Martin Scorsese, một trong những vị đạo diễn thành công và có tầm ảnh hưởng nhất lên nền điện ảnh thế giới, người đã miêu tả điện ảnh Marvel như “công viên giải trí” (Tác giả: that is if he ever considered Marvel “cinema”), cũng là người được xướng tên trong bài phát biểu nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Bong Joon-ho cho Parasite tại Lễ trao giải Oscar 2020. Có thật nhiều điều để nói về Scorsese, cả về phong cách làm phim lẫn cuộc sống đời thường. Hẳn là vậy, những nghệ sĩ tài ba, những thiên tài đều có một, hay nhiều điều đặc biệt, khác thường.

Dù thế, gạt bên ngoài khỏi toàn bộ những rối rắm rùm beng, người khán giả điện ảnh thường biết đến các tác phẩm của Scorsese theo một vài chủ đề cụ thể, dễ thấy như hình ảnh người Mỹ gốc Italy, các lễ nghĩa Công giáo, tội phạm, đức tin, bạo lực và hơn thế nữa. Mở đầu cho “Director’s Must-sees”, xin giới thiệu với độc giả 03 bộ phim Scorsese đáng xem nhất, tiêu biểu nhất, và tất nhiên không đồng nghĩa là những tác phẩm khác của ông kém hay hơn.
1. Goodfellas (1990)
“Nếu chúng tôi muốn một thứ gì đó, chúng tôi cứ việc lấy nó. […] Kẻ nào phàn nàn đến lần thứ hai sẽ bị dập cho nhừ tử, tin tôi đi, chúng sẽ không bao giờ dám phàn nàn thêm nữa.”
Henry Hill.
Một điều chắc chắn, sẽ là một thiếu xót cực lớn nếu mở đầu danh sách tác phẩm điện ảnh của Scorsese mà thiếu đi dòng phim mafia (gốc Italy), và “Goodfellas” là cái tên không thể nào hoàn hảo hơn. Lý do mình lựa chọn “Goodfellas” thay vì “The Irishman” – tác phẩm mới nhất của ông – là bởi “Goodfellas” là một bộ phim tiêu biểu cho phong cách và chủ kiến làm phim của Scorsese, cũng là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của ông.
“Goodfellas” dõi theo câu chuyện Henry Hill (Ray Liotta), khởi đầu là một cậu bé làm chân chạy vặt cho bọn tội phạm cùng khu phố và mơ ước được trở thành gangster, và quá trình anh các cộng sự trở thành những tay tội phạm máu mặt khét tiếng. Phim được thuật lại theo lời kể của Henry, và sau đó là người vợ Karen (Lorraine Bracco). Xuyên suốt bộ phim là sự tối tăm, đầy rẫy bảo lực và luôn luôn ẩn náu những mối bất hòa và những vụ xô xát. Phim khắc họa cực kỳ xuất sắc hình ảnh một New York khác xa so với những gì khán giả hằng tưởng tượng, một thành phố nhuốm màu cướp bóc và tội phạm, và cũng nêu bật được một xã hội mà đại diện ở đây là tầng lớp trung lưu hoặc hạ trung lưu – những con người sinh ra với xuất phát điểm thấp và làm mọi cách để được những thứ mình muốn bằng cách thức đặc biệt, rất … Italy.
Cú long-take nổi tiếng của điện ảnh Hollywood, trên nền nhạc “Then He Kissed Me” của The Crystals, lột tả chân thực một cuộc sống giàu sang, hào nhoáng với những mối quan hệ, song len lủi, chật chội và tối tăm, và đó chính là thế giới của Henry, như thể Scorsese tham vọng gói gọn cả 145 phút chỉ trong một cú máy 184 giây.
“Goodfellas” được xướng tên là một trong những bộ phim chủ đề gangster vĩ đại nhất nhờ “tầm quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ” và truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh khác về sau, trong đó có “Reservoir Dogs” và “Pulp Fiction” (Quentin Tarantino), “American Hustle” và “Requiem for a Dream”.
2020 là năm đánh dấu 30 năm ngày ra mắt của phim. Độc giả có thể theo dõi phim trên nền tảng Netflix Việt Nam.
2. The Wolf of Wallstreet (2013)
“The Wolf of Wallstreet” không đề cập đến chủ đề mafia, không quá bạo lực như “Goodfellas”, nhưng một điều chắc chắn rằng, phim manh nha chủ đề xuyên suốt về đạo đức và băng nhóm, tội phạm, đều là những chủ đề Scorsese ưa thích. Phim là lần hợp tác thứ 5 của ông với Leonardo DiCaprio, trong vai Jordan Belfort, một anh chàng nhân viên phố Wall quèn, bằng những chiêu trò lừa đảo và thao túng, dần leo lên cao và hưởng thụ lối sống xa hoa trên những đồng tiền bẩn kiếm về cùng cánh tay phải Donnie Azoff (Jonah Hill).
Phân đoạn Belfort gọi điện cho khách hàng mời mua cổ phiếu trị giá 10cent, chốt lời $2,000 chỉ trong vòng 2 phút. “Tôi kiếm được 2,000 chỉ trong một nháy. Còn bọn họ nhìn tôi như thể tôi phát minh ra lửa”.
Nếu mình được dùng vài tính từ để miêu tả về phim, chúng sẽ là “dí dỏm”, “thiên tài” và “dị biệt”. Đối với cá nhân mình, dù là một trong những phim của ông mình yêu thích nhất, phim vẫn chưa đủ cái chất Scorsese như đã thấy trong “Goodfellas”: Yếu tố kỹ thuật đã dần nhường chỗ cho dòng chảy chính của câu chuyện.
Dù được nhiều nhà phê bình đánh giá cao và nhận về 5 đề cử Oscar năm đó, phim vẫn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Phim được chuyên tranh phê bình Roger Ebert liệt vào danh sách 25 phim hay nhất của thập kỷ 2010. Xem danh sách tại đây
3. The Age of Innocence (1993)
Mặc dù được xếp sau cùng, “The Age of Innocence” thực chất là cái tên mình nghĩ tới đầu tiên khi lên danh sách này. Ra mắt vào năm 1993 và được giới chuyên môn đánh giá cao, song bộ phim không đạt được thành công phòng vé. Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Edith Wharton, và do chính tay Scorsese cùng cộng sự Jay Cocks chắp bút. “The Age of Innocence” tưởng như tách biệt hoàn toàn khỏi những gì “rất Scorsese” bởi tính chất lãng mạn “romantic drama” của nó, nhưng đối với những khán giả đã xem phim, đó không chỉ là câu chuyện tình yêu dang dở, mà là tấn kịch của những nhân vật chính, bị trói chặt trong khuôn phép xã hội và những đàm tiếu bủa vây.
Lấy bối cảnh New York, Mỹ vào những năm 1870, bộ phim là hành trình khổ đau của Newman Archer (Daniel Day Lewis) giữa xã hội cổ hủ, lề lối trong mối quan hệ với người tình Ellen Olenska (Michelle Pfeiffer) và người vợ May Welland (Wiona Ryder). Xuyên suốt câu chuyện là chủ đề đức tin tôn giáo, về những gì xã hội muốn ở con người, là trách nhiệm, danh tiếng, là làm những gì được cho là đúng. Cùng với đó, sự “ngây thơ” (innocence) trong tiêu đề tác phẩm cũng hiện lên trong ba nhân vật chính: khi là vờ như không biết, và khi là biết mà vẫn quyết làm, hoặc bị buộc phải làm. Phim lột tả một cách chân thực chân dung xã hội Mỹ thời bấy giờ, nơi những cái nhìn vụng trộm, những lời nói sau lưng, những định kiến mặc cảm cộng đồng và những thiên vị sùng bái vật chất lên ngôi, quay lưng lại với những giá trị nhân văn, nhân đạo.
Dưới đây là đoạn trần thuật gây ấn tượng nhất đối với mình trong cả phim, và mình sẽ cố gắng dịch nó sao cho không làm hỏng trải nghiệm xem phim của những khán giả chưa có dịp thưởng thức. Tại bữa tiệc chia tay May tổ chức cho Ellen trước chuyến đi châu Âu của cô, Archer cuối cùng cũng nhìn ra mọi việc.
“Những yên ắng tại bữa tiệc, thứ gắn kết cộng đồng nhỏ này lại với nhau, được dựng lên như thể chúng muốn chỉ cho ta thấy điều gì. Không một ai đặt dấu hỏi về những hành vi biểu hiện của bà Olenska. Không một ai nghi hoặc về sự đúng đắn thủy chung của Archer với vợ mình. […]. Bởi chính sự mượt mà trong cung cách của bữa tiệc, Archer đã hiểu được rằng, New York đã biết anh là người tình của Olenska. Và anh cũng lần đầu tiên hiểu ra rằng, vợ anh cũng cùng chung quan điểm đó.”
“The Age of Innocence” được Roger Ebert đánh giá là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của Scorsese, bởi lẽ nó là minh chứng không thể rõ ràng hơn cho tài năng bất diệt của ông. Kịch bản chặt chẽ và lột tả chính xác hàm ý của tác phẩm gốc, âm nhạc tuyệt diệu với những bản violon da diết và đầy chất kịch nghệ. Độc giả có thể thưởng thức bộ phim ngay trên nền tảng Netflix Việt Nam.
Trên đây là ba bộ phim của Martin Scorsese mà mình nghĩ fan hâm mộ điện ảnh nào cũng nên xem. Với cá nhân mình, Scorsese là một trong 5 đạo diễn mình cảm mến nhất, bởi chất riêng và cá tính trong các tác phẩm điện ảnh ông làm ra.