BẠN CÓ ĐANG BỊ ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA?
Bạn đang ở độ tuổi 16 - 30 và chênh vênh? Bạn có đang nghĩ mình đang bị chứng gọi là áp lực đồng trang lứa? Vậy áp lực đồng trang lứa là gì? Dấu hiệu và nguyên nhân? Bài viết này sẽ giúp bạn thấu hiểu cảm xúc tiêu cực này cũng như cách vượt qua nó.
Áp lực đồng trang lứa là hiện tượng được nhắc đến khi các cá nhân rơi vào vòng cạnh tranh xã hội của những người tầm tuổi, buộc các cá nhân đó phải thay đổi tư duy, cảm xúc, hy sinh quyền lợi cá nhân. Stress, trầm cảm, thiếu tự tin, thay đổi quan điểm sống; hoặc kiêu ngạo quá mức, dễ kích động, quá tham vọng cũng là biểu hiện của người bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa. Ta có thể thấy áp lực đồng trang lứa thường xảy ra khi các cá nhân trong 1 giai đoạn cuộc đời buộc phải thay đổi bản thân để phù hợp với dòng chảy của xã hội. Về mặt tích cực, nó giúp con người ta có thể bước ra khỏi vòng an toàn, trưởng thành hơn. Về mặt tiêu cực, nó khiến stress, tự ti, và luôn phải so sánh bản thân mình đến mức khủng hoảng.
I) Nguyên nhân của áp lực đồng trang lứa.
1) Từ bản thân
Sẽ có 2 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Người trẻ có khao khát và ước mơ to lớn, muốn dấn thân vào thế giới rộng lớn hơn để thể hiện cá tính của mình. Tuy nhiên, bạn ấy lại chưa có đủ kinh nghiệm để có thể hiểu về xã hội. Kỳ vọng càng cao thì thất vọng càng lớn. Nếu người này nếu thành công thì nảy sinh ra tâm lý hơn thua: tham vọng và kiêu ngạo - thuộc nền tảng cho áp lực đồng trang lứa. Nếu lại thất bại thì sinh ra tâm lý tiêu cực, tự ti, không tin vào chính bản thân mình.
Trường hợp 2: Người trẻ chưa rõ về thực lực bản thân mình. Chưa biết bản thân mình đam mê, có mục đích sống là gì. Theo thời gian, nhìn những bạn bè xung quanh tài giỏi thì trở nên áp lực. Tuy có mong muốn thay đổi nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, nảy sinh ra tâm lý tự ti.
2) Từ người khác
Gia đình thúc ép, kỳ vọng gây áp lực. Người yêu đòi hỏi, vẽ chuyện tương lai của cả hai. Thành tích cũ, nhà trường, bạn bè, đồng nghiệp gây cho ta những sợ hãi vô hình.
3) Mạng xã hội
Việc sử dụng mạng xã hội, cập nhật những tin tức của người khác cũng là 1 trong những việc gây áp lực đồng trang lứa đến mức nặng nề. Vì những thông tin trên mạng xã hội không được kiểm soát cụ thể, mà facebook lại là 1 trong những mạng xã hội mà ta nghiện nhất, nên đôi khi dù không muốn ta cũng phải tự làm cho bản thân bị áp lực.
II) Áp lực đồng trang lứa có thật sự xấu?
Nhưng nhìn lại, áp lực đồng trang lứa lại không phải là chuyện xấu hoàn toàn. Áp lực đôi khi lại là điều tích cực để những cô cậu lười biếng thoát ra khỏi vòng an toàn của mình mà chăm chỉ hơn. Sự thôi thúc trong bản thân khiến chúng ta hoàn thiện và xây dựng đam mê của mình, làm cho ta cố gắng được công việc mơ ước hơn. Áp lực khiến những người trẻ không còn non dại nữa mà ngày càng trưởng thành, chín chắn hơn. Áp lực làm cho ta xây dựng được 1 cuộc sống mới và chất lượng hơn.
III) Mẹo để ta vượt qua áp lực đồng trang lứa.
1) Hành động, không trì hoãn.
Trì hoãn và không đổi mới cũng là việc khiến tương lai ta bị áp lực đồng trang lứa. Vì thế, kỷ luật, học hỏi cái mới, kiếm 1 công việc, chấp nhận thất bại sẽ là sức mạnh giúp cho ta không còn so sánh với người khác nữa mà chỉ còn là tự hào với bản thân.
2) Ngừng phán xét.
Loại suy nghĩ chỉ nhìn thấy cái tiêu cực, cái thất bại của người khác, hay tâm lý hẹp hòi không chấp nhận người khác giỏi hơn mình cũng là nguyên nhân gây ra áp lực đồng trang lứa. Nếu như ta không công nhận người khác thì ai sẽ giúp đỡ và công nhận mình đây. Nếu như ta không học hỏi từ những điều nhỏ nhặt của người khác thì ta làm sao có thể tốt hơn đây.
3) Suy nghĩ tích cực và biết ơn.
Những người giỏi giang xung quanh mà ta đang ghen ghét, thực chất họ đang phát ra tính hiệu: “Bạn có thể làm được đấy”, “ Bạn đang thiếu điều này phải không, hãy để tôi chia sẻ với bạn”. Vì thật không một ai cố gắng để làm bạn áp lực, mọi người chỉ đang mong muốn được chia sẻ hoặc được ai đó công nhận mà thôi. Bạn có thể ngừng sử dụng những thiết bị hoặc cắt đi những nguồn làm cho bạn phải so sánh với người khác. Nếu muốn giải trí với mạng xã hội, hãy sử dụng những mạng xã hội khác hoặc chọn 1 thời điểm mà bạn có thể làm chủ được mình, bạn nhé!
Phạm Thúy An
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất