Trong lịch sử điện ảnh thế giới, đã có nhiều những tác phẩm mang chủ đề chính là sự cô đơn - với tuýp nhân vật chính thường là nam, cùng những khát vọng trong thế giới quan nội tâm được bộc tả qua nhiều phương diện khác nhau. Ngoài các màn độc thoại nội tâm và motif nhân vật thì các bộ phim đa số sử dụng những kỹ thuật tài tình, đặc biệt là cách quay phim và phối màu sắc để khắc họa một cách siêu thực tâm tư cảm xúc của nhân vật chính, đồng thời tận dụng để tạo không khí cho một bộ phim, theo hướng chủ quan hay khách quan.
Kết quả hình ảnh cho taxi driver


Tác phẩm tiêu biểu nhất và cũng là tác phẩm làm nên tên tuổi của đạo diễn Martin ScorseseTaxi Driver (1976). Trong Taxi Driver, Robert De Niro hoá thân vào tài xế taxi Travis Bickle (cựu binh trong chiến tranh Việt Nam) tại New York những năm 1970 - chốn bẩn thỉu, tăm tối bao trùm bên dưới cái vỏ xa hoa tráng lệ tô vẽ bởi những kẻ ngoài cuộc. Tại New York, đó là cái ô nhiễm bẩn tưởi của rác thải công nghiệp, là những vụ thanh toán nhau của các băng đảng thế giới ngầm, là những người lao động với đồng lương rẻ mạt nhờ “ơn”’ của bộ máy chính quyền thối nát vận hành bởi đám quan liêu kéo theo chân là những kẻ đạo đức giả.
Kết quả hình ảnh cho taxi driver betsy

Quan điểm của Taxi Driver, một bộ phim tiêu biểu của dòng neo-noir, là sự bệnh tật về tâm hồn. Là một tài xế taxi, Travis đã thấy và đối diện tất cả. Trên hết là đối với Travis, anh đã quá kinh tởm với nạn mại dâm trẻ em hoành hành trên những tuyến phố anh lái chiếc taxi của công ty từ sáng đến tận đêm. Anh ngắm nhìn tất cả, anh hòa vào tất cả với con mắt của một con người đã quen với sự cô đơn qua những đêm dài thức trắng. Đã bao lâu rồi anh mới cảm thấy hạnh phúc đích thực?

Anh có hẹn hò với Betsy (Cybill Shepherd), một người ủng hộ cho thượng nghị sĩ Palentine - với những khẩu hiệu không bao giờ thành sự thật. Travis thấy kinh tởm lối sống đạo đức giả với những tư tưởng chính trị, những lời hứa hẹn dối trá chỉ càng làm tăng thêm tệ nạn, thói gian dâm trong những góc khuất chỉ có thể trải nghiệm bởi những kẻ bơ vơ bị ruồng bỏ không quen và sẽ không bao giờ có thể quen được với những chuẩn mực sống của thế gian.
Kết quả hình ảnh cho taxi driver


Travis dẫn Betsy đến xem phim khiêu dâm và làm cho Betsy phải bật khóc. Betsy không liên lạc với Travis trong suốt mấy ngày liền như thể anh không còn tồn tại, ngay cả khi anh tặng hoa thay cho lời cảm ơn.

“You're in a hell, and you're gonna die in a hell, just like the rest of 'em! “
(“Cô đang trong địa ngục và cô cũng sẽ chết trong địa ngục như bọn chúng mà thôi!”)

Đó là những lời của Travis trong giây phút nóng giận tại văn phòng của Betsy - người anh những tưởng cùng suy nghĩ và cá tính với anh.
Kết quả hình ảnh cho taxi driver


Travis cảm thấy bất mãn, bất mãn với xã hội và cả lũ giả nhân giả nghĩa góp phần tạo ra sự thối nát cho xã hội ấy. Bất mãn đến độ anh đã bắn chết một tên cướp trong một tiệm tạp hóa vào một giây phút hắn chĩa súng vào người chủ cửa hàng. Hoặc chí ít, đó là những gì mà khán giả được thấy trên sự quan sát chủ quan. Còn đối với Travis, đó có thể là thực mà cũng có thể là mơ. Anh đã mất nhận thức sự phân biệt của hai thứ từ lâu. Travis bất mãn vì không gặp được bất kỳ ai cùng hệ tư tưởng với mình, một kẻ tự đánh giá bản thân là có một “lương tâm trong sạch”.
Kết quả hình ảnh cho taxi driver


Anh thuê một cô gái điếm trạc độ 13 tuổi, tên Iris (Jodie Foster) và thay vì quan hệ thì anh một mực thuyết phục cô bé thoát khỏi chốn lầu xanh. Ngày hôm sau, Iris gặp Travis trong một quán ăn và Travis bày tỏ những suy nghĩ tâm tư của mình với cô bé. Cô bé Iris vô tội là nạn nhân của môi trường và hoàn cảnh đưa đẩy vào ngành mại dâm ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Một phần nào đó Travis thấy bản thân mình trong Iris, đều là những nạn nhân vô tội của một xã hội thối nát, những kẻ đã bị cướp bẵng đi sự trong trắng bởi dòng đời.
Âm nhạc đóng góp một phần không nhỏ cho thành công của Taxi Driver: tiếng nhạc jazz của Bernard Hermann (cũng chính là tác phẩm cuối cùng của nhà soạn nhạc trước khi ông qua đời cùng năm bộ phim ra mắt) như rít vào cõi lòng của người xem kết hợp với những ánh đèn của đường phố New York tạo sự hoài niệm, trong thần thái neo-noir mộng ảo.

Dư âm của phong trào phản văn hóa cuối những năm 1960 đã kết thúc và những gì nó để lại là một nước Mỹ loạn lạc trong sự thiếu tổ chức; những lời tuyên ngôn về một thế giới đại đồng không còn chiến tranh hay thù hận đã trở thành phương tiện truyền thông để nối tiếp cái lề thói mị dân. Mua thêm, hãy tiêu thụ nữa đi để tạo nên mắt xích trong hệ thống đã mục rữa từ khi nào. Về phần hình ảnh, nhà quay phim Michael Chapman đã thể hiện xuất sắc không khí u ám bao trùm New York những năm 1970, với những ánh đèn màu sắc mờ ảo đẹp đẽ một cách giả tạo, trên nền sự thật cay nghiệt. Cách mà Taxi Driver được phối màu thật sự là tinh tế và mang một không khí ngột ngạt khó thở và phong cách siêu thực, như thể người xem được hòa mình vào thế giới của một bộ phim mà hình ảnh đóng một phần to lớn trong việc thể hiện xây dựng các ý nghĩa.

Taxi Driver hàm chứa ý nghĩa trên nhiều tầng, trong đó đều bắt nguồn từ sự chủ quan trong góc nhìn của Bickle. Martin Scorsese đã dùng sự chủ quan để phản ánh cũng như để phê phán xã hội New York, rộng hơn là nước Mỹ thời bấy giờ. Martin Scorsese cũng như Robert De Niro đều được sinh ra và lớn lên tại New York, và bộ đôi hiểu rõ về thành phố hơn bất cứ ai khi họ đã từng trải qua các thăng trầm lịch sử của vùng trung tâm kinh tế bờ Đông nước Mỹ.
Kết quả hình ảnh cho taxi driver finger

Sự chủ quan, xét trên bình diện về tâm-triết lý học còn thể hiện qua nỗi tách biệt với xã hội. Con người dù có được ăn ngon mặc đẹp, dù có bạn bè và người thân đủ đầy thì luôn luôn có một sự cô đơn rình mò phía dưới, một sự tách biệt và lạc lõng của cá thể đối với toàn thể vì xét cho cùng, ta sinh ra trong đơn độc và chết trong sự đơn độc. Travis Bickle là một tâm hồn lạc lõng giữa một thế giới điên rồ. Trong thế giới đầy rẫy những kẻ điên, anh lại là kẻ điên, thằng tài xế taxi chết dẫm đáng lý ra phải cúi đầu khuất phục trước thể chế. Anh ta đơn độc vì lối sống và cách suy nghĩ lệch lạc dường như vô phương cứu chữa. Anh hẹn hò bằng việc dẫn bạn gái đi xem phim khiêu dâm; anh hòa nhập vào đám đông những người ủng hộ Palentine bằng cách nói tán phét với một người vệ sĩ. Những bậc tiền bối đưa ra những lời khuyên; họ bảo anh phải lạc quan lên, phải suy nghĩ theo hướng tích cực và tận hưởng những điều đẹp đẽ của cuộc sống. Điều đó, anh cũng không tài nào hiểu nổi.

Mọi phân cảnh đều có ý nghĩa đóng góp vào việc xây dựng trạng thái những cảm xúc bị đè nén của nhân vật Travis được Robert De Niro hóa thân một cách hoàn hảo. Ông đã thể hiện tài năng diễn xuất vào hai năm trước đó trong The Godfather: Part II, nhưng chỉ đến Taxi Driver thì De Niro mới bộc lộ trọn vẹn nghệ thuật thể hiện những tầng lớp tâm trạng mà Travis trải qua xuyên suốt bộ phim bằng lối diễn method trời phú của mình. Taxi Driver luôn thuộc top những bộ phim được đánh giá cao nhất trong lịch sử điện ảnh cũng như có ảnh hưởng sâu đậm lên văn hóa đại chúng, đưa tên tuổi của đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese lên “bản đồ” Hollywood và đặt tiền đề cho nhiều phim tâm lý xã hội sau này.

Hình ảnh có liên quan

Taxi Driver được đề cử bốn giải Oscar vào năm 1977, trong đó có giải cho phim chính kịch xuất sắc nhất, và thắng giải tại Cannes cho phim nước ngoài xuất sắc nhất. Di sản mà Taxi Driver để lại còn lớn lao hơn nhiều những giải thưởng có phần chủ quan: Taxi Driver là một tư tưởng, một sự phản ánh hơn cả chân thật của những ngóc ngách tăm tối nhất trong tâm trí con người. Hình ảnh của Travis Bickle với mái tóc mào gà và bộ quân phục đã trở thành một phần của tiềm thức những người yêu điện ảnh và tất cả những ai thấy bản thân mình trong Travis, với sự chống đối hoàn toàn một thể chế bộ máy chú trọng vẻ ngoài hình thức hơn là bản chất. Travis là sự lệch nhịp trong dòng chảy cuộc sống; đích thực, là miếng gỗ tròn trong khung vuông, là kẻ gàn dở loạn trí mà xã hội đã hằng lên án. Anh là nhân vật phản anh hùng hoàn hảo nhất trong lịch sử điện ảnh trong một bộ phim xứng đáng được thưởng thức và chiêm nghiệm ít nhất một lần trong đời.

Minh Tu Le