Cuộc đời tựa như một dòng chảy, và tôi thì cứ mải miết chạy theo những cung đường mới, càng đi càng xa nhà. Đến khi một ngày trở về, tôi bất chợt nhận ra hình như mình đã bỏ quên nhiều điều quan trọng.
Dạo này, tôi hay nhớ về những ngày xưa cũ. Ngày trước tôi ở với ông bà nội. Bố mẹ tôi đi làm xa, gửi tôi lại cho ông bà. Thời gian tôi ở cùng bà nội còn nhiều hơn ở với bố mẹ, cho nên có thể nói bà đã cùng tôi lớn lên, cũng là cả một bầu trời của tôi.
Bà nội tôi vất vả, xót xa hơn có thể nói là khổ, rất khổ. Khi bà lên năm tuổi, cụ ngoại mất, sau đó cụ ông đi bước nữa, bà nội được anh em chú bác nuôi nấng. Thời bà tôi là cái thời đói kém nào đó, rồi bà nội được họ hàng thương xót nhận làm con nuôi. Sau này lấy ông nội tôi cũng vẫn là những chuỗi ngày tháng vất vả kéo dài, một mình xoay sở nuôi các con, tất tưởi đến lúc về già chưa xong.
Họ hàng làng xóm vẫn cho là bà khó tính, rồi chuyện mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu nhà nào cũng có, gia đình nháo nhào là chuyện thường tình. Thế nhưng, trong bất cứ một mối quan hệ nào cũng vậy, chỉ khi đủ thấu hiểu thì mới có thể cảm thông cho nhau và xa hơn nữa là chữ thương. Còn không thì như Nam Cao nói “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu”.
Bà tôi gầy, dáng người nhỏ bé. Nhiều hồi ức cùng với bà, tôi cũng đã cất sâu vào góc nào đó, vẫn mong một ngày bất chợt có thể tìm lục lại. Đó là những đêm trăng sáng trước hiên nhà, bà tôi kể về những ngày xưa, chuyện ngày bà còn đi làm dân công hỏa tuyến, rồi chuyện ma, bà bảo ngày xưa nhiều ma lắm. Còn tôi thì háo hức vô cùng, chỉ mong những câu chuyện ấy kéo dài mãi. Cũng là những ngày tôi xuống ngủ cùng bà, đêm nào cũng giục bà dậy dẫn tôi đi vệ sinh vì “cháu sợ ma lắm”. Xong xuôi, tôi lại cuống cuồng chạy vào nhà, miệng cười tíu tít “eo ơi ma kìa”. Bà tôi cầm đèn pin đi sau không quên quở trách “Cái thằng bố nhà mày”.
Năm tôi lên lớp hai, tôi bắt đầu chập chững biết đi xe đạp, suốt ngày lượn hết làng trên xóm dưới. Tôi háo hức bảo bà, bà lên đây cháu chở đi. Bà tôi không biết đi xe đạp, đi đâu bà cũng đi bộ. Từ đó, tôi làm xế chuyên cho bà, đi chợ, đi chùa, đi ra ruộng lúa, đi lên quê ngoại… Tôi dặn bà “Bà đi chợ xa thì bà đợi cuối tuần nhé, cháu nghỉ rồi cháu chở đi”. Bà tôi vui lắm, bà khoe với hàng xóm “trông loắt choắt thế mà nó chở giỏi lắm”. Trộm vía là tôi cũng biết cẩn thận, đi một mình thì láu cá chứ chở bà thì lúc nào cũng phải chắc tay.
Năm tôi lên lớp sáu, ở lớp có môn công nghệ, thêu thùa may vá gì đấy, tôi thích lắm, táy máy nghịch ngợm đủ kiểu. Lần đầu tiên tôi may cho bà một cái túi rút, bằng tấm vải cũ tôi lôi trong ruột gối ra, với những đường chỉ vụng về. Sau đó, bà tôi giữ chiếc túi ấy mãi một thời gian rất dài, đến khi cũ quá, tôi bảo bà bỏ đi và tìm mua cho bà một chiếc túi nhỏ bằng thổ cẩm khác.
Rồi những ngày mùa vụ, tôi lầm lũi theo bà. Tôi theo bà ra đồng cắt cỏ lúa, đến nửa buổi trời nắng, tôi bắt đầu phá bĩnh “Ôi cháu khát nước lắm rồi, hoa mắt lắm rồi, đi về thôi”. Bà tôi nghe tôi kêu nhiều cũng đành, trên đường về cố ý dừng lại mua kem cho tôi. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác vui vẻ của mình những ngày đó. Rồi những hôm bà dậy sớm đi nhổ mạ, tôi cũng nằng nặc đòi bà gọi dậy cho theo cùng. Tất nhiên là tôi chẳng giúp được gì, tôi thích ra nghịch bùn và lội thì thụp dưới bùn thôi. Trời sáng, cả người tôi không khác con trâu đất là mấy. Bà bảo, từ mai ở ngay nhà, không bõ công giặt quần áo. Bà tôi tất nhiên là già rồi, mà người già thường ít ngủ. Bà hay dậy sớm đi bộ. Có hôm trở trời, tôi trở nết dậy lẽo đẽo theo bà, và rồi cũng không ngoài dự tính, được dăm hôm là lại đâu vào đấy.
Lớn hơn một chút, tôi cũng tất bật học hành thi cử như ai. Những đêm tôi thức khuya học bài, bà tôi cứ chốc chốc lại giục “Mấy giờ rồi con, thôi học vậy thôi, đi ngủ đi, muộn lắm rồi”. Ngày tôi học cấp ba, hay đi về muộn, trưa muộn, tối muộn, ông bà thường xuyên chờ cơm tôi. Thế là tôi bảo bà, bảo bố mẹ tôi “Con lớn rồi. Con muốn tự nấu tự ăn”. Tôi tha thiết ỉ ôi, mẹ tôi cuối cùng cũng đồng ý. Bà nội và mẹ tôi không hợp nhau, bà cũng đành thuận theo. Được một thời gian, tôi bị một trận ốm vật mất gần một tuần trời. Bà tôi lo như cháy nhà, bà nhất quyết bảo: "Không chung riêng gì cả, có sao ăn vậy còn hơn để nó một mình ăn uống không ra gì". Thế là cuộc cách mạng tự lực tự cường của tôi chấm hết sau hơn ba tháng ấp ủ và “trứng nước” vỏn vẹn ba bảy hai mốt ngày chiến đấu ngoan cường. Thôi, chắc chưa thích hợp làm người lớn.
Sau này, tôi đi học xa nhà, lần nào bà cũng theo tôi ra tận cổng, dặn dò “Con đi xong bao giờ được nghỉ thì về nhá”. Có lần, bác tôi hỏi “Cháu gái bà đi học xa, bà có nhớ không?”- “Nhớ, lúc nào cũng mong là bao giờ nó về, nhưng rồi 1 năm, 2 năm cũng quen dần đi”. Đến bây giờ, nhớ lại câu nói ấy, tôi vẫn còn cảm thấy trống trải. Mỗi lần đi về bà tôi hay dấm dúi cho tiền. Tôi nhất quyết không lấy, tôi bảo bà làm gì có tiền, bà liền dãy nảy, bà bảo bà đầy tiền.
Dạo này, bà tôi gầy đi nhiều, nghe thì câu được câu không. Tuần trước về nhà, tôi lại xuống ngủ cùng bà nội. Người già thường cô đơn, quanh đi quẩn lại chỉ còn biết đếm ngày đếm tháng. Tôi nằm cạnh bà, bà kể đủ thứ chuyện, tôi cũng chẳng rõ những câu chuyện ấy, chỉ nằm cạnh lắng nghe. Bà bảo tôi dạo này ít về. Tôi hớn hở “Cháu bận đi chơi với người yêu đấy”. Bà mắng, chỉ được cái mồm, học xong rồi cũng lo mà kiếm người nọ người kia, bằng tuổi bà người ta cháu đông cháu tây rồi. Tôi cười ngoác miệng “Cháu gái bà ghê gớm như ma, người ta thấy mà không chạy sớm thì cũng hơi phí... Thôi bà nói vậy, cháu mà đi lấy chồng bà lại khóc huhu nhé”. Bà bảo, khóc cũng được.
Mỗi lần tôi về, về được một hai ngày lại đi. Và đôi khi vì nhiều chuyện đời mà còn quên cả việc trở về cạnh bên những người luôn từng ngày ngóng trông mình.
Cháu gái bà vẫn chưa kịp lớn, nên là mong bà của con luôn khỏe mạnh thêm nhiều nhiều năm nữa nhé. Thương thương.