Goreng : “Ở đây có 3 loại người. Những kẻ ở trên, những kẻ ở dưới và những kẻ ngã xuống.”
Hố. Hố và Hố.... 
    Đó là toàn bộ cái khung hình của cảnh ngục tù bí bách, căn phòng vuông vức với bốn bức tường bê tông xám xịt bao quanh được nối liền bằng một cái hố đen u ám với 333 tầng, ánh sáng thì chỉ đủ cho 2 tù nhân trong căn phòng nhìn nhau. Hôm nay họ có thể là bạn đồng ngục, nhưng biết đâu tháng sau, họ có thể ăn thịt lẫn nhau để sống qua ngày. Đó chính là số phận của những tù nhân bị "quẳng" vào cái nhà tù như một lò thí nghiệm về tính đạo đức của con người, hoặc có thể chỉ để những kẻ nào đấy nhìn xem cho vui mắt.
    Ngước nhìn lên ta chỉ thấy"kẻ ở trên", ngó xuống dưới ta chỉ thấy"kẻ ở dưới", cho thấy một xã hội của sự phân biệt. Như lão già Trimagasi đã nói câu nói bất hủ trong phim :

-"Đừng kêu mấy kẻ bên dưới"
-"Vì sao?" Goreng hỏi
-"Vì tụi nó ở dưới"
-"Đừng gọi mấy kẻ bên trên, vì tụi nó ở trên....tất nhiên rồi"
    Số phận đã định đoạt ngẫu nhiên kẻ nào phải ở tầng nào, lên voi hay xuống chó đều không phải là quyết định của mình, kẻ ở dưới phải đồ thừa mứa của kẻ ở trên vứt lại, thậm chí còn không biết được liệu những kẻ "chó đẻ" ở trên có phóng uế vào đấy sau khi nhồi nhiều nhất có thể như một lũ heo ăn tạp, chả cần biết ngon lành là gì, miễn là lấy được thức ăn tống vào mồm nhiều nhất có thể, còn những kẻ được cho là rác rưởi ở tầng dưới thì miễn quan tâm. Vì biết đâu tháng sau kẻ đó lại ở trên đầu của mình, lúc đó chính mình lại là đứa đi ăn đồ thừa của nó. Thế nên thức ăn sẽ không còn lại khi đến những tầng bên dưới, lúc đó chỉ còn cách là giết lẫn nhau để tồn tại. Từ cảnh tráng lệ của ẩm thực, cảnh vui vẻ trò truyện, ăn thừa mứa từ tầng trên cùng cho đến cảnh giết chết, ăn thịt man rợ, những bản chất của loài vật trong con người bắt đầu được bộc lộ một cách ghê tởm nhất.
    Cấu trúc chiều thẳng đứng, một khung cảnh, một lối đi, một chiều đi lên và một chiều đi xuống và chỉ có một cái bàn đồ ăn,chỉ khác cuộc đối thoại giữa các nhân vật khác nhau. Vậy "sự lựa chọn" là thứ duy nhất mà mỗi tù nhân có thể làm. Họ có thể chọn chia đều thức ăn cùng nhau hoặc dành hết thức ăn cho mình, họ có thể chọn ăn thịt đồng loại hay bị đồng loại ăn thịt chính mình. Và bộ phim lúc đầu đã cho ta thấy sự lựa chọn ích kỷ của tất cả tù nhân, mọi thứ đều vì lẽ sinh tồn của chính bản thân, tống tất cả vào mồm, tiểu vào bàn thức ăn, giết đồng loại để tồn tại.
    Về sau bộ phim đã tạo ra nhiều sự lựa chọn mang tính đạo đức hơn khi mà Imoguiri đề xuất ý tưởng chia đều thức ăn cho tất cả các tầng, nhưng ý tưởng này là ảo tưởng vì kẻ nào cũng chỉ vì cái bụng sinh tồn của mình, không đời nào lại đi chia sẻ thức ăn mà mình nhận được trong khi những kẻ khác lại không làm thế. Ý tưởng này nhiều người bảo giống với ý tưởng "Xã hội chủ nghĩa", nhưng nền kinh tế không thể thu nhỏ như trong phim được. Ỷ tưởng của Imoguiri chỉ có thể thành công khi mà toàn bộ tù nhân thống nhất được với nhau và chia sẻ đều thức ăn một cách tự nguyện. Rồi đến Baharat khi tù nhân da đen này có một khát vọng mãnh liệt là có thể thoát khỏi cái nhà tù nguyền rủa này bằng cách leo lên trên. Nhưng anh ta cũng là một kẻ ảo tưởng như Imoguiri khi anh ta bị kẻ bên trên ỉa vào mặt khi cố tìm cách trèo lên trên căn phòng của họ. Căn phòng là cái nồi cơm của mỗi tù nhân, không tù nhân bên trên nào chịu chia sẻ cái nồi cơm của chính mình, dù cho cái nồi cơm ấy họ chỉ ở được có một tháng.
    Một sự xoay vòng ngẫu nhiên, một sự sắp đặt không thương tiếc. Khi nhân vật chính của bộ phim nhìn xuống hay nhìn lên đều chỉ xuất hiện một hình ảnh, là một " Vòng lặp ảo ảnh", hình ảnh giống nhau như đúc giữa các căn phòng tạo nên một vòng lặp ảo ảnh như vậy, vòng lặp của sự khát máu, bức bối, điên loạn, u ám kéo dài xuống dưới tận cùng. Dù cho có đi lên trên hay xuống dưới, đều có thể bị chết.
    Nếu như họ có thể Đoàn kết tập thể, giao tiếp thống nhất cùng nhau, dùng sức mạnh của nhóm thì mọi chuyện có lẽ khác. Cái miếng mồi là cái bàn thức ăn đã khiến họ như những con chó đói cắn xé lẫn nhau để giành miếng ăn cho mình. Liệu xã hội có giống như vậy, liệu xã hội chúng ta đang sống có một thứ gì như cái miếng mồi khiến ai cũng khát máu mà cắn xé lẫn nhau? Nếu như tất cả mọi người trong tù ngục ấy có thể thống nhất ý kiến, cùng hợp sức thì có lẽ tất cả đã cùng thoát ra khỏi cái hang địa ngục điên loại ấy rồi.... Thật đáng tiếc, nhưng lại là một sự thật cay đắng mà ai cũng có thể nhận ra được.
    Quyển sách Don Quijote hay Con dao đều là thứ có trong mỗi con người. Quyển sách tượng trưng cho tinh thần và linh hồn của mình, còn con dao là thứ dùng để bảo vệ, tự vệ cái phần con người của mình trước những mối hiểm họa, thậm chí có thể dùng nó để tiêu diệt đồng loại. Bàn thức ăn là cái dạ dày của mỗi chúng ta, chúng ta không thể sống mà không ăn, không có thức ăn thì dù có đọc Don Quijote thì cũng thành thức ăn cho kẻ khác. Ốc sên, Dĩa bánh ngọt, Con chó, Cái dây, tất cả hình tượng đều có một ý nghĩa riêng tùy theo sự cảm nhận của mỗi người. Nhưng ám ảnh nhất chắc chắn là Đứa bé, nó có thật không? Nó tượng trưng cho cái gì? Mục đích đi lên để làm gì?
    Số phận là thứ mà mỗi người không thể nào chọn lựa, làm chọn để chọn thức dậy với một bàn thức ăn cao cấp nhất ở tầng 1 hay thức dậy dưới đáy tận cùng của tầng 333. Không tù nhân nào có thể thay đổi quyết định đó, nhưng họ có thể quyết định sống cùng nhau như thế nào. Đó là một lý tưởng mà thế giới loài ngoài vẫn đang tìm câu trả lời, chúng ta không thể chọn nơi sinh ra nhưng chúng ta có quyền lựa chọn cách sống cùng nhau như thế nào. Tù ngục u tối tượng trưng cho cái thế giới bất hoàn hảo mà chúng ta đang sống, nhân loại chỉ vừa văn minh được bao nhiêu thế kỷ? Liệu chúng ta sẽ cùng dắt nhau đi xuống đáy hay cùng nhau tiến lên? Đó đều nằm ở số phận của loài người.
---
(Volkan Vutich viết ngày 19/04/2020)