình tự hỏi, liệu có phải rằng ngày xưa hắn cũng từng rất thương mẹ khi chứng kiến cảnh như vậy, nhưng qua thời gian lại hành xử một cách khốn nạn như này không hay? Vì đôi khi mình ngồi nghĩ lại, mình phát hiện ra rằng, mình cũng mang rất nhiều nét tính cách mình không thích của ba mẹ, mà hồi xưa mình từng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ trở thành như vậy.



Về ảnh hưởng của tuổi thơ và gia đình lên tính cách, bạn sẽ bất ngờ với tầm ảnh hưởng của nó lên bản thân bạn. Chúng như những chiếc vòi bạch tuộc, âm thầm lặng lẽ len lỏi vào tâm trí của bạn. (Bạn có thể tham khảo thuật ngữ tính “trung thành với hệ thống” trong trường phái tâm lý trị liệu gia đình)

Nếu bạn đang trên con đường tìm hiểu bản thân (giống như mình), thì lời khuyên của mình là, trước hết hãy tìm được cội nguồn con người bạn hiện nay. Một người biết rằng hắn nóng tính, nhưng tại sao hắn lại nóng tính? Cái tính nóng này đến từ đâu? Quan sát chính mình, đặt câu hỏi và liên kết với những trải nghiệm quá khứ. Để hiểu mình hơn, từ đó thông cảm và chấp nhận bản thân của mình trong hiện tại. Trước khi nói đến các vấn đề như là tự chủ và thay đổi trong tương lai.

Cũng chủ đề trưởng thành từ một gia đình bạo hành, nhưng có một câu chuyện mình đọc được trên mạng, đã diễn biến theo một chiều hướng rất khác. Người kể chuyện là một người mẹ có 2 con. Cô từng chứng kiến cảnh mẹ mình bị bạo hành bởi một con "quái vật" từ thuở nhỏ. Sự việc này, hàng chục năm sau vẫn ám ảnh cô. Mỗi khi nhắm mắt, cô vẫn nhìn thấy rõ con dao mà mình luôn thủ sẵn dưới gối, để có thể bảo vệ mẹ và em trai nếu con quái vật kia lên cơn.

Dù sau đó, mọi chuyện đã kết thúc bằng việc ba mẹ li hôn, cô và đứa em theo mẹ chuyển đi xa. Nhưng một điều gì đó đã hằn sâu trong cô, khiến cô lúc nào cũng lo lắng, sợ sệt, dễ làm quá vấn đề và đề phòng mọi người. Có thể gọi là rơi vào tình trạng “Lo âu - tránh né” trong các mối quan hệ. Điều này ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân đầu tiên của cô khi vừa mới tốt nghiệp cấp 3. Thậm chí bây giờ, khi có một gia đình hạnh phúc với 2 đứa con, cơn ám ảnh vẫn đeo bám cô. Cô phải thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng mình hiện đang an toàn, có một người chồng và 2 đứa con luôn yêu thương mình. Nhưng dù sao, mọi chuyện vẫn đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, và vết thương trong lòng cô có vẻ đang được chữa lành. Một câu truyện kết thúc có hậu.

Và khi tìm hiểu về chủ đề tương tự, mình cũng đọc được khá nhiều mẩu chuyện rằng việc chứng kiến cảnh bạo hành gia đình lúc nhỏ, đã làm các cô gái khi trưởng thành tránh né con trai, sống một cuộc đời độc thân, tự chủ.

Đến đây, ta có thể thấy 3 xu hướng hiện ra rõ ràng: 1 - Bị cuốn vào vòng lặp trước đó, 2 - Chống đối, tránh né vấn đề, 3 - Dù bị ám ảnh, nhưng vẫn xoay xở để vượt qua.

Một đứa con sống trong một gia đình quá nghiêm khắc, sau này sẽ trở nên sợ sai lầm, hoặc gia trưởng, cũng có thể rất công bằng. Một đứa trẻ từng bị bắt nạt có thể trở nên mặc cảm, hoặc trở thành một kẻ bắt nạt tương tự, cũng có thể bao dung, luôn giúp đỡ kẻ yếu. Có thể đây là lý do vì sao câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” ra đời.

“Trời sinh tính” - trời ở đây đơn giản ám chỉ việc không ai có thể kiểm soát được việc đứa trẻ đáp lại như thế nào với tác động môi trường, với cách nuôi dưỡng của cha mẹ và gia đình. (Ngay cả những trường hợp như Đức Quốc Xã và Đông Đức thời xưa, họ thật sự nghiêm túc trong việc "sản xuất" những đứa trẻ thượng đẳng, nhưng cũng phải bó tay). Việc đáp lại với môi trường như thế nào, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như, 2 đứa con cùng được nuôi bởi một ông bố nghiêm khắc. Nhưng một đứa con vì là con cả, với trách nhiệm chăm sóc và làm gương cho đứa em sẽ trở nên nghe lời và bắt chước người cha. Trong khi đứa con út sẽ trở nên nổi loạn, và chống đối (để gắn kết gia đình một cách vô thức - tham khảo thêm trường phái tâm lý học Hệ thống).

Trong 3 xu hướng, thì Bắt chước (xu hướng 1) hoặc Chống đối (xu hướng 2), là 2 chiến lược thường thấy của một đứa trẻ khi đáp ứng với những tác động từ bên ngoài. Tất nhiên còn xu hướng thứ 3 nữa - vượt qua vấn đề - về lý trí, khi đối mặt với những hoàn cảnh xấu, mới là lựa chọn tốt nhất. Nhưng thường đối với một đứa trẻ, kinh nghiệm và tri thức của nó thường không đủ cứng để có thể chọn cách này. Một đứa trẻ sẽ có xu hướng coi ba mẹ là những vị thánh, là chân lý. Bọn chúng chỉ có 2 lựa chọn, là tuân theo, hoặc chống đối. (Nhưng bạn biết đấy, tuy cách đối phó có thể khác nhau, nhưng tận bên trong, họ đều chịu cùng một tổn thương tâm lý khó xóa nhòa)

Nhìn chung thì, cái triết lý của ông Mác cũng khá chuẩn trong trường hợp này: Suy cho cùng, nếu hồi nhỏ không phải đối mặt với bạo hành gia đình, thì đâu phải chật vật chọn lựa giữa 3 phương án trên, cuộc đời có thể sẽ rẽ theo một hướng rất khác rồi.

Môi trường thời thơ ấu mang ý nghĩa quyết định trong việc hình thành tính cách của con người. Nhưng con người vẫn có một số quyền chọn lựa trong tay mình - bắt chước, chống đối hay vượt qua. Sức mạnh tâm lý của một người càng mạnh, thì người đó càng tự chủ được bản thân, và càng dễ để vượt qua vấn đề.

**Một bài tâm sự**


Dưới đây là câu chuyện của Hayley Webste mình đọc được gần đây (Link), mình thấy hay và liên quan tới chủ đề mình viết, nên dịch lại cho mọi người cùng đọc. Hãy cùng xem những trải nghiệm nhỏ nhặt thời thơ ấu, tích tụ có thể dẫn dắt hình thành tính cách con người đi xa tới đâu trong tương lai:

Sự nhút nhát không phải tự nhiên mà có. Đó là cả một quá trình để cảm xúc tích tụ và hình thành.

Không phải lúc nào tôi cũng nhút nhát. Một kỷ niệm hiếm hoi về sự tự tin của tôi: Một buổi hòa nhạc, ba mẹ đang biểu diễn trên sân khấu. Dưới hàng ghế khán giả, tôi đang chập chững bước đi. Tôi trèo lên sân khấu khi bản nhạc kết thúc, vỗ vai người nhạc trưởng và nói: "Đến lượt cháu chưa?". Tôi bắt đầu hát bài Doremi trong phim "The Sound of Music", trước mặt những khán giả đã trả tiền để ngồi đây. Một tràng vỗ tay không ngớt nổi lên. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt của mọi người nhìn tôi và nói "Ah! Thật dễ thương". Ba tôi đã kể mãi câu chuyện này.
Sự nhút nhát không phải tự nhiên mà có. Đó là cả một quá trình để cảm xúc tích tụ và hình thành. Đó là cảm giác tôi phải tỏ ra tốt hơn con người vốn có của mình, và bất cứ khi nào tôi không thể làm vậy, sự nhút nhát sẽ ập đến. Sức nóng đốt cháy sống lưng của tôi, tim tôi đập nhanh, mặt tôi chuyển sang màu đỏ. Nó bóp nghẹt cổ họng tôi. Đó là sự nhút nhát trong tôi. Cái cảm giác đủ mạnh để làm bầu trời vỡ vụn và sụp đổ bên trong tôi, chỉ bằng việc sống với con người thật của tôi.

Một ký ức khác: Ba mẹ chưa bao giờ dạy tôi những từ như là "đít, ỉa, đái". Thay vào đó là "phần dưới, vận động, đi bài tiết". Khi mà tôi mới bắt đầu đi học, tôi chưa bao giờ biết đến những từ trên. Ba mẹ tôi muốn nuôi dạy một đứa con không bao giờ biết đến những từ "thô tục" này ư...? Tôi thực sự không biết, giờ họ đã mất, nên tôi cũng không thể hỏi. Họ đặt tên tôi theo diễn viên Hayley Mills. Và tôi luôn cảm thấy việc này thật ý nghĩa.

Dù sao thì, lúc đó tôi cũng đã giơ tay lên và nói: "Thưa cô, con muốn đi bài tiết". Có lẽ thời gian đã làm khuôn mặt của những đứa trẻ 5 tuổi cười nhạo tôi lúc ấy trở nên ngây thơ và vô tư hơn. Nhưng, tôi vẫn nhớ cái cảm giác mọi người đang cười nhạo tôi. Họ cười một điều gì đó về con người tôi. Điều tồi tệ là tôi không biết họ đang cười cái gì, và khi tôi không biết họ cười cái gì, thì làm sao tôi có thể sửa chữa điều đó?

Đó là cái cảm giác nhút nhát tôi cảm nhận được. Một sự thay đổi trong con người tôi, từ tự hào, tin tưởng bản thân, đến một thứ gì đó rất khác. Xấu hổ. Sự xấu hổ trú ngụ một cách hạnh phúc trong con người tôi, như cái cách bạn cảm thấy khi lần đầu bạn thấy mình trong một bức ảnh, và trông bạn không giống như những gì bạn nghĩ. Lúc đó, bạn có 2 sự lựa chọn: Hạnh phúc với con người trong bức hình đó, hoặc thay đổi.

(Ngày nay, tôi vẫn luôn cảm thấy buồn khi một ai đó nhạo báng những tấm hình thời xưa của họ, như thể người trong bức hình đó là một con người khác không phải chính họ. Tôi chỉ muốn nói rằng, hãy tử tế với con người trong hình. Con người đó chính là bản thân bạn.)

Ở tuổi lên 7, tôi đã bị lạm dụng bởi một người nào đó. Câu chuyện bắt đầu bằng việc chơi một trò chơi, một trò chơi mà tôi nghĩ rằng mình đã thắng. Ba tôi đã dạy tôi cách để thắng trò này mà. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác "Mình đang thắng!", và đột nhiên mọi thứ thay đổi, tôi nhận ra mình đã bị lừa, và rơi vào một thứ gì đó mà tôi không thể hiểu. Ba mẹ tôi, vì một vài lý do tôi chắc rằng đủ hợp lý với họ trong thời điểm đó, đã không giải quyết vấn đề một cách đầy đủ. Họ cắt mái tóc dài của tôi. Tôi bị bắt mặc quần tây và áo len. Tôi được nói rằng đừng bao giờ kể cho ai chuyện đó. Tôi trở nên vô hình, tự chịu trách nhiệm cho mọi thứ đã diễn ra, và phải im lặng. Tôi không nghĩ rằng sẽ là cường điệu nếu nói, từ sau sự việc ấy, phần lớn con người tôi được giấu kín bên trong. Đừng để ý. Đừng đòi hỏi. Đừng phiền phức. Đừng làm chúng tôi xấu hổ. (Tác giả viết đoạn này một cách không rõ ràng như thế này, nên mình cũng không dám chắc ý của cô là như thế nào)

Che dấu điều gì cho người lớn, khi bạn còn là một đứa trẻ, cho dù đó là tật nghiện rượu, bỏ bê, trầm cảm, lạm dụng, hay bất cứ điều gì họ dạy bạn phải che dấu cho họ, đều có những tác động lên cảm giác tồn tại của bản thân bạn trong Thế Giới này. Bạn không được thanh thản. Bạn tạo ra những lớp phòng thủ vững chắc, nơi bạn sàng lọc mọi thứ và đưa chúng ra Thế Giới bên ngoài. Bạn đến trường và khoe: "Hãy nhìn những gì ba đã làm cho tôi!", hay viết thêm một dòng trong bức thư tay của mẹ gửi bạn rằng, bà yêu bạn rất nhiều. Bạn tạo ra một Thế Giới bạn mong đợi, và che dấu những sự thật bên trong nó. Bạn nghĩ rằng nếu ai đó biết điều này, cả bầu trời sẽ vỡ vụn và sụp đổ. "Đừng nhút nhát nữa!", mọi người đều nói vậy, như thể nó đơn giản lắm.

Tôi không nhút nhát trong tất cả các trường hợp. Tôi từng trò truyện lớn tiếng trong giờ học. Tôi nói đùa. Tôi có bạn bè, những người tưởng chừng như hiểu được tôi. Nhưng, tôi vẫn giữ phần lớn bản thân của mình giấu kín bên trong. Đó là một việc khó khăn, mọi việc giấu giếm đó. Thật sự thì tôi cũng muốn nói với bản thân mình rằng "Đừng nhút nhát như vậy nữa", nhưng với mọi chuyện đã qua, sự nhút nhát là điều phải xảy đến, nó đã tạo thành hình, và cứ tiếp tục duy trì như vậy, theo từng bước một.

Trong quãng thời gian tuổi teen của mình, những nỗ lực để không nhút nhát trở nên kỳ lạ và xa lạ với tôi hơn, với những hành vi tự tin quá đáng. Và thế là, tôi bùng nổ, ở tuổi 17, dựa lưng vào cái ghế tựa trong phòng bác sĩ phẫu thuật, người trông như một đại biểu Quốc hội 57 tuổi bước ra từ một bộ phim tài liệu nào đó: "Tránh thai!" (Ý là giải phẫu để tránh thụ thai, và quan hệ vô tội vạ)

Tôi đã tìm ra được bí mật. Tôi có thể dừng sự nhút nhát của mình, bằng cách trở thành người khác - bằng cách trở nên hoàn hảo! Chuyện gì có thể xảy ra cơ chứ?

Tôi ăn kiêng, theo cái cách mà tôi nghĩ (cũng như mọi người cũng thường nói), để trở nên hoàn hảo. Tôi gập bụng 250 cái vào buổi sáng, và 300 cái vào buổi tối. Tôi chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Tôi phát hiện rằng tôi có thể dừng cái sự nhút nhát của mình bằng việc "biến mất", tất nhiên lúc đó tôi không nghĩ như vậy, tôi nghĩ rằng mình đang đóng một vai gọi là “Phiên bản tốt nhất của mình”. Tôi đã được cổ vũ cho điều này. Lũ con trai bắt đầu muốn đi chơi với tôi. Con người thật của tôi, cho dù nó là gì đi chăng nữa, đã biến mất, lẩn trốn đâu đó trong lý trí của tôi, và cố gắng không bị ai phát hiện. Kể cả bởi chính bản thân của tôi.

Dạy học cho đám thanh thiếu niên là bước ngoặt của tôi. Tôi đã trì hoãn việc ứng tuyển trong nhiều năm, và đến tuổi 29, cuối cùng tôi cũng bắt đầu. Tôi không muốn sự nhút nhát níu chân tôi lâu hơn nữa. Họ quay phim những lớp học đầu tiên tôi giảng. Ở đó tôi đang đứng, một giáo viên thực tập, đầy thiện chí, giọng nói nhẹ nhàng. Tôi thấy bản thân mình khúm núm, tôi nhìn mình như nhìn một người nào đó khác lạ. Nhưng có một sự thật không thể chối bỏ. Đó chính là tôi. Tôi thu nhỏ con người mình lại, để không làm choán chỗ ai. Tôi không muốn mình quá ồn ào, hoặc quá nhiều, hoặc quá bất cứ thứ gì. Nhưng, đó không phải là cách một người giáo viên tốt sẽ làm. Tôi phải học được cách trở nên tự tin, cho dù chỉ là thể hiện như vậy, nhưng nếu muốn đám trẻ học được gì từ tôi, tôi phải thể hiện con người của mình. Bọn trẻ sẽ chẳng học được gì nếu tôi cứ đứng đó, lo lắng rằng mình sẽ bị cười nhạo. Thỉnh thoảng bọn trẻ cũng cười tôi. Thỉnh thoảng tôi tự pha trò cười. Và thật kỳ diệu, bầu trời trên kia vẫn nguyên vẹn.

Giờ đây tôi đã tốt hơn trong việc giao tiếp người với người. Tôi nhận thấy điều đó. Tôi tự hỏi rằng, không biết bao nhiêu trong số những người tôi quen biết trong suốt cuộc đời, từ đời sống đến công việc, nghĩ tôi là một kẻ kiêu gạo, thô lỗ hoặc không đáng tin cậy, vì tôi đã luôn bị đóng băng bởi nỗi sợ và sự nhút nhát. Bao nhiêu lần ngón tay tôi ngập ngừng trên một nút bấm, không đủ cam đảm để thực hiện một cuộc gọi? Đến giờ, tôi vẫn thấy khó khăn trong việc gọi điện thoại, nhưng tôi đã bắt bản thân mình làm được. Nếu không tôi sẽ mất mát và hối tiếc - một tác dụng phụ của sự nhút nhát, mà tôi mới vừa nhận ra gần đây. Mọi chuyện đang thay đổi.

Mùa hè này, tôi đã đứng trên sân khấu với bạn mình, nhà văn Louise Voss, cùng hát một bài hát đồng quê tại sự kiện "Crime at the Coo - Bloody Scotland". Không thành vấn đề rằng tôi đã hát dở ra sao. Không thành vấn đề rằng mọi người cười tôi. Không thành vấn đề rằng cơ thể tôi giờ đây như thế nào, duy nhất một điều tôi quan tâm, đó là đừng để bụng đói. Tôi thích điều đó. Tôi yêu chính mình. Tôi không cần trở nên hoàn hảo. Không có điều gì là quá quan trọng. Với tôi, sự nhút nhát là một quãng thời gian trong cuộc đời, khi mà tôi không đủ thành thật với bản thân mình, khi tôi không sống một cuộc sống trọn vẹn, như cái cách mà tôi được dạy về việc thừa nhận khuyết điểm của mình là yếu đuối, nguy hiểm, là điều tồi tệ nhất.

Học được cách yêu thương cơ thể tôi, chứ không phải đày đọa nó, để thoát khỏi chứng sợ béo phì của tôi, là một bước lớn giúp tôi hết nhút nhát. Ngừng chỉ trích cơ thể tôi trước mắt con gái, cũng rất hiệu quả. Tại sao chúng ta lại tự chỉ trích mình nhiều như vậy nhỉ? Thật sự không cần. Một sự lãng phí lớn trong cuộc sống.

Ngừng nhút nhát nghĩa là tôi không cần phải xin lỗi về ngoại hình của mình, giọng nói của mình, cách mà mọi người nhìn nhận tôi. Tôi có thể chỉ cần... như vậy thôi. Tôi cũng sẽ để mọi người như chính họ. Tôi tin rằng đó là tình yêu: cho phép ai đó sống trong không gian của họ, toàn bộ và trọn vẹn, không hổ thẹn. Chúng ta sẽ không phạt những người mà chúng ta yêu quý. Khi tôi hiểu ra điều đó, thật sự thấm thía, sự nhút nhát biến mất /.

Tác giả sinh ra là một cô bé tự tin, lạc quan và yêu đời, trong một gia đình thành đạt và gia giáo (mình đoán như vậy từ câu chuyện). Nhưng một vài sự kiện đã ập đến, làm cô thay đổi. Khi bị cười nhạo mà không biết lý do, khi được ba mẹ bảo không được sống như chính mình, phải che dấu những sự thật bên trong. Cô không biết mình đã sai chỗ nào. Cô những tưởng những điều mình làm là đúng, nhưng sao những người ngoài kia lại nói đó là sai? Cô nghi ngờ chính bản thân mình, cái bản thân mà cô đã từng rất tự hào và tỏa sáng với nó. Cô nghĩ mình là chính vấn đề. Dần dần cô sợ phơi bày con người thật của mình ra, và trở nên nhút nhát.

Rất may là cuối cùng, cô đã thoát ra khỏi cái vỏ bọc đã giam cầm mình, cái màn sương đã làm lệch lạc suy nghĩ của cô. Tuy ở một tuổi không quá trẻ, nhưng cuộc đời cô đã thay đổi. Cô tin vào con người mình, yêu quý bản thân mình, yêu quý cả những khuyết điểm của mình, cô sẵn sàng để đối mặt với Thế Giới và thế hiện mình.

**Đi tìm lời giải đáp**


Bạn còn nhớ câu kết luận mà mình đã bôi đậm, căn giữa ở phần trên không?

Môi trường thời thơ ấu mang ý nghĩa quyết định trong việc hình thành tính cách của con người. Nhưng con người vẫn có một số quyền chọn lựa trong tay mình - bắt chước, chống đối hay vượt qua. Sức mạnh tâm lý của một người càng mạnh, thì người đó càng tự chủ được bản thân, và càng dễ để vượt qua vấn đề.

Sức mạnh tâm lý ở đây là gì? Tác giả bài tâm sự trên phải mất đến 30 năm để giành lại quyền quyết định, cho một vấn đề tưởng như hiển nhiên nằm trong tay cô ấy - tính cách của chính mình. Có những người thì mất cả một cuộc đời cũng không thể nhận thức và tự quyết định được tính cách của mình. Nhưng có những người thì họ dễ dàng vượt qua được những vấn đề, vấp ngã trong cuộc sống, với một thái độ tích cực. Mấu chốt ở đây là gì?

Theo mình, mấu chốt ở đây nằm ở self-love. Self-love (Self-compassion) - sự yêu thương/vị tha chính mình là thuật ngữ dùng để chỉ sự nhận thức, chấp nhận và yêu thương chính con người mình. Nó là cơ sở để tạo nên sức mạnh trong tâm lý, và sức mạnh trong tâm lý là chìa khóa để giải phóng con người (bên cạnh một yếu tố mà mình đánh giá rất cao khác - là tri thức), để họ tự tay mở con đường cho chính mình.

Trong bài nghiên cứu "Self-Compassion, Wellbeing and Happiness" (tạm dịch: "Sự yêu thương bản thân, Sự tốt lành và Sự hạnh phúc"), Kristin D. Neff và Andrew P. Costigan đã chỉ ra self-love là thành tố quan trọng để tạo dựng nên sự hạnh phúc và mạnh khỏe trong tâm lý cá nhân lẫn liên cá nhân. Một người với self-love cao sẽ giảm bớt những trạng thái tiêu cực trong tâm lý như trầm cảm, lo âu và căng thẳng, giảm bớt các tư tưởng tiêu cực như ám ảnh, cầu toàn và sợ thất bại... (Link)

Trong bài nghiên cứu, self-love được cấu thành từ 3 nhân tố chính: Self-kindness (Tử tế với bản thân), Common humanity (Ai cũng giống ai - đang không biết cái này dịch sao, thì search google thấy bebright.vn dịch như này hay quá nên lấy luôn) và Mindfulness (Sự nhận thức đầy đủ - thực ra tiếng Việt nó thường được dịch ra là Chánh niệm, nhưng mà mình không thích từ này lắm, nghe có vẻ tôn giáo thái quá).
- Self-kindness nói về cách đối xử dịu dàng, mang tính xây dựng và thấu hiểu bên trong chính mình. Nó là việc chấp nhận bản thân một cách ấm áp và vô điều kiện. Nó ngược lại với việc tự chỉ trích khắc nghiệt và tự phán xét thân.
- Common humanity nói về việc thấu hiểu rằng, loài người nói chung đều giống nhau, đều mắc lỗi và đều thất bại. Con người là những thực thể không hoàn hảo, nhưng không vì thế mà khiến chúng ta không đáng được yêu thương và bị cô lập.
- Mindfulness là sự tự nhận thức mọi suy nghĩ và cảm giác của bản thân. Nó nói về sự nhìn sâu vào nỗi đau và những góc tối trong con người chúng ta, chấp nhận chúng như một phần của mình, bên cạnh những cảm giác hạnh phúc và cao thượng.
Yêu thương bản thân là:

Có thể bạn không xinh đẹp, không tài giỏi, cũng không quá vui vẻ, không có điểm gì trên mức trung bình, nhưng bạn không việc gì phải buồn về chuyện đó. Bạn hoàn toàn có thể hạnh phúc với những thành tựu nhỏ nhoi của mình, mỉm cười trước những điều bình thường mình làm.

Bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm bất cứ điều gì về bản thân vì một ai khác, trừ khi bạn thật sự muốn. Bạn tin rằng mình sẽ tìm được những người thật sự quý bạn như chính con người thật của bạn, và người đầu tiên làm điều đó chắc chắn là bạn.

Bạn sẽ phải chấp nhận mình cũng có những mặt tiêu cực, và cả những mặt tối không muốn cho ai biết. Không sao, ai mà chẳng vậy? Bạn sẽ phải chấp nhận mình béo phì, mình nóng nảy, mình thích cạnh tranh. Nhưng mọi chuyện sẽ vẫn ổn nếu bạn vẫn là một người tốt. Bạn hoàn toàn có quyền yêu hay ghét một điều gì đó. Và bạn cũng nên thể hiện điều đó ra cho Thế Giới biết.

Điều này không có nghĩa là bạn sẽ biện minh cho những khuyết điểm và buông thả bản thân. Chấp nhận và yêu quý bản thân là bạn sẽ hạnh phúc với những gì mình hiện có, và sẽ cố gắng hoàn thiện mình một cách tích cực, vì chính bạn muốn làm điều đó.

Càng yêu thương bản thân, bạn càng có một tâm lý vững chắc, bạn có thể nhìn nhận và đối mặt với những khuyết điểm của mình. Dám yêu thương, dám thể hiện quan điểm, dám ghét và dám buông bỏ.

Nghe có vẻ giống nói suông, nhưng sự thật là không phải ai cũng dám làm những điều trên. Bao nhiêu người dám nói rằng mình thích một ai đó? Bao nhiêu người dám thừa nhận lỗi lầm của mình, nếu có thể đổ lỗi cho một thứ gì đó khách quan hơn? Bao nhiêu người dám nói rằng mình không thích một ai đó? Bao nhiêu người dám đứng trước một đám đông để thể hiện quan điểm của mình? Bao nhiêu người dám từ bỏ công việc hiện tại không như ý muốn của mình? Bao nhiêu người dám nói rằng cô/sếp/khách hàng sai bét nhè? Bao nhiêu người dám nói ra tham vọng của mình? Bao nhiều người dám làm những điều mình thật sự thích? Bao nhiêu người dám nói rằng tao không những bê đê, khổ dâm mà còn cảm thấy hứng thú với những bé trai? Xin lỗi cái này quá rồi (tất nhiên nói ra điều này là siêu dũng cảm và là bước đầu của việc thay đổi, tuy nhiên chỉ nên nói ra với ai thật sự tin tưởng và hãy kiềm chế chính mình ^^). Tóm lại, bao nhiêu người dám sống một cách trọn vẹn?

Những người yêu thương chính mình trọn vẹn là những người mạnh mẽ nhất.

Với sức mạnh ấy, bạn đã có quyền quyết định con đường đi của chính mình.

Ở phía trên, mình có nhắc tới một thuật ngữ khác cũng gần giống self-love, đó là self-esteem (Lòng tự tôn bản thân). Hai khái niệm tuy có một vài sự tương đồng, nhưng cần thiết để phân biệt rằng chúng là khác nhau. Trong khi self-esteem nói đến sự tự hào của bạn về bản thân mình, về khả năng, về trình độ học vấn, về ngoại hình của bạn hay bất cứ thứ gì làm bạn cảm thấy bạn có giá trị. Thì self-love nói về sự chấp nhận và yêu quý con người mình. Đôi khi hai thuật ngữ này làm chúng ta bối rối, để hiểu rõ hơn về self-love hãy làm một vài so sánh nhỏ nào.

Theo nghiên cứu "Self-Compassion, Self-Esteem, and Well-Being" của Kristin D. Neff thì, Self-esteem và Self-love có một số điểm chung như đối xử tốt với bản thân, cảm thấy mình là một phần của những thứ lớn hơn, kết nối với Thế Giới, cảm thấy có giá trị, an toàn, được chấp nhận và đảm bảo. Về bản chất thì Self-esteem được hình thành từ những điều mà bạn nổi bật, đặc biệt và vượt trội hơn mức trung bình. Nhưng Self-love thì không cần thiết phải vậy. (Link)

Self-esteem thật sự là có liên quan tới tình trạng tâm lý khỏe mạnh của con người, nhưng việc theo đuổi một self-esteem cao có thể dẫn tới một vài vấn đề. Như: hay tự so sánh bản thân, hay tự phán xét bản thân, phòng thủ cái tôi, và có thể dẫn tới một hiện tượng tiêu cực khác là hạ người khác xuống để nâng mình lên. Self-love với định nghĩa như mục trên, thì sẽ không có những tác dụng tiêu cực như vậy.

Một hệ quả dễ thấy là, một người có thể có self-esteem cao nhưng chưa chắc có self-love cao. Nhưng ngược lại một người có self-love chắc hẳn phải có phải có self-esteem cao. (Đã được kiểm nghiệm bằng định lượng trong bài nghiên cứu). Dù rằng với một self-esteem cao, bạn có thể đã có một cuộc sống tương đối thành công và khỏe mạnh về mặt tâm lý. Nhưng nếu không có một self-love cao, bạn sẽ không thể đối diện với một số vấn đề sâu hơn nữa trong chính con người mình.

Và đó cũng là lý do mình chọn self-love là chìa khóa để giải quyết vấn đề, là yếu tố quyết định sức mạnh tâm lý của bạn, chứ không phải self-esteem.

Một người đầy năng lực, với self-esteem cao ngất ngưởng, cũng có thể cảm thấy trống trải, không đầy đủ, và đôi khi có thể tự đày đọa mình để lấp đầy cái sự thiếu hụt đó. Bạn có quen ai như vậy không? Mình thì biết một người, đó chính là mình.

**Mình**


Sự ăn sâu của những trải nghiệm tuổi thơ vào tính cách một người diễn ra một cách vô thức, mà đa phần trong chúng ta còn chẳng hề nhận ra. Vào một ngày đẹp trời, khi ngẫm nghĩ về cuộc đời, mình bất ngờ rằng mình đang mang một số tính cách mà mình từng ghét cay ghét đắng của ba mẹ.

Mẹ mình có thể là do sống trong thời kỳ "phong kiến" và nghèo đói của miền Bắc thời xưa. Trưởng thành trong cơ cực, khổ nhục và đè nén, nên bên cạnh những tính tốt như chịu khó, tốt bụng và ý chí, mẹ mang trong mình một số nét tính cách khá độc hại. Những tính cách đó mình không hề thích tý nào, có thể ví dụ như: gia trưởng, tâm lý nạn nhân và đặc biệt là rất hay chửi mắng con cái.

Quá khứ của mình là sáng nào cũng như sáng nào, phải nghe chửi trước khi đi học. Mẹ cũng không bao giờ nhận sai, và khi đã tức lên là chửi bới, đánh đập cho hả dạ thì thôi. Mình thì cũng cứng đầu, mình chọn cách phản ứng là chống đối, cãi lý đến cùng, mình cũng bắt bẻ từng chữ chứ chả đùa.

Và với tính cách của mẹ, cách phản ứng của mình chỉ làm cho sự việc leo thang. Cuối cùng kết quả là mình phải chịu những lời mạt sát, như thể muốn đẩy mình vào cái cảm giác bị tổn thương và trở thành người tồi tệ nhất.

Vào những lúc đó, câu mà mẹ hay nói nhất là bày tỏ sự thất vọng, cũng như phủ nhận mọi cố gắng của mình, một biểu hiện của tâm lý nạn nhân: "Mày chưa làm gì giúp mẹ hết", "Mày chưa bao giờ làm tao tự hào hết", “Vất vả nuôi ăn học bao năm, chưa đền đáp được gì” v.v... Và khi suốt ngày được gắn mác là mất dạy, bạn biết không, thì đôi khi con người ta nghĩ rằng mình xấu xa thật.

Mình biết, khi làm vậy thì mẹ mình cũng bị tổn thương theo chiều ngược lại. Giờ nhớ lại, mình cũng từng cố tình để kích hoạt cái sự hối hận và tổn thương trong mẹ, bằng việc giả bộ bị đau thật, hay nhịn đói không chịu ăn. Đúng là con nít quỷ mà. Mà bạn thấy không, đó là một biểu hiện của tâm lý nạn nhân đấy. Giờ ngồi phân tích lại mới thấy rõ, chứ lúc đó mình còn nghĩ vậy là chiến lược hay.

Không phải mẹ mình xấu xa gì, nếu bạn từng đọc truyện Nam Cao, bạn có thể tưởng tượng mẹ mình rất giống những nhân vật trong đó. Vì cái sự khốn nạn và những “cái chân đau” trong cuộc đời của mẹ, đã tạo ra những chấn thương tâm lý như thế. Nếu chọn một truyện để giải thích hoàn cảnh, thì có lẽ mình sẽ chọn truyện "Bài học quét nhà".

Tuy nhà mình lúc đó có thể nói là đã ổn định và khá giả, nhưng những vết thương tâm lý không phải vì thế mà tự nhiên biến mất. Nếu không nhận thức và đối mặt với những vết thương, nó chỉ dịu đi và sẽ sẵn sàng quay trở lại khi đối mặt với những tình huống thử thách - những lúc mà mình chống đối mẹ.

Một kỷ niệm khác nữa. Mình nhớ rằng hồi nhỏ mình thích ăn đồ nguội, nên toàn để cơm nguội rồi mới ăn. Mẹ thấy vậy, liền nói rằng: "Ngu thế, ăn cơm nóng mới ngon chứ". Có vẻ sự việc rất bình thường phải không. Mình cũng chứng kiến những sự việc tương tự như vậy trong rất nhiều gia đình khác: "Phải làm cái này", "Cái kia mới đúng" ...

Nhưng, thật sự lúc đó mình đã suy nghĩ rằng, mình không thấy cơm nóng ngon tý nào, nhưng sao mẹ nói vậy, chẳng nhẽ cảm giác của mình sai sao? Cùng với những sự việc khác, dần dần mình cũng nghi ngờ vào cảm giác và quan điểm của mình. Đến nỗi một thời gian sau, mình luôn trả lời "không biết" khi ai đó hỏi quan điểm của mình. Mình không còn thật sự tự tin vào quan điểm của mình nữa, đó là con người bên trong của mình.

Nhưng có lẽ những người tiếp xúc với mình từ xưa đến này chỉ thấy rằng mình là đứa ngang bướng, và có quan điểm khác thường. Nói sao nhỉ, chắc đó là một cơ chế phòng vệ - mình bắt đầu thể hiện những suy nghĩ khác mọi người - nhưng lại giấu kín những cảm nhận thật của mình - vì mình có khả năng lập luận bằng suy nghĩ tốt, nhưng lại có một cảm xúc dễ bị tổn thương. Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng ra một thằng nhóc nói vanh vách về sự tương tác giữa các hạt nguyên tử khi giải thích về sự giãn nở vì nhiệt năm lớp 8, nhưng lại không có chính kiến khi được hỏi thích ăn gì. Không phải là nó không quan tâm, mà có lẽ nó không dám nghĩ đến, vì nó sợ khi nó cảm xúc về một món nào đó, khi một ai đó chê bai thì nó sẽ bị tổn thương đến mức không thể đưa ra lời nào để bảo vệ món mình thích.

Một ví dụ nữa để cho thấy sự mâu thuẫn trong tâm trí mình. Ngày xưa mình nhát đến nỗi mẹ nhờ đi mua đồ ở tạp hóa cũng ngại và không dám đi. Nghe rất là kỳ cục, nhưng mình từng như vậy đấy. Mình cảm thấy ngại và yếu thế như thế nào ấy. Cho đến một ngày, mình tự nhủ bản thân mình (suy nghĩ): đi mua đồ người ta là người ta cần mình, mình làm điều tốt cho người khác, chứ mình có phải đi xin xỏ gì đâu thì việc gì mình phải sợ. Từ đó, mình mạnh dạn hơn trong việc đi mua đồ ^^

Self-esteem của mình đã bị bào mòn một cách đáng kể từ những lời mạt sát, phủ nhập và áp đặt gia trưởng (mà lần nào mình cũng chống đối lại, và thật ra mình "thắng" khá nhiều lần, nhưng vì không ai công nhận, nên mình cũng tự hoài nghi về những quyết định của mình). Dù rằng self-esteem của mình cũng được bồi đắp một cách khá đáng kể qua những thành tích học tập. Nhưng bạn biết đấy, giống như việc "cảm nhận""suy nghĩ" của mình, 2 phạm trù này là 2 phạm trù song song. Chúng không gặp nhau.

Dù rằng mình rất tự tin vào năng lực, đặc biệt là năng lực tư duy của mình. Nhưng mình cũng rất tự ti về khả năng "làm người" của mình, liệu mình sau này có làm nên trò trống gì không, liệu mình có thể biến những năng lực trên của mình thành một điều gì có ích không, trong khi mình tràn ngập điểm yếu như vậy, liệu mình có xứng đáng và thật sự cam kết với những điều tốt đẹp không... Có thể coi là self-esteem về vấn đề học tập của mình khá cao, nhưng self-esteem về vấn đề đời sống bình thường lại khá thấp.

Có một khoảng trống ở giữa. Và mình luôn luôn cố gắng lấy thành tựu ở khía cạnh học tập để bù đắp cho khía cạnh cuộc sống. Nhưng vì chúng không bao giờ gặp nhau, nên mình không bao giờ thấy đủ cả. Self-love của mình một mặt nào đó không được tốt lắm. Mình cảm thấy tồi tệ nhiều lúc, mình luôn căng thẳng và đày đọa mình hết mức để cố gắng đạt được điều gì đó, để bù đắp cho một điều gì khác.

Mình có một số năng lực, nhưng mình chưa thật sự biến chúng thành "quả chín". Mình nghĩ, mình vẫn cảm thấy còn thiếu cái gì đó, mình chưa muốn cam kết, mình muốn phát triển nhiều hơn nữa, mình vẫn thấy có những cái khác hứa hẹn hơn. Mình từ bỏ và bắt đầu, rồi lại từ bỏ để lại bắt đầu. Mình thấy mình phải tiếp tục đọc, học thêm để bù đắp lỗ trống, và hi vọng một ngày nào đó có thể có cảm giác “đủ”, để làm một thứ gì đó nghiêm túc và cam kết. Việc này đày đọa mình không ít, từ cái cảm giác lo âu, bất lực, tới việc khát khao kiến thức tới ám ảnh...

Sao lại vậy nhỉ, mình hoàn toàn có thể tự hào với những thứ mình hiện có. Bởi vì vốn những thứ mình đã làm được có thể gọi là rất thành công rồi - Một người bạn đã bảo mình như vậy? Sao nhỉ? Mình không cảm thấy vậy. Mình vẫn hằng nghĩ phải có thêm, khi vừa mới chinh phục được một cột mốc, nó sẽ nhanh chóng trở thành con số 0 đối với mình, và một cột mốc khác xuất hiện. Một động lực rất lớn, nhưng cũng là một nỗi khổ không nhỏ.

Vậy mà khi lớn lên, những tổn thương ấy ảnh hưởng khá nhiều tới con người mình. Với sự chán ngán không hề nhỏ một vài nét tính cách của mẹ (nhưng vẫn quý gia đình, chắc chắn là vậy), mình tưởng mình là đối nghịch với tất cả những tính cách trên. Cho khi đến những lúc, mình cãi nhau với bạn bè, mình không kiềm chế được mình. Nó hỏi mình rằng "Tại sao mỗi lúc mày tức lên, mày lại muốn làm tổn thương người khác đến vậy?". Mình đứng hình, mình ngớ ra, đúng là mình có làm vậy thật, mình đúng là muốn nó tổn thưởng và hối hận và làm mình bực tức thật. Và đó cũng là cái tính cách mình ghét nhất từ mẹ. Rồi mình để ý, mình cũng thường hay nói “không bao giờ”, cũng tâm lý nạn nhân. Rồi mình phản ứng rất khó chịu với bất kỳ việc gì (dù tốt hay xấu) mà diễn ra không đúng theo dự định của mình. Một dạng biến thể từ nét tính cách gia trưởng của mẹ mình chăng?

Dù gì thì, một cách bản năng, như trẻ em bị phơi nhiễm khói thuốc từ người cha, trong mình cũng mang những nét tính cách mình ghét từ mẹ. Nói là mình chọn chiến lược chống đối, nhưng một vài thứ gì đó đã trở thành khuôn mẫu trong tâm trí mình, vẫn ám ảnh mình một cách vô thức, và chực chờ để bộc lộ ra.

Thật sự câu chuyện trên hơi “Kịch tính hóa”, và mọi việc không thật sự tồi tệ như vậy. Chỉ là khi gôm tất cả những điều không tốt rời rạc nhau, thành một khối thống nhất, nó sẽ ra câu truyện phía trên. Thực tế là mình cũng được ảnh hưởng những điểm tích cực của mẹ, và đời sống khá tích cực và lạc quan, thỉnh thoảng điểm một vài khoảng trống nhỏ mà mình vẫn luôn thường tránh né - Tôi thì có vấn đề gì? Sức khỏe tâm lý của tôi phải gọi là cực tốt, khi so với nhiều người! Tôi có đủ sức mạnh để làm chủ cuộc sống của tôi - thật sự không phải vậy đâu! Cho đến vài năm gần đây, mình bắt đầu đối diện với nó, và mọi chuyện đã cải thiện rất rất nhiều. Dầu rằng mình vẫn còn hơi khá nhút nhát và dễ tổn thương trong một vài tình huống nhất định, nhưng mình yêu thương và chấp nhận nó. Hi vọng bọn mày sẽ cải thiện dần, nhé.

Như bạn thấy đấy, mặc dù mình có một lòng tự tôn (self-esteem) lớn về khả năng của mình, nhưng mình vẫn chưa đủ mức độ yêu quý bản thân (self-love), để chấp nhận và yêu thương bản thân mình. Mình không chấp nhận là mình như thế này là tốt rồi, mình vẫn lo sợ thiếu hụt và muốn thêm nhiều nữa. Một số biểu hiện không yêu quý bản thân của mình: không hài lòng với bản thân, không sẵn sàng cho những thứ tốt đẹp, nhút nhát không thể hiện quan điểm, không bảo vệ những thứ mình yêu thích.

Hayley Webste cũng vậy, cô cũng từng có những biểu hiện không yêu thương, chấp nhận bản thân như: tự ti về ngoại hình mập mạp của mình, nghĩ bản thân mình không hoàn hảo và phải che dấu nó đi, thay đổi con người thật của mình để hòa nhập. Với những sự mặc cảm này, cô trở nên nhút nhát.

Theo thời gian, theo trải nghiệm, dần dần Hayley Webste học được cách mặc kệ và chấp nhận con người mình hơn. Cô yêu quý mình và thể hiện mình, dù rằng có mắc phải lỗi lầm gì hay có ai cười nhạo. Suy cho cùng, đó cũng chính là con người của cô, cô hiểu rằng những thứ đó không cần phải thay đổi. Và cô yêu quý con người đó của cô. Tính nhút nhát của cô biến mất.

Mình cũng vậy, sau một thời gian, mình cũng hiểu về bản thân mình hơn, mình tiếp xúc với xã hội nhiều hơn và thấy rằng những khuyết điểm của mình không phải chết người. Có nhiều người bình thường khác vẫn đang hưởng thụ cuộc sống và đón nhận những điều tốt đẹp nhất (common humanity). Dù rằng mình có làm một vài điều ngớ ngẩn thì có sao, tư duy của mình đúng là không giống ai thiệt mà, nhưng có gì phải ngại, dù gì đó cũng là mình (self-kindness). Mình cũng đối mặt, suy nghĩ và tìm nguồn gốc về những khuyết điểm, ưu điểm của mình (Mindfullness). Và dù rằng không hẳn là thật sự thành thạo “bí kíp” self-love (đúng hơn là tới tận bây giờ mình mới biết đến thuật ngữ này và ráp mọi trải nghiệm theo nó), tình trạng của mình cũng diễn biến theo chiều hướng tốt lên rất nhiều. Mình chấp nhận và yêu thương bản thân mình, mặc dù mình vẫn cố giữ lại cái khát khao muốn phát triển như lúc trước. Nhu cầu muốn phát triển này đã giúp mình đạt được một số điều tốt đẹp trong cuộc sống, đúng là trong cái rủi có cái may nhỉ. Hay như nhiều người thường nói bất hạnh sinh ra động lực thay đổi.

Vậy phải làm sao để gia tăng self-love?

Mặc dù self-love cũng giống như nhiều nét tính cách khác trong con người chúng ta, được hình thành từ thời thơ ấu. Nhưng bạn hoàn toàn có thể tự gia tăng self-love khi đã trưởng thành. Có một liệu pháp để gia tăng self-love được gọi là Compassion-Focused Therapy (CFT) - tạm dịch là Liệu pháp tập trung vào lòng trắc ẩn. Được phát triển dựa vào Cognitive behavioral therapy (CBT) - tạm dịch là Liệu pháp nhân thức hành vi. Bạn có thể tìm hiểu thêm, mình không rõ lắm, nhưng ý tưởng gốc là: Gia tăng nhận thức và thấu hiểu những "cảm xúc tự động" (như tự chỉ trích bản thân) của bản thân, và làm cách nào chúng được hình thành trong quá trình thơ ấu.

Với bài viết này, mình hi vọng có thể giúp đỡ những bạn nào đang muốn hiểu rõ bản thân mình, và muốn tự tay xây dựng một vài điều tốt đẹp cho bản thân. Cũng như là một lời khuyên nho nhỏ, nếu sau này các bạn lớn lên và có con nhỏ. Hãy cẩn thận về hành động của mình, và yêu thương con cái vô điều kiện.

****

“Bất hạnh sinh ra động lực”, mình đã nói vậy phía trên như vậy nhỉ. Viết đến đây, mình cũng tự hỏi mình rằng động lực đến từ đâu? Liệu rằng có phải luôn luôn, một người với tuổi thơ bất hạnh sẽ có động lực phấn đấu cao hơn một người có tuổi thơ hạnh phúc đủ đầy không nhỉ. Nhìn vào những người vĩ đại trên Thế Giới thì hầu như là vậy. Nhưng như vậy có vẻ có quá bất công với những những người có tuổi thơ hạnh phúc nhỉ? Nhưng vậy lại khớp với những gì mình từng nghĩ hồi trước rằng: “Những nhân vật mạnh nhất manga đều có tuổi thơ bất hạnh” nhỉ?

Có lẽ mình sẽ dành một bài viết khác để bàn về động lực và nguồn gốc của nó. Nhưng có một điều mình muốn nói rằng, liệu động lực từ một tuổi thơ bất hạnh có dẫn dắt người sở hữu nó đi đến một cái đích đến mà họ mong muốn? Họ mạnh, họ có động lực nhưng lại không thật sự dùng nó để gia tăng hạnh phúc và sự đong đầy của mình, cũng như với một vết thương trong tâm hồn, họ cũng có thể làm tổn thương những người yêu thương xung quanh. Họ không được sống như chính họ muốn. (Ai lại muốn cả đời đi trả thù thay vì vui vẻ bên bạn bè, gia đình nhỉ?). Ngược lại những người có tuổi thơ hạnh phúc, có thể tự chủ được cảm xúc, và quyết định của mình, sống một cuộc sống ý nghĩa hơn. Vậy ai mới là người mạnh đây?

P/s: Lúc đầu viết bài thì mình nghĩ viết tầm 5000 từ thôi, mà rốt cuộc có nhiều thứ muốn viết quá đâm ra bài viết dài gấp đôi @@. Chắc là giống như một câu nói trong quyển sách mình đọc gần đây: “Những đứa ít nói, khi mà đã mở mồm ra thì đừng hòng bắt bọn nó dừng lại” :D Và cũng có thể vì một quá khứ ít bày tỏ quan điểm của mình, nên giờ đây mình khao khát được bày tỏ nhiều điều đến vậy. Và nhiều thứ khác nữa, nhưng hi vọng sẽ có, và cũng rất cảm ơn những người đã đọc hết bài của mình. Hi vọng bài viết của mình đem lại cho bạn một vài điều tích cực.

P/s: Mẹo: Khi một người bạn của bạn đột nhiên phản ứng mạnh mẽ với 1 câu nói, hay 1 tình huống bình thường. Thì trước khi nghĩ nó bị điên, nên nghĩ rằng, có lẽ sự việc này gắn với 1 ký ức không suôn sẻ lắm của người đó ^^

----Surphi10----
(Với sự góp ý của Nấm)