Thực ra khi mình đang nói về “Render Chân Thực”, hàm ý khác nghĩa là mình đang ám chỉ “Giống ảnh chụp”. Vì vậy, chúng ta sẽ cần đề cập tới thiết bị tạo ra ảnh chụp.
CAMERA!
Cụ thể hơn là cách mà camera nhìn thấy ánh sáng, mã hóa thông tin hình ảnh để chuyển ra màn hình hiển thị, cách mà màn hình hiển thị thông tin (bạn đã bao giờ gặp trường hợp mà, xem ảnh trên máy tính mình thì long lanh, mở trên máy khách xem thì trông như… gì chưa?).
Đó là chủ đề mà chúng ta sẽ... KHÔNG bàn tới ngày hôm nay.
Hiện tại, Bí Quyết Render Chân Thực hơn, mình hãy tạm chia cơ bản ra làm 4 chủ đề như sau:
1. Modeling – Dựng Hình
2. Materials – Vật Liệu
3. Lighting – Ánh Sáng
4. Post-processing – Hậu kỳ
Trong đó theo ý kiến của mình, thì đặc biệt cần chú ý tới Lighting. Ba chủ đề còn lại đều phần nào có tiêu chuẩn theo thực tế để định hướng chúng ta dễ dàng hơn, thậm chí là có sẵn thư viện để gắp-thả-không-suy-nghĩ. Tuy nhiên, Lighting (Ánh sáng) thì có liên quan đến cảm xúc, khó hơn nhiều việc gắp-thả-không-suy-nghĩ từ bài khác sang bài mình một cách tùy tiện.
Đây cũng chính là lí do có sự tồn tại của series Ánh Sáng mà mình đang viết, bạn có thể tìm đọc thêm ngay tại tài khoản này.
Tiếp tục với bài viết, hôm nay chúng ta sẽ cùng bàn về chủ đề đầu tiên nhé, và đó là:

1. MODELING:

Dựng hình là Khâu đầu tiên và nền tảng cho Render Chân Thực. Nếu bạn dựng hình tốt, xin chúc mừng!!! Bạn có lợi thế để hướng đến Render Chân Thực. Còn nếu bạn chưa dựng tốt? Không sao không sao, hãy tiếp tục đọc bài biết này, và áp dụng một số tips dưới đây:
• Tuân Thủ Đơn Vị Có Sẵn: Hãy tuân thủ theo tỉ lệ và kích thước thực tế. Chiều cao trần, bề dày tường, độ cao của bàn ghế, kích thước ổ cắm điện,… tất cả mọi thứ. Bạn không thể có một bức hình chân thực nếu cái đũa to hơn cái nồi cơm được. Vì vậy lời khuyên của mình, là trước khi dựng bất cứ thứ gì bạn không nắm rõ kích thước, hãy hỏi bác google.
Hãy hỏi bác google!!
Hãy hỏi bác google!!
Hoặc đơn giản là dùng đồ thư viện chuẩn kích thước sẵn.
• Chỉ chơi với cạnh cùn: Trong thực tế vốn không có cái gọi là cạnh sắc hoàn hảo. Kể cả với cái mà chúng ta gọi là con dao, khi xem qua kính hiển vi, nó có thực sự sắc một cách hoàn hảo?
Lưỡi dao khi zoom lên bằng kính hiển vi
Lưỡi dao khi zoom lên bằng kính hiển vi
Tuy nhiên thế giới 3D lại rất hoàn hảo, chúng ta mặc định có cạnh sắc hoàn hảo. Chính vì vậy, điều mình cần làm là giảm độ sắc của các cạnh. Để làm được như vậy, về cơ bản mình có 2 cách sau tùy trường hợp:
a. Thả thêm chamfer modifier vào hình dựng
b. Sử dụng các chặn cạnh Poly thông thường, cộng với Turbosmooth modifier (Phương pháp Sub-d)
Kết quả sau khi cạnh sắc hoàn hảo được làm mềm, đem lại kết quả bắt ánh sáng tốt hơn.
Kết quả sau khi cạnh sắc hoàn hảo được làm mềm, đem lại kết quả bắt ánh sáng tốt hơn.
• Sử dụng tư liệu tham khảo từ thực tế: Thực ra đây là tip mà mình áp dụng với mọi khâu. Đôi khi, kí ức của chúng ta thực chất chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Bạn đã bao giờ ngỡ ngàng khi nghe người khác kể lại một kỉ niệm chung giữa hai người, mà không hề giống với những gì bạn nhớ chưa?
Vì vậy mình xin khuyến khích bạn hãy luôn sử dụng ảnh tham khảo thực tế, đặc biệt nếu mục đích là hướng tới Render Chân Thực. Nếu bạn cần dựng 1 mẫu bàn, hãy chụp thật kĩ tất cả các góc làm tham khảo nghiên cứu.
Hiệu quả hơn cả là có sẵn nó ngay bên cạnh, chạm được, ngửi được, nghe được, nếm được, thấy được...
Mình chỉ có thể phóng tác hợp lí dựa trên những gì có sẵn, vậy không phải trước tiên nên hiểu rõ những cái có sẵn sao? Chưa hiểu thì mình tìm hiểu, nghiên cứu đến khi hiểu, có gì đâu mà.
Ví dụ về việc tham khảo tư liệu thực tế.
Ví dụ về việc tham khảo tư liệu thực tế.
• Học giải phẫu và tỉ lệ cơ thể người:
Có thể bạn đang nghĩ rằng Tip cuối cùng này chỉ đặc biệt quan trọng cho những người dựng nhân vật. Tuy nhiên có một từ khóa gọi là "nhân trắc học", bạn có thể search thêm về từ khóa này.
Tại sao nó quan trọng?
Vì cơ bản là xã hội mà ta đang sống, đều xoay quanh loài người, các tiêu chuẩn, thước đo, giới hạn,... cũng từ đó sinh ra. Kích thước cái ghế, ngôi nhà, đôi đũa, cái bát,... là để phục vụ cho con người sử dụng được, dựa theo kích thước và tỉ lệ của con người.
Khi bạn nắm được về "nhân trắc học", bạn sẽ không chỉ nắm được "nhân trắc học".
Okieee, và đó là những tip mình đề xuất bạn quan tâm ở Khâu Modeling. Và cũng là phần cuối của bài viết hôm nay.
Hẹn gặp lại trong số tới!
#High_on_Sharing
#Delnary_Realistic