Hướng nội và hướng ngoại có phải do bẩm sinh?
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng não của người hướng nội và người hướng ngoại có nhiều điểm khác nhau . Điều này cho thấy hướng...
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng não của người hướng nội và người hướng ngoại có nhiều điểm khác nhau. Điều này cho thấy hướng nội và hướng ngoại có liên quan nhiều đến phương diện sinh học, hay nói khác đi, liên quan nhiều đến yếu tố gen di truyền. Như vậy hướng nội và hướng ngoại là do bẩm sinh?
Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta hãy cùng đến với một nghiên cứu về mối tương quan giữa mức-độ-phản-ứng và tính cách hướng nội, hướng ngoại.
Trong quyển Quiet, tác giả Susan Cain đã mô tả một nghiên cứu trên 500 trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi. Các bé được nghe đoạn ghi âm giọng nói, tiếng bong bóng nổ, nhìn những đồ vật sặc sỡ chuyển động liên tục trước mắt, ngửi mùi cồn tẩm trong một miếng bông. Có khoảng 20% các bé khóc lóc ầm ĩ, vung tay đập chân rất mạnh, được gọi là nhóm có mức-độ-phản-ứng-cao (high-reactive); khoảng 40% giữ yên lặng, bình tĩnh, thỉnh thoảng có chuyển động tay chân, nhưng không mạnh mẽ như nhóm kia, được gọi là nhóm có mức-độ-phản-ứng-thấp (low-reactive); còn lại 40% nằm ở khoảng giữa.
Nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này là Jerome Kagan, một trong những nhà tâm lý học phát triển vĩ đại của thế kỷ XX. Kagan đã theo dõi những đứa trẻ này qua nhiều thời điểm trong cuộc đời chúng, và ông đã tiên đoán rằng, những đứa trẻ có mức-độ-phản-ứng-cao lớn lên sẽ trở thành những cá nhân hướng nội, còn những đứa trẻ có mức-độ-phản-ứng-thấp lại có xu hướng phát triển nên những tính khí hướng ngoại.
Và giả thuyết của ông đã chính xác. Những đứa khóc thét lên khi nghe bong bóng nổ, ngửi phải bông tẩm cồn, ... có xu hướng phát triển những tính cách nghiêm túc, cẩn thận cao hơn nhiều. Còn những em bé giữ yên lặng, có xu hướng trở thành dạng thoải mái, tự tin cao hơn.
Có một cơ quan trong não gọi là hạch hạnh nhân (amygdala) có vai trò điều khiển cảm xúc, tiếp nhận thông tin từ các giác quan, sau đó báo cho phần còn lại của não và hệ thần kinh biết phải phản ứng như thế nào. Một trong những chức năng của nó là ngay lập tức phát hiện những thứ mới lạ, hoặc những mối nguy hiểm tiềm tàng trong môi trường – ví dụ một cái đĩa bay đồ chơi hoặc một con rắn độc đang rít – và đánh tín hiệu báo động đi khắp cơ thể để kích hoạt phản ứng chiến-đấu-hoặc-bỏ-chạy (fight-or-flight). Nếu có cái đĩa bay đồ chơi bay thẳng vào mặt thì hạch hạnh nhân là thứ sẽ bảo bạn phải né nó ngay lập tức, hoặc là thứ sẽ bảo bạn phải bỏ chạy khi con rắn chuẩn bị lao vào cắn.
Kagan đã đưa ra giả thuyết cho rằng trẻ sơ sinh có hạch hạnh nhân dễ bị kích thích sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với kích thích bên ngoài, và ông đã đúng. Những trẻ được sinh ra với một hạch hạnh nhân đặc biệt nhạy cảm sẽ lăn lộn và kêu khóc khi được cho tiếp xúc với những thứ không quen thuộc. Khi lớn lên chúng sẽ trở thành những đứa trẻ cảnh giác khi phải gặp những thứ lạ lẫm hoặc những người chưa gặp bao giờ. Nói cách khác, những em bé bốn tháng tuổi đập tay ầm ĩ như những tín đồ nhạc rock không phải do chúng là những người hướng ngoại tiềm năng, mà bởi cơ thể nhỏ bé của chúng đã phản ứng quá mạnh với những cảnh tượng mới, âm thanh mới, mùi hương mới. Còn các em bé khác giữ yên lặng không phải do chúng là những người hướng nội tương lai, mà chính xác là điều ngược lại, chúng làm vậy bởi vì chúng có một hệ thần kinh không dễ bị dọa dẫm bởi những điều mới lạ.
Nhiều đứa trẻ có hạch hạnh nhân nhạy cảm lớn lên sẽ vẫn có mức-độ-phản-ứng-cao, nhưng chúng sẽ không phản ứng với những âm thanh mới và đồ vật chuyển động, mà chúng sẽ phản ứng với những người mới, như trong ngày đầu tiên đi học, hoặc trong giữa đám đông, và bất cứ kích thích mới mẻ tương tự khác. Những cá nhân này sẽ được biết đến là những người hướng nội và họ rất dễ bị kích thích. Tham gia vào các lớp học mới, đứng giữa đám đông hay tham dự một buổi tiệc sẽ khiến họ nhanh chóng bị kiệt sức. Hạch hạnh nhân của họ hoạt động quá mạnh, luôn cố gắng phản ứng lại với mọi kích thích lớn nhỏ đang xảy ra, và khiến cho họ nhanh chóng bị quá tải bởi những thông tin mới. Chính vì vậy, những người hướng nội có xu hướng thích ở nhà hơn, nơi không có những kích thích mới. Thân thuộc. Tĩnh lặng. Tất nhiên, nếu không có những kích sẽ gây nên sự nhàm chán, nhưng chỉ cần một quyển sách và một tách trà, hay một bộ phim, một ván game là đã đủ để làm những người hướng nội cảm thấy vui thú.
Mặt khác, những cá nhân có mức-độ-phản-ứng-thấp với một hạch hạnh nhân kém nhạy cảm hơn sẽ trở thành những người hướng ngoại, và rất khó để khiến họ trở nên bị kích thích. Hạch hạnh nhân của người hướng ngoại không dễ phản ứng lại với những tình huống kích thích mới lạ ở mức độ nhỏ nhẹ xung quanh họ như người hướng nội. Những người hướng ngoại luôn tỏ ra thích thú với các buổi tiệc hay các khu vui chơi giải trí, nơi có các tác nhân kích thích đủ mạnh để thỏa mãn sự buồn chán của họ. Một cuốn sách có thể gây hứng thú đối với người hướng ngoại, nhưng họ cần nhiều hơn thế, họ cần những kích thích mạnh mẽ hơn, sôi động hơn, nổi bật hơn.
Tóm lại, hạch hạnh nhân kém nhạy cảm của người hướng ngoại luôn cần nhiều kích thích hơn. Họ luôn muốn tìm đến những kích thích, những trải nghiệm mới lạ và luôn muốn biến cuộc sống của mình trở thành một buổi tiệc dài bất tận. Ngược lại, người hướng nội sẽ nhanh chóng bị kiệt sức và trở nên quá tải bởi sự tràn ngập các tác nhân kích thích mới lạ, ví dụ như khi đi đến một nơi đông người, hay một môi trường ồn ào.
Như vậy tính cách hướng nội hay hướng ngoại là do bẩm sinh, chúng đã được quy định sẵn trong gen di truyền. Hay nói cách khác, vật chất quyết định ý thức. Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nên tính cách của bạn, nhiều hơn các yếu tố khác như trí tuệ hay thể chất.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể học hỏi để thích nghi khi đối mặt với các tình huống xã hội. Một người hướng nội có thể học cách hòa đồng, cởi mở, thân thiện, và tất cả những gì cần có để giả dạng thành một người hướng ngoại, và ngược lại. Có một thuật ngữ chuyên biệt được Carl Jung, một nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ, đưa ra để mô tả sự cải trang này đó là mặt-nạ-nhân-cách (persona). Bạn có thể dùng kinh nghiệm cũng như kỹ năng sống của mình để tạo nên một hoặc nhiều mặt-nạ-nhân-cách, những lớp vỏ bọc giúp bạn hòa nhập với môi trường xung quanh bạn tốt hơn.
Tuy nhiên hãy nhớ rằng, sau tất cả, bạn sẽ luôn phải trở về với bản chất tự nhiên của mình. Mặt tính cách hướng nội, hướng ngoại của bạn có tính chất giống như một chiếc lò xo vậy. Nó có thể co dãn, đàn hồi, nhưng cũng sẽ chỉ đến mức giới hạn mà thôi, nếu vượt qua đó, nó sẽ bị biến dạng, hỏng hóc. Cũng tương tự, nếu bạn cố gắng vượt quá giới hạn bản chất vốn có của mình, tinh thần và thể chất của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Và việc mắc phải các rối loạn tâm lý là điều khó tránh khỏi.
P/S: Nếu có sưu tầm bài viết thì vui lòng giữ nguyên thông tin tác giả và dẫn nguồn về Spiderum. ---------- [Bài viết liên quan]
---------- [Nguồn tham khảo] Quiet: The Power of Introverts in a World That Can't Stop Talking by Susan Cain Is introversion or extroversion nature or nurture? Biology and How It Relates to Introverts & Extroverts Carl Jung and the Persona
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất